Monday, March 23, 2009

VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ HAY ĐẶC QUYỀN QUÂN SỰ ?

Vùng đặc quyền kinh tế hay đặc quyền quân sự?

Dương Danh Huy, Lê Minh Phiếu, Phạm Thu Xuân (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông)

23/03/2009 11:20 (GMT + 7)

http://tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/6459/index.aspx

(TuanVietNam) - Sự kiện Mỹ - Trung đụng độ trên biển không đơn giản chỉ là chuyện nắn gân giữa hai cường quốc mà còn là do sự khác biệt cơ bản trong quan niệm về quy chế vùng đặc quyền kinh tế giữa một bên là Mỹ - một cường quốc đã thống lĩnh đại dương từ lâu, và bên kia là Trung Quốc - một cường quốc đang bắt đầu thách thức sự thống lĩnh đó.

Ngày 08/03/2009, cách đảo Hải Nam 75 hải lý về phía Nam, 5 tàu Trung Quốc bao vây một tàu do thám không vũ trang của hải quân Mỹ, tiến tới cách tàu này 8 mét, cản đường tàu này và tìm cách phá hoại những thiết bị thuỷ âm mà tàu này đang kéo trên biển.

Vùng biển nơi sự kiện xảy ra nằm ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý từ đảo Hải Nam của Trung Quốc, ngoài vùng 12 hải lý từ đất liền Việt Nam và từ các đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng. Tọa độ chính xác chưa được công bố nhưng theo Trung Quốc thì vùng này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.

Sau đó, Mỹ cáo buộc Trung Quốc vi phạm luật biển quốc tế. Trung Quốc cáo buộc ngược lại là Mỹ vi phạm luật quốc tế và luật Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Sự kiện này không đơn giản chỉ là chuyện nắn gân giữa hai cường quốc mà còn là do sự khác biệt cơ bản trong quan niệm về quy chế vùng đặc quyền kinh tế giữa một bên là Mỹ - một cường quốc đã thống lĩnh đại dương từ lâu, và bên kia là Trung Quốc - một cường quốc đang bắt đầu thách thức sự thống lĩnh đó.

1. Vùng đặc quyền kinh tế theo UNCLOS

Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), trên nguyên tắc nước ven biển có quyền có 5 vùng biển sau: Nội thủy; Lãnh hải; Vùng tiếp giáp lãnh hải; Vùng đặc quyền kinh tế; và Thềm lục địa.

Xét về tính chất pháp lý, 5 vùng biển mà nước ven biển có quyền đòi hỏi theo UNCLOS có thể được chia thành 2 nhóm khác nhau:

1.Các vùng biển thuộc chủ quyền của nước ven biển, bao gồm:

- Nội thủy: vùng biển nằm phía bên trong đường cơ sở.

- Lãnh hải: vùng biển rộng 12 hải lý phía ngoài đường cơ sở.

Các vùng biển này có quy chế pháp lý như lãnh thổ trên đất liền, tức quốc gia ven biển có quyền thực thi chủ quyền của mình tại vùng biển này như đối với lãnh thổ đất liền. Tuy nhiên, có một điều khác với lãnh thổ trên bộ, tàu thuyền hay máy bay nước ngoài được quyền đi qua vô hại trong lãnh hải.

Các vùng biển mà nước ven biển có quyền chủ quyền và quyền tài phán, bao gồm:

- Vùng tiếp giáp lãnh hải: vùng biển nằm phía ngoài và tiếp liền lãnh hải và rộng 24 hải lý tính từ đường cơ sở.

- Vùng đặc quyền kinh tế: vùng biển nằm phía ngoài và tiếp liền với lãnh hải, rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

- Thềm lục địa: bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển phía bên ngoài của lãnh hải trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia ven biển cho đến bờ ngoài của rìa lục địa hoặc đến khoảng cách 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

Tại các vùng biển này, quốc gia ven biển được thực hiện một số quyền mang tính chất chủ quyền và chỉ có quyền tài phán trong một số lĩnh vực nhất định.

Riêng đối với vùng đặc quyền kinh tế, nước ven biển có những quyền chủ quyền về việc khảo sát, khai thác, bảo tồn, quản lý và nghiên cứu các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như có những quyền chủ quyền về những hoạt động khác vì mục đích kinh tế. Ngoài ra, trong vùng biển này, quốc gia ven biển cũng có quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước và các quyền khác do Công ước này quy định.

Xét về mặt lịch sử, tập quán và luật pháp quốc tế trước khi UNCLOS ra đời không có quy chế về vùng đặc quyền kinh tế. Vùng biển này là sáng kiến của UNCLOS và đặt vùng này nằm giữa vùng lãnh hải và biển cả. Nó nhằm mục đích cho quốc gia ven biển được hưởng những quyền lợi về kinh tế trên những khu vực ngoài 12 hải lý mà không cần phải mở rộng chiều rộng của lãnh hải; đồng thời vẫn đảm bảo những quyền lợi phi kinh tế của những quốc gia khác ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý của quốc gia ven biển.

Quy chế lãnh hải

Thật vậy, từ thế kỷ 18, nước Anh và một số nước trên thế giới bắt đầu công nhận một vùng lãnh hải rộng khoảng 3 hải lý thuộc chủ quyền nước ven biển, và công nhận là không nước nào có chủ quyền đối với vùng biển, gọi là biển cả, bên ngoài vùng lãnh hải này. Từ thế kỷ 19 cho tới giữa thế kỷ 20, khái niệm “lãnh hải - biển cả” này trở thành tập quán ngoại giao, ban đầu là cho các nước Âu Mỹ và sau đó là cho cộng đồng quốc tế.

Công ước 1958 về Lãnh hải và Vùng Tiếp giáp[1] (Công ước 1958) nới chiều rộng của lãnh hải ra thành 12 hải lý. Trong lãnh hải, nước ven biển có chủ quyền, nhưng các nước khác có quyền đi qua vô hại[2].

Theo Công ước 1958, việc bảo đảm nền hoà bình, trật tự và an ninh của nước ven biển là những mục đích của quy chế lãnh hải 12 hải lý.

Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) kế thừa tinh thần trên của Công ước 1958. Điều 19 của UNCLOS quy định cụ thể về “phương hại tới hoà bình” như sau[3]:

2. Việc đi qua của một tàu thuyền nước ngoài bị coi như phương hại đến hòa bình, trật tự hay an ninh của quốc gia ven biển, nếu như ở trong lãnh hải, tàu thuyền này tiến hành một trong bất kỳ hoạt động nào sau đây:

a) Đe dọa hoặc dùng vũ lực chống lại chính quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của quốc gia ven biển hay dùng mọi cách khác trái với các nguyên tắc của pháp luật quốc tế đã được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc;

b) Luyện tập hoặc diễn tập với bất kỳ kiểu loại vũ khí nào;

c) Thu thập tình báo gây thiệt hại cho quốc phòng hay an ninh của quốc gia ven biển;

d) Phóng đi, tiếp nhận hay xếp lên tàu các phương tiện bay;

e) Phóng đi, tiếp nhận hay xếp lên tàu các phương tiện quân sự;

f) Tuyên truyền nhằm làm hại đến quốc phòng hay an ninh của quốc gia ven biển;

g) Xếp hoặc dỡ hàng hóa, tiền bạc hay đưa người lên xuống tàu trái với các luật và quy định về hải quan, thuế khóa, y tế hoặc nhập cư của quốc gia ven biển;

h) Gây ô nhiễm cố ý và nghiêm trọng, vi phạm Công ước;

i) Đánh bắt hải sản;

j) Nghiên cứu hay đo đạc;

k) Làm rối loạn hoạt động của mọi hệ thống giao thông liên lạc hoặc mọi trang thiết bị hay công trình khác của quốc gia ven biển;

l) Mọi hoạt động khác không trực tiếp quan hệ đến việc đi qua.

Quy chế biển cả

Ngược lại, khác với trong vùng lãnh hải, tinh thần đối với của biển cả là các nước trên thế giới có tự do hàng hải, hàng không và tự do sử dụng biển cả.

Tuy có quy định rằng biển cả là để cho các mục đích hoà bình và quy định rằng các nước phải tuân thủ luật quốc tế và Điều 2, khoản 4 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, UNCLOS không cấm đo đạc hay những hoạt động quân sự như từ Điểm b đến Điểm f, Khoản 2 Điều 19 UNCLOS như đã cấm trong vùng lãnh hải. Như vậy, tinh thần tự do hoạt động quân sự trên biển cả có từ lâu đời và được UNCLOS bảo lưu.

Quy chế vùng đặc quyền kinh tế

Trong bài viết về lịch sử của quy chế vùng đặc quyền kinh tế, S.N. Nandan, Đại diện Đặc biệt của Tổng Thư ký về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc cho là mục đích của sự ra đời của quy chế vùng đặc quyền kinh tế trong UNCLOS là cho phép các nước ven biển bảo đảm quyền lợi kinh tế của mình mà không cần phải nới quy chế của lãnh hải rộng ra 200 hải lý[4].

Trong khi tinh thần của lãnh hải là bảo đảm nền hoà bình, trật tự và an ninh của nước ven biển thì tinh thần của vùng đặc quyền kinh tế là bảo đảm quyền lợi kinh tế của nước ven biển. Ngoài việc bảo đảm quyền lợi kinh tế và những quyền tài phán hạn chế, tinh thần của quy chế vùng đặc quyền kinh tế gần giống tinh thần của quy chế biển cả.

Thật vậy, trong khi Điều 19 của UNCLOS cấm đo đạc và hoạt động quân sự, bao gồm thu thập thông tin tình báo trong lãnh hải, không có một điều cấm tương tự trong biển cả hay vùng đặc quyền kinh tế.

Điều 58 của UNCLOS nói rằng trong vùng đặc quyền kinh tế các nước có tự do hàng hải, hàng không được quy định tại điều 87 dành cho biển cả.

UNCLOS có quy định rằng các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế phải hoà bình và quy định rằng các nước phải tuân thủ luật quốc tế và Điều 2, khoản 4 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nhưng điều này không khác với biển cả.

Như vậy, đối với tự do hàng hải, hàng không và đối với hoạt động quân sự, tinh thần của quy chế vùng đặc quyền kinh tế gần với tinh thần của quy chế biển cả, và rất khác với tinh thần của quy chế lãnh hải.

Trên thực tế, phần lớn các nước trên thế giới công nhận là quyền hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế giống như trong biển cả, ngoại trừ hoạt động quân sự không được gây thiệt hại cho kinh tế của nước ven biển và không gây thiệt hại đáng kể cho tài nguyên[5]. Trên thế giới chỉ có vài nước, bao gồm Bangladesh, Brazil, Cape Verde, Malaysia, Pakistan, và Uruguay, tuyên bố là các nước khác phải xin phép trước khi thi hành hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ven biển[6].

2. Hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế

Xét về khía cạnh pháp lý, câu hỏi là những hành động do thám và khảo sát thủy văn quân sự của Mỹ trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc có vi phạm UNCLOS hay không?

Dựa trên những lý do sau, có thể cho là những hành động đó không vi phạm UNCLOS:

Tinh thần của quy chế vùng đặc quyền kinh tế như đã nêu trên.

Điều 19 của UNCLOS cấm đo đạc và thu thập tình báo trong lãnh hải nhưng không tồn tại điều tương đương cấm những việc này trong vùng đặc quyền kinh tế hay biển cả.

Điều 58 của UNCLOS nói rằng trong vùng đặc quyền kinh tế các nước có những tự do hàng hải, hàng không của điều 87 trong quy chế biển cả.

Những quy định của UNCLOS về sử dụng biển một cách hoà bình trong vùng đặc quyền kinh tế không khác với trong biển cả.

Tập quán quốc tế là công nhận quyền đo đạc, do thám và hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế.

Ngược lại, Trung Quốc cho là những hành động đó vi phạm UNCLOS vì những lý do sau.

Trung Quốc cho rằng khảo sát thuỷ văn, đo đạc hay do thám là những hành động để “sửa soạn chiến trường”, vì vậy là một sự đe doạ cho Trung Quốc, và vì vậy vi phạm luật quốc tế, cụ thể là Điều 2, đoạn 4 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc[7]. Trong quan điểm này, Trung Quốc dùng từ “đe doạ” với nghĩa một nguy hiểm tiềm tàng, khác với ý nghĩa của thuật ngữ “đe dọa dùng vũ lực” trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc có nghĩa như doạ nạt, cảnh cáo và với ý là có thể hành động tức thời. Vì vậy lập luận này của Trung Quốc là không đúng.

Trung Quốc cũng cho rằng những hành động đó xâm phạm an ninh của Trung Quốc, vì vậy không “tính đến các quyền và các nghĩa vụ của nước ven biển” như điều 58 của UNCLOS đòi hỏi[8]. Tuy nhiên, quy định của UNCLOS về an ninh trong vùng đặc quyền kinh tế không khác với trong biển cả. Ngoài việc không cản trở các hoạt động kinh tế và không gây thiệt hại đáng kể cho tài nguyên, không có quan niệm chung thế nào là “tính đến các quyền và các nghĩa vụ của nước ven biển” trong vùng đặc quyền kinh tế[9]. Vì vậy quan điểm này của Trung Quốc không phải là quan điểm cụ thể tồn tại trong UNCLOS.

Lý do thứ ba của Trung Quốc là đo đạc, khảo sát thuỷ văn và do thám là nghiên cứu khoa học biển cho nên UNCLOS đòi hỏi là phải xin phép Trung Quốc, và những hành động đó không phải là những hành động hoà bình cho nên UNCLOS không đòi hỏi là Trung Quốc phải cho phép. Ngược lại, Mỹ cho là những hành động đó không phải là nghiên cứu khoa học biển mà là đo đạc và những hoạt động quân sự mà UNCLOS không cấm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ven biển.

3. Biến vùng đặc quyền kinh tế thành vùng đặc quyền quân sự

Ngày nay, nỗ lực lớn nhất để thay đổi tập quán quốc tế về vùng đặc quyền kinh tế là từ Trung Quốc.

Năm 2002, Trung Quốc ban hành một đạo luật dựa trên luật 1998 của nước này về vùng đặc quyền kinh tế, cấm các nước khác khảo sát, đo đạc trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.

Mục đích của Trung Quốc là biến vùng đặc quyền kinh tế của nước này thành vùng đặc quyền quân sự. Trong tình hình hải quân Trung Quốc chưa mạnh bằng hải quân Mỹ nhưng mạnh hơn hải quân của các nước Á Đông, có thể ngoại trừ hải quân Nhật, vùng đặc quyền quân sự đó sẽ thuận tiện cho chiến lược biển của Trung Quốc nói chung và chủ trương của Trung Quốc đối với Biển Đông nói riêng.

Có vẻ như là Trung Quốc muốn sử dụng những quy định trong UNCLOS về tài nguyên và kinh tế cho mục đích ngăn cấm những hoạt động đi lại, do thám có tính quân sự của các nước khác trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Khác với Trung Quốc, nhu cầu của Mỹ từ xưa tới nay luôn luôn là tự do hàng hải trên biển. Một trong những nhiệm vụ của hải quân Mỹ là bảo đảm tự do hàng hải cho Mỹ, cho đồng minh của Mỹ và cho những hoạt động kinh tế quan trọng với Mỹ một cách trực tiếp hay gián tiếp. Mặt kia của vấn đề, tự do hàng hải là điều cần thiết cho hoạt động của hải quân Mỹ. Vì vậy, Mỹ luôn luôn chống những chính sách của những nước khác có khả năng làm giảm tự do hàng hải.

4. Lựa chọn cho Việt Nam về hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế

Câu hỏi cho Việt Nam là nên ủng hộ tập quán quốc tế là các nước trên thế giới có quyền hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ven biển, hay ủng hộ quan điểm của Trung Quốc và một số ít các nước khác?

Hiện nay dù Việt Nam có quyền thì cũng không có nhiều khả năng hay nhu cầu để hoạt động quân sự bên trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, nhất là bên ngoài Biển Đông.

Ngược lại, nhiều nước trên thế giới có khả năng hoạt động quân sự bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thoạt nhìn thì có vẻ như là quan điểm như của Trung Quốc sẽ cản trở những nước này hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và như vậy tốt cho quyền lợi của Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế thì không hẳn như vậy vì những lý do sau.

Thứ nhất, giả sử Việt Nam có ủng hộ quan điểm không cho các nước khác quyền hoạt động quân sự, khảo sát, đo đạc, do thám trong vùng đặc quyền kinh tế của mình đi nữa thì trên thực tế điều đó cũng không đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Lý do là ranh giới lưỡi bò của Trung Quốc lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc sẽ không công nhận vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà sẽ cho rằng phần lớn vùng biển đó là của Trung Quốc, và Trung Quốc vẫn sẽ có hoạt động quân sự trong phần lớn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Như vậy, ủng hộ quan điểm của Trung Quốc sẽ không có nhiều ích lợi cho Việt Nam mà có ích cho Trung Quốc nhiều hơn. Giả sử Trung Quốc công nhận vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ lãnh thổ không bị tranh chấp của Việt Nam thì Việt Nam còn có thể ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về quy chế vùng đặc quyền kinh tế.

Thứ nhì, nếu Trung Quốc thành công trong việc biến vùng đặc quyền kinh tế của họ thành vùng đặc quyền quân sự của họ thì điều đó sẽ tăng khả năng cho việc họ đòi hỏi là vùng biển bên trong ranh giới lưỡi bò cũng là vùng đặc quyền quân sự của họ, và tăng khả năng họ thành công trong đòi hỏi đó.

Thứ ba, không có nước nào bên ngoài Biển Đông (mà chỉ có những nước bao quanh Biển Đông) đe doạ trực tiếp và hiện hữu cho sự vẹn toàn lãnh thổ và chủ quyền của Việt Nam. Ngay cả những nước Đông Nam Á trong tranh chấp Biển Đông cũng không có yêu sách trong vùng đặc quyền kinh tế tính từ lãnh thổ không bị tranh chấp của Việt Nam. Vì vậy, nếu những nước này có hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế này mà không gây thiệt hại cho kinh tế và tài nguyên, như UNCLOS đòi hỏi, thì điều đó không là thiệt hại cho Việt Nam.

Vì những lý do trên, Việt Nam tuyệt đối không nên ủng hộ quan điểm của Trung Quốc mà nên ủng hộ việc duy trì tập quán quốc tế. Tuy nhiên, với thực trạng quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam cần phải ủng hộ việc duy trì tập quán quốc tế một cách khéo léo để tăng tối đa lợi ích cho mình và giảm tối thiểu những hệ quả có hại cho mình.

5. Lựa chọn cho Việt Nam về phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của mình

Dù nước ven biển không có độc quyền quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế, vùng này vẫn hết sức quan trọng.

Thế nhưng Việt Nam chưa bao giờ công bố bản đồ hay phạm vi cụ thể nào cho vùng đặc quyền kinh tế của mình. Trên nguyên tắc, đó là một điều bất lợi cơ bản cho việc bảo vệ quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trên thực tế, với thực trạng Trung Quốc có chủ trương và hành động cụ thể để chiếm 75- 80% diện tích trên Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sự chưa công bố này lại càng gây bất lợi nghiêm trọng hơn.

Vì các đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang trong tình trạng tranh chấp, vì hiệu lực để tính vùng đặc quyền kinh tế cho các đảo này chưa được xác định và chưa được các nước trong khu vực công nhận, vì vùng đặc quyền kinh tế cho các đảo này sẽ nằm chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế từ lãnh thổ không bị tranh chấp của các nước khác, Việt Nam có thể tuyên bố là sẽ công bố phạm vi vùng đặc quyền kinh tế cho các đảo này sau. Như vậy sẽ phù hợp với tinh thần của Tuyên bố 2002 của ASEAN và Trung Quốc về quy tắc ứng xử về Biển Đông.

Nhưng Việt Nam cần phải yêu sách phạm vi cụ thể cho vùng đặc quyền kinh tế từ lãnh thổ không bị tranh chấp của mình càng sớm càng tốt. Trong việc này, Việt Nam phải lựa chọn giữa 2 phương cách.

Phương cách thứ nhất là yêu sách phạm vi cụ thể cho vùng đặc quyền kinh tế tính bằng khoảng cách 200 hải lý từ đường cơ sở 1982 của Việt Nam.

Tuy nhiên, đường cơ sở 1982 của Việt Nam không phù hợp với UNCLOS ở một số điều quan trọng và nằm xa bờ một cách đáng kể so với một đường cơ sở phù hợp với UNCLOS. Trong vòng 2 năm từ khi Việt Nam công bố đường sơ sở 1982, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Cộng hoà Liên bang Đức, Thái Lan phản đối đường sơ sở này[10].

Một số khuyết điểm của đường cơ sở 1982 của Việt Nam tương đương với một số khuyết điểm của dự luật HB 3216 của Philippines về đường cơ sở của nước này[11]. Philippines đã bác bỏ dự luật này.

Khả năng là một vùng đặc quyền kinh tế tính bằng khoảng cách 200 hải lý từ đường cơ sở 1982 sẽ không được nhiều nước chấp nhận, thậm chí có thể sẽ bị nhiều nước phản đối.

Nếu yêu sách của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế không được nhiều nước chấp nhận, hay bị nhiều nước phản đối, thì yêu sách đó khó có thể đóng góp cho việc bảo vệ quyền chủ quyền của nước ta.


Bản đồ SEQ Bản_đồ \* ARABIC 1: Đường cơ sở 1982 của Việt Nam.

http://www.tuanvietnam.net/Library/Images/53/2009/03/22_bando1small.jpg

Phương cách thứ nhì là yêu sách phạm vi cụ thể cho vùng đặc quyền kinh tế tính bằng khoảng cách 200 hải lý từ những đường ad hoc (những đường biên trong sự việc này) phù hợp với các quy định của UNCLOS về đường cơ sở. Các đường ad hoc (đường biên trong sự việc) này có thể là ngấn thuỷ triều thấp của đất liền, của các đảo ven bờ, và của các đảo trong các nhóm Côn Đảo, Phú Quý, đơn giản hoá một cách phù hợp với quy chế đường cơ sở thẳng bình thường của UNCLOS[12]. Phương cách này cho phép Việt Nam yêu sách phạm vi cụ thể cho vùng đặc quyền kinh tế ngay cả khi đường cơ sở 1982 chưa được chỉnh sửa, vì phạm vi đó sẽ không cách đường cơ sở 1982 hơn 200 hải lý.


Bản đồ SEQ Bản_đồ \* ARABIC 2: Vùng đặc quyền kinh tế của các vùng lãnh thổ không bị tranh chấp, tính từ ngấn thủy triều thấp. Ranh giới lưỡi bò xân phạm phần lớn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia.

http://www.tuanvietnam.net/Library/Images/53/2009/03/14_bieudo3.jpg

Vùng đặc quyền kinh tế tính bằng phương cách này sẽ phù hợp với UNCLOS, sẽ không gây ra hay chỉ gây ra ít tranh chấp với các nước ASEAN do chồng lấn, và, quan trọng nhất, sẽ công bằng.

Như vậy, phạm vi vùng đặc quyền kinh tế đó sẽ được nhiều nước công nhận và sẽ góp phần quan trọng cho việc bảo vệ quyền chủ quyền của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp và công bằng của nước ta. Cụ thể là Việt Nam sẽ có một ranh giới công bằng, hợp pháp và được nhiều nước chấp nhận cho vùng đặc quyền kinh tế của mình để góp phần đối trọng với những yêu sách không thể chấp nhận được của Trung Quốc dựa trên ranh giới lưỡi bò - một ranh giới mập mờ, không công bằng, không phù hợp với luật pháp và không thể chấp nhận được.

Các tác giả xin cảm ơn Hoàng Việt về một số góp ý

_________________________________________________________

Chú thích:

[1] Xem đường link

[2] Công ước về lãnh hải 1958, Điều 14

[3] UNCLOS, Điều 21. Để đọc toàn văn Công ước, này, vui lòng click tại đây http://tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/6032/index.aspx

[4] The Exclusive Economic Zone: A historical perspective, S.N. Nandan, Under Secretary-General, Special Representative of the Secretary-General for the Law of the Sea, FAO Corporate Document Repository, http://www.fao.org/docrep/s5280T/s5280t0p.htm

[5] Military and intelligence gathering activities in the EEZ: definition of key terms, Moritaka Hayashi, School of Law, Waseda University, Japan, 2004, http://www.southchinasea.org/docs/ScienceDirect%20-%20Marine%20Policy%20%20Military%20and%20intelligence%20gat.htm

[6] Military and intelligence gathering activities in the EEZ

[7] Military and intelligence gathering activities in the EEZ

[8] Military and intelligence gathering activities in the EEZ

[9] Military and intelligence gathering activities in the EEZ

[10] Straight baselines of Vietnam, Johan Henrik Nossum, Dissertations & Theses Nọ 12/2000, Department of Public and International Law, University of Oslo, 2000

[11] http://tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam//6082/index.aspx

[12] UNCLOS, Điều 7

No comments: