Tuesday, April 21, 2009

KIỂU CHẾT BẤT ĐẮC KỲ TỬ 'MADE IN SAIGON'

Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự
Số 307 - Ngày 19 tháng 4 năm 2009

Văn Quang
4/20/2009 9:51:37 PM
http://www.take2tango.com/?display=6734

Kiểu chết bất đắc kỳ tử "made in Sài Gòn"
Cái chết oan uổng của cô gái trẻ mới 22 tuổi Hoàng Thị Thanh Truyền do điện giật, khi đi xe gắn máy trên đường Âu Cơ vào ngày 13-4 vừa qua, như một cú sốc đối với người dân Sài Gòn. Nhiều người cho rằng đó là kiểu chết… độc đáo "made in Sài Gòn".
Càng tiếc thương cho cô gái Thanh Truyền, người dân lại càng bất bình hơn đối với các cơ quan quản lý cơ sở hạ tầng thành phố. Điều này tôi đã tường trình từ những bài trước. Đây không phải là trường hợp đầu tiên mà chỉ là thêm một giọt nước làm tràn ly thôi.

Màng nhện dăng ngang dọc trên khắp mọi nẻo đường, lúc nào cũng có thể rơi xuống gây nguy hiểm chết người cho người đi đường.
http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/04-2009/Tuan%2012/VanQuang-01.jpg

Từ đầu năm 2008 đến nay, tại TP. Sài Gòn đã xảy ra ít nhất 7 vụ tai nạn nghiêm trọng gắn liền với cơ sở hạ tầng yếu kém - làm chết 11 người (chưa kể trường hợp của cô Thanh Truyền). Các vụ tai nạn dẫn đến những cái chết bất đắc kỳ tử trên đều xuất phát từ những nguyên nhân hết sức vô lý, mà chỉ có ở TP. Sài Gòn, như: đang ung dung đi trên đường bỗng dưng... lọt xuống hố ga; tránh ổ gà té xuống đường, bị xe buýt cán qua chết ngắc; té xuống hố sâu do đường phố bị ngập... Đấy là chưa kể không biết bao nhiêu vụ tai nạn, làm bị thương nhiều người đi đường vì những lý do khác: Những bùi nhùi dây điện sà xuống như những thòng lọng giăng ngang đường, cây xanh gãy cành rơi trúng người đi đường, gây thương tích dẫn đến tử vong... Vậy thì có gọi là kiểu chết "made in Saigon" cũng chẳng sai.

Tất cả như những cái chết treo lơ lửng ấy được báo trước, nhưng chẳng cơ quan nào có khả năng giải quyết được đến nơi đến chốn. Như những cái màng nhện tôi đã tường trình trong bài trước thì cả năm bảy chục năm sau cũng chưa chắc đã đưa được những sợi dây điện của các cơ quan truyền thông và lưới điện xuống lòng đường. Nó cứ toòng teeng như thế mãi như sợi dây thòng lọng trên các pháp trường thời Trung Cổ. Nhưng ở đây không có tử tội nào, mà… tất cả những người đi đường đều có thể là tử tội. Vậy xin điểm qua đôi nét về khung cảnh cái "pháp trường" xảy ra tại đường Âu Cơ vào ngày đầu tuần vừa qua, bạn đọc sẽ thấy rõ hơn.

Tử thần phóng thẳng vào đám đông
Vào đúng giờ cao điểm sáng 13-4 tại đường Âu Cơ (phường Tân Thành, Tân Phú, TP. Sài Gòn), lúc này đường Âu Cơ đang ngập nước vì cơn mưa lớn vào hồi 5g30 sáng. Mặc dù lúc này mưa đã tạnh nhưng toàn bộ con đường không thể thoát hết nước khiến giao thông tắc nghẽn. Ước chừng có khoảng hơn 100 người đang hối hả đi làm, hầu hết là đi trên xe gắn máy.

Dây điện trung thế 15kV bị đứt, nẹt lửa (ảnh trái) và hiện trường xảy ra tai nạn thương tâm trên đường Âu Cơ, Q.Tân Phú, TP. Sài Gòn. Cô gái bị điện giật chết, bên cạnh là xe máy cũng đang bốc cháy (ảnh phải).
http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/04-2009/Tuan%2012/VanQuang-02.jpg

Mọi người đang đi chậm để vượt qua đường lụt lội và kẹt thì bỗng thấy dây điện cao áp thõng xuống kèm theo cháy nổ. Sau đó dây điện đứt, hai đầu dây rơi thẳng vào đám đông bên dưới. Người nào phát hiện ra sớm thì bỏ xe tháo chạy, trong khi một số người còn ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra và chỉ chạy đi khi những người xung quanh la hét.
Phần lớn người đi đường đã quăng cả xe máy, túi xách, nhanh chóng thoát khỏi hiện trường, tuy nhiên 1 nạn nhân đã không thể chạy thoát và chết tại chỗ vì điện giật. Theo một số nhân chứng cho biết, khi dây điện đứt, chị Hoàng Thị Thanh Truyền (22 tuổi) bị điện giật ngã xuống lề đường. Tuy nhiên khi đó chị vẫn
có thể thoát được nếu không bị 1 chiếc xe buýt đi ngang qua khiến nước bắn lên. Hậu quả là chị bị điện giật chết.
Những nạn nhân của vụ đứt cáp điện này cho biết, mặc dù vào thời điểm đó ai cũng biết còn 1 cô gái bị mắc lại nhưng không ai dám lao ra cứu vì quá nguy hiểm. Dây điện đứt xuống có thể truyền điện vào nước và giết chết bất cứ ai lại gần. Cũng vào thời điểm đó, một chiếc xe máy bị điện phóng đã bốc cháy tại chỗ, hàng chục chiếc xe khác vứt lỏng chỏng cũng có nguy cơ bị cháy nổ theo.
Tại hiện trường sau đó, người dân chứng kiến xác người phụ nữ nằm ngay bên chiếc xe của mình. Dưới chân còn sợi dây điện. Toàn thân cô bị cháy đen. Cạnh đó là hai chiếc xe khác bị cháy sém.


Nguyên nhân vì đâu?

Bà Nguyễn Thị Lan, ở tổ dân phố 96 KP 7 (P.14 Q. Tân Bình) đối diện nơi xảy ra tai nạn cho biết, sau cơn mưa vào lúc rạng sáng, đường Âu Cơ chìm trong biển nước. Người phụ nữ bị nạn trước đó đã leo lề đến trước Trung tâm bảo trì xe Yamaha 683 Âu Cơ bất ngờ bị sợi dây điện trung thế từ trên cao rơi trúng chân và bị điện giật. Tuy nhiên chị đã gượng lên được nhưng ngay lúc đó, chiếc xe buýt trờ tới. Nhiều người đã ra đường chặn ngay xe buýt nhưng tài xế vẫn bất chấp lao tới khiến nước bắn lên dẫn điện tiếp, giật người phụ nữ chết ngay tại chỗ.

Tuy nhiên, dù sao đó cũng chỉ là yếu tố phụ. Bác tài xe buýt ngồi trên xe, khó có thể biết được sợi dây điện ác nghiệt kia không an toàn cho người nào trong số hàng trăm người đang hoảng loạn, anh ta cũng phải tính cách an toàn cho xe và khách trên xe của mình, nhanh chóng thoát ra khỏi khu vực tử thần đó. Lỗi không hoàn toàn thuộc về anh tài xế xe buýt. Vậy lỗi tại ai? Ai chịu trách nhiệm? Tất nhiên là "ông nhà đèn", tức Cty Điện Lực TP. Sài Gòn, là chủ nhân của những cái cọc điện, dây điện và những yếu tố kỹ thuật khác.

Tại ông trời

Theo báo cáo của Điện lực Tân Phú (thuộc Công ty Điện lực TP. Sài Gòn), nguyên nhân xảy ra việc đứt dây điện tại vị trí số 863 đường Âu Cơ (phường Tân Thành, quận Tân Phú) là do mưa lớn nhiều giờ, sét đánh lan truyền, gây đứt dây Âu Cơ 2, rớt xuống đường gây tai nạn.

Người dân bỏ xe chạy tán loạn
http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/04-2009/Tuan%2012/VanQuang-03.jpg

Nói giản dị hơn, ông Điện Lực lập tức đổ cho "thiên tai" chứ ngành Điện Lực hoàn toàn không có lỗi. Có trách là ngửa cổ lên mà trách ông Trời thôi. Sự độc quyền của ngành điện lực đã gây ra quá nhiều phiền luỵ cho người dân từ việc cúp điện, cho điện đến giá cả đã có quá nhiều tranh cãi. Nhưng "miệng nhà quan có gang có thép", nói gì thì nói, quan nhà đèn vẫn thắng. Cứ việc tôi làm, anh kêu cứ kêu. Cho nên những đường dây điện vẫn cứ lùng nhùng trên khắp các đường phố. Mưa gió, đứt dây, người chết là do thiên tai. Có giúp đỡ nạn nhân tí đỉnh là do sự cảm thông và "lòng nhân đạo" của ông nhà đèn, để bịt miệng dân đen. Thế là huề cả làng. Kinh nghiệm từ hàng trăm vụ dây điện giết người đã chứng minh điều này.

Chỉ tại cái "rơ le" ngủ quên
Tuy nhiên, tại hiện trường, nhiều người dân chứng kiến khẳng định vào thời điểm xảy ra tai nạn (lúc 8 giờ 37 ngày 13-4), hoàn toàn không có sét và trời đã tạnh mưa. Ông Lê Văn Đoàn - Phó giám đốc kỹ thuật Điện lực Tân Phú - cho biết, thực ra dây điện đã bị sét đánh trước đó vào lúc 5 giờ 30 cùng ngày. Phía Điện lực Tân Phú đã cho người đi kiểm tra, tuy nhiên không phát hiện ra dây điện bị hỏng vì sét đánh làm hư lõi bên trong, còn vỏ bên ngoài vẫn nguyên vẹn. Cách trả lời này rất khó thuyết phục người dân. Tại sao sét đánh lõi điện bị hư, mà vỏ dây bên ngoài còn nguyên vẹn, không hề cháy sém? Đó là chưa kể, sau hơn 3 giờ bị sét đánh thì dây điện mới bị đứt. Đúng ra chỉ vài giây sau khi có tai nạn xảy ra, bộ phận "rơ le" lập tức tự động ngắt điện ngay.
Cũng theo ông Đoàn, đường dây xảy ra tai nạn vừa được duy tu, bảo trì trong tháng 3-2009. Do dây điện đã bị "tổn thương" vì sét đánh trước đó nên bị đứt do không chịu nổi dòng điện chạy qua, chứ không phải bởi chất lượng dây điện "có vấn đề".

Chiếc xe bị cháy bên những chiếc xe khác cũng có thể bốc cháy khiến người dân lo âu
http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/04-2009/Tuan%2012/VanQuang-04.jpg

Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng mà ngành điện vẫn chưa có câu trả lời là vì sao rơ-le tại khu vực này (dây Âu Cơ 2) đã không tự động ngắt điện khi có tai nạn xảy ra, khi dây điện bị đứt và rơi xuống đất? Liệu trên địa bàn TP. Sài Gòn, những khu vực lưới điện khác, hệ thống rơ-le có "ngủ quên" như tại đường Âu Cơ,
quận Tân Phú? Như vậy tai nạn có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào.

Anh Pham Thanh Danh, có mặt trong vụ tai nạn đã lên tiếng: "Tôi cũng là người có mặt trong vụ đứt dây điện sáng nay, đứng sát bên cô gái nạn nhân. Tôi không đồng tình với ý kiến là đường dây điện bị sét đánh trúng. Tôi cũng là kỹ thuật viên ngành điện, xin được thắc mắc: khi tai nạn xảy ra, tại sao đường dây hệ thống truyền tải điện không được cách ly liền mà tới hơn 15 phút điện mới được ngắt? Tôi có cảm giác như cô gái đáng thương đó phải "chết" nhiều lần vậy".

Hãy thử xem lần này Cty Điện Lực TP. Sài Gòn chạy tội như thế nào và những cơ quan đại diện của dân, Uỷ Ban được gọi là Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố, các đoàn thể vì dân do dân cũng như chính phủ sẽ có thái độ ra sao đối với những sai sót trầm trọng như thế này?

Những "pháp trường điện" đó không chỉ có ở TP. Sài Gòn, còn nhiều địa phương khác cũng thường xảy ra những tai nạn kinh hoàng như vậy nữa. Xin chứng minh vài vụ lẻ tẻ:

Dây điện đứt siết cổ chết người đi đường

Một vụ tai nạn rất thương tâm xảy ra vào rạng sáng ngày 18-6-2008, tại tỉnh Khánh Hoà khi một xe chở khách quệt đứt chùm dây điện. Cuộn dây này văng vào hai người đi xe máy khiến một người bị tắt thở, một người ngã chấn thương sọ não chết.
Vụ tai nạn xảy ra vào 0 giờ ngày 18-6, tại km 1450+700 quốc lộ 1A, thuộc thôn Như Xuân, xã Vĩnh Phương, Nha Trang (Khánh Hoà). Xe chở khách do anh Lê Thành Ký điều khiển hướng Bình Định - TP. Sài Gòn, quệt đứt chùm dây điện.
Chùm dây văng vào xe máy biển số 79K4-3575 chạy ngược chiều, trên xe có chị Trần Thị Ngọc Sương (SN 1966) và Hồ Thị Vụ (SN 1964) làm cả hai chết tại chỗ.
Công an Nha Trang đã tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và kết luận: chị Sương chết do bị dây điện quấn siết vào cổ; chị Vụ chết do bị ngã xuống đường, chấn thương sọ não.

- Tại Phú Yên: Hai bà cháu chết tại chỗ vì đứt dây điện hạ thế.
Lúc 11g30 ngày 31-12, trong lúc chơi trước sân nhà, bé Nguyễn Lê San San vấp phải dây cáp điện trần hạ thế bị đứt, bị điện giật và chết ngay tại chỗ. Thấy vậy, bà nội cháu là Đặng Thị Chi (47 tuổi) hốt hoảng lao vào cứu cũng bị điện giật chết. Bé Nguyễn Lê San San 3 tuổi là con của ông Nguyễn Quang Xuân thôn Ngân Điền, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hoà.

Đồng nghiệp tiễn đưa cô gái 22 tuổi về quê quán
http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/04-2009/Tuan%2012/VanQuang-05.jpg

Nguyên nhân ban đầu được xác định dây điện bị đứt tại kẹp cáp quai do đường dây sử dụng lâu ngày bị oxy hoá.
Đây là tai nạn điện thứ tư xảy ra tại huyện Sơn Hoà trong năm 2008 và cũng là vụ tai nạn do điện giật thương tâm nhất trong vài năm qua. Có em trèo lên cây hái me, cành me ngả vào dây điện trần khiến em bị điện giật chết…

Kiểu chết như "chém treo ngành"
Gần đây là cái chết của một nạn nhân ở Vũng Tàu khi đang đi xe trên đường thì vướng phải dây cáp đứt treo ngang đường, khiến nạn nhân bị đứt cổ và chết tại chỗ. Một người dân nhận định rằng cái chết của anh không khác gì kiểu "chém treo ngành" thời xa xưa. Dưới bàn tay lão luyện của đao phủ, cái đầu của tử tội bị chém chỉ còn dính một mảng da sau gáy, khiến cái đầu lâu lủng lẳng không rớt xuống. Phải là "tay tổ" trong nghề mới ra tay "nghệ thuật" đến như vậy. Nạn nhân bị dây điện cứa đứt cổ ở Vũng Tàu cũng ở trong tình trạng ấy, chẳng biết có nên cho đó là nghệ thuật của cái dây điện hay không?

Công nhân ngành điện cũng chết
Mới buổi sáng hôm qua, 18-4, khi tôi chưa viết bài này, một tai nạn lao động xảy ra tại khu vực Hồ Con Rùa (P.6, Q.3, TP. Sài Gòn) làm một công nhân bị điện giật treo lơ lửng trên trụ điện.
Lúc 10g15’, trong lúc kéo cáp viễn thông ngang qua đường Phạm Ngọc Thạch, anh Hoàng Minh Tuấn (25 tuổi, quê Lộc Ninh, Bình Phước) đang thao tác trên trụ điện ở độ cao 4m thì chẳng may chạm vào nguồn điện nên bị giật dính vào trụ điện, treo lơ lửng như người… thắt cổ.

Cháy tại các trụ điện vẫn thường xảy ra ở TP. Sài Gòn và nhiều nơi khác
http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/04-2009/Tuan%2012/VanQuang-06.jpg

Khoảng 15 phút sau, khi cắt nguồn điện, anh Tuấn được rời ra nhưng không bị rơi xuống đất nhờ dây đai an toàn. Hai công nhân cùng làm việc trên đường dây phối hợp với nhiều người dân chung quanh leo lên đưa nạn nhân xuống đất, cấp tốc đưa vào bệnh viện, còn sống chết ra sao… hạ hồi phân giải.

Kể vài chuyện như vậy cũng đủ chứng minh những tai nạn vì dây điện sẽ còn tiếp diễn dài dài.

Đi kiểu nào cũng chết
Ở Sài Gòn bây giờ, bất cứ đi đâu cũng có thể… chết lãng xẹt. Ngoài những cái chết được báo trước như tôi tường trình ở trên, còn khối kiểu chết, kiểu lo xanh mặt mỗi khi đi trên đường phố "Sài Gòn hoa lệ"… hay rơi lệ.

Bạn đi xe máy, khi đèn đỏ dừng lại đàng hoàng, thế rồi đùng một cái một chiếc xe hơi từ phía sau đứt thắng lao lên cán bẹp dí năm bảy cái xe khác cùng vài ba mạng người. Thậm chí người dân sống ven đường nằm ngủ trong nhà cũng bị xe vận tải tông chết do tài xế ngủ gật. Những tai nạn do tài xế ngủ gật gây ra những tai nạn thảm khốc là chuyện thường thấy trên khắp các nẻo đường từ Bắc chí Nam.
Nguyên do chỉ vì các bác tài bị làm việc quá sức, lái xe đường dài suốt ngày suốt đêm mà thường chỉ có một anh nhóc mới học việc phụ lái, làm sao không buồn ngủ cho được. Nếu không chịu lái như thế thì chủ đuổi việc. Các loại xe cộ, kể cả xe vận tải, không chịu kiểm tra thường xuyên, hư đâu sửa đó. Hư cái bơm xăng thì sửa xong lại chạy. Nhưng hư cái thắng thì chỉ khi nào thắng "không ăn" mới biết, và biết thì xe đã tan tành. Cho nên ngồi trên bất cứ chiếc xe chở khách nào dù bề ngoài nó bảnh bao tới đâu thì… khi nào chết biết liền.

Đường thuỷ cũng có thể chết
Đường bộ đã thế, đường thuỷ cũng chẳng hơn gì. Từ mấy năm nay, những chuyến tàu cánh ngầm tốc hành chạy tuyến đường Sài Gòn - Vũng Tàu được kể là loại chuyên chở hành khách loại"sang". Nhìn bề ngoài thì quả thật tưởng là văn minh hiện đại, thu hút hầu hết những khách du lịch người nước ngoài và người trong nước tại 2 thành phố này. Nhưng thật ra đó chỉ là sự văn minh giả tạo. Hầu hết tàu cánh ngầm đó đã được "nước bạn Nga" sử dụng nát bét ra rồi mới bán lại cho người anh em Việt Nam thân mến. Hãng tàu cánh ngầm sơn phết lại "qua loa rơ măng" rồi cho chạy hết công suất, ngày vài ba chuyến. Vào mùa khách đông như mùa này thì "con ngựa già của Chúa Trịnh" dù đã mệt bở hơi tai, vẫn cố gắng phục vụ cho chủ thêm một hai chuyến. Mặc cho máy lạnh hư, mặc cho thân tàu mục, vá víu được đến
đâu hay đến đó.
Bằng cớ là chuyến tàu cánh ngầm Green Line 11 bị thủng tối ngày 8-4-2009 vừa qua khiến hành khách hoảng loạn và ai cũng có cảm tưởng là "suýt chết" hoặc "may mà không chết".
Ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc điều hành công ty cổ phần Dòng Sông Xanh, đơn vị chủ quản tàu cánh ngầm Green Line 11 gặp nạn chiều 8-4, cho biết, trước khi nhập từ Nga, tàu này đã sử dụng 10 năm.
Theo phản ánh của một số hành khách, sau cú va chạm mạnh, sàn và những cái nắp đậy lỗ Balast tàu văng lên. Nhiều chỗ mặt sàn tàu rất mục, bởi trong lúc tháo chạy, một phụ nữ Canada đã lọt chân và kẹt lại khiến bị thương.
Tàu Green Line 11 trước khi nhập về từ Nga cách đây vài năm với sức chứa 124 hành khách, đã qua sử dụng trên 10 năm. Ông Khánh tiết lộ thêm:"Đa số các tàu hoạt động tại Việt Nam đều nhập từ nước ngoài và đã qua sử dụng nhiều năm".

Đi tàu cánh ngầm như ngồi chờ ở bệnh viện Chợ Rẫy
Theo lời thuật lại của hành khách tên Bắc, anh mua vé tàu cánh ngầm của hãng Greenlines mang số hiệu SG-54339 xuất bến từ Vũng Tàu vào lúc 15g30 và yên tâm xuống tàu. Thế nhưng, khi tìm đến chỗ ngồi, anh đã thấy một người khác chiếm chỗ.
Hỏi ra, anh Bắc mới ngã ngửa vì hành khách đó có cùng số ghế ngồi và cùng đi chuyến tàu giống như anh. Vì có việc gấp phải lên TP. Sài Gòn, anh Bắc buộc phải đứng trong suốt hành trình dài gần một tiếng rưỡi.
Trên chuyến tàu cánh ngầm này còn có hơn 20 hành khách lâm vào cảnh tương tự như anh Bắc. Nhiều người đã tỏ ra rất bực bội vì không khí oi nồng, nóng bức trên tàu. Nhiều hành khách không có chỗ ngồi buộc phải đứng ngay chỗ cửa ra vào hoặc ngồi bệt xuống sàn tàu, cứ như cảnh ở bệnh viện Chợ Rẫy.

Không phải lần đầu tiên
Một nguồn tin khẳng định, 100% tàu cao tốc đang hoạt động tại VN là tàu cũ, có tuổi thọ trên 20 năm do Nga, Ukraina sản xuất. Do nhu cầu về vận tải hành khách trên đường sông nên phần lớn các tàu cũ khi nhập về đều được Bộ Giao thông Vận Tải VN chấp thuận.
Đây không phải lần đầu tiên hành khách đi tàu cao tốc trên tuyến đường thuỷ này thót tim vì tai nạn.
Tháng 9-2008, tàu Vina Express chở 97 hành khách từ TP. Sài Gòn đi Vũng Tàu đã va chạm với sà lan chở cát làm một hành khách bị thương.
Trước đó, vào tháng 7-2008, tàu Green Line 06 của Công ty cổ phần Dòng Sông Xanh chở khoảng 70 hành khách, khởi hành từ Vũng Tàu về TP. Sài Gòn đã bị mắc cạn tại khu vực ngã ba Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ).

Tàu Greenlines 2246 đang neo trước cảng Bến Nghé sau khi gặp tai nạn
http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/04-2009/Tuan%2012/VanQuang-07.jpg

Trưa ngày 22-9-2008, tàu cánh ngầm Vina Express đang lưu thông hướng từ Vũng Tàu về TP. Sài Gòn khi đến đoạn sông Nhà Bè đã bất ngờ đâm vào chiếc ghe, xẻ đôi một người. Cú đâm mạnh của tàu cánh ngầm làm chiếc ghe lật úp. Sau đó tàu cánh ngầm trườn qua. Anh Hon đã thoát ra ngoài được, riêng ông Biên bị tàu cánh ngầm cắt làm đôi. Thi thể ông Biên sau đó chỉ mới vớt được phần trên, phần còn lại vẫn chưa tìm thấy…

Hiện Sài Gòn có 3 hãng Tàu cánh ngầm TP. Sài Gòn - Vũng Tàu là Vina Express, Công ty Quang Hưng và Công ty cổ phần Dòng Sông Xanh (Green Line) với hơn 10 chiếc tàu hoạt động. Giá vé hiện nay là 160.000VNĐ cho một lượt đi hoặc về. Đắt hơn nhiều so với xe chở khách đường bộ.

Đi máy bay lắm chuyện bực mình
Còn đi tàu bay thì trễ chuyến xảy ra như cơm bữa. Trên đường bay TP. Sài Gòn - Hà Nội - Đà Nẵng, mỗi tháng dăm ba lần hành khách xanh mặt vì chờ đợi. Tìm một lời giải thích cũng khó khăn.
Cụ thể như chuyến bay Hà Nội - Sài Gòn ngày 7 Tết năm nay.
Chuyến bay liên tục bị hoãn, người nằm la liệt ở phòng chờ, rác xả tràn lan trên máy bay. Mật độ khách quá đông, chất lượng phục vụ của tiếp viên giảm đáng kể, đi máy bay ngày Tết cũng trần ai.
Vẻ mệt mỏi, chán nản hiện rõ trên khuôn mặt nhiều hành khách đi chuyến bay TP. Sài Gòn - Hà Nội của hãng Vietnam Airlines ngày 21-1 (26 Tết). Được thông báo chậm chuyến đến 4 lần, những hành khách đáp chuyến bay này vật vờ ở sân bay hơn 2 tiếng đồng hồ giữa đống hành lý và tiếng con trẻ kêu khóc.

Ngồi bệt ra sàn tàu cánh ngầm như ngồi chờ ở Bệnh viện Chợ Rẫy
http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/04-2009/Tuan%2012/VanQuang-08.jpg

Người nằm la liệt, hành lý ngổn ngang, trẻ em thì mệt mỏi khóc lóc, tiếng hỏi han la ó ngày càng dồn dập, quang cảnh, âm thanh khu vực phòng chờ tại sân bay không khác gì bến xe khách. Cứ khoảng nửa tiếng, mọi người lại giật bắn mình khi nghe loa thông báo: "Hãng hàng không... thành thật xin lỗi quý khách, do "sự cố kỹ thuật", thời gian bay dự trù sẽ là... ", tiếng thở dài lại vang lên. "Nếu được thông báo trước, dù chậm hẳn 3-4 tiếng cũng không sao, vì còn có thể làm việc khác. Nhưng đằng này cứ vật vờ ở sân bay, giờ bay thì bị hoãn liên tục, nản quá", một vị khách bực bội nói.

Một nhóm người phản ứng đòi trả vé lại, tiếp viên yêu cầu ký tên và đứng sang một bên để những người khác đi. Một hành khách bực dọc:"Thật mệt mỏi, máy bay mà chờ đợi như đi xe đò chở khách, bực hơn là đi tàu chợ".

Tóm lại những kiểu chết, kiểu thử nghiệm tim xanh mặt, kiểu bực mình đến phát khùng mỗi khi người dân ra đường ở Sài Gòn đã, đang và sẽ còn tiếp diễn. Người Sài Gòn chắc sẽ có quả tim to và rắn hơn ở các nước văn minh trên thế giới.

No comments: