Wednesday, April 15, 2009

DÂN CHỦ KHÔNG PHẢI MÌ ĂN LIỀN

Dân Chủ không phải mì ăn liền
Ngô Nhân Dụng
Tuesday, April 14, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=93495&z=7
Những cuộc biểu tình của phe theo cựu thủ tướng Thaksin ở Thái Lan trong một tuần qua, sau những cuộc biểu tình của phe chống Thaksin vào cuối năm 2008, khiến nhiều người nghi ngờ chế độ dân chủ ở vương quốc này. Thái Lan có thật sự là một nước tự do dân chủ hay không? Các quốc gia chậm tiến khác có nên bắt đầu dân chủ hóa hay không?

Có thể trả lời ngay: Dân tộc Thái đang xây dựng các định chế tự do dân chủ thật sự. Nhưng thực hiện nếp sống tự do dân chủ là một diễn trình phức tạp và lâu dài, với những trở ngại từ chính bên trong xã hội tham dự cuộc thử thách đó. Dân chủ không giống như món mì gói cứ đổ nước sôi vào là ăn được ngay. Muốn tiến đến một xã hội dân chủ trưởng thành, phải xây dựng và kinh qua những thử thách.

Chính vì biết quá trình dân chủ hóa diễn ra trong thời gian lâu dài như vậy, cho nên những nước chậm tiến khác phải bắt đầu dân chủ hóa ngay, càng sớm càng tốt. Nếu một dân tộc không bắt đầu thiết lập và tập sống theo các quy tắc, các tập quán dân chủ ngay, thì không biết bao giờ mới được thấy nền nếp tự do dân chủ trưởng thành. Cũng giống như người ta phải xuống nước thì mới có ngày biết bơi vậy.

Những cuộc biểu tình gần đây có vẻ là một cuộc đối đầu giữa hai chính trị gia, cả hai đều gốc người Hẹ (Hakka) mà tổ tiên 4 đời trước đã di cư từ Quảng Ðông sang xứ Thái. Ðó là cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra (tên chữ Hán là Khâu Ðạt Tân, 59 tuổi) và đương kim Thủ Tướng Abhisit Vijjajiva (44 tuổi, gốc là họ Viên). Thân phụ ông Thaksin đã đổi họ thành Shinawatra, nghĩa là “làm điều thiện” trước khi bước vào chính trị, ứng cử dân biểu ở tỉnh Chiang Mai, nơi gia đình họ Khâu đã gây dựng nên cơ nghiệp. Ông tổ ba đời của Thủ Tướng Abhisit đã lập gia đình với người Thái, đổi họ sang tiếng Thái từ giữa thế kỷ 19 thành Vijjajiva, nghĩa là “thầy thuốc.” Dân Thái Lan không ai nghĩ hai nhà chính trị này là người nước ngoài.

Ông Thaksin vào học trường sĩ quan cảnh sát, sau sang Mỹ học, đậu bằng tiến sĩ ở Texas, về nước làm cảnh sát, lên tới cấp trung tá lúc về hưu. Vợ chồng ông đã kinh doanh trong nhiều ngành, nhưng chỉ thành công khi được trúng thầu trong ngành viễn thông, đặc biệt là khai thác việc phát triển điện thoại di động. Ông lập đảng, ứng cử và trở thành thủ tướng năm 2001, năm 2005 tái đắc cử khi đảng ông chiếm tỷ số lớn trong Quốc Hội.

Bố mẹ ông Abhisit đều là bác sĩ, ông sinh ra ở Anh Quốc, bà vợ ông là một nha sĩ nhưng dậy toán ở đại học. Sống trong một gia đình trí thức, sau khi học hết bậc tiểu học ở Bangkok ông qua Anh học ở Eton rồi Oxford, những trường đã đào tạo nhiều ông thủ tướng ở nước Anh. Ông về nước dậy học, ứng cử dân biểu rồi được bầu làm lãnh tụ sau khi đảng ông thất bại trong cuộc bầu cử năm 2005.

Thaksin thắng vẻ vang trong cuộc bầu cử năm đó vì từ năm 2001 ông đã thi hành những chính sách nâng đỡ vùng nông thôn: giảm chi phí khám bệnh ở thôn quê, lập quỹ tín dụng cho người nghèo vay tiền, vân vân. Ðảng của ông mạnh lên ở miền quê nhất là miền Bắc, nơi gia đình ông lập nghiệp từ giữa thế kỷ 19. Nhưng ông bị tố cáo là lợi dụng quyền hành để gia đình làm thương mại. Gia đình ông trở thành giầu nhất Thái Lan, khi bán công ty viễn thông Shin cho một xí nghiệp Singapore, tiền lời hàng tỷ đô la không bị đánh thuế. Năm 2006 quân đội đảo chính trong lúc ông đang ở New York, phải sống lưu vong ở Anh vì vợ chồng ông bị truy tố ra tòa về nhiều tội lạm dụng quyền thế để thủ lợi. Nhưng một năm sau tổ chức bầu cử thì đảng của ông vẫn chiếm đa số và đứng ra lập chính phủ. Ông Thaksin đã về nước, tuyên bố không làm chính trị nữa, nhưng trước khi tòa án xử thì ông đã trốn ra ngoại quốc. Tòa xử khiếm diện ông 2 năm tù.

Cuối năm 2008, những đảng đối lập với Thaksin tổ chức biểu tình đòi chính phủ từ chức, hàng trăm ngàn người mặc áo mầu vàng xuống đường, sau cùng họ chiếm phi trường Bangkok; cho đến khi ông thủ tướng thuộc đảng của Thaksin từ chức vì bị tòa án phán ông vi phạm luật cấm không được hoạt động chính trị. Sau đó nhiều đại biểu Quốc Hội phe Thaksin đã quay đầu và bầu ông Abhisit thuộc đảng đối lập lên thay. Trong tuần trước, những người ủng hộ Thaksin lại tổ chức biểu tình, họ mặc áo đỏ, làm tắc nghẽn thành phố Bangkok rồi kéo về thành phố biển Pattaya, khiến Thủ Tướng Abhisit phải bãi bỏ cuộc họp hội nghị thượng đỉnh khối ASEAN mở rộng. Ông Abhisit tuyên bố tình trạng khẩn trương, quân đội đứng ra dẹp biểu tình, và ngày Thứ Ba 14 Tháng Tư phe biểu tình đã tuyên bố giải tán, các người lãnh đạo ra trình diện cảnh sát.

Những biến cố chính trị ở Thái Lan trong gần 10 năm qua đều liên quan đến ông Thaksin. Nhưng nếu coi tất cả chỉ là một tấn kịch về cá nhân ông Thaksin thì quá phiến diện. Khi hàng trăm ngàn người đi biểu tình, để ủng hộ hoặc chống Thaksin, họ có những lý do phát xuất từ trong lòng, từ những khát vọng trong cuộc đời của họ. Họ thuộc những nhóm người có quyền lợi khác nhau, nên chính trị khác nhau.

Xã hội Thái Lan cũng như xã hội các nước khác trong vùng Ðông Nam Á đang trải qua một thời kỳ chuyển tiếp, cũng gọi là thời kỳ quá độ từ hàng trăm năm qua. Có nước tiến xa, có nước còn đi chậm. Từ kinh tế nông nghiệp chuyển sang công nghiệp hóa, rồi qua kinh tế dựa trên tri thức, tin học. Từ nếp sống cổ truyền sang nếp sống dựa trên khoa học, kỹ thuật, pháp luật, và cơ chế dân chủ. Từ sinh hoạt văn hóa địa phương, khu vực, khép kín chuyển sang khung cảnh toàn cầu. Các định chế Dân Chủ đã thành hình dần dần, dù lúc bắt đầu ở nhiều nước chỉ có trên hình thức, nhưng ai cũng đồng ý cuối cùng cả xã hội phải sống theo lối dân chủ tự do.

Mọi biến chuyển xã hội đều cần thời gian. Mỗi xã hội đều gồm nhiều nhóm người với những quyền lợi khác biệt, và xung khắc tất nhiên phải có. Trong các chế độ độc tài, chính quyền dùng bạo lực ép không cho những xung đột nổi lên; vì họ không cho ai tự do phát biểu. Xã hội có thể yên ổn vì tình trạng bất công được định chế hóa bằng bạo lực. Tại các nước tự do, mọi nhóm quyền lợi đều có dịp lên tiếng và tranh đua với nhau để giành lấy chính quyền, qua các cuộc bỏ phiếu. Nhiều khi các nhóm đó theo đúng các thủ tục dân chủ, có khi họ vượt ra ngoài. Xã hội dân chủ được ổn định vì mọi nhóm tranh đấu với nhau trong hòa bình, khi tất cả cùng tôn trọng các luật chơi dân chủ.

Không chế độ dân chủ nào dựng lên là có ngay phép lạ giải quyết được những xung đột quyền lợi một cách nhanh chóng và hoàn hảo. Từ lối sống cổ truyền “trên bảo dưới nghe” chuyển sang lối sống bình đẳng, trong luật pháp, có tự do và tôn trọng dân quyền, cần thời giờ để những nhóm quyền lợi khác biệt có cơ hội đụng chạm với nhau và tìm cách giải quyết các xung đột. Cuối cùng người ta sẽ thấy cách tốt nhất là giải quyết bằng luật pháp, một cách hòa bình.

Sau những thập niên 1970, 80 trải qua các chế độ độc tài quân phiệt, người dân Thái đã thí nghiệm lối sống tự do dân chủ, và họ đã tiến những bước dài. Chính nhờ khung cảnh tự do dân chủ mà xã hội Thái có cơ hội biểu lộ những mâu thuẫn quyền lợi chính trị và kinh tế. Tình hình chính trị trong mười năm qua cho thấy trong lúc Thái Lan tiến bộ về kinh tế cũng như chính trị thì một khối dân đã bị tụt lại phía sau, không được hưởng các thành quả của sự tiến bộ chung. Trong khi dân thành thị được đi học nhiều hơn, được chữa bệnh dễ dàng hơn, người có khả năng được nhiều cơ hội tiến thân hơn, thì những người sống ở thôn quê không được hưởng những cơ hội giống như vậy. Nông dân sống nghèo hơn, ý thức về quyền dân thấp hơn, vẫn sống trong tinh thần “gia trưởng” quen nghe lệnh các ông “trùm” trong làng xóm.

Ông Thaksin Shinawatra đã bắt mạch được mối mâu thuẫn tiềm ẩn giữa nông thôn và thành thị. Năm 2000 ông tranh cử với những chương trình nâng cao đời sống của nông dân. Trong bốn năm làm thủ tướng ông đã thực hiện được lời hứa đó một cách cụ thể. Vì vậy ông đã được dân ở miền quê tin tưởng.

Nhưng ông cũng có khuynh hướng độc tài. Ông đã dùng tiền bạc để mua chuộc các nhà chính trị khác ở thủ đô và các địa phương. Ông tìm cách mua các báo, các đài để lấn áp các tiếng nói đối lập. Và ông lợi dụng từ luật pháp đến quyền hành để cho gia đình và phe đảng của ông hưởng lợi. Ông là một nhà kinh doanh biết sử dụng các định chế chính trị, kể cả những định chế dân chủ, như đảng phái, truyền thông, Quốc Hội, bầu cử, luật lệ, vân vân.

Những người chống Thaksin đều sống ở thành phố, đặc biệt là ở thủ đô Bangkok. Họ thuộc giới trung lưu thành thị, rất nhiều người trí thức, các công chức, sĩ quan, các nhà kinh doanh trẻ, thẩm phán và luật sư, vân vân. Họ không chấp nhận những hành động lộng quyền và tham nhũng, các thủ đoạn lấn áp đối lập, họ tố cáo ông Thaksin độc tài. Trong khi đó những người ủng hộ ông Thaksin chỉ chú ý đến một điều là ông đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho họ, những nông dân nghèo bị bỏ quên từ nhiều thế hệ. Cả hai bên đều có những lý do chính đáng đối với họ.

Ở một xã hội mà nền nếp dân chủ đã bám rễ thì những ý kiến khác biệt trên được giải quyết bằng lá phiếu, và chỉ bằng lá phiếu mà thôi. Ðảng nào được nhiều phiếu được nắm quyền. Những nhóm thiểu số sẽ được bảo vệ bằng pháp luật bình đẳng, trong đó có những thứ nhân quyền bất khả xâm phạm. Nếu quý vị không đồng ý với nhà nước thì hãy vận động lật đổ họ bằng lá phiếu trong cuộc bầu cử sau. Nếu kẻ cầm quyền phạm luật, tham nhũng hoặc lộng quyền, thì dùng báo chí phản đối và đưa ra trước pháp luật phán xét.

Ở Thái Lan, người ta chưa tập quen sống dân chủ được như vậy. Cho nên những người chống ông Thaksin trước đây vào năm 2006 đã ủng hộ một cuộc đảo chính không đổ máu lật đổ ông. Khi một bên đã “xóa bỏ luật chơi” thì tất cả chế độ dân chủ bị tổn thương chứ không riêng gì phe bị lật đổ. Năm ngoái, phe chống Thaksin lại tổ chức biểu tình, chiếm phi trường làm tê liệt kinh tế, để đòi ông thủ tướng thân Thaksin từ chức. Lại một lần nữa, họ xóa bỏ luật chơi, mặc dù sau đó chính phủ thay đổi theo đúng thủ tục nghị viện. Cho nên, trong tuần qua, đến lượt phe áo đỏ theo ông Thaksin cũng dùng những chiến thuận phi dân chủ để đòi lật đổ Thủ Tướng Abhisit, thì phe áo vàng đối đầu với họ khó nói.

Nhưng trong xã hội Thai Lan vẫn có những định chế vững vàng không bị ảnh hưởng bởi các xáo trộn chính trị ngoài đường phố. Thứ nhất là vị quốc vương hơn 80 tuổi, được dân chúng tôn quý. Trên nguyên tắc nhà vua đứng bên ngoài chính trị, nhưng các cận thần của ông có ý chống chế độ tham nhũng của Thaksin. Ngoài ra, các tướng lãnh và quân đội Thái Lan vẫn đóng vai trò trọng tài quan trọng trong đời sống chính trị. Lan rộng trong xã hội hơn hoàng gia và quân đội là giới trí thức, giới trung lưu ở thành phố, những người đóng vai rường cột của nền kinh tế cũng như đời sống văn hóa quốc gia.

Giới trí thức thành thị đóng vai trò quyết định trong đời sống quốc gia nhưng trong nửa thế kỷ qua họ không chú ý tới cuộc sống của những người dân ở thôn quê, để cho những chính trị gia như ông Thaksin tiến vào đó như một chỗ trống. Ông Thaksin đã có công tạo cơ hội cho các nông dân nghèo ý thức hơn về quyền lực chính trị của họ khi bỏ phiếu. Có thể họ đã bị những chính trị gia tham nhũng lợi dụng, nhưng từ nay không ai có thể bỏ quên họ được.

Các cuộc biểu tình của phe áo đỏ thân Thaksin có thể thất bại vì họ đã sử dụng nhiều tay côn đồ gây bạo động. Ða số dân Thái không chấp nhận. Trong những năm trước dân Thái biểu tình rất ôn hòa, nhưng lần này phe áo đỏ đã mang vũ khí, đưa cả những xe chở xăng tới để làm bom lửa tại chỗ, đã đốt phá và đã bắn chết người. Thủ Tướng Abhisit đã chứng tỏ được thái độ mềm mỏng nhưng cương quyết của ông, khiến người dân kính trọng. Những đài truyền hình thân Thaksin đã phát hình nhiều lời hiệu triệu của ông. Nhưng phe áo đỏ đã bị mang tiếng khi ông cựu Thủ Tướng Thaksin lên các đài CNN và BBC nói những lời bịa đặt như quả quyết rằng quân đội đã giết chết nhiều người. (Chỉ có 2 người đã chết, mà theo báo ở Thái Lan thì họ bị phe áo đỏ bắn chết)

Các cuộc biểu tình sẽ nguội dần, nhưng vết thương trên chế độ dân chủ của Thái Lan sẽ phải đợi thời gian mới hàn gắn được. Ông Abhisit chỉ có thể xác nhận được địa vị lãnh đạo của ông nếu sớm tổ chức bầu cử, để chính người dân có dịp quyết định ai đáng nắm quyền. Quyết định này sẽ rất khó khăn vì kinh tế Thái Lan đang xuống trong cuộc khủng hoảng toàn cầu, và xuống nặng nhất trong vùng Ðông Nam Á vì hai ngành xuất cảng và du lịch đều xuống. Không chính phủ nào muốn tổ chức bầu cử khi kinh tế đang xuống.

Người Thái vẫn còn đang tiến tới trên bước đường xây dựng dân chủ. Nếu gia đình ông Thaksin không tham nhũng và ông không lộng quyền thì chế độ tự do dân chủ đã tiến những bước vững vàng và ông đã trở thành một anh hùng dân tộc. Nếu những người chống ông đủ kiên nhẫn mà sử dụng các khí cụ dân chủ, các định chế dân chủ để lật đổ ông, thì nền dân chủ Thái Lan không bị những tai nạn như mới xẩy ra.
Nhưng loài người sống trong một thế giới không hoàn hảo. Chúng ta chấp nhận những bước vấp ngã trên đường đi; nhưng vẫn đứng dậy tiếp tục đi tiếp. Các nước tự do dân chủ như Anh, Pháp, Mỹ, phải mất hàng trăm năm mới thành hình được những nếp sống tôn trọng các định chế, và tranh đấu trong vòng luật lệ cuộc chơi. Dân Chủ không phải là một bộ quần áo may sẵn hay gói mì ăn liền. Thái Lan đang đi trên con đường dân chủ hóa đầy chướng ngại từ bên trong. Nhưng nếu không bắt đầu bước đi thì không bao giờ tới được. Nước Việt Nam chúng ta phải khởi hành, càng sớm càng tốt.


No comments: