Friday, April 3, 2009

GÓP Ý THÊM VỚI PHẠM QUANG TUẤN và DƯONG DANH HUY

Góp ý thêm với ông PhạmQuang Tuấn và Dương Danh Huy…

Trương Nhân Tuấn
Đăng ngày 03/04/2009 lúc 00:00:00 EDT

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3664

Sơ lược hiện trạng tranh chấp biển Đông
và các phương pháp giải quyết

Trương Nhân Tuấn

Để giúp quí độc giả có thể phê phán về cách lựa chọn chiến lược cho việc giải quyết tranh chấp biển Đông, tôi xin trình bày một số việc, thiển nghĩ là cần thiết để mọi người có cái nhìn đúng về hiện trạng của việc tranh chấp, đó là phác hoạ tình hình tranh chấp của biển Đông hiện nay như thế nào, trình bày các phương cách giải quyết hợp lý nó ra sao và sau đó sơ thảo hồ sơ thềm lục địa của VN. Tôi cho rằng tiếp tục tranh luận trên những cái «lặt vặt» thì sẽ chỉ là việc hoang phí thời gian.

Trước tiên, hãy xét bản đồ sau đây (Bản đồ 1). Tạm gọi vùng biển đánh dấu bằng chữ U (hay vùng lưỡi bò) là biển chữ U. Biển Đông có thể chia ra làm 3 vùng : 1/ Vùng phía nam biển Đông (vùng nằm ngoài vùng biển chữ U) ; 2/ vùng biển ở giữa biển Đông, gồm có quần đảo TS, tạm gọi là biển Trường Sa ; 3/ vùng biển phía bắc, gồm có quần đảo HS và vùng cửa vịnh Bắc Việt, ta gọi là biển Hoàng Sa.

Trên bản đồ, đường màu xanh lá cây: hải phận của của TQ, xác định biển chữ U (hay đường lưỡi bò). Đường màu vàng của VN, màu tím của Phi và màu cam của Mã Lai. (Đài Loan có cùng quan điểm với TQ).

Phân ra như thế ta thấy tranh chấp vùng biển phía nam, vùng 1, hoàn toàn không dính dáng gì đến vùng 2 và 3. Vùng 2, chủ quyền TS có thể giải quyết chung với việc phân định hải phận các giữa nước tranh chấp. Tương tự, vùng 3, việc tranh chấp HS có thể giải quyết chung với việc phân định hải phận biển Đông.

Tóm lại, ba vùng biển 1, 2 và 3 có thể giải quyết riêng rẽ và độc lập với nhau.



1. Biển nam Biển Đông là vùng biển nằm ngoài vùng đánh dấu chủ quyền của TQ (biển chữ U), gồm có vùng biển cửa vịnh Thái Lan, khu vực cửa sông Cửu Long và biển Natuna…

Bản đồ 1: Tranh chấp tại Trường Sa

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=Content&pa=showpage&pid=871


Tranh chấp vùng này do chồng lấn ZEE theo qui định của UNCLOS giữa các nước VN, Thái Lan, Indonésie, Mã Lai nhưng hấu hết đã được giải quyết. Hiện nay còn tồn đọng các tranh chấp giữa : Indonesie-Mã Lai và Mã Lai-Brunei. Riêng VN thì còn đòi hỏi một vùng nhỏ trong vùng khai thác chung giữa Thái Lan và Mã Lai ở cửa vịnh Thái Lan.

Nói chung, trường hợp VN, các tranh chấp ở vùng này đã được giải quyết. Từ nay ta không nói tới.

2. Khu vực biển Trường Sa

Khu vực này có tranh chấp giữa các nước Mã Lai, Brunei, VN, Phi, TQ (và Đài Loan) về chủ quyền các đảo TS và hải phận ZEE.

Việc tranh chấp này đến từ hệ quả của việc chồng lấn hải phận giữa các nước và hải phận các đảo, do hiệu lực lãnh hải và vùng kinh tế độc quyền (ZEE) mà UNCLOS đã dành cho các đảo. Trên bản đồ ta thấy khu vực biển tranh chấp tại đây chiếm khoảng ½ diện tích biển Đông.

2.1 Mã Lai – Brunei – Việt Nam:

Mã Lai công bố bản đồ lãnh hải vào tháng 12 -1979, vùng biển theo bản đồ này bao gồm các đảo An Bang và Thuyền Chài của VN và đá Công Đô hiện do Phi kiểm soát. Năm 1983, Mã Lai chiếm đảo Hoa Lau của Việt Nam, tháng 12 năm 1986 chiếm các đá Kỳ Vân và Kiệu Ngựa cũng của VN. Tháng 6 năm 1999 chiếm thêm hai đá Investigator và Erika Reef.

Riêng ở đảo Hoa Lau, Mã Lai cho đổ đá xây dựng đảo này thành một đảo nhân tạo, có sân bay và bồn chứa nước quan trọng. Quan chức Mã Lai lần đầu tiên thăm các đảo TS tháng 11 năm 2007, cùng tháp tùng có 65 nhà báo.

Brunei công bố hải phận của mình theo tinh thần UNCLOS năm 1983, là một khu vực biển hình chữ nhật, chiều dài là chiều dài bờ biển, chiều rộng 265 hải lý, đối đẳng qua đường trung tuyến với đảo Phú Quý của VN (không hiển thị trên bản đồ). Brunei không nhìn nhận hiệu lực đảo Hòn Hải của VN, là điểm A6 của hệ thống đường cơ bản. Nhưng vùng biển này nằm gần như trọn vẹn trong vùng biển của Mã Lai, công bố năm 1984, biểu hiện qua đường màu cam trên bản đồ.

Thái độ bất chấp Brunei của Mã có hai lý do, một phần là do lịch sử, một phần do luật biển 1982.

Thứ nhứt, trước 1963, Brunei, dưới quyền bảo hộ của Anh, đã gia nhập liên bang Mã Lai. Nhưng đến năm 1984 thì được Anh nhìn nhận độc lập. Thứ hai, trong hải phận của Brunei có nhóm đá Louisa, trên đó Mã đã cho xây dựng một hải đăng. Ngoài ra, trong vùng biển của Mã Lai gồm có các «đảo» mà họ chiếm của VN như đã ghi trên.

Như thế tranh chấp giữa Mã và Brunei là : Tranh cãi về lịch sử và chồng lấn hải phận ZEE do ảnh hưởng đảo Louisa mà Mã Lai đã dành chủ quyền.

Lý lẽ của Mã Lai về lịch sử không đứng vững, tương tự trường hợp quan hệ «thượng quốc - chư hầu» giữa VN và TQ, nhưng nếu «đảo» Louisa được nhìn nhận là đảo, hải phận của Brunei sẽ thu nhỏ lại không còn bao nhiêu. Đó là lý do giải thích hải phận của Mã Lai phủ trùm lên hải phận Brunei.

Tuy nhiên, các đảo (cồn, đá…) ghi trên của Mã Lai thực ra phần lớn là các đảo thuộc TS của Việt Nam, ngoại trừ đá Louisa.

Do ảnh hưởng lãnh hải và vùng kinh tế độc quyền (ZEE) của các đảo này, VN có quyền lên tiếng đòi hỏi vùng biển chính đáng của mình, theo qui định của luật biển UNCLOS. Vùng biển xác định giữa đường màu vàng và màu cam trên bản đồ là vùng chồng lấn hải phận giữa VN và Mã Lai.

Tranh chấp giữa VN và Mã Lai như thế là tranh chấp về chủ quyền các đảo và hải phận phải phân định do ảnh hưởng các đảo này.

Như thế, giải pháp thuần lý để giải quyết tranh chấp giữa Việt-Mã là xác định trước hết chủ quyền các đảo Trường Sa. Sau đó là phân định hải phận.

2.2 Việt – Phi :

Chiếu theo lịch sử, Phi Luật Tân không có thẩm quyền với các đảo TS. Nước này bị ràng buộc do hiệp ước 1898 ký kết giữa Hoa Kỳ và Tây Ban Nha.

Hiệp ước 1898 qui định Phi được giao cho Hoa Kỳ. Hoa Kỳ xác định vùng biển của đảo quốc này, theo đó vùng biển của Phi không có một hòn đảo nào thuộc TS.

Tham vọng của Phi bắt đầu từ năm 1951 khi tổng thống xứ này là ông Quirino cho rằng quần đảo Spratly (tức Trường Sa) thuộc về Phi vì chúng ở gần nước Phi. Lý lẽ này không hề được luật pháp quốc tế chấp nhận.

Từ năm 1968 đến 1975, Phi cho quân đi chiếm một số đảo của VN, có cây cối và nước ngọt như các đảo Thị Tứ, Loai Ta,Vĩnh Viễn, Song Tử Đông…

Năm 1979, theo một nghị quyết do TT Marcos ký, toàn bộ quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của Phi, ngoại trừ một vài đảo, đặt tên là Kalayaan.

Phi vừa vừa thông qua một đạo luật mới, tháng 3-2009, nhằm hợp hiến và hợp pháp hoá các đảo TS, trong đó một số đảo họ đã chiếm của VN. Đạo luật này cũng xác định hải phận và chủ quyền các đảo TS theo bản đồ sau đây (Bản đồ 2).

Bản đồ 2 Vùng lãnh hải do chính phủ Philippines tuyên bố chủ quyền

http://i53.photobucket.com/albums/g69/hungquoc/TNT2.jpg


Các đảo được khoanh xanh ở trong và khoanh vàng ở ngoài có ghi chú: Regime of Islands. Như thế có thể hiểu khoanh xanh là lãnh hải 12 hải lý và khoanh vàng là ZEE của các đảo. Vùng ZEE sẽ được xác định tùy theo độ lớn nhỏ của các đảo.

Nhưng các đảo mà Phi nhận là của mình phần lớn đều thuộc các đảo TS mà VN có chủ quyền. Do ảnh hưởng các đảo này, theo qui định của UNCLOS, VN có quyền đòi hỏi hải phận của chúng.

Do đó giữa VN và Phi có chồng lấn hải phận. Vùng biển chồng lấn biểu diễn trên bản đồ là vùng biển xác định bởi đường màu vàng và màu tím không còn đúng với thực trạng vì Phi vừa thay đổi luật, rút lại đòi hỏi lãnh hải vùng này.

Như thế, việc giải quyết tranh chấp chồng lấn hải phận giữa VN và Phi cũng là việc giải quyết tranh chấp chủ quyền các đảo TS.

2.3 Trường hợp TQ:

TQ hoạch định hải phận của TQ qua đường chữ U (lưỡi bò). Việc này được giải thích qua hai thời kỳ: trước năm 1958 và sau 1958. Trước 1958 là dựa trên lý do biển lịch sử. Sau 1958 vì khái niệm «biển lịch sử» bị đặt lại vấn đề, hơn nữa TQ đã ký kết và thông qua luật Quốc Tế về biển 1995, do đó có thể hiểu ngầm hiện nay TQ giải thích vùng biển của mình trên căn bản có chủ quyền các quần đảo HS, TS, dải Đông Sa (Macclesfield) và bãi ngầm (Minzhou dao) Scarborough.

Như thế, ở vùng biển TS, TQ có chồng lấn với các nước VN, Phi, Mã Lai, Brunei.

Bản đồ mới hiện nay của TQ thì không có chồng lấn với Indonésie, trong khi các bản đồ cũ thì đường chữ U bao gồm luôn đảo Natuna của Indonésie. Như thế TQ đã khéo léo nhượng bộ, đặt Indonésie ra ngoài vòng tranh chấp vì nước này có «trọng lượng» lớn nhất trong vùng, có thể «cầm chân» TQ nếu xảy ra cuộc chiến tại đây.

3. Vùng biển Hoàng Sa: vùng biển này chỉ có tranh chấp giữa VN và TQ.

Về lịch sử tranh chấp, ta có có thể chia ra làm ba thời kỳ chính: 1909-1954: thời kỳ Pháp thuộc; Thời kỳ 1954-1975: Việt Nam Cộng Hoà; và từ 1975 đến hôm nay: thời kỳ CHXHCNVN. Các thời điểm quan trọng: năm 1946 TQ chiếm nhóm An Vĩnh. Năm 1974 dùng quân sự xâm chiếm toàn bộ HS.

Việc phân định hải phận giữa VN và TQ vùng biển này có thể lấy khởi điểm từ cửa vịnh Bắc Việt cho đến vùng biển giữa đảo Hải Nam và các tỉnh miền Trung VN. Trên tinh thần luật biển 1982, mỗi bên có quyền mở rộng vùng biển ZEE của nước mình đến 200 hải lý tính từ đường cơ bản. Trường hợp vùng biển phân định có chiều rộng nhỏ hơn 400 hải lý thì việc phân chia sẽ dựa trên nguyên tắc «lấy đường trung tuyến» giữa hai bờ biển, ở đây là đảo Hải Nam và bờ biển các tỉnh miền Trung của VN. Nhưng sự hiện diện của quần đảo HS làm cho việc phân định rất khó khăn cho phía VN.

TQ đã công bố bản đồ lãnh hải năm 1996, xác định vùng biển Hoàng Sa, đòi hỏi ZEE 200 hải lý cho các đảo ở đây. Tức là, phân định vùng biển ở đây, sẽ là phân định từ bờ biển VN với các đảo HS, nếu VN bỏ HS cho TQ. Đây là việc không thể chấp nhận vì HS thuộc chủ quyền của VN mà TQ xâm lăng bằng bạo lực. Việc phân định ở đây vì thế không thể đặt ra trước khi giải quyết việc tranh chấp chủ quyền các đảo HS.

4. Về đề nghị phân định hải phận, «bỏ qua tranh chấp các đảo»

Nếu đề nghị này được thực hiện thì đây là một phương pháp rất có hại cho VN.

Các đảo tranh chấp giữa Việt-Phi hay Việt-Mã đều thuộc chủ quyền VN. Bỏ qua nó, tức không tính hiệu lực hải phận theo UNCLOS, thì chỉ có VN là thiệt hại, các vùng biển tại đây phải xem là mất. Việc giải quyết chủ quyền các đảo sau này, giả sử chúng phải trả lại cho VN thì VN cũng sẽ không bao giờ giành lại quyền lợi của mình.

Giả sử việc giải quyết tranh chấp song phương về hải phận, thí dụ Việt-Phi hay Việt-Mã được thực hiện. Nhưng đối với TQ thì vẫn chưa giải quyết, chắc chắn TQ sẽ phản đối, việc này sẽ thường xuyên đem lại bất ổn cho khu vực. Thí dụ: giả sử rằng VN vừa phát hiện một mỏ dầu quan trọng trong vùng thuộc về VN vừa phân định xong với Phi (hay với Mã). Ta sẽ thấy phía TQ sẽ đe doạ, thậm chí dùng vũ lực, để giành vùng biển đó. Trường hợp hai lô 5.2 và 5.3 (Bản đồ 3) nằm trên thềm lục địa VN do BP khai thác là một trường hợp để suy nghĩ.

Bản đồ 3: Một đề nghị phân định hải phận, «bỏ qua tranh chấp các đảo»

http://i53.photobucket.com/albums/g69/hungquoc/mastermap_namconson_details_crop.png


Tuy nhiên, tranh chấp giữa VN và hai nước Phi, Mã không trầm trọng. Một vài đảo VN ở khu vực biển của Phi hay của Mã Lai thì quá gần hai nước này so với VN. Do đó hai nước này khó có thể chấp nhận việc phân định đồng đẳng với các đảo này của VN. Một giải pháp ngoại giao có thể nghĩ tới, VN có thể nhưọng bộ ở vài điểm để có thể xây dựng một liên minh với hai nước này để chống TQ.

Do đó, việc giải quyết tranh chấp bằng cách để các đảo sang một bên, sau đó phân định hải phận biển Đông, trước hết là không thuần lý, sau đó tồn đọng vấn đề chủ quyền các đảo phải giải quyết sau này. Vấn đề quan trọng nhất là vấn đề TQ vẫn không giải quyết. Mà nếu vấn đề này không giải quyết thì không có vấn đề nào được giải quyết.

5. Giải quyết tranh chấp HS&TS bằng một trọng tài quốc tế

Việc giải quyết tranh chấp với TQ vì thế phải qua một toà án quốc tế.

Ta biết, phía VN có hồ sơ lịch sử chủ quyền các đảo HS&TS là vững chắc hơn hết. Nhưng khó có thể giải quyết tranh chấp Hoàng Sa & Trương Sa bằng một trọng tài quốc tế, ít ra trong thời điểm hiện tại.

Đã hai lần trong quá khứ TQ từ chối đề nghị của Pháp đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền HS ra một trọng tài phân xử năm 1932 và năm 1947.

Nhưng không phải vì vậy mà không thể không có việc phân xử trong tương lai.

Khái niệm chủ quyền về biển là một khái niệm hoàn toàn mới, chỉ bắt đầu từ năm 1958 qua Hội Nghị LHQ lần Thứ Nhất về Luật Biển. Luật quốc tế về biển cũng thế, chỉ mới có vài thập niên trở lại. Công ước Montégo Bay, xác định bộ Luật quốc tế về Biển hiện nay, chỉ mới có năm 1982. Toà án Quốc Tế về Biển của LHQ (Le Tribunal International du droit de la Mer, TIDM) đã đặt ra dựa trên luật này nhưng đến nay vẫn chưa thụ án. Mọi tranh chấp hiện nay đều giải quyết qua Toà Án Quốc Tế (Cour Internationale de Justice – CIJ).

Nhiều lý lẽ cho rằng, việc đưa ra toà án quốc tế chỉ có thể thực hiện nếu tất cả các bên cùng đồng thuận. Đúng là như vậy trong thời điểm hiện nay. Nhưng thế giới không ngừng biến đổi, con người ngày càng văn minh hơn, do đó trong tương lai sẽ không còn những trường hợp bế tắt do bên này hay bên kia ngăn cản việc phân xử. Vấn đề là tương lai đó là khi nào ?

Bất kể tương lai đó là khi nào, phía VN phải lạc quan rằng vấn đề chủ quyền các đảo HS&TS sẽ phải được đưa ra phân xử trước một toà án quốc tế. Các thế hệ VN phải vận động mọi cách để việc đó xảy ra. VN cần phải giữ nguyên trạng biển Đông cho đến thời điểm đó. Không được gấp gáp. Mọi hành động vội vã, như hợp tác khai thác v.v.. sẽ sụp ngay vào bẫy của TQ.

6. Về công hàm ông Phạm Văn Đồng và các dữ kiện liên hệ trên các Atlas

Nếu phía VN tâm niệm: Việc giải quyết tranh chấp sẽ phải do một toà án quốc tế. Như thế dầu muốn dầu không VN sẽ phải đối diện với công hàm của ông Đồng. Hiệu quả của công hàm này có thể làm cho TQ thắng kiện tại HS và TS, do đó phía VN cần thiết phải vô hiệu hoá nó. VN có giữ được HS và TS hay không là do hiệu ứng của công hàm này. Đây không phải là một vấn đề chính trị mà là một yếu tố pháp lý.

Nhiều người cho rằng công hàm này không có giá trị pháp lý. Ông
Nguyễn Nhã vừa lên tiếng như thế, cho rằng công hàm này chỉ có giá trị về lãnh hải 12 hải lý. Nhưng thực ra, chính ông Phạm Văn Đồng, sau này là ông Nguyễn Mạnh Cầm, đã xác nhận lại, công hàm có mục đích công nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS. Ông Đồng cho rằng chỉ công nhận «trong thời chiến» và ông Cầm thì là «tạm công nhận».

Có người không tin rằng các Atlas trên thế giới ghi nhận việc này. Thực ra tất cả các cuốn Atlas mà tôi có tham khảo, sách nào cũng có ghi, khác nhau là phương cách ghi nhận. Thông thường là cách ghi nhận là như lối ghi nhận của bà Monique Chemillier-Gendreau trong cuốn La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys: “trong thời kỳ chiến tranh, e ngại phật lòng đồng minh, nên VNDCCH có cùng quan điểm với TQ về chủ quyền HS&TS”. Nhưng có một số ghi thẳng do hiệu quả công hàm ông Phạm Văn Đồng.

Đây là một thực tế, các học giả VN không thể trốn tránh được nữa. Trong quyển sách Biên Giới Việt Trung 1885-2000 Lịch Sử Thành Hình và những Tranh Chấp của tôi xuất bản năm 2005, cũng ghi nhận là công hàm của ông Đồng không có giá trị, nhưng sau vụ BP rút lui, tôi cho rằng chúng ta phải nhìn công hàm này bằng con mắt thực tiễn của một nhà khoa học, cô gắng tìm phương pháp hoá giải nó, bằng lý trí và bằng trái tim yêu nước, nếu muốn bảo vệ bờ cõi, đất nước mình.

Trở lại trường hợp nếu VN phân định hải phận song phương với các nước như Phi, Mã Lai… VN có thể trao đổi và dàn xếp để phân chia biển Đông với các nước này, nhưng VN vẫn không thoát khỏi những áp lực của TQ, ngay trên những vùng thuộc hải phận của mình, mà tôi có lấy trường hợp BP một thí dụ. Quan trọng hơn nữa, do hiệu lực công hàm này, TQ có thể tấn công các đảo TS của VN bất kỳ lúc nào, cho dầu VN có những liên minh quân sự với các nước Phi, Mã Lai.

7. Chính sách hoà giải dân tộc và phương pháp hoá giải công hàm ông Đồng

Phương pháp do tôi đề nghị để hoá giải hiệu lực công hàm của ông Đồng, thực ra là một tiến trình đáng lẽ nhà cầm quyền VN đã phải thực hiện từ lâu, vừa sau 30-4-1975.

Ở hầu hết các nước trên thế giới, sau một cuộc nội chiến, dân tộc xâu xé với nhau do chiến tranh, hoà bình lập lại thì nước nào cũng công bố chính sách « hoà giải dân tộc » để hàn gắn những vết thuơng trong quá khứ. Ta thấy dân tộc giữa các nước cũng vậy, thí dụ Pháp và Đức, hai dân tộc này đã nhiều lần xung đột với nhau trong lịch sử, gần đây là hai trận Đại Chiến Thế Giới làm chết hàng chục triệu người, hận thù tính ra không biết là bao nhiêu, nhưng họ đã hoà giải với nhau, theo nhiều tiến trình văn hoá, chính trị khác nhau, để hôm nay hai nước cùng ngồi chung thanh bình trong khối UE.

Mặt khác, nhìn lịch sử VN, ta thấy dân tộc VN là một dân tộc đặc biệt có nhu cầu hoà giải hơn bất kỳ một dân tộc khác. Lịch sử chuyển đổi chế độ của nước ta là lịch sử của sự giết chóc. Một triều đại mới giành được ngôi báu, việc đầu tiên là tận diệt dòng dõi của triều đại cũ. Sau năm 1975 cũng thế, kẻ thắng trận tìm cách diệt trừ mọi mầm mống, mọi vết tích văn hoá của chế độ cũ.

Do đó đề nghị của tôi về chính sách «hoà giải dân tộc», song song với quá trình tăng tốc dân chủ hoá VN, là một điều thuận lý và cần thiết cho dân tộc VN. Tuy nhiên, tôi khai triển ra thêm để có thể hoá giải công hàm ông Đồng như trong bài viết vừa rồi. Vì thế, đây không hề là một hình thức «tự sướng» một cách ích kỷ như có người phê bình, mà là một phương pháp đứng đắn, nhằm đem lại hạnh phúc, phồn vinh cho cả một dân tộc.

Chỉ có phương pháp dân chủ hoá nhanh chóng như thế này VN mới không lâm vào cảnh hỗn loạn, vẫn giữ nguyên sức mạnh quân đội và đội ngũ giữ gìn trận tự xã hội, đồng thời có thể huy động lực lượng toàn dân cho một mục tiêu chung.

Mọi hình thức tuyên truyền hiện nay để vực dậy lòng yêu nước chỉ là một việc làm dối trá. Chỉ có sự hoà giải và một chế độ dân chủ thực sự mới có thể thổi bừng tình yêu nước thực sự. Từ đó việc bảo vệ đất nước mới có tính chính thống để sự hy sinh không còn là vô nghĩa.

8. Sơ thảo hồ sơ thềm lục địa VN

8.1 Hệ thống đường cơ bản:
VN không có nhu cầu phải thay đổ hệ thống đường cơ bản vì hiện nay những tranh chấp hải phận với các nước chung quanh, ngoại trừ TQ, mà hệ thống đường cơ bản có ảnh hưởng tới, đều đã được giải quyết. Hệ thống đường cơ bản giúp cho VN bảo vệ hữu hiệu hơn vùng biển miền nam VN, từ hòn Khoai (Cà Mau) đến đảo Hòn Hải, một biển vùng hiểm yếu chiến lược. Vùng nước phía trong đường cơ bản được xem là «nội hải», VN có toàn quyền phần biển này như trên đất liền.

Đối với HK, dĩ nhiên quan tâm nước này không phải là quyền lợi ở vùng nội hải của VN, mà là quyền tự do lưu thông trên biển. Sau chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào cuối tháng 6 năm 2008 của TT Nguyễn Tấn Dũng, HK đã ký kết với VN một số thỏa thuận về kinh tế, trong đó tập đoàn Exxon-Mobil được quyền khai thác một vài lô thuộc vùng Tu Chính – Vũng Mây.

Nhưng chi tiết quan trọng là tuyên bố của HK: «Hoa Kỳ tôn trọng và ủng hộ việc toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam».

Việc «tôn trọng và ủng hộ» của Hoa Kỳ về vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam nên hiểu là Hoa Kỳ không can thiệp nhằm chia cắt VN, không ủng hộ các lực lượng ly khai tại Việt Nam. Điều nên quan tâm là Hoa Kỳ công nhận lãnh thổ của Việt Nam trên căn bản nào?

Thái độ HK cho phép Exxon-Mobil khai thác vùng Tu Chính – Vũng Mây có nghĩa là HK công nhận vùng đó thuộc chủ quyền của VN.

Tuy nhiên, thời gian qua đã có những biến động về kinh tế, HK lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, do đó cần hoà hoãn với TQ để mua thời gian phục hồi. Không thể bi quan để có những hành động hấp tấp, làm thiệt hại cho các thế hệ tương lai. Do đó việc hủy bỏ, hay thay đổi đường cơ bản theo chiều hướng bất lợi cho VN là việc không nên làm.

8.2. Hồ sơ thềm lục địa:


Nhiều người lên tiếng rằng VN cần nộp hồ sơ thềm lục địa đúng hạn 13-5-2009, nếu không đúng thời hạn thì có thể sẽ mất cho nước khác có nộp hồ sơ. Việc này tương đối, nếu ta xét hồ sơ của VN đã nộp cho LHQ về hải phận và chủ quyền các đảo chứa đựng gì.

Hồ sơ thềm lục địa của VN rất đơn giản, các đảo HS và TS thuộc về VN. Nếu VN không thay đổi hồ sơ cũ (1977, 1982), nhờ hiệu lực ZEE và thềm lục địa của các đảo, VN không cần lập hồ sơ thềm lục địa mở rộng, vì không còn thềm lục địa trong biển Đông nữa để «mở rộng».

Một thềm lục địa có thể mở rộng qua hai điều kiện: 1/ Có thềm lục địa để mở rộng và còn thềm lục địa «vô chủ» để mở rộng.

Nhiều nơi, như bờ biển miền Trung hay bờ biển của Phi, chưa ra đến 200 hải lý thì không còn thềm lục địa nữa mà là đáy đại đương. Trường hợp này thềm lục địa không thể mở rộng (vì không có thềm lục địa để mở). Trường hợp thứ hai, vùng biển ở miền Nam VN, ra ngoài 200 hải lý vẫn còn thềm lục địa (hay bờ thềm), nơi này có thể mở rộng thềm lục địa. Nhưng nếu hiệu lực các đảo của VN choáng hết các vùng này thì không còn thềm lục địa trong biển Đông để các nước có thể «mở rộng».

Hiện nay, các nước trong vùng, chỉ có Indonésie đã nộp hồ sơ hoàn tất trước ngày hạn định.

Do đó việc nôn nóng trước các sự kiện chưa chắc là một hành động khôn ngoan. Phía VN cần suy nghĩ chín chắn, lựa chọn giải pháp có lợi nhất, không nên chạy theo dư luận. Đây là một lựa chọn «chiến lược», không thể nộp sớm hay để lộ tin tức, giúp cho đối phương tìm phương pháp hoá giải.

Trương Nhân Tuấn

© Thông Luận 2009

Bài liên quan:

• Nguyễn Nhã,
«Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa». Thông Luận, ngày 10/01/2008.

No comments: