Sunday, March 1, 2009

ĐỌC LẠI PHƯƠNG NAM ĐỖ NAM HẢI (4)

Suy nghĩ về nhận thức lại (Phần 1)
Phương Nam - Australia.

Đất nước 30 năm cầm súng
Mà vầng trăng vẫn xẻ làm đôi.
Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, có ai đó đã viết nên hai câu thơ trên để nói lên tâm trạng day dứt của mình trước nỗi đau đất nước vẫn còn bị chia cắt. Có lẽ anh là một người lính Trường Sơn ra đi từ một vùng quê nào đó trên miền Bắc, hoặc anh là một cán bộ miền Nam tập kết nay được trở về với quê mẹ thân yêu. Niềm tin và ước vọng của anh là mong sao đất nước sớm được thống nhất, núi sông liền một dải để Bắc - Nam xum họp một nhà, chúng hòa với nỗi day dứt trên rồi quyện lại như những lời trong một bài hát quen thuộc ngày ấy: "... Thôn quê tro tàn bay, phố lớn tơi bời cháy, ra đi ước hẹn ngày về thăm quê, một ngày mai khải hoàn vui chan hòa...".
Rồi ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến, nếu còn sống có thể anh cũng sẽ có mặt ở một trong năm cánh quân lớn hội tụ về thành phố Sài Gòn và như bao đồng đội khác của mình, anh đi giữa Sài Gòn mà ngỡ như đang đi trong mơ, rồi tự hỏi sao ta vẫn như ngây thơ khi tuổi đã lớn rồi? một cách tự nhiên anh có những dự phóng về tương lai: Tổ Quốc ta từ nay đã vĩnh viễn sạch bóng xâm lăng, rằng sẽ không có chuyện người Việt Nam thắng người Việt Nam mà chỉ có người Việt Nam thắng Mỹ, rồi đây cả nước sẽ cùng chung sức chung lòng đi lên CNXH, v.v .
Nhưng đấy là chuyện của ngày mai, còn lúc này đây anh muốn hòa nỗi vui riêng của mình với niềm vui chung của đồng chí, đồng bào mà hát vang những lời ca cách mạng : "... Sài Gòn ơi! Đây Hà Nội cùng với Huế thân yêu, Trung - Nam - Bắc một nhà cùng hát khải hoàn ca, Sài Gòn ơi! có vui sướng nào bằng, giữa thành phố tên vàng, Sài Gòn hát ca tên Người: Hồ Chí Minh muôn năm, Hồ Chí Minh muôn năm!...". Nhà thơ Tố Hữu vào những ngày tháng ấy cũng đã viết :
Ôi, nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng
Trào vui nước mắt cứ rưng rưng
Cả Việt Nam tiến công, cả Miền Nam nổi dậy
Dồn dập tim ta, trăm trận thắng bừng bừng...
Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp
Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta
Chúng con đến, xanh ngời ánh thép
Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa.
Cho chúng con giữa vui này được khóc
Hôn mỗi đứa em, ôm mỗi mẹ già
Như lòng Bác, mỗi khi Bác đọc
Đồng bào Miền Nam, mắt kính bỗng nhòa.
Chúng con sẽ gấp trăm lần mạnh
Đứng gác biển trời tươi mát màu lam
Bởi có Bác từ nơi đây ra đi tìm Đường kách mệnh
Cho chúng con nay được trở về, vĩnh viễn Việt Nam !
( Toàn Thắng Về Ta - 1.5.1975).
Tuy nhiên cũng rất có thể anh lại thuộc một trong số những người "tiêu cực" hơn, với biết bao câu hỏi cứ quay cuồng trong đầu mà nếu chỉ với những gì được nhà trường, quân đội,... giáo dục và đào tạo từ trước tới nay thì không sao giải đáp nổi.
Đó là:
- Tại sao trên những chặng đường tiến quân từ Tây Nguyên xuống miền duyên hải rồi về thành phố, nhưng cứ hễ mình "giải phóng" đến đâu thì đồng bào Miền Nam lại hốt hoảng chạy trước đến đó? Rõ ràng nếu chỉ để tránh hòn tên, mũi đạn không thôi thì cứ ở nhà có khi lại còn an toàn hơn, vậy thì đồng bào mình đi tránh cái gì?
- Tại sao chỉ có tiến công mà không có phong trào nổi dậy của quần chúng? Tại sao số lượng những "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn" lại ít hơn mình tưởng rất nhiều ?(!) . ?Vầng trăng? của dân tộc nay đã hòa làm một hay lại còn chia 5, xẻ 7 ?
Và nữa: liệu cuộc chiến tranh này có thể tránh được hay không? v.v...
Kiên trong Nỗi Buồn Chiến Tranh của nhà văn Bảo Ninh có thể là một trong những người như vậy . Anh cũng có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhất vào cái ngày 30 tháng 4 năm ấy, nhưng trước những niềm vui đến tột cùng của đồng đội thì anh lại không sao vui được. Chiến tranh với những nỗi mất mát chia ly của cả dân tộc, của đồng đội và của chính mình chợt ùa về và ập vào tâm hồn anh, chúng như những ngọn lửa đốt cháy tâm can anh khiến anh đau đớn . Kiên khác với đa số và tất nhiên anh cũng khác với nhà thơ Tố Hữu.
Hôm nay đây, cũng giữa những ngày tháng 4 này - khi chiến tranh đã có độ lùi hơn một phần tư thế kỷ. Và nhất là khi đất nước vừa bị phân hóa sâu sắc, vừa bị tụt hậu quá xa so với thế giới thì lại càng cần có những chàng Kiên biết đau trong hòa bình cũng như trước kia họ đã biết buồn trong chiến tranh . Thực chất chính là việc nhận thức lại những vấn đề lớn đã phát sinh trong lịch sử dân tộc ta ở thế kỷ 20 vừa qua xem cái nào là thực sự có giá trị, cái nào không ? Từ đó mới có cơ sở tốt để tìm được lối ra cho đất nước hôm nay.

Phần I - Chiến tranh

Những nguyên nhân sâu xa của hai cuộc chiến tranh Đông Dương (1946 - 1975) :

Tháng 5 năm 1945, Berlin được giải phóng, phát xít Đức đầu hàng không điều kiện phe đồng minh, nhưng phải hơn 3 tháng sau, ngày 15 tháng 8 thì cuộc chiến tranh thế giới thứ II mới thực sự kết thúc, đánh dấu bằng sự đầu hàng của Nhật hoàng. Nước Mỹ tuy cũng trực tiếp tham chiến, nhưng trong khi gần như cả thế giới kiệt quệ, thì do những lợi thế, đặc biệt là về mặt địa lý đã giúp nước này vươn lên sau chiến tranh với nhiều cái nhất : giầu nhất (có nền công nghiệp, nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và có lượng vàng dự trữ lớn nhất thế giới, ...), có tiềm lực quân sự mạnh nhất, kể cả việc nắm độc quyền vàsau đó vẫn nắm ưu thế về vũ khí nguyên tử, v.v . Tất cả đã đưa nước Mỹ trở thành một cường quốc đứng đầu thế giới tư bản mà có nhiều người còn gọi là thế giới tự do hay thế giới dân chủ .
Trong một diễn biến lớn khác là sự ra đời của một loạt bảy nước XHCN nữa ở Đông Âu, các nước này cùng với hai nước Liên Xô và Mông Cổ hình thành nên một hệ thống XHCN thế giới gồm chín nước do Liên Xô đứng đầu . (thực ra còn có thêm Nam Tư, nhưng đã bị Stalin "rút phép thông công" vào năm 1948, khi ông ta cho rằng tổng thống Ti Tô của nước này đã đi chệch hướng XHCN.) . Sau có thêm bốn nước vẫn còn sót lại đến ngày nay là Trung Quốc (1949), Bắc Triều Tiên (1953), Việt Nam (miền Bắc 1954, cả nước sau 1975) và Cu Ba (1959) .
Mỹ và Liên Xô tuy là đồng minh giai đoạn của nhau trong chiến tranh thế giới thứ II, nhưng điều đó không đủ để hai nước này tiếp tục giữ được mối quan hệ ấy trong hòa bình. Sự khác biệt về ý thức hệ vốn có đã lấn át tất cả, với những vết rạn nứt được ghi nhận ngay từ hội nghị Yalta tháng 2.1945 - khi chiến tranh đang bước vào giai đoạn cuối ác liệt. Chúng phát triển ngày càng lớn để trở thành mâu thuẫn sâu sắc và bao trùm nhất, chi phối toàn bộ mối quan hệ của hai nước trong giai đoạn mới, rồi cuối cùng chuyển hẳn sang thế đối đầu . Sự đối đầu của hai nước lớn đã kéo theo sự đối đầu của cả hai phe. Cuộc chiến tranh lạnh trên thế giới bắt đầu .
Cũng sau năm 1945, hệ thống thuộc địa trên thế giới đã bị rung chuyển mạnh với phong trào đòi độc lập của các nước thuộc địa ngày càng dâng cao. Phần lớn các nước này trong chiến tranh đều đã cùng phe đồng minh gồm các nước lớn như Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô chống phát xít . Nay họ lại được hệ thống XHCN mới ra đời vừa trực tiếp, vừa gián tiếp hết lòng động viên, cổ vũ cho nguyện vọng chính đáng của mình . Đứng trước tình hình ấy, các nước chủ thuộc địa lớn trên thế giới lúc bấy giờ như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Bỉ,...bị đẩy vào tình thế khó khăn buộc phải lựa chọn : một là chủ động trao trả lại quyền độc lập cho các nước thuộc địa (thông qua các giai cấp quý tộc hoặc tư sản bản địa), giúp các nước này phát triển kinh tế và lôi kéo họ vào qũy đạo của mình . Hai là cứ tiếp tục cố giữ cho bằng được quyền cai trị như cũ, để rồi rất có thể sẽ bị nhân dân các nước ấy vùng lên giành lại quyền độc lập và sau đó là rơi vào quỹ đạo của chủ nghĩa cộng sản . Cân nhắc kỹ lợi hại họ đã chọn phương án I, bởi vì nguy cơ bành trướng của phong trào cộng sản nói chung và của hệ thống XHCN nói riêng mới là lớn nhất . Nó lấn át tất cả những mối lợi do các nước thuộc địa có thể đem lại cho họ.
Ở đây lại càng nổi bật lên vai trò lãnh đạo số 1 của nước Mỹ đối với thế giới tư bản : khi thì khuyên nhủ, động viên; khi phải dùng đến sức ép viện trợ kinh tế nhằm"thuyết phục" các nước đồ⮧ minh của mình . Để thực hiện được điều này nước Mỹ cũng đã gặp không ít những khó khăn . Bởi vì do sinh sau đẻ muộn nên nước Mỹ có rất ít thuộc địa, trong khi các nước như Anh, Pháp,... lại có rất nhiều. Không phải là các nước kia đã chấp thuận dễ dàng ngay từ đầu, nhưng cuối cùng họ đã nhận ra nguy cơ của vấn đề và đồng ý với quyết tâm của phía Mỹ. Vì vậy chỉ trong vòng bốn năm từ 1945 -1949 đã có hàng loạt nước trên thế giới vốn là các nước thuộc địa hay bảo hộ nhận được quyền độc lập, mà không hề phải qua con đường khởi nghĩa vũ trang hay bạo động. (trong bài Việt Nam Đất Nước Tôi, viết vào tháng 6.2000, tôi đã có liệt kê một loạt nước như vậy). Thậm chí như trường hợp của Malaysia, tuy phong trào cộng sản ở nước này đã bị đàn áp và thất bại nặng nề nhưng vẫn được chính phủ Anh trao trả lại quyền độc lập vào năm 1957. Miễn là Mỹ và các nước đồ⮧ minh của Mỹ yên tâm rằng : các nước ấy sẽ không đi vào quỹ đạo của CNCS. (một điểm nữa để thấy rõ hơn : Mỹ và Nhật hoặc Mỹ, Anh, Pháp với Tây Đức là những nước từng đánh nhau chí tử trong chiến tranh thế giới thứ II, nhưng đã dễ dàng trở thành đồng minh của nhau trong hòa bình, vì các nước này đều cùng có chung một ý thức hệ, cùng có quyết tâm ngăn chặn phong trào cộng sản đang có xu hướng bành trướng mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới.).
Trường hợp của xứ Đông Dương thuộc Pháp, trong đó có Việt Nam thì vấn đề lại có nét đặc thù: nước Pháp lúc đầu quay trở lại Đông Dương là hòng muốn cướp lại vùng đất thuộc địa cũ đã mất. Nhưng sau đó như trên đã trình bày, nước Pháp cũng buộc phải theo xu hướng chung là tìm cách trao trả lại nền độc lập cho vùng đất này. Vấn đề là họ sẽ trao trả lại cho ai để bảo đảm rằng: Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung sẽ không bị rơi vào qũy đạo của chủ nghĩa cộng sản .
Người Pháp buộc phải nghĩ đến giải pháp Bảo Đại, mặc dù trong thâm tâm họ cũng biết rõ uy tín của vị cựu hoàng này đối với dân tộc Việt Nam là rất giới hạn : thời Pháp cai trị ông làm vua thì nhất nhất theo lệnh Pháp. Đúng ngày 9.3.1945 khi Nhật đảo chính Pháp thì ông còn đang bận đi săn . Sau đó trước tình cảnh hai triệu đồng bào ta bị chết đói do quân Nhật gây ra, thì ông cũng không có lấy một hành động nào khả dỹ chấp nhận được để an ủi các "thần dân" của mình . Ông không có cái dũng khí của các vị vua cũng của triều Nguyễn như Thành Thái, Duy Tân trước đó.
Mặc dù vậy trong năm 1947 nước Pháp vẫn đăng ký với Liên Hiệp Quốc rằng : các nước Đông Dương là các quốc gia độc lập và hai năm sau tại điện Elysée, đích thân tổng thống Pháp Vincent đã chính thức trao trả lại quyền độc lập cho Việt Nam vào ngày 8.3.1949 với đại diện là cựu hoàng Bảo Đại. Sau đó là cho Lào 20.7 với quốc vương Sisavangvong . Campuchia 8.11.1949 với quốc vương N.Sihanouk .
Khách quan mà nhận xét rằng so với cựu hoàng Bảo Đại thì uy tín của CT Hồ Chí Minh đối với dân tộc lúc ấy là cao hơn nhiều : một Hồ Chí Minh lãnh tụ Việt Minh đã nhạy bén với tình hình, sớm trở về nước để cùng với bộ tham mưu của ông chỉ đạo phong trào cách mạng. Một Hồ Chí Minh kịp thời đưa ra khẩu hiệu "Phá kho thóc Nhật, cứu dân!" đã thực sự đi vào lòng người, vì ơn ấy có thể ví như ơn cứu mạng đối với nhiều triệu đồng bào ta ở Miền Bắc lúc bấy giờ. Ông cũng lại có những hành động khéo léo về mặt kỹ thuật để tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng, và cũng biết cách che giấu nhân dân nguồn gốc cộng sản của mình, v.v...
Trong một diễn biến khác, người ta cũng thấy đa số lãnh tụ của các đảng phái lớn lúc ấy như các cụ Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, v.v vẫn còn lừng khừng mãi ở biên giới Việt - Trung chưa chịu về. (chỉ đến sau ngày 2.9.1945 các cụ mới theo chân đoàn quân của Tưởng Giới Thạch, do tướng Lữ Hán cầm đầu vào Việt Nam để tước vũ khí quân Nhật ) .
Dỹ nhiên nói như vậy tôi không hề có ý định phủ nhận lòng yêu nước của các cụ, lại càng không có ý phủ nhận công lao của các đảng phái khác trong thành công của Cách Mạng Tháng 8, mà chỉ muốn nói lên sự thiếu nhạy bén đối với tình thế cách mạng Việt Nam lúc ấy của các lãnh tụ nói trên .
Nhưng người Pháp vẫn dứt khoát không chịu trao trả lại nền độc lập cho Việt Nam thông qua CT Hồ Chí Minh, mặc dù trên danh nghĩa lúc ấy ông là chủ tịch chính thức của Chính Phủ Liên Hiệp nước Việt Nam DCCH, do quốc hội khoá I bầu ra tháng 3 năm 1946 . Bởi vì hơn ai hết, họ biết rất rõ nguồn gốc của ông là người của Quốc Tế Vô Sản III hoạt động tại vùng Đông Nam Á. Hồ sơ về ông đã được cảnh sát Pháp mở ra từ gần 30 năm trước tại Paris, và họ vẫn thường theo dõi bước chân ông từ thuở ấy. Vì vậy cả người Pháp lẫn người Mỹ đều lo ngại về một nước Việt Nam cộng sản sau đó, và sự lo ngại ấy theo họ là hoàn toàn có cơ sở. Điều này cũng giải thích vì sao mà tổng thống Mỹ H. Truman đã hơn một lần làm ngơ trước những bức thư của CT Hồ Chí Minh, đề nghị nước Mỹ giúp ông lấy lại nền độc lập từ tay người Pháp.
Tình hình lại càng trở nên nghiêm trọng hơn đối với thế giới tư bản sau khi cách mạng Trung Quốc thành công, nước CHND Trung Hoa ra đời vào ngày 1.10.1949. (theo đánh giá của nhiều nhà sử học Mác xít thì nó có ý nghĩa như " Một quả tạ ném vào một đĩa cân, làm cho cán cân lực lượng nghiêng hẳn về phe XHCN".). Những nhà lãnh đạo mới ở đấy, đứng đầu là Mao Trạch Đông, dù nay đã khoác áo cộng sản nhưng bản chất bá quyền nước lớn có từ ngàn năm xưa là không thay đổi. Họ không hề che giấu ý đồ muốn bành trướng lãnh thổ sang các nước khác trong khu vực (xem bản đồ do Trung Quốc vẽ thì cũng thấy rõ dã tâm này). Trước tiên họ muốn dùng hai bán đảo Triều Tiên và Đông Dương làm bàn đạp, vì vậy hai điểm nóng trong điều kiện chiến tranh lạnh trên thế giới đã có nguyên do trực tiếp là vậy.
Ở Việt Nam ngay từ đầu năm 1950, nước CHND Trung Hoa đã nhanh chóng công nhận chính phủ kháng chiến của CT Hồ Chí Minh và thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ (sau đó mới là Liên Xô và các nước XHCN khác) . Cuối năm 1950 Việt Nam mở chiến dịch Biên Giới để thông thương với Trung Quốc và các nước khác trong phe XHCN. Đầu năm 1951 ĐCS Đông Dương nhóm họp đại hội lần thứ II tại Tuyên Quang, dưới sự chủ tọa của chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tách ba đảng của ba nước Đông Dương ra cho phù hợp với tình hình cách mạng của mỗi nước. Riêng Việt Nam đổi tên thành Đảng Lao Động Việt Nam (năm 1976 đổi thành ĐCS Việt Nam), trong điều lệ mới của đảng ghi rõ:
"...ĐLĐ Việt Nam lấy học thuyết Mác - Ănghen - Lênin - Stalin và tư tưởng Mao Trạch Đông, kết hợp với thực tế của cách mạng Việt Nam làm nền tảng tư tưởng của đảng và kim chỉ nam cho mọi hành động...". có người bảo rằng nghe nó giống món lẩu thập cẩm!).
Rất nhiều người từng hăng hái đi theo kháng chiến từ năm 1945 đã bỏ về sau sự kiện này, bởi vì đấy không phải là lý tưởng mà họ hằng theo đuổi. ( ở đây chúng ta cũng cần phải nhìn nhận lại một điều quan trọng nữa là: vào thời điểm ấy vẫn chưa thấy ai trong ĐLĐ Việt Nam nói gì đến tư tưởng Hồ Chí Minh, chính xác hơn là cũng có người đề cập đến, nhưng đã bị chính CT Hồ Chí Minh thẳng thắn bác bỏ, vì ông cho rằng ông không hề có nó. Còn nếu lại có ý kiến : biết đâu sau đó ông mới hình thành tư tưởng của mình chăng? Nhưng tôi không tin rằng một người nào đó, dù có là vĩ nhân đi chăng nữa, một khi đã bước qua tuổi 6o rồi mới hình thành nên một cái gì đó gọi là tư tưởng cho mình và cho dân tộc. Lại có người cho rằng : chẳng qua là do cụ Hồ quá khiêm tốn nên cụ không nhận đấy thôi, chứ thực ra là cụ đã có tư tưởng của mình trước đó rồi! Nhưng theo tôi thì ngay cả điều này cũng không có sức thuyết phục, và xin được trình bày thêm về việc ông có đức tính ấy hay không vào một dịp khác khi có điều kiện .)
Trước những diễn biến dồn dập từ sau sự xuất hiện của yếu tố Trung Quốc nói trên, đã khiến cho nước Mỹ càng tích cực hơn với vai trò của mình, họ ráo riết thực hiện những mục tiêu chiến lược đã vạch ra cùng với các nước đồng minh . Tổng thống Mỹ H.Truman tuyên bố : "Hoa Kỳ phải giúp bất cứ quốc gia nào có sự đe dọa của cộng sản" và "Nếu một quốc gia ở Đông Nam Á rơi vào tay cộng sản thì các quốc gia khác sẽ lần lượt lọt vào tay cộng sản như một dãy cờ domino vậy". Bốn đời tổng thống Mỹ sau ông chỉ là sự tiếp nối ở những mức độ khác nhau trong việc cụ thể hóa những quan điểm trên .
Hàng loạt các hiệp ước quân sự song phương hoặc đa phương đã được nước Mỹ thúc đẩy ký kết sau đó ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như : ANZUS ký với Australia và Newzealand năm 1951, Mỹ - Nhật rồi Mỹ - Philippines (1951), Mỹ - Nam Hàn (1953), Mỹ - Anh - Pháp với Australia - Newzealand - Philippines -Pakistan - Thái Lan năm 1954 (SEATO) . Tất cả kết hợp với NATO ở châu Âu, CENTO ở Trung Đông , v.v tạo nên một mạng lưới an ninh phòng thủ liên hoàn với nhiều tầng nấc trên khắp thế giới, đều nhằm mục đích ngăn chặn nói trên .
Chẳng những là tích cực với chiến tranh lạnh, nước Mỹ đã trực tiếp nhảy vào cuộc chiến tranh nóng trên bán đảo Triều Tiên (1950 - 1953) . Rồi nước Mỹ cũng hoàn toàn không yên tâm trước sự yếu kém về quân sự của nước Pháp tại chiến trường Đông Dương (nguyên do là nền kinh tế của nước Pháp vẫn chưa gượng dậy nổi sau chiến tranh thế giới thứ II, nay lại càng khó khăn hơn khi yếu tố mới Trung Quốc xuất hiện quá ư "năng động"!) . Vì vậy từ chỗ chỉ gián tiếp giúp đỡ, nước Mỹ đã tìm cách thay chân nước Pháp để trực tiếp nhảy vào can thiệp. Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ II (1954 -1975) đã có thêm một nguyên nhân sâu xa là vậy.
Từ những trình bày trên ta có thể rút ra những nhận xét sau :
- Nếu như cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ I (1946 -1954) lúc đầu chủ yếu là do nước Pháp muốn chiếm lại vùng đất thuộc địa cũ của họ, thì càng về sau tính chất cuộc chiến càng thay đổi, để vừa trở thành điểm nóng của cuộc đối đầu giữa hai phe TBCN và XHCN, vừa chứa đựng những mưu đồ bành trướng của chính quyền Bắc Kinh đối với Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực nói chung. (một điểm nữa để thấy rõ hơn : sau năm 1975 đất nước ta đã phải bước tiếp vào hai cuộc chiến tranh nữa ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, mà nguyên nhân sâu xa đều do chính quyền Bắc Kinh gây ra, mặc dù cả hai nước xét về nguyên tắc là cùng có chung một ý thức hệ. Ngay cả đến hôm nay, Việt Nam và các nước trong khu vực vẫn luôn phải đối phó khó khăn với nguy cơ này.).
Theo tôi, dù cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 có diễn ra hay không; thành công hay thất bại thì người Pháp cũng sẽ vẫn quay trở lại Đông Dương. Nhưng sau đó họ cũng buộc phải trao trả lại nền độc lập cho các nước này vào khoảng giai đoạn từ 1945 đến 1950. Tình hình chung trên thế giới và hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á đều chứng minh như vậy. Tôi cũng vẫn muốn một lần nữa nhấn mạnh rằng đấy là thực tiễn lịch sử mang tính phổ quát, chứ tôi không hề có ý định làm cái anh chàng" Khổng Minh sau trận đánh"! Lại càng không có ý phủ nhận ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách Mạng Tháng 8 - Đây là chiến công chung của cả dân tộc và mọi người dân Việt Nam đều có quyền tự hào về nó .
Có ý kiến cho rằng : Điều quý nhất là dân tộc phải chủ động đứng lên đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho mình, chứ lại đi chờ người Pháp trao trả thì nếu có được cũng chỉ là độc lập giả hiệu; nền kinh tế nếu có hóa Rồng thì cũng chỉ là phồn vinh giả tạo mà thôi! v.v . Dỹ nhiên đây cũng là một ý kiến cần được nhiều người phân tích kỹ hơn. Nhưng nếu bây giờ hãy thử để cho nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên cùng được lựa chọn giữa con đường của đất nước ta với con đường mà các nước ấy đã đi trong hơn nửa thế kỷ qua, thì tất cả sẽ chọn con đường nào?
Chúng ta cũng nhìn thẳng vào thực tiễn xem trong suốt gần nửa thế kỷ qua, đã có bao giờ dân tộc được quyền tự do chọn con đường đi cho mình chưa? Hay tất cả đều đã bị đặt vào sự đã rồi, khi mà chính quyền cách mạng đã được thiết lập, nền chuyên chính vô sản đã được củng cố? Theo tôi thì chưa bao giờ nhân dân Việt Nam ở cả hai miền Nam - Bắc đã chọn con đường CNXH cho mình - Đó là điều khẳng định . Nếu những người hiện nắm thực quyền trong ĐCS Việt Nam không tin như vậy, xin hãy tạo điều kiện để cho dân tộc được hỏi ý kiến về chính điều ấy! Hoặc bất cứ điều nào mà họ vẫn thường khăng khăng khẳng định rằng: ? Đấy là sự lựa chọn của nhân dân và của lịch sử ! ?.
Về mặt hình thức thì việc nước Mỹ trực tiếp đưa quân vào miền Nam Việt Nam tham chiến, rồi sau đó mở rộng chiến tranh phá hoại ra Miền Bắc bằng cả không quân và hải quân là một cuộc chiến tranh xâm lược . Nhưng mục đích thực sự của Mỹ là chỉ thuần túy muốn ngăn chặn phong trào cộng sản tràn xuống toàn vùng Đông Nam Á . Nó được thể hiện rõ qua ý đồ của Trung Quốc muốn dùng Việt Nam làm bàn đạp . Đấy không phải là một cuộc chiến tranh xâm lược nhằm tranh giành thuộc địa của người Pháp; vì nếu là như vậy nước Mỹ đã có những động thái khác rất dễ nhận ra. Những ý kiến khác như : do sự thúc đẩy từ phía sau hậu trường của giới lái súng hoặc của giới tài phiệt trong các ngành công nghiệp phục vụ chiến tranh của Mỹ, v.v... theo tôi cũng là những nguyên nhân, nhưng không phải là nguyên nhân chính . Chúng chỉ là phụà có tính hệ quả sau đó .
- Nguyên nhân của cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng trước hết và chủ yếu là xuất phát từ các yếu tố bên ngoài và yếu tố thời đại . Chúng có tính giai đoạn, chứ không phải chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn trong nội bộ dân tộc hoặc giữa các dân tộc trong bán đảo Đông Dương . Vì vậy hôm nay khi những nguyên nhân trên đã mất đi, thì trong nội bộ dân tộc ta, cũng như giữa 3 nước Đông Dương với nhau là hoàn toàn có cơ sở để hàn gắn được những vết thương đã phát sinh trong quá khứ.
Ngay cả giữa hai dân tộc Việt - Mỹ cũng là như vậy : hôm nay xét trên bình diện quốc tế thì mâu thuẫn giữa hai ý thức hệ xưa kia đã đi vào dĩ vãng, sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu . Sẽ thật là vô lý khi những mâu thuẫn đã mất đi rồi mà vẫn còn duy trì thế đối đầu . Đấy là hậu quả của căn bệnh"địch - ta" do cuộc chiến tranh lâu dài để lại . Còn nay, khi hòa bình đã lập lại bao năm thì cần phải đẩy lui nó, nhằm mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước. Trừ những người cứ muốn cố giữ nó cho ý đồ câu giờ thiếu lương thiện của họ. Chính họ đang chống lại cả dân tộc và trào lưu dân chủ tiến bộ trên thế giới. (những nguyên nhân trong nội bộ dân tộc cũng có nhiều . Ví dụ như sự xung đột giữa các đảng phái; việc không chịu thi hành hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào năm 1956, theo tinh thần hiệp định Genève năm 1954 của chính phủ do tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Rồi chủ trương thống nhất đất nước bằng con đường bạo lực cách mạng của ĐLĐ Việt Nam, v.v. Nhưng theo tôi tất cả những điều đó đều diễn ra sau và đều chịu sự chi phối nặng nề bởi các yếu tố bên ngoài và yếu tố thời đại nói trên. Tôi xin được trình bày cụ thể hơn vào 1 bài khác.)
- Nếu cho rằng CT Hồ Chí Minh và các đồng chí thân cận của ông đã bằng mọi nỗ lực đưa dân tộc vào quỹ đạo của CNXH thì đúng, nhưng nếu lại nói đấy là con đường duy nhất để Việt Nam giành được quyền độc lập là sai. Lại càng sai hơn nữa khi gắn vào đấy những giá trị như : dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái, hạnh phúc, ấm no, v.v... Một điểm nữa để thấy rõ hơn cho nhận xét này:
Trong giai đoạn từ 1954 đến 1969 là năm CT Hồ Chí Minh qua đời thì những sự kiện lớn như : các chiến dịch cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, tập trung cải tạo những người từng phục vụ cho Pháp trước năm 1954. Các vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, Xét Lại Chống Đảng,... vẫn cứ diễn ra ở miền Bắc, khiến cho biết bao con người bị bắt oan, chết oan, tài sản của họ bị tước đoạt, v.v... khi mà ông vừa là chủ tịch nước Việt Nam DCCH, kiêm chủ tịch BCHTƯ ĐLĐ Việt Nam. Ông cũng lại là người tán thành và tích cực ủng hộ bản Đề Cương Đường Lối Cách Mạng Miền Nam, do cố tổng bí thư Lê Duẩn đề xướng . ( mà nội dung cơ bản của nó là: dùng bạo lực cách mạng để thống nhất đất nước .) .
Nói lên những vấn đề trên tôi không có ý định quy kết lỗi cho CT Hồ Chí Minh - một người đã mất trên 30 năm rồi. Hơn nữa dẫu có muốn thì cũng không ai làm lại được lịch sử, mà chỉ muốn nói rằng : bao năm qua nhân dân đã phải nghe quá nhiều và quá lâu những điều đại loại như :"Miền Nam nhớ mãi ơn Người" hay là "Đảng đã mang về tuổi xuân cho nước non", v.v... thì hôm nay cả dân tộc rất cần thiết phải định lượng lại những giá trị ấy. Chúng có ít hay nhiều? Thực hay ảo?
Tôi đã liều mình "lấn sân" để làm cái công việc của các nhà sử học đáng kính, vì đây không phải là lĩnh vực chuyên môn của tôi . Tôi tin rằng các nhà sử học Việt Nam, nhất là ở trong nước đã càng ngày càng nhận ra sự thật đầy đủ hơn của những vấn đề trên . Chắc chắn khi có điều kiện để viết đúng với suy nghĩ của mình thì các anh chị sẽ viết tốt hơn tôi rất nhiều . Điều quan trọng là chúng ta có đủ can đảm để nhìn thẳng vào nó hay không; dù có khi phải trải qua một cuộc giải phẫu đau đớn, nhưng sau cơn phẫu thuật ấy mới có thể làm cho dân tộc hồi sinh được. Ngược lại, nếu chúng ta cứ tiếp tục ngoảnh mặt làm ngơ hoặc im lặng mãi, sẽ chỉ dung dưỡng cho những yếu tố tiêu cực ẩn nấp, để chúng lại tiếp tục làm hại dân tộc mà thôi.
Chiến tranh với biết bao chia ly, mất mát mà rất ít gia đình Việt Nam nào có thể tránh được . Nó cũng làm cho 58.000 gia đình người Mỹ có thân nhân bỏ mạng ở vùng đất Đông Dương xa xôi. Ngay như nước Úc thanh bình này cũng đã bị cuốn hút vào đấy, để rồi cũng đã có 504 quân nhân tử trận . Tất cả những vết thương lòng ấy đều không phải dễ dàng chữa lành trong một sớm một chiều . Chúng ta hãy đọc một đoạn nhật ký sau trong thời kỳ chiến tranh :
Ly, con mẹ...
9 -5 - 1968.
Ly con mẹ tròn 17 tháng. Một ngày đẹp và thân yêu làm sao. Ly ơi, ngày hôm nay ở Mễ có nắng không? Con còn ở Mễ hay đã ra Hà Nội rồi? Mẹ đang ở giữa rừng, rừng tràn ngập ánh nắng và bừng sáng lên như chúc mừng con thân yêu. Mẹ nghĩ đến con ngay từ lúc mở mắt ra. Mẹ thầm nhủ một mình : Hôm nay con ta đã 17 tháng rồi. Con đã lớn lên một tháng mà mẹ không biết. Một tháng qua con sống ra sao hả Ly? Con có khỏe không? Có bị sốt, bị đi ỉa chảy hay không? Chắc con quên mẹ rồi. Mẹ cũng mong con chóng quên mẹ đi để con đỡ nhớ. Còn mẹ : lúc nào mẹ cũng nghĩ đến con, nhớ con nhiều lúc tưởng như không chịu nổi. Sáng nay có lần bỗng dưng mẹ hét to lên : Hôm nay con tôi tròn 17 tháng đây .
(Tiếng Việt lớp 6 tập 1 - NXB Giáo Dục 1997. Tr 52).
Người mẹ thương nhớ con hết mực nhường ấy đã không bao giờ được gặp lại đứa con thân yêu của mình nữa, chị đã ngã xuống tại chiến trường khu 5 một năm sau đó, khi mới ở tuổi 25. Chị là nhà văn Dương Thị Xuân Quý đã cùng chồng là nhà thơ Bùi Minh Quốc xung phong vào chiến trường và gửi đứa con gái duy nhất của hai người ở lại nơi hậu phương.
Dân tộc ta ở cả Miền Nam cũng như Miền Bắc, phía bên này hay phía bên kia, trong những cuộc chiến tranh vừa qua đã có hàng triệu gia đình phải chịu đựng những mất mát lớn lao như vậy.( theo những số liệu thống kê từ các nguồn khác nhau, tuy có những khác biệt nhất định, nhưng đều đưa ra con số dự đoán là có khoảng từ 3 đến 4 triệu người chết .) . Vấn đề là hôm nay trong nội bộ nhân dân có tự hàn gắn được cho nhau những vết thương trong quá khứ ấy hay không? Sự đoàn kết dân tộc nhằm đấu tranh cho một nước Việt Nam mới cũng chỉ có thể có được sau đó. Theo tôi mâu thuẫn của dân tộc ta hôm nay không phải là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, mà là mâu thuẫn giữa đại bộ phận dân tộc, kể cả những đảng viên thường cùng toàn bộ hai giai cấp lớn là công nhân và nông dân, với một thiểu số giai cấp thống trị hiện đang nắm thực quyền trong ĐCS Việt Nam. Mâu thuẫn này là đối kháng và càng ngày càng không có cơ sở dung hòa.
Nói về sự nhận thức lại tôi muốn được đề cập đến trường hợp của nhà thơ Tố Hữu . Tôi không có mối liên hệ nào trực tiếp với ông, nhưng vì có nhiều người đã ví ông như "Người thư ký của cách mạng Việt Nam" trong thế kỷ 20 vừa qua, nên đó là lý do để tôi viết những dòng sau đây: trong chiến tranh đã có biết bao thế hệ đọc thơ ông, nhiều người đã mang theo nó trên khắp các nẻo đường mặt trận . Bởi vì có lẽ ông đã nói giúp họ về nỗi đau đất nước bị chia cắt :
...Ai về với quê hương ta tha thiết
Sông Hương, Bến Hải, Cửa Tùng...
Ai vô đó với đồng bào, đồng chí
Nói với nửa - Việt Nam yêu quý
Rằng : nước ta là của chúng ta Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa!
Chúng ta con một cha, nhà một nóc
Thịt với xương tim óc dính liền...
( Ta Đi Tới - tháng 8.1954)
Và mơ ước về một ngày mai khải hoàn, vui chan hòa:
...Ta lại về ta những đứa con
Máu hòa trong máu đỏ như son
Sài Gòn ơi, Huế ơi! Xin đợi
Tái hợp huy hoàng cả nước non!
( Việt Nam Máu Và Hoa - Xuân 1973).
Bao lớp người đã ra trận với tinh thần "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", bao lớp người đã nằm xuống hoặc để lại một phần tuổi trẻ, thân thể của họ ngoài chiến trường, còn ông thì ở lại với ngôi nhà Lộng Gió của mình ! (mãi tới năm 1973, sau Hiệp Định Paris, ông mới vào Miền Nam trong một chuyến đi ngắn và có bài thơ Nước Non Ngàn Dặm - Tam Đảo, hè 1973) . Thơ ông nói rất nhiều đến máu và động viên, cổ vũ cho sự đổ máu . Nhưng là máu dân tộc, máu đồng bào, trừ máu ông! Trong bài Chào Năm Mới 2001 vừa qua, ông lại viết :
...Ta lắng nghe náo loạn những âm thanh
Tiếng rạn vỡ những lâu đài tư bản
Bọn lái súng, ngân hàng, nghênh ngang ngạo mạn
Gào trong đêm " toàn cầu hóa", " văn minh"
Xiềng mạ vàng xiết chặt cả hành tinh
Và tiếng gầm vang của nhân dân phẫn nộ
Quét sạch lũ bất lương, xây dựng lại cơ đồ sụp đổ
Cho sáng lại quê hương Cách Mạng Tháng Mười
Đổi mới Liên Xô và cả loài người
Giành lại chủ quyền, tự do, hạnh phúc
...
( Tố Hữu - tháng 12.2000)
Bất cứ một người đọc nào hôm nay, dù chỉ có một chút tinh thần nhìn nhận lại thôi cũng thấy rằng : Tố Hữu của thế kỷ 21 cũng chẳng khác gì nhiều so với Tố Hữu của mấy chục năm về trước trong thế kỷ 20 . Thế giới nào vẫn tiếp tục tồn tại ? Còn "lâu đài" nào đã đổ vỡ? Và những "tiếng gầm vang của nhân dân phẫn nộ" hôm nay là gì? Nếu ông đã nhớ tới Liên Xô, nhớ tới Cách Mạng Tháng 10, thì tôi cũng rất mong ông nhớ tới bài diễn văn đầy tính thuyết phục và dũng cảm của cựu Tổng bí thư ĐCS Liên Xô Goóc-ba-chốp ( Mikhail Gorbachev), đọc tại lễ kỷ niệm 70 năm Cách Mạng Tháng 10 Nga (7.11.1917 - 7.11.1987) - Đó là một bản tổng kết rất sâu sắc và đầy đủ về toàn hệ thống XHCN nói chung và Liên Xô nói riêng. Đặc biệt M. Goóc-ba-chốp đã chứng minh rất thuyết phục rằng: Hệ thống ấy đã có những khuyết tật bẩm sinh ngay từ khi nó vẫn còn ở trên giấy . Và nay, 70 năm sau khi nó ra đời thì khuyết tật kia đã phình ra quá lớn . Toàn hệ thống phải can đảm nhìn nhận và quyết tâm giải phẫu nó, nhằm bắt tay vào xây dựng lại từ đầu . Cũng chính vì điều này mà ông sẵn sàng đánh đổi cả sự nghiêp chính trị của bản thân, nhưng trong dịp kỷ niệm lần thứ 70 ngày sinh của mình vừa qua, ông đã phát biểu đại ý: Đóng góp lớn nhất của đời ông là đã góp phần đưa Liên Xô tiến lên trên con đường dân chủ hoá và ông tự hào về điều đó.
Có những người ở Việt Nam đến hôm nay vẫn còn tìm cách đổ lỗi cho M.Goóc-ba-chốp, cho rằng ông đã phản bội lại hệ thống XHCN thế giới. Nhưng theo tôi đó là do họ không có tinh thần trung thực và dũng cảm như ông, rồi cứ loanh quanh tìm cách lẩn tránh sự thật .
Tố Hữu cũng vậy, tôi thấy ông nhắc nhiều đến những chuyện từ 50 - 60 năm về trước, nhưng còn chuyện xảy ra gần hơn thì lại ít thấy ông nhắc đến : chẳng phải là vào năm 1985, khi còn là Ủy viên bộ chính trị, kiêm Phó chủ tịch thứ nhất Hội Đồng Bộ Trưởng, đặc trách kinh tế ông cũng đã góp phần không nhỏ gây ra thảm họa cho đất nước, qua việc tích cực hoạch định và chỉ đạo thực hiện chính sách Giá - Lương - Tiền đó sao? Chuyện cũ đã qua, nhưng nếu ông đã nhìn lại quá khứ thì cũng rất mong ông có cách nhìn sao cho toàn diện hơn . Tôi thành thực mong ông như vậy và xin hẹn gặp lại ông ở phần II sắp tới với tiêu đề : Hòa Bình .

Phương Nam - Australia.
Tháng 4 năm 2001.
(hết phần I)


Suy nghĩ về nhận thức lại (Phần 2)

Phần II - Hòa bình

Vào những ngày tháng hòa bình đầu tiên sau bao năm dài chiến tranh, nhà thơ Tố Hữu đã viết :
... 29 năm dằng dặc xa quê
nay mới về thăm mừng tái tê
mới được nghe giọng hờn dịu ngọt
Huế giải phóng nhanh, mà anh lại muộn về...
(trích Bài Ca Quê Hương, tháng 5.1975)
Trong Vui Thế, Hôm Nay ông viết tiếp :
...Tôi lại nhìn như đôi mắt trẻ thơ
Tổ Quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ
xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển
xanh trời, xanh của những giấc mơ
tôi bay giữa màu xanh giải phóng
tầng thấp, tầng cao, chiều dài, chiều rộng
Ôi Việt Nam! yêu suốt một đời
nay mới được ôm Người trọn vẹn, Người ơi!...
(tháng 8.1975)
Những nỗi mừng tái tê, những giọng hờn dịu ngọt, những giấc mơ xanh và những cú bay với đủ mọi tầng nấc, kích cỡ kia thì ai mà không muốn . Thế nhưng để đánh đổi chúng thì đại bộ phận dân tộc đã phải trả giá quá đắt . Bởi vì chiến tranh nào phải trò đùa! Chẳng phải đâu xa, ngay ở Huế quê hương ông thôi cũng có biết bao người ở cả hai phía đã phải ngã xuống . Trong đó có hàng ngàn thường dân vô tội đã bị chết oan khiên, tức tưởi trong dịp tết Mậu Thân năm 1968, với những hố chôn người tập thể lấp vội vã. Ông không biết hay cố tình không biết, mà đã quá thờ ơ với những nỗi đau của đồng loại như vậy? Theo tôi có lẽ đó là do cái " Tinh thần Ba Đình" đã nhiễm quá nặng vào trong ông, kể từ năm 1954 khi ông về Hà Nội. Ở Việt Nam hôm nay có bao nhiêu người ?giầu tinh thần Ba Đình? như Tố Hữu ?
Trong Chân Dung Và Đối Thoại, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nhận xét :
"...Tố Hữu nhìn cách mạng bằng con mắt lãng mạn của một thi sỹ. Thơ ông dường như chỉ có một giọng . Đó là giọng hát tưng bừng ca ngợi cách mạng. Đọc ông trong bất cứ hoàn cảnh nào và tâm trạng nào, ta cũng thấy phấn chấn, náo nức như đi trẩy hội. Đến đâu cũng nghe vang vang tiếng trống, tiếng kèn,...nghĩa là không có chỗ nương náu cho những nốt lạc điệu, xa lạ và trầm buồn. Đôi khi những nỗi vu vơ có ở thời Từ Ấy lại lần theo một con đường riêng nhuốm màu thiên nhiên, chìm lẩn trong tiềm thức mà tìm về với ông, thì ông lại tự xoá đi, để tiếng hát ông chỉ còn một âm hưởng chủ đạo. Âm hưởng vui bất tuyệt...".
(Chân Dung Và Đối Thoại, NXB Thanh Niên 1998, Tr.9) .
Thế nhưng có đúng là con đường đi của cả dân tộc ta từ tháng 8.1945 đến nay là luôn"vui bất tuyệt"hay không ? Đã có nhiều người viết về nó, tôi cũng đã cố gắng bổ xung thêm trong những bài viết trước của mình, nhưng chúng ta hãy tạm gác lại những nỗi buồn của chiến tranh . Ở phần này tôi xin được trình bày về sự khác nhau giữa những ước mơ lãng mạn năm xưa trong thơ Tố Hữu so với thời hòa bình hôm nay, theo cách nhìn riêng của mình và của hai nhà thơ khác. Trong bài Lão Đầy Tớ, chàng trai 18 tuổi Tố Hữu đã viết :
...Ông đã nghe ai nói
có một xứ mênh mông
nửa Tây và nửa Đông
mạnh giầu riêng một cõi?
nơi không vua, không quan
không hạng người ô uế
không hạng người nô lệ
sống đau xót, lầm than.
nơi tiêu diệt lòng tham
không riêng ai của cải
hàng triệu người thân ái
cùng chung sức nhau làm
để cùng nhau vui sướng
ai già nua tật nguyền
thì cứ việc ngồi yênđã sẵn tiền nuôi dưỡng...
ai cũng có nhà cửa
cũng sung sướng bằng nhau?
đã không ai đè đầu
làm chi có đầy tớ?
cậu bảo: cũng không xa?
- nước Nga?
- ờ nước ấy
và há mồm khoan khoái
lão ngồi mơ nước Nga...
(Huế tháng 6.1938)
Ông lão đầy tớ chắc đã chết từ lâu rồi, mang theo những giấc mơ đẹp nhưng cũng quá ư viển vông của lão. Còn nhà thơ năm ấy thì hơn nửa thế kỷ sau đã chứng kiến cảnh cả Đông Âu và Liên Xô XHCN sụp đổ. Thế mà hôm nay bất chấp những gì đã diễn ra, ông lại tiếp tục một giấc mơ huyễn hoặc : " Cho sáng lại quê hương Cách Mạng Tháng Mười"! Theo tôi vùng đất ấy nhất định sẽ sáng lại và đổi mới thành công theo con đường dân chủ đa nguyên - Đó là xu hướng tiến bộ của nhân loại ngày nay. Dân tộc Nga vĩ đại, từng chịu nhiều đau thương xứng đáng được hưởng những giá trị ấy. Xong dứt khoát dân tộc ấy sẽ không bao giờ quay trở lại con đường của CNXH nhất nguyên, độc đảng như Tố Hữu hy vọng . Bởi vì hơn ai hết, họ cũng như nhân dân ở tất cả các nước thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu quá thấm thía những gì mà CNXH đã gây ra . Nó thoạt nghe thì tưởng là nhân ái và "sung sướng bằng nhau", là"nơi không vua, không quan, không hạng người ô uế", v.v... nhưng trong thực tế thì hoàn toàn khác .
CNXH rất dễ thâm nhập vào giai cấp cần lao, vào những người như ông lão đầy tớ kia, đó là sự thật không ai chối cãi . Nhưng lại rất khó khăn để những người dẫn dắt nó chịu tự nguyện rời bỏ thế độc quyền lãnh đạo, khi mà họ đã nắm được quyền lực . (mặc cho tình hình đất nước có bi đát và tang thương đến đâu đi chăng nữa) . Và cũng chính giai cấp cần lao là giai cấp bị phản bội nặng nề nhất ngay sau đó, kể cả việc phải gánh chịu những nỗi đau đớn của" sự phê phán bằng vũ khí ", theo cách nói của Ăng Ghen do bộ máy chuyên chính vô sản gây ra. Thực tế 4 nước XHCN còn sót lại đến ngày nay, trong đó có Việt Nam vẫn đang tiếp tục chứng minh rất rõ điều này.
Cũng ngày xưa trước cách mạng, Tố Hữu đã từng xót xa cho những cô gái phải bán mình trên dòng sông Hương:
... Trên dòng Hương Giang
em buông mái chèo...
trăng lên trăng đứng trăng tàn
đời em ôm chiếc thuyền nan xuôi dòng...
trời ơi em biết khi mô
thân em hết nhục dày vò năm canh
tình ôi gian dối là tình
thuyền em rách nát còn lành được không?
răng(sao) không, cô gái trên sông
ngày mai cô sẽ từ trong ra ngoài
thơm như hương nhụy hoa lài
sạch như nước suối ban mai giữa rừng
ngày mai gió mới ngàn phương
sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân
ngày mai trong giá trắng ngần
cô thôi kiếp sống đày thân giang hồ
ngày mai bao lớp đời dơ
sẽ tan như đám mây mờ đêm nay
cô ơi tháng rộng ngày dài
mở lòng ra đón ngày mai huy hoàng...
(Tiếng Hát Sông Hương - Huế tháng 8.1938) .
Thế rồi cái"ngày mai huy hoàng"ấy như nhà thơ mong đợi cũng đã đến . Và cứ giả sử rằng lúc này với tuổi 81, ông không còn đủ điều kiện để tiếp tục...xuống thuyền lấy tư liệu viết bài nữa! Nhưng ít ra ông cũng có thể hình dung được phần nào bức tranh về các nàng Kiều Việt Nam hiện đại, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ở ngay trong nước . Bức tranh ấy là:
Những"đám mây mờ"đêm xưa trên dòng Hương Giang mà ông từng xót xa, chẳng những đã không tan đi mà còn tích tụ thêm cơ man nào những đám mây mới . Những nàng Kiều Việt Nam hôm nay không đơn thuần chỉ là ?lính thủy đánh thủy? nữa, mà còn có ?lính thủy đánh bộ?, rồi ?lính bộ đánh thủy?! Kiều có mặt ở cả ?ba vùng chiến lược? với đầy đủ ?các mũi giáp công?! Kiều ?xuất khẩu tại chỗ? và Kiều lặn lội sang đất lạ xứ người . Lại có những nàng Kiều ?đã dùng qua nhưng vẫn còn y như mới?! Có người tuy đã bước vào tuổi 50 rồi, nhưng vì không còn cách mưu sinh nào khác nên vẫn đành phải... yêu nghề!
Xong nhìn chung là tuổi đời của họ đã ngày càng giảm xuống . Thậm chí ở thủ đô Phnompenh - Campuchia, có 4 chị em ruột tuổi chỉ từ 13 đến 16, quê ở một vùng đất thuộc miền Tây Nam Bộ - Việt Nam đều ?công tác cùng ngành?! Theo tôi bất cứ một người Việt Nam nào, dù đang sống ở trong hay ngoài nước, chỉ cần có một chút lòng tự hào dân tộc thôi, cũng đều phải cúi mặt xấu hổ trước tình trạng các cô gái Việt Nam bị hành hạ nơi đất khách quê người, như thực tế đã và đang diễn ra ở Campuchia, Trung Quốc, Hồng công, Đài loan,...
Tôi rất muốn những trang viết này đến được tay nhà thơ Tố Hữu để nhắn gửi với ông rằng : nếu hôm nay ông vẫn còn một chút gì của sự xót xa như năm xưa trên dòng Hương Giang, thì tốt hơn cả là ông hãy làm một điều gì đó, dẫu chỉ là về mặt tinh thần thôi, để an ủi những em bé đáng thương hơn là đáng trách kia - Chúng chỉ đáng tuổi cháu ngoại ông . Chứ không phải là Nguyễn Du thì khóc quanh thân Kiều, còn ông thì cứ khóc quanh Nguyễn Du! ( cho dù là khóc thật đi chăng nữa) . Riêng tôi, tôi cầu mong sao cho các em bớt bị khinh miệt, đánh đập, trả được hết nợ, tránh được bệnh tật để một ngày nào đó có thể trở về được trên đất Mẹ Việt Nam thân yêu .
Những nàng Kiều thì đã là như vậy, thế còn tình hình của những em Phước thời nay thì sao? Chúng ta hãy quay trở lại với em Phước của Tố Hữu hơn 60 năm trước :
...Rứa(thế) là hết chiều ni em đi mãi
còn mong chi ngày trở lại Phước ơi!
quên làm sao, em hỡi, lúc chia phôi
bởi khác cảnh hai đứa mình nghẹn nói
em len lét cúi đầu tay xách gói
áo quần dơ, cắp chiếc nón le te
vẫn chưa thôi, lời day dứt nặng nề
hàng dây tiếng rủa nguyền trên miệng chủ!
biết không em, nỗi lòng anh khi đó?
nó tơi bời đau đớn lắm em ơi!...
thì em hỡi! đi đi, đừng tiếc nữa!
ngại ngùng chi nấn ná chỉ thêm phiền!
đi đi em, can đảm bước chân lên
ừ đói khổ đâu phải là tội lỗi!
anh mới hiểu: càng ngậm ngùi khổ tủi
càng dày thêm uất hận của lòng ta
nuôi đi em, cho đến lớn, đến già
mầm hận ấy trong lồng xương ống máu
để thêm nóng mai kia hồn chiến đấu
mà hôm nay anh đã nhóm trong lòng!...
(Đi Đi Em - Huế, tháng 2.1938) .
Em Phước ra đi, rồi ông anh có nỗi lòng"tơi bời đau đớn" ấy cũng ra đi, rồi cách mạng thành công trên nửa nước và sau đó là cả nước theo đúng ước vọng của "ông anh"! Thế nhưng hôm nay hãy thử làm một bản thống kê trong cả nước xem tất cả có bao nhiêu em Phước? 50 ngàn? 100 ngàn? 200 ngàn hay bao nhiêu?
Báo chí trong nước có đăng về trường hợp một em bé gái tuổi mới lên 10, vì cuộc sống quá khó khăn nên cha mẹ em đã không thể nuôi nổi em . Dời gia đình ra đi, em xuôi từ một tỉnh thuộc miền núi phía Bắc về một thành phố phương Nam xa xôi. Tôi không biết là số phận của em giờ đây ra sao, nhưng bé bỏng như thế, lại là con gái, mà phải ly hương tự mình kiếm sống, thì chắc chắn là lành ít dữ nhiều thôi.
Vào tháng 8.1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ . Trên đường về lại thủ đô Hà Nội, với tâm trạng "phơi phới, náo nức như đi trẩy hội", nhà thơ Tố Hữu đã làm bài Ta Đi Tới, trong đó có một câu hỏi : Các em ơi, đã học chưa?
Và hôm nay - gần nửa thế kỷ sau, nếu chịu để ý nắm tình hình xã hội một chút thì ông sẽ thấy ngay là nhiều em chưa học lắm! Tiền đâu mà đóng kinh phí xây dựng trường sở? Rồi lại còn học phí, sách vở, giấy bút? Thời gian đâu mà đến trường? trong khi các em phải ưu tiên lo toan đến miếng cơm manh áo trước đã?
Đúng! Chế độ ấy rõ ràng đã làm ông thỏa mãn, nó là miếng Bánh Thật của ông :
Miền Bắc thiên đường của các con tôi!
(Tố Hữu - Bài Ca Mùa Xuân 1961)
Nhưng nó lại là những miếng Bánh Vẽ, Những Thiên Đường Mù của biết bao nhiêu triệu con người Việt Nam, trong đó có rất nhiều các em thơ. Tôi cũng không rõ là hôm nay ông có còn muốn các em nuôi những"mầm hận ấy", hoặc nhóm lên những "hồn chiến đấu" ngày xưa nữa hay thôi ? Và nếu có thì hướng vào ai đây?
Cũng may là dân tộc không phải ai cũng như ông. Một người cùng thời với ông - nhà thơ Chế Lan Viên vào những năm tháng cuối của cuộc đời mình đã có những suy tư khác. Tập Di Cảo với những bài như Bánh Vẽ, Trừ Đi!...được những người vốn yêu tác giả của Điêu Tàn thuở tiền chiến, lại càng trân quý và cảm phục ông hơn. Có người nhận xét rằng đấy là miếng"võ độc", là miếng"đà đao" cuối đời của nhà thơ tài danh này. Nhưng theo tôi đấy chính là sự nhận thức lại - Một sự nhận thức lại đau đớn xong cũng thật dũng cảm, dẫu có là muộn màng nhưng vẫn còn hơn không . Trong bài Bánh Vẽ ông viết :
... Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
cầm lên nhấm nháp
chả là nếu anh từ chối
chúng sẽ bảo anh phá rối
đêm vui! ...
rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
như không có gì xảy ra hết...
Và trong Trừ Đi! :
... Có phải tôi viết đâu? một nửa
cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi!
giết một tiếng đau, giết một tiếng cười,
giết một kỷ niệm, giết một ước mơ...
anh bảo đấy là tôi?
không phải!
nhưng cũng chính là tôi - người có lỗi!
đã giết đi bao nhiêu cái
có khi không có tội như mình!...
Nhưng điển hình nhất trong tập Di Cảo ấy, theo tôi có lẽ là bài Ai, Tôi? ông viết năm 1987 (xin xem phần phụ lục 1 cuối bài) . Chính những sự ú ớ, xấu hổ trong nỗi buồn tủi chua cay của ông khi gặp lại người lính cũ, 12 năm sau hòa bình, lại toát lên tính nhân bản muôn vạn lần hơn những"âm hưởng vui bất tuyệt" kia.
Nếu ai đã từng đọc thơ ông trong chiến tranh lại càng thấy rõ hơn sự thay đổi này. Nào đâu phải trước đó thơ ông không có những âm hưởng"vang vang tiếng trống, tiếng kèn" tưng bừng ca ngợi cách mạng và cổ vũ mọi người xông lên phía trước . Ví dụ:
... Hỡi sông Hồng tiếng hát 4000 năm
Tổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng
chưa đâu! và ngay cả trong những ngày đẹp nhất
khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc.
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn,
khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc,
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng...
những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả
dù mai sau đời muôn vạn lần hơn! ...
chọn thời mà sống chăng?
Anh sẽ chọn năm nào đấy nhỉ?
cho tôi xin ra buổi Đảng dựng xây đời...
cho tôi sinh giữa những ngày diệt Mỹ...
vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy
bên những dũng sỹ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi.
(Tổ Quốc Bao Giờ Đẹp Thế Này Chăng,1965.)
và:
Giết chúng đi, chỉ còn một đường thôi: giết chúng
Ôi hôm nay lòng ta như họng súng (!)
( Suy Nghĩ, 1966.)
hoặc là:
Miền Nam ta ơi,
cái hầm chông là điều nhân đạo nhất!
(Cái Hầm Chông Giản Dị.)
Cũng cùng tinh thần nhận thức lại như thi sỹ họ Chế, một người thuộc thế hệ sau ông - nhà thơ Nguyễn Duy đã có bài Nhìn Từ Xa...Tổ Quốc! ( xem phụ lục 2 ).
Bài thơ là một sự tổng kết khá đầy đủ, làsự đan quyện chặt chẽ giữa những gì đã diễn ra của thời đạn bom xưa với thời hòa bình nay. Cũng chính vì bài thơ này mà trên báo Nhân Dân số ra ngày 11.9.1989 đã đăng một bài bình luận, trong đó có những lời kết tội tác giả của nó như sau :
"...Thóa mạ Tổ Quốc không tiếc lời, chửi bới hung hãn đến nỗi nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ bằng những lời mỉa mai, cay độc,...".
Nhưng theo tôi Nguyễn Duy chỉ thóa mạ những giá trị không có thực, đánh đổ những thần tượng giả?>Một người đi chật cả con đường", lột trần những mặt nạ " Dù dối nữa cũng không lừa được nữa, khôn và ngu cũng có tính mức độ" và đập tan những ngụy biện,...thông qua bút pháp thơ thật sâu sắc và độc đáo của anh .
Anh cho rằng tất cả những điều ấy chẳng có ích gì cho dân tộc hôm nay, mà ngược lại chỉ có hại hoặc ít ra là ăn bám, một sự ăn bám bình phương, lập phương hoặc hơn thế nữa. Ai càng yêu Tổ Quốc mình lại càng cần phải có tinh thần suy nghĩ lại như Nguyễn Duy, như Chế Lan Viên và như biết bao những chiến sỹ dân chủ Việt Nam khác. Họ đang xuất hiện ngày càng nhiều, họ chính là những niềm hy vọng của một nước Việt Nam mới khác hẳn về chất : không phải là một CHXHCN Việt Nam đã và đang tìm đủ mọi cách" tu sửa vặt "như hiện nay. Cũng không phải là quay trở về với một Việt Nam DCCH trước kia hay một Việt Nam Cộng Hòa bị đứt quãng nay nối lại. Tất cả những chế độ này tuy mức độ có khác nhau, nhưng xét về thực chất đều là mất dân chủ và chịu sự phụ thuộc nặng nề vào nước ngoài.
Một nước Việt Nam mới phải là một nước Việt Nam dân chủ đa nguyên, đa đảng và pháp trị, phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại mới . Chừng nào còn chế độ độc đảng như ở Việt Nam hiện nay, thì chừng đó ngay cả những mục tiêu của Cuộc Cách Mạng Dân Tộc Dân Chủ Nhân Dân, xét về thực chất là vẫn chưa đạt được.

Để kết luận, tôi xin được trở lại với một vấn đề của lịch sử : năm 1924 từ Mátxcơva chàng trai Nguyễn Ái Quốc, tức chủ tịch Hồ Chí Minh sau này đã phát biểu : "... Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên mặt triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Nó chưa phải là toàn thể nhân loại,..., xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông. Đó chính là nhiệm vụ mà các Xô Viết đảm nhiệm..." (Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ 1924. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội - 1995, tập 1, Tr. 465 ).
Sau đó 22 năm, khi đã nghiên cứu, học tập kỹ lưỡng học thuyết của Mác, và như ông nói là" củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông ", ông đã có kết luận sau : "...Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác. Cách đây 2000 năm, Đức chúa Giêsu đã nói là ta phải yêu mến các kẻ thù của ta. Điều đó đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được. Còn khi nào thì chủ nghĩa Các Mác thực hiện được thì tôi không thể trả lời được. Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được, cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình. Ở nước chúng tôi, những điều ấy chưa có đủ...". (trả lời các nhà báo ngày 12.7.1946 - Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội 1995, tập 4, Tr 272.) .
Thế nhưng kết luận đúng đắn trên của ông đã bị chính ông và các đồng chí sau ông ngang nhiên vi phạm nặng nề trong"thực tiễn cách mạng Việt Nam"suốt hơn nửa thế kỷ qua. Sự vi phạm ấy vẫn còn kéo dài đến tận hôm nay dứt mãi chưa ra.
Theo tôi lịch sử dân tộc ta chưa từng xảy ra một điều gì tương tự, mà chỉ nội trong hòa bình thôi, lại dẫn tới hậu qủa nhiều máu và nước mắt bằng sự kết hôn gượng ép, sống sít giữa hai khái niệm: lòng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội.
Đây chính là vấn đề lớn mà mọi người Việt Nam lúc này cần phải nhận thức lại, từ đó sẽ có một mẫu số chung đoàn kết được các lực lượng dân chủ Việt Nam. Nhằm đấu tranh có hiệu quả hơn với những thế lực bảo thủ hiện đang nắm thực quyền trong ĐCS Việt Nam. Nhất định trong một tương lai không xa đất nước ta sẽ thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn, tụt hậu và cực kỳ mất tự do dân chủ như hiện nay. Để 80 triệu người Việt Nam ở cả trong và ngoài nước sẽ cùng đoàn kết bên nhau, xây dựng thành công một nước Việt Nam mới như trên đã trình bày.
Phương Nam - Australia.
Tháng 6 năm 2001.


No comments: