Friday, April 10, 2009

CÔNG BỐ QUY HOẠCH DỰ ÁN BÔ-XÍT TÂY NGUYÊN

Dự án bauxite: Chính phủ nói gì?
Cập nhật: 02:52 GMT - Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/04/090409_bauxite_government.shtml

Kết thúc Hội thảo về khai thác bauxite tại Tây Nguyên hôm thứ Năm 09/04, Phó Thủ tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải nói chủ trương khai thác bauxite và sản xuất alumina của Đảng và Chính phủ là "đúng đắn".
Ông cũng chỉ đạo tiếp tục triển khai dự án tổ hợp bauxite nhôm tại Tân Rai (Lâm Đồng) và tiến hành nghiên cứu bổ sung về tác động môi trường trong dự án Nhân Cơ (Đắk Nông).
Cả hai dự án này trên thực tế đều đã được triển khai.
Ông Hải đã chủ trì hội thảo một ngày ở Hà Nội, với sự tham gia của nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu xã hội đóng vai trò phản biện cho các dự án bauxite gây tranh cãi tại khu vực Tây Nguyên.
Tuy nhiên cho tới sáng thứ Sáu 10/06, các báo Việt Nam không nói gì nhiều về sự kiện này.
Ông phó thủ tướng được VietnamNet trích lời nói tiềm năng bauxite của Việt Nam rất to lớn, nhưng nhấn mạnh: "Tuy nhiên, không thể phát triển bằng mọi giá. Để phát triển thành công các dự án bauxite, cần có giải pháp quản lý, thực hiện chặt chẽ và hiệu quả và không để tiềm năng này biến Tây Nguyên thành đói nghèo".
Cũng vẫn VietnamNet đưa tin ông Hoàng Trung Hải cho hay Chính phủ sẽ điều chỉnh quy hoạch ngành bauxite và đánh giá lại hiệu quả kinh tế của các dự án.
Trước đó, trong phần tham luận, nhiều đại biểu đã khuyến cáo Chính phủ xem lại các khía cạnh kinh tế- xã hội - môi trường của các dự án được cho là nằm trong "chủ trương lớn" của Đảng và Nhà nước.
Một số chuyên gia cũng kiến nghị chỉ nên thực hiện thí điểm dự án Tân Rai.
Có ý kiến cũng đề cập tới vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng của khu vực Tây Nguyên là nơi triển khai các dự án.

Thư Tướng Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người từng được trao trách nhiệm chỉ đạo chương trình khảo sát khai thác bauxite Tây Nguyên trong khuôn khổ hợp tác với khối COMECON của các nước xã hội chủ nghĩa những năm 1980, đã gửi điện tới cuộc hội thảo hôm thứ Năm.
Ông Giáp một lần nữa can ngăn "không nên khai thác" bauxite vì "đứng về lợi ích toàn cục và sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước, khai thác sẽ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng về môi trường, về xã hội, về an ninh quốc phòng".
Đại tướng cho đây là "vấn đề cực kỳ hệ trọng" và hồi đầu năm đã gửi thư khuyến cáo cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu dừng triển khai các dự án bauxite.
Ông cũng cho biết bức thư gửi ngày 05/01 "chưa được trả lời".
Chủ đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên, địa bàn được coi là vị trí chiến lược, "nóc nhà Đông Dương", gần đây đã thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận người Việt trong và ngoài nước.

Quy hoạch bauxite Tây Nguyên
Các chi tiết về quy hoạch bauxite Việt Nam 2007-2015, được Thủ tướng phê duyệt từ ngày 01/11/2007, cũng đã được công bố.
Quy hoạch này chia làm ba giai đoạn: 2007-2010; 2011-2015 và tầm nhìn tới 2025.
Theo đó, trong giai đoạn trước 2010, Việt Nam tập trung khai thác quặng, sản xuất alumina xuất khẩu và sản xuất hydroxide nhôm cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Trong giai đoạn này, Việt Nam dự kiến triển khai ba dự án alumina ở Tân Rai (Lâm Đồng), Nhân Cơ (Đăk Nông), Kon Hà Nừng (Gia Lai) và dự án hydroxide nhôm tại Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Hai dự án Tân Rai và Đắk Nông thực tế đã được triển khai và đã đền bù giải phóng mặt bằng.
Theo quy hoạch, hai dự án này tổng cộng có 13 mỏ bauxite với diện tích thăm dò hơn 1.811 km vuông với tổng chi phí thăm dò dự kiến hơn 590 tỷ đồng.
Mỗi dự án có công suất dự kiến khoảng 600.000 tấn alumina/năm.
Dự án Tân Rai do nhà thầu Trung Quốc Chalieco, công ty con của tập đoàn khổng lồ Chalco, làm thầu PCE trọn gói.
Nay quy hoạch tổng thể ngành bauxite có thể sẽ được điều chỉnh dựa trên các dự báo kinh tế cập nhật và nghiên cứu tác động môi trường.


Công bố quy hoạch dự án bô xít Tây Nguyên
Thứ năm, 9/4/2009, 17:56 GMT+7
http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2009/04/3BA0DD04/
Hội thảo quy mô lớn được tổ chức tại Hà Nội hôm nay, do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, nhằm lắng nghe góp ý cho Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô xít giai đoạn 2007-2015, tầm nhìn 2025.
Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường, các nhà thầu Trung Quốc, Mỹ, và các chuyên gia khai khoáng, luyện kim. Nhà văn Nguyên Ngọc, người gắn bó nhiều năm với văn hóa Tây Nguyên và nhà sử học Dương Trung Quốc cũng tới tham gia ý kiến.

Quy hoạch dự án được Thủ tướng phê duyệt từ 1/11/2007, với mục tiêu phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản bô xít phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội các địa phương và phát triển mạng hạ tầng cơ sở liên quan như giao thông vận tải, cảng biển, điện... Doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm chủ đầu tư xây dựng dự án, kêu gọi các đối tác trong và ngoài nước tham gia góp vốn cổ phần trên nguyên tắc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nắm giữ cổ phần chi phối và chịu trách nhiệm chính trong việc đầu tư, thực hiện quy hoạch.

Quá trình triển khai chia thành 3 giai đoạn: đến 2010, 2011-2015 và 2016-2025. Trước năm 2015, các dự án sẽ tập trung sản xuất alumina xuất khẩu, sản xuất hydroxyt nhôm (phèn chua) phục vụ trong nước và xuất khẩu. Sau năm 2015, sản xuất alumina và nhôm điện phân, duy trì sản xuất hydroxyt nhôm. Sản lượng dự kiến sẽ lên tới 13-18 triệu tấn vào năm 2025.

Trong giai đoạn đến năm 2010, Việt Nam dự kiến triển khai 3 dự án alumina gồm Tân Rai (Lâm Đồng), Nhân Cơ (Đăk Nông 1), Kon Hà Nừng (Gia Lai) và 1 dự án hydroxyt nhôm tại Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Hiện TKV đã khởi công dự án Tân Rai với gói thầu EPC nhà máy alumina do nhà thầu Chalieco Trung Quốc thực hiện; đồng thời chuẩn bị khởi công dự án nhà máy alumina Nhân Cơ. Dự án Kon Hà Nừng đang được chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại và Công nghệ Hà Nội thăm dò trên diện tích 68 km2. Riêng dự án hydroxit nhôm, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam là chủ đầu tư dự án đang triển khai công tác thăm dò mỏ bô xít Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Theo Bộ Công Thương, có thể coi đây là các dự án thử nghiệm tại 3 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên là Lâm Đồng, Đăk Nông và Gia Lai.

Đến 2011-2015, dự kiến sẽ đầu tư tiếp 3 dự án alumina Đăk Nông 2 - 3 - 4, với tổng công suất dự kiến 4,5-6 triệu tấn alumina mỗi năm. Các dự án này chỉ có thể đưa vào vận hành sau khi hoàn thành việc xây dựng tuyến đường sắt Tây Nguyên - Bình Thuận, dự kiến vào giai đoạn 2014-2015.

TKV và một số chủ đầu tư khác (Công ty cổ phần An Viên) đang hoàn chỉnh thủ tục xin thăm dò 7 mỏ bô xít Đăk Nông, 2 mỏ bô xít Lâm Đồng và 2 mỏ tại Bình Phước. Dự kiến, toàn bộ công tác thăm dò sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2010-2011, đảm bảo có cơ sở tài nguyên tin cậy để lập dự án đầu tư.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam có nguồn tài nguyên bô xít thuộc loại lớn trên thế giới. Trữ lượng đã được xác định và dự báo là 5,4 tỷ tấn, chủ yếu tập trung ở khu vực Tây Nguyên. Đã nhiều năm qua, Tây Nguyên tập trung phát triển tối đa cây công nghiệp, nhưng hiệu quả kinh tế còn hạn chế, đời sống đồng bào còn khó khăn, hạ tầng nghèo nàn, trình độ dân trí hạn chế. Vì vậy, bô xít được xác định là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sực phát triển kinh tế xã hội khu vực, góp phần ổn định tình hình chính trị, an ninh trên địa bàn.

Cũng theo Bộ Công Thương, việc phát triển ngành công nghiệp khai thác bô xít, sản xuất alumina - nhôm đã được nghiên cứu cân nhắc và quyết định thận trọng, phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ và đáp ứng nguyện vọng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Dự án đã được gửi lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và địa phương liên quan để hoàn chỉnh, đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định, góp ý và trình Chính phủ phê duyệt. Tuy chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược nhưng trong dự án quy hoạch đã đề cập nội dung cơ bản của vấn đề này.
Bộ Công Thương thừa nhận, ngành công nghiệp nhôm sử dụng nhiều điện năng, chi phí giá thành cao, không hiệu quả và không khả thi trong giai đoạn đầu của quy hoạch. Vì vậy, trước mắt sẽ ưu tiên các dự án sản xuất alumina.

Hiện nay lượng alumina sản xuất trên thế giới khoảng 75 triệu tấn mỗi năm. Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu 10 triệu tấn mỗi năm. So với một số nước xuất khẩu lớn như Australia và Mỹ, Việt Nam có lợi thế khi làm ăn với thị trường Trung Quốc. TKV đã mời một số nhà sản xuất nhôm lớn của Trung Quốc hợp tác đầu tư kèm theo cam kết tiêu thụ sản phẩm.

--------------------------------------------------------------------
Tổng quan 2 dự án bô xít nhôm do TKV đang triển khai:

Trong khuôn khổ 2 dự án, tổng cộng có 13 mỏ bô xít nằm ở 2 tỉnh Đăk Nông và Lâm Đồng, diện tích thăm dò hơn 1.811 km2 với tổng chi phí thăm dò dự kiến hơn 590 tỷ đồng.


Dự án tổ hợp bô xít nhôm Lâm Đồng tại Tân Rai (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) gọi tắt là dự án Tân Rai có công suất 600.000 tấn alumina một năm. Đến nay, TKV đã đề bù giải phóng mặt bằng 424 ha đất của 559 hộ dân (trong đó có 77 hộ đồng bào dân tốc), đang và sẽ đền bù tiếp 980 ha đất của 1.080 hộ đân (327 là đồng bào dân tộc). Số hộ yêu cầu tái định cư khoảng 700 hồ, trong đó 230 hộ đồng bào dân tộc.

Dự án bô xít alumina Nhân Cơ (Đăk Nông) có công suất 600.000 tấn một năm. Tổng vốn đầu tư đã thực hiện tới cuối 2008 là 271 tỷ đồng. Đã đền bù giải phóng mặt bằng 265 ha đất của 216 hộ dân (trong đó có 18 hộ đồng bào dân tộc), đang và sẽ đền bù tiếp 782 ha đất của 545 hộ đân (15 hộ đồng bào dân tộc).

Vốn đầu tư cho 2 dự án bô xít alumina Tân Rai và Nhân Cơ sẽ do tập đoàn tự huy động trên thị trường tài chính trong và ngoài nước, không vay của chính phủ các nước. Riêng dự án Tân Rai được Chính phủ đầu tư 500 tỷ đồng từ nguồn vốn thu do cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương. Vốn đầu tư cảng biển Kê Gà, Bình Thuận do TKV huy động trên thị trường tài chính, không có bảo lãnh của Chính phủ.
Hoàng Lan - Song Linh



No comments: