Sunday, April 5, 2009

BÔ-XÍT TÂY NGUYÊN KHÔNG HIỆU QUẢ KINH TẾ

Báo Sài Gòn Tiếp Thị Online
Hội thảo của liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam
Khai thác bô xít ở Tây Nguyên: không có hiệu quả kinh tế
Ngày 03.04.2009 Giờ 09:41
http://www.sgtt.com.vn/detail29.aspx?ColumnId=29&newsid=49306&fld=HTMG/2009/0402/49306
Sáng 31.3, tại Hà Nội, liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức cuộc hội thảo đóng góp ý kiến về quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít tại Tây Nguyên. Kết luận của cuộc hội thảo này sẽ được tổng hợp trình lên ban bí thư nhằm chuẩn bị cho cuộc họp của bộ Chính trị vào đầu tuần tới.


Các nhà khoa học dự báo rằng hai dự án khai thác bô xít ở Tân Rai và Nhân Cơ nhiều khả năng không có hiệu quả về mặt kinh tế. Sau khi cử đoàn chuyên gia đi khảo sát tất cả các mỏ bô xít ở Tây Nguyên, địa điểm các nhà máy alumin Tân Rai và Nhân Cơ, VUSTA đã kết luận rằng hai dự án trên khó khả thi. Theo tính toán của VUSTA, những nguyên nhân chính bao gồm công suất không đủ để có lãi, cước vận tải bằng ô tô ra cảng quá cao, giá thành sản xuất alumin quá cao so với giá thành trên thế giới…

Ngoài ra để cung cấp nước cho dự án Tân Rai, tập đoàn Than – khoáng sản dự định xây hồ Cái Bảng. Nhưng hồ nước với lượng nước trữ là 108,7 triệu m3/năm, sẽ lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước chính của thuỷ điện Hàm Thuận – Đa Mi, và hồ Trị An.

Việc tập đoàn Than – khoáng sản ký hợp đồng EPC (chìa khoá trao tay) với nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) đã gặp sự phản ứng dữ dội từ các nhà khoa học thuộc VUSTA. Với tổng số tiền bỏ ra là gần 1 tỉ USD cho hai nhà máy, phía chủ đầu tư Việt Nam hoàn toàn phải đứng ngoài hàng rào, mặc cho nhà thầu Trung Quốc tự do trong việc chọn thiết bị.

VUSTA cho rằng Việt Nam vẫn chưa đủ năng lực, nguồn lực và kinh nghiệm để thực hiện điều này. Hơn nữa, theo VUSTA, chỉ đến khi trở thành một nước công nghiệp, Việt Nam mới có nhu cầu thực sự lớn về nhôm.
Huỳnh Phan


Khi bauxite được khai thác theo “quy trình lộn ngược”
Thiện Giao, phóng viên đài RFA
2009-04-05
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-vietnam-union-of-science-technology-assiociations-mining-bauxite-is-to-jeopardise-national-security-tgiao-04052009084205.html
Một báo cáo gần đây, do Liên Hiệp Các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam thực hiện, nhận định là quá trình triển khai các nhà máy bauxite đầu tiên tại Việt Nam được tiến hành theo một “quy trình lộn ngược,” và việc các nhà máy “đều sử dụng công nghệ của 1 công ty Trung Quốc là điều đáng lo ngại.”
Nhiều ý kiến lo ngại việc tiến hành dự án khai thác bô-xít có thể hủy hoại môi trường sống của vùng Tây Nguyên.
Biên tập viên Thiện Giao có thêm thông tin sau đây.

Các dự án bauxite đã và đang được tiến hành tại Tây Nguyên thiếu chiến lược, thiếu nghiên cứu, ảnh hưởng tai hại đến môi trường văn hóa, xã hội, và trong một số khía cạnh, vi phạm đến “luật của nhà nước Việt Nam về sử dụng lao động nước ngoài.”

VUSTA

Các ý kiến vừa đề cập được nêu trong bản báo cáo mà người đọc có thể tìm thấy trên Internet những ngày gần đây. Và báo cáo này được xem là của Liên Hiệp Các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam, VUSTA,thực hiện với đề tài “Bước Đầu Tìm Hiểu Các Vấn Đề Xung Quanh Việc Triển Khai Các Dự Án Bauxite Tây Nguyên.”
Trong một lần phỏng vấn hồi cuối tháng Hai vừa qua, nhà văn Nguyên Ngọc đã cho chúng tôi biết, rằng vào thời điểm ấy, “VUSTA, một tổ chức rất lớn gồm hầu hết tất cả các hiệp hội về các ngành khoa học - kỹ thuật và cả khoa học xã hội, cũng đã vào cuộc để nghiên cứu.”
Cũng thời điểm ấy, trả lời phỏng vấn của đài chúng tôi, tiến sĩ Hồ Uy Liêm, Chủ Tịch VUSTA, cho biết, rằng “Liên Hiệp tư vấn cho chính phủ phương án phát triển bauxite có lợi nhất, cân bằng giữa môi trường và phát triển xã hội, cũng như bảo đảm quyền lợi của người dân tộc.”
“Thế thì hiện nay mục tiêu hoạt động của chúng tôi trong những tháng này, không những ở đây [Đắc Nông] mà cả ở Hà Nội và các địa phương. Có thể vài tháng nữa sẽ có ý kiến chính thức. Bây giờ tất nhiên cũng có một số ý kiến thống nhất rồi, nhưng chúng tôi phải chuẩn bị rất kỹ các số liệu. Định tính thì dễ, còn định lượng để đưa ra những số liệu, những con số cụ thể thì phải tính toán nghiêm chỉnh.”

Báo cáo của VUSTA

Bây giờ thì bản báo cáo sơ khởi đã hoàn tất, và các kết luận cho thấy các dự án bauxite theo “chủ trương lớn của Đảng và Nhà Nước” đang đi theo một “quy trình lộn ngược.”
Báo cáo viết rằng, “Quá trình triển khai tại các nhà máy đầu tiên được tiến hành theo một quy trình lộn ngược;” thiếu nghiên cứu, đánh giá cụ thể về hiệu quả kinh tế, tác động tiêu cực về văn hóa, xã hội, môi trường, và “thiếu hẳn sự chuẩn bị từ quy hoạch đến kế hoạch thực hiện…”
Bản báo cáo nêu ra 7 điểm “bất cập” trong quá trình lập quy hoạch và triển khai các dự án bauxite. Trong số này, có sự bất cập về kinh tế, “bán rẻ tài nguyên không thể tái tạo,” không thể giải thích được “vấn đề cơ sở hạ tầng,” có thể tái lập “hậu quả do sử dụng công nghệ Trung Quốc,” làm “mai một bản sắc văn hóa bản địa, phân tầng xã hội,” “đe dọa an ninh quốc phòng, toàn vẹn lãnh thổ,” nguy cơ thua lỗ nặng nề và “tạo gánh nặng cho quốc gia về sau.”

Đe dọa văn hóa Tây Nguyên


Chỉ xét riêng đến khía cạnh văn hóa, nhà văn Nguyên Ngọc, người có quá trình nghiên cứu lâu dài về văn hóa Tây Nguyên, từng nói, “Tây Nguyên hiện còn tồn tại dấu vết những nền văn hóa cổ xưa nhất của những dân tộc đã từng sống trên mảnh đất mà ngày nay gọi là mảnh đất Đông Dương.” Thế nhưng, khai thác bauxite Tây Nguyên chính là đe dọa trực tiếp nền tảng “không gian văn hóa cồng chiêng” độc đáo của địa phương này.
“Khi Tây Nguyên mất nền tảng của mình, văn hóa của họ sẽ tan. Một khi văn hóa tan đi, đặc biệt đối với dân tộc thiểu số là nơi văn hóa đối với họ vô cùng sâu sắc, xã hội sẽ không thể ổn định, thậm chí các dân tộc không thể tồn tại một cách bền vững.”

Nhà thầu TQ, công nhân TQ, công nghệ TQ

Bản báo cáo của VUSTA đưa ra một số nhận định đáng quan tâm. Chẳng hạn, “việc cả 2 nhà máy alumina đầu tiên của Việt Nam đều sử dụng công nghệ của 1 công ty Trung Quốc là điều đáng lo ngại.”
Thế nhưng, việc công ty CHALIECO của Trung Quốc được thắng thầu tại Việt Nam lại càng đáng quan tâm hơn. Báo cáo viết rằng, trường hợp nhà máy Tân Rai, Lâm Đồng, thì CHALIECO bỏ thầu giá thấp, sau khi thắng thầu lại yêu cầu tăng giá. Cụ thể, giá bỏ thầu để được chấp nhận là 352 triệu Mỹ kim, nhưng sau đó, phía Trung Quốc đàm phán yêu cầu tăng lên thành 466 triệu Mỹ kim. Và Tập Đoàn Than – Khoáng Sản Việt Nam, TKV, vẫn cứ chấp nhận.
Một bản báo cáo khác, do một cán bộ của chính TKV, là tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn viết gởi một số lãnh đạo của Đảng cách đây ít lâu, có đoạn là ông khẳng định “nếu đấu thầu một cách minh bạch, đúng luật, và với tiêu chí là lợi ích tối đa lâu dài của đất nước, chứ không phải của chủ đầu tư, thì không thể có một nhà thầu Trung Quốc nào có thể thắng thầu trong bất cứ dự án bauxite nào.”
Bản báo cáo của VUSTA đưa ra một kết luận khá bất ngờ: với tình hình thị trường hiện nay, và với công suất của 2 nhà máy nằm trong dự án, “mỗi năm, tập đoàn TKV sẽ phải bù lỗ từ 60 đến 120 triệu Mỹ kim.”
Xét về mặt nhân công và lao động, bản báo cáo cho rằng “quá trình khai thác bauxite sẽ chiếm dụng một diện tích đất rất lớn nhưng hiệu quả tạo công ăn việc làm không cao.” Cụ thể, đối với sự án Tân Rai tại Lâm Đồng, thì “bình quân các dự án bauxite cần tới 2,5 ha đất để tạo ra 1 việc làm.”
Thế nhưng, có một hiện tượng mâu thuẫn về mặt nhân công. Cũng theo báo cáo, “gần đây đã có hàng trăm công nhân Trung Quốc đến xây dựng nhà máy tại Tân Rai, Lâm Đồng. Và vào cao điểm sẽ là con số ngàn.”
Sự có mặt của công nhân Trung Quốc tại đây cũng đặt ra vấn đề: chính dự án của Nhà Nước đã “vi phạm luật của Nhà Nước Việt Nam trong việc sử dụng lao động nước ngoài.”
Báo cáo cho biết, sự có mặt của công nhân Trung Quốc “ảnh hưởng nặng nề công ăn việc làm của cư dân tại chỗ.” Và “cũng không thể quản lý được hoạt động của công nhân Trung Quốc vào làm việc theo visa du lịch ở đó, là điều có thể ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh địa phương.” Và một trong bốn kiến nghị mà báo cáo của VUSTA đưa ra là phải xem an ninh quốc gia như là một tiêu chí quan trọng nhất cần phải tôn trọng.


No comments: