Một góc nhìn khác về thực trạng ngành công nghiệp phụ trợ trong nước
Công nghiệp phụ trợ bị bỏ quên
Ngày 06.03.2009 Giờ 14:03
http://www.sgtt.vn/detail23.aspx?ColumnId=23&newsid=47879&fld=HTMG/2009/0305/47879
Doanh nghiệp Ánh Dương ở Đà Nẵng đã nghĩ ra hệ thống tấm panel thu nhiệt mặt trời rất đơn giản, rẻ tiền và hiệu suất cao, chịu được áp lực; thế nhưng lại bế tắc ở hệ thống bình chứa cách nhiệt. Làm bình chứa cách nhiệt thì dễ nhưng để nó chịu được áp lực khi nước nóng, dãn nở, thì vô cùng khó. Hầu hết các bình nước nóng năng lượng mặt trời hiện bán trên thị trường đều không chịu được áp lực cao, vì vậy đầu nước ra thường rất yếu, gây khó chịu cho không ít người. Một số bình chịu được áp lực đều là hàng ngoại nhập và giá thường trên 1.000 USD. Đơn giản là chỉ vì để làm được bình chứa chịu áp lực thì hai đáy bình không thể gò hàn đơn giản mà phải dập lồi và hàn điện. Yêu cầu khá đơn giản với ngành cơ khí nhưng cả Đà Nẵng không một chỗ làm khuôn dập. Đặt hàng ở TP.HCM thì không dưới 150 triệu đồng, chưa kể phần cơ khí như máy dập.
Giật mình vì không có sẵn
Cách nay chừng tám năm, với chính sách dán tem nhập khẩu các loại quạt, ngành sản xuất quạt điện ở ta đã phát triển mạnh vì gần như độc chiếm thị trường. Thế nhưng sau gần chục năm được bảo hộ để tích luỹ phát triển, ngành sản xuất quạt điện vẫn không bước ra ngoài được, thậm chí, nhiều chiếc quạt bắt chước kiểu dáng quạt Thái Lan nhưng khi đặt bên cạnh hàng Thái Lan thì mới bộc lộ tất cả những điểm yếu mà ta hay gọi là công nghiệp phụ trợ: nhựa không bóng, các chi tiết không khớp.
Ông thợ sửa xe Trần Dân Tiến ở quận Bình Tân TP.HCM với sáng kiến keo tự vá và bơm hơi tiện dụng đã phải đặt làm hàng chục mẫu khuôn, mỗi mẫu thấp nhất là 50 triệu và cao nhất đến 150 triệu đồng để thử nghiệm cho các ý tưởng hình thành nên sản phẩm keo tự vá và bơm xe tiện dụng.
Quảng Nam hiện là chiếc nôi của các loại trầm hương xuất đi khắp thế giới. Làm nhang thì phải trộn vào nguyên liệu một ít keo khiến trầm mất đi không ít mùi hương quý giá. Hoàng Long, chủ doanh nghiệp trầm hương Tiên Phước đã nghĩ đến việc làm một dụng cụ đốt bột trầm bằng điện. Khi anh đang mày mò tháo tung chiếc máy xông muỗi để lấy hệ thống phát nhiệt của nó thì một người bạn mang từ Trung Quốc về một chiếc bát sứ đúng như anh hình dung! Người bạn nói: ở Trung Quốc có những cửa hàng mà anh có thể nêu bất cứ yêu cầu gì họ cũng sẽ thiết kế rồi sản xuất với giá rất rẻ. Vấn đề chỉ là ý tưởng! Chính vì vậy mà chúng ta thấy tràn ngập ở Việt Nam những kiểu, mẫu hàng hoá không có ở bất cứ đâu trên thế giới như các loại vợt bắt muỗi, các loại lồng đèn trung thu, các vật dụng gia đình từ các kiểu kẹp tóc cho đến các máy mát xa, đồ điện gia dụng linh tinh khác. Ở Việt Nam để sản xuất một mẫu hàng nào đó, riêng việc làm khuôn từ nhựa đến dập đúc kim loại đều có thể làm nản lòng bất cứ ý tưởng sáng tạo nào.
Các kỹ sư cơ khí, kỹ sư hoá, điện, điện tử, và cả mỹ thuật công nghiệp nữa, đã chưa ngồi lại cùng nhau để làm dịch vụ công nghiệp hỗ trợ giúp các ý tưởng lúc nào cũng có thể có trong một xã hội có số dân gần 90 triệu người như nước ta.
Bắt đầu từ đâu?
Tại hội chợ triển lãm “Công nghiệp sản xuất Việt Nam” (Vietnam Manufacturing Expo) khai mạc vào tháng 5.2008, bên cạnh triển lãm những công nghệ công cụ và phụ trợ cao như máy bơm khuôn điện tử, robot công nghiệp hai tay, và máy cắt bằng tia nước… là những quan khách đáng chú ý như: chủ tịch hiệp hội Công nghiệp công cụ và khuôn đúc Thái Lan, các quan chức ngành khuôn đúc Hàn Quốc. Phía Việt Nam thì chủ tịch hiệp hội Thép Việt Nam, tổng thư ký hội Kỹ sư ô tô Việt Nam. Có nghĩa rằng, các nhà làm khuôn đúc Việt Nam hoàn toàn chưa có tiếng nói, chưa biết tập hợp lại thành hiệp hội và cũng chưa được bộ Công thương quan tâm cử người theo dõi với một phòng ban chuyên trách.
Khoa, một trong những thợ unlock chiếc iphone ở phần cứng thành công nhất, đã nghiệm ra rằng, làm một chiếc iphone không khó, từ phần mềm cho đến thiết kế phần cứng, board chủ, mạch điện, đội ngũ kỹ sư Việt Nam dư sức làm, thế nhưng cái khó lại nằm ở phần vỏ. Công nghệ làm vỏ, khuôn đúc ở Việt Nam không thể làm được ngay cả chiếc điện thoại đồ chơi trẻ con. Trên thế giới, cuộc cách mạng về vi mạch đã tạo điều kiện để các ý tưởng có thể thực hiện trong những sản phẩm tinh xảo. Vấn đề chỉ còn là sự hỗ trợ của công nghệ mẫu mã, làm nên vóc dáng của sản phẩm. Chả thế mà chúng ta thấy Trung Quốc có thể nhái bất cứ mẫu sản phẩm điện thoại di động nào, đơn giản là vì công nghệ phụ trợ của họ đã sẵn sàng cho mọi ý tưởng.
Các nước có nền công nghiệp tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đã hình thành mô hình liên kết tổ hợp, để sản xuất khuôn mẫu chất lượng cao, cho từng lĩnh vực công nghệ khác nhau: năm 2002, Đài Loan đã xuất khẩu 48.726 tấn khuôn mẫu đi các nước Trung Quốc, Mỹ, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam… với tổng trị giá 18.311.271.000 đài tệ. Khuôn mẫu của Đài Loan được đánh giá đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng giá thành chỉ bằng 50% giá các cơ sở tạo khuôn ở Việt Nam đưa ra.
Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba quả thật đã rất chân thành và trách nhiệm khi nói thẳng tại diễn đàn kinh tế Việt – Nhật lần thứ ba: “Vận mệnh của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam không chỉ sẽ ảnh hưởng đến tương lai phát triển kinh tế của đất nước Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến địa vị chính trị của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á”. Chỉ mong là bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc cần lắng nghe thêm lời góp ý tâm huyết ấy của đại sứ Nhật Bản, hơn là tranh thủ diễn đàn này để kêu gọi thêm FDI của Nhật Bản vào phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, và tiếp tục sửa đổi các bộ luật kinh doanh khác.
Trung Hồ
No comments:
Post a Comment