Monday, April 6, 2009

Bô xít Tây Nguyên, lòng dân và ý đảng, ai sẽ thắng?
Việt Hoàng
Đăng ngày 06/04/2009 lúc 02:24:35 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3672
Trong suốt lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam thì chưa có thời kỳ nào “Đảng ta” lại gặp nhiều “rắc rối” với dân chúng như thời gian vài ba năm gần đây. Trước kia, trong hai cuộc chiến chống thực dân và đế quốc thì “ý đảng” luôn là “lòng dân”, nay thì cứ cái gì là “ý đảng” thì không được “lòng dân” và ngược lại.
Tại sao lại như vậy? Nhân dân Việt Nam luôn được dạy dỗ rằng phải “đời đời ghi nhớ công ơn trời biển của Bác và Đảng”, vậy tại sao một số các “chủ trương lớn của đảng” gần đây đều bị người dân phản đối kịch liệt?
Chỉ có một giải thích duy nhất là dân Việt Nam ngày càng “khôn” lên và “ý thức” nhiều hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình. Một sự thật “đau lòng” khiến “đảng ta” không biết phải làm sao, đó là “lòng dân” ngày càng xa rời và bỏ rơi “ý đảng”.

Một trong những sự kiện đang khiến dư luận trong và ngoài nước quan tâm theo dõi sát sao đó là việc nhà nước Việt Nam quyết tâm cao độ trong việc khai thác quặng bô xít ở Tây Nguyên. Một sự kiện được ông Nguyễn Tấn Dũng khẳng định là “chủ trương lớn của đảng và nhà nước”, trong khi đó thì “lòng dân” lại không thuận và phản đối quyết liệt. Xin cử ra đây một vài cái tên rất đáng chú ý: Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, cựu Đại sứ Việt Nam tại TQ Nguyễn Trọng Vĩnh, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Phạm Đình Trọng, tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, ông cựu đại sứ Nguyễn Trung, nhà báo Lê Phú Khải, ông Mai Thanh Thuyết, ông Trần Đình Thiên, luật sư Bùi Quang Nghiêm… Và mới đây nhất là Hoà thượng Thích Quảng Độ, người đã nhiều lần được đề cử giải Nobel Hoà bình. Còn các tổ chức thì có Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Xây dựng VN, tổ chức Văn hóa và Nghệ thuật Champa quốc tế của người Chăm…(Còn nhiều tên tuổi lớn khác mà người viết không nhớ hết, người viết cũng không kể tên những người Việt ở nước ngoài vì họ luôn được chính quyền VN xem là ‘thế lực thù địch”. Ngay cả tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, một chuyên gia của Tập Đoàn Than và Khoáng Sản do phản đối gay gắt dự án bô xít nên cũng bị chụp mũ là “mắc mưu các thế lực phản động”).

Người dân Việt Nam phản đối dự án khai thác bô xít vì mấy lý do cơ bản sau:

1. Hủy hoại môi trường sống cũng như văn hóa của đồng bào Tây Nguyên. Vấn đề này đã được nhà văn Nguyên Ngọc, người được mệnh danh là “một người con của núi rừng Tây Nguyên” trình bày rõ ràng và cặn kẽ trong các bài viết của ông.

2.Hiểm họa cho sức khỏe con người. Trong bài viết
“Thấy gì sau dự án khai thác bauxite trên Tây Nguyên?”, tác giả Nguyễn Văn Huy (chủ nhiệm báo Thông Luận) cho biết “Tờ Nhân Dân nhật báo phát hành tại Bắc Kinh cho biết, năm 2008 Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa gần một trăm mỏ bauxite trong vùng Thái Nguyên thuộc tỉnh Sơn Tây và trong huyện Tĩnh Tây thuộc tỉnh Quảng Tây, vì quặng bauxite tàn phá môi trường, gây ra nhiều bệnh tật lạ cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe con người”. Cũng cần nhắc đến việc người Trung Quốc đã không coi trọng viêc bảo vệ môi sinh ngay chính quê hương họ thì không có lý do gì để họ "cẩn thận" hơn tại Việt Nam.

3. Ảnh hưởng đến khí hậu và thổ nhưỡng của Tây Nguyên và cả khu vực đồng bằng phía Nam vì Tây Nguyên là mái nhà của Đông Dương, các con sông như Đồng Nai đều bắt nguồn từ Tây Nguyên. Nạn phá rừng và di dân ồ ạt đến Tây Nguyên đã làm cho lũ lụt và hạn hán diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

4. Đe dọa an ninh quốc phòng. Chúng ta đều biết Tây Nguyên là sân sau của Việt Nam, là địa bàn chiến lược quan trọng. Người Pháp đã nói rằng ai làm chủ được Tây Nguyên sẽ làm chủ được Đông Dương. Sau năm 1975 do những chính sách đối xử sai lầm của chính quyền Việt Nam đối với đồng bào Tây Nguyên (chiếm đất, khai thác rừng bừa bãi, di dân ồ ạt…) nên phong trào chống đối của các dân tộc người Tây Nguyên vẫn tiếp diễn, đó là lực lượng FULRO người Thượng bắt đầu từ 1975 đến 1992. Sự bất mãn đó diễn ra thêm hai lần (vào năm 2001 và năm 2004) bằng các cuộc biểu tình qui mô và rộng lớn của đồng bào Tây Nguyên, hai cuộc biểu tình này cũng đã bị chính quyền VN dùng quân đội đè bẹp bằng vũ lực.
Để khống chế Việt Nam cũng như Lào và Campuchia, nếu cần, Trung Quốc sẽ không ngần ngại trang bị vũ khí và tiền bạc cho những sắc tộc đang có mâu thuẫn gay gắt với chính quyền VN để thành lập các khu tự trị nhằm mục đích gây sức ép lên chính quyền VN mỗi khi cần thương thảo vấn đề gì đó.

Do những ảnh hưởng to lớn và nghiêm trọng như vậy mà từ thực dân Pháp, kẻ xâm lược và vơ vét VN gần một trăm năm, đến đế quốc Mỹ, rồi đến “người anh em Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa” COMECON sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng Tây Nguyên đều đã không tiến hành khai thác bô xít dù rằng họ rất cần nguyên liệu nhôm để phục vụ ngành công nghiệp và quốc phòng, họ đã khuyên Việt Nam là nên phát triển các cây công nghiệp như cao su hay chè, cà phê.

Tại sao những kẻ thực dân, đế quốc xâm lược Việt Nam từ bỏ dự án đó mà chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn cố tình thực hiện? Chẳng lẽ “đảng ta” lại xem thường người dân và tàn nhẫn với đất nước Việt Nam còn hơn cả những kẻ xâm lược ngoại bang?

Lý do nào khiến chính quyền VN đồng ý để Trung Quốc vào khai thác bô xít ở Tây Nguyên?

Theo tác giả Nguyễn Văn Huy thì “Bắc Kinh đã gợi ý Đảng Cộng Sản Việt Nam nhượng cho Trung Quốc quyền khai thác các quặng mỏ trên Tây Nguyên, đặc biệt là quặng bauxite, đổi lại Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam xây dựng và mở rộng đường sá từ Tây Nguyên xuống cảng Cam Ranh, kể cả việc tân trang mở rộng hải cảng này và xây dựng hoàn toàn mới một tuyến đường sắt, dài từ 200 đến 300 km, để chuyển hàng từ Đắc Nông xuống Bình Thuận”.

Một lý do nữa là từ phía quân đội, những người đang “quản lý” Tây Nguyên. Mấy ông tướng lĩnh “sứ quân” đang cát cứ ở Tây Nguyên. Người viết rất đồng tình với nhận định của ông Nguyễn Văn Huy rằng: “Từ sau 1975 đến nay, toàn bộ Tây Nguyên đặt dưới quyền quản trị trực tiếp của quân đội. Sự áp đặt này là một bất hạnh lớn cho các tỉnh Kontum, Pleiku, Đắc Lắc, Lâm Đồng, vì chức năng của quân đội không phải để phát triển kinh tế. Để có nguồn thu nhập, quân đội chỉ biết chặt cây đốn rừng xuất khẩu gỗ, gần đây thì chiếm đất lập nông trường trồng cây cao su, trà, cà phê và hồ tiêu xuất khẩu. Khi giá cà phê, trà và hồ tiêu trên các thị trường quốc tế sút giảm, quân đội liền nghĩ tới việc khai thác quặng mỏ để có nguồn thu nhập, trong đó có bauxite để sản xuất alumina, nguyên liệu cơ bản để chế biến nhôm”.

Lý do mà chính quyền Việt Nam đưa ra là vì “lợi ích kinh tế” để quyết tâm thực hiện dự án bô xít. Nhưng câu hỏi đặt ra là trước đây cũng có nhiều “dự án” kinh tế định thực hiện nhưng khi bị người dân phản đối kịch liệt thì chính quyền đã cho dừng lại ví dụ dự án nhà máy thép ở Vân Phong, hay các dự án sân gôn…?

Theo người viết thì có ba lý do khiến chính quyền Việt Nam quyết tâm thực hiện dự án này bằng được:

- Thứ nhất là chính quyền Việt Nam đã bị các “sứ quân”, tức các tướng lĩnh thuộc quân đội đang đóng ở địa bàn Tây Nguyên thao túng và gây sức ép. Chính quyền VN tồn tại dựa vào sự ủng hộ của giới công an, quân đội và các nhóm tài phiệt. Chính vì thế mà chính quyền phải “thoả mãn” mọi đòi hỏi của các nhóm này.
-Thứ hai là lãnh đạo cao cấp trong đảng cộng sản VN đã phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc nên phải thoả mãn các đòi hỏi của “người bạn lớn”. Việt Nam là một nước nhỏ nên luôn chỉ là các “quân cờ” để các nước lớn “chơi cờ”. Lợi dụng tình hình khó khăn của Việt Nam về kinh tế và suy yếu về chính trị để áp đặt ảnh hưởng của mình lên Việt Nam là thời cơ ngàn năm có một, Trung Quốc không dại gì bỏ qua. Việt Nam sẽ là một “Bắc Triều Tiên” (một tên tay sai của Trung Quốc) trong tương lai không xa nếu nhận định này là đúng.
-Thứ ba là kinh tế của Việt Nam đang gặp nguy khốn. Khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động xấu đến VN. Do đầu tư nước ngoài, xuất khẩu và kiều hối giảm mạnh nên ngân sách VN bị thâm thủng nặng. Trước tình trạng thu không đủ chi khiến chính quyền phải làm mọi việc kể cả “bán Tây Nguyên”. Không có tiền để nuôi đám quan lại và bộ máy hành chính khổng lồ thì trật tự giả tạo bấy lâu nay sẽ bị phá vỡ do mất thế cân bằng. Đường nào cũng chết, thôi thì cố được ngày nào hay ngày ấy, chính quyền VN đành “nhắm mắt, bịt tai” chơi một canh bạc cuối.

Phải làm gì bây giờ?

Chỉ có một cách duy nhất là chính quyền phải đứng về phía nhân dân mới chống lại sự o ép của các thế lực đen tối, trong cũng như ngoài nước. Bất cứ một chế độ hay chính đảng nào cũng phải đồng hành cùng lợi ích dân tộc mới mong cầm quyền lâu dài. Việc thoả mãn lợi ích của các nhóm thế lực này hay thế lực khác để được bảo vệ sự cầm quyền đều là những lựa chọn sai lầm và ấu trĩ.
Báo Vietnamnet đã dè dặt bàn đến việc “Đổi Mới 2”, đó là đổi mới về chính trị, cải cách thể chế…Thế nhưng đảng cộng sản VN có khả năng “tự đổi mới” hay không? Tôi tin là không! Ở Việt Nam việc mua quan bán chức, tham nhũng đã trở thành quốc nạn. Từ bộ trưởng, ủy viên trung ương Đảng đến các chức sắc ở tỉnh, huyện đều phải mua bán thì làm sao chính quyền “đổi mới” được?

Chỉ có một cuộc “cách mạng” thật sự, phải có một cuộc ‘đảo chính” xảy ra thì mới quét sạch những tàn tích, những vướng mắc và mặc cả, hay nợ nần giữa các thế lực và cá nhân dưới “thời của cộng sản”. Toàn dân sẽ chung tay xây dựng lại cơ đồ trên nền đổ nát của một thời “độc tài”.

Vì quyền lợi lâu dài của đất nước chính quyền Việt Nam phải công khai và minh bạch các tiêu chuẩn trong quá trình đấu thầu các dự án án lớn. Phải nghĩ đến môi trường sống của người dân Việt Nam hôm nay và cả mai sau. Tôi tin là nhiều người sẽ rất đồng tình với nhận định của tiến sĩ
Nguyễn Thành Sơn rằng “nếu đấu thầu một cách minh bạch, đúng luật, và với tiêu chí là lợi ích tối đa lâu dài của đất nước (chứ không phải của chủ đầu tư) thì không thể có một nhà thầu TQ nào có thể thắng thầu trong bất cứ dự án bauxite nào”.

Qua những ý kiến phản đối của các tầng lớp nhân dân Việt Nam chúng ta thấy được điều gì?

- Những người đã lên tiếng phản đối hành động của chính quyền, đến từ mọi phía, trong đảng hay ngoài đảng, trong chính quyền hay ngoài chính quyền. Đây là những tiếng nói can đảm và sáng suốt. Cuộc “chiến đấu” này là một cuộc chiến đấu giữa những người quan tâm đến tương lai của quốc gia và những người tham lam không còn nghĩ đến quyền lợi của dân tộc. Ranh giới hiện nay không còn là quốc gia hay cộng sản, ở trong chính quyền hay ngoài chính quyền. Ranh giới hiện nay là có lương tâm hay không có lương tâm, có trách nhiệm hay không có trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc...

- Lịch sử Việt Nam đang thách thức con người Việt Nam. Dân tộc Việt Nam đã chứng tỏ ý chí quật cường của mình để quốc gia Việt Nam được độc lập và tự do. Nhưng hiện nay Việt Nam đang đứng trưóc những nguy cơ lớn. Chỉ có lương tâm, ý chí và sự sáng suốt mới có thể cứu đất nước Việt Nam thoát khỏi nguy cơ do lòng tham của những người đang nắm quyền lãnh đạo quốc gia hiện nay tạo nên.

- Một cuộc chiến tuy thầm lặng nhưng rất quyết liệt giữa một bên là “ý đảng” và bên kia là “lòng dân”. Chúng ta hãy chờ xem bên nào sẽ thắng trong cuộc chiến này.

Theo tôi, nếu đảng cộng sản còn chút lương tâm và chút sáng suốt thì hãy nhanh chóng dừng dự án khai thác bô xít đầy tai tiếng này lại. Đừng lấp liếm bằng những trò mị dân rẻ tiền như kiểu ông Lê Dũng (bỗng dưng muốn…yêu nước) lên tiếng phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.Vận mệnh đất nước đang đứng trước khúc quanh mới. Con tạo sẽ xoay vần như thế nào? Hy vọng là những điều tốt đẹp sẽ đến với người dân Việt Nam trong năm Kỷ Sửu này.

Việt Hoàng

(Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)
© Thông Luận 2009

No comments: