Sunday, March 1, 2009

ĐỌC LẠI PHƯƠNG NAM DỖ NAM HẢI (1)

Thư Ngỏ gởi Quốc Hội và Chính Phủ
Phương Nam ĐỖ NAM HẢI


Thành phố Hồ chí Minh, ngày 10/12/2004.
Kính gửi:
1. Quốc hội và Chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
2. Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.
3. Các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước.
4. Các bạn bè quan tâm.

Tên tôi là: Đỗ Nam Hải - Sinh năm 1959, tại Hà Nội.
Thường trú tại: 441 Nguyễn Kiệm - Phường 9 - Quận Phú Nhuận - Tp. HCM.
Nghề nghiệp: kỹ sư kinh tế ngân hàng.

Tôi viết thư ngỏ này gửi tới các cơ quan trên và các bạn bè quan tâm, để trình bày một số vấn đề sau đây:

1) Những bài viết của tôi: trong thời gian sinh sống tại ÚC (Australia), với bút hiệu là Phương Nam, tôi có viết 5 bài tiểu luận:
1.
Việt Nam đất nước tôi. (6/2000)
2.
Việt Nam và sự đổi mới. (4/2001)
3.
Suy nghĩ về nhận thức lại. (6/2001)
4.
Viết về chủ tịch Hồ Chí Minh (7/2001)
5.
Viết tiếp về nhận thức lại. (8/2001)
(đang được đăng trên 1 số trang web như: Đàn Chim Việt & Mạng Ý Kiến online. Click:
www.danchimviet.com & www.ykien.net - Mục Tác giả.)
Những nội dung chính được tôi nêu ra trong 5 bài viết ấy là: đặt vấn đề nhận thức lại những vấn đề quan trọng của đất nước, thường được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải, các nhà trường, học viện ở Việt Nam giảng dạy như: chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên nhân của 2 cuộc chiến tranh Đông Dương (1945 - 1975), sự hình thành và tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa (1917-1991), công cuộc đổi mới hiện nay và sự tụt hậu của Việt Nam so với các nước trong khu vực & thế giới. Đồng thời, nêu lên ý kiến đề nghị tổ chức 1 cuộc Trưng cầu dân ý ở Việt Nam (được trình bày cụ thể tại phần 4, trong bài Việt Nam đất nước tôi), nhằm mở đường cho dân tộc giải quyết tận gốc sự tụt hậu hiện nay. Đầu năm 2002, tôi đã trở về Việt Nam và tháng 10/2004 vừa qua, tôi có bài trả lời phỏng vấn đài Á Châu Tự Do (RFA), với nội dung điểm lại những quan điểm của mình, đã được thể hiện trong 5 bài viết trên.
(xin gửi kèm theo Thư ngỏ này)

(2) Hoàn cảnh khó khăn hiện nay của tôi:
Chiều ngày 6/8/2004, trong khi tôi đang làm việc tại ngân hàng thì có một số sỹ quan thuộc Cơ quan an ninh - Bộ công an đến tận nơi, khéo léo mời tôi lên một chiếc xe hơi để đi làm việc tại ngôi biệt thự số: 310 đường Trường Chinh - Phường 13 - Quận Tân Bình - Tp. Hồ Chí Minh. Sau đó, tôi bị giữ lại đây hơn 2 ngày (từ 16 giờ ngày 6/8/2004 đến 18 giờ ngày 8/8/2004), để “Trả lời một số vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia”, theo như nội dung ghi trong Giấy Mời. Bốn tháng sau, tôi lại bị các sỹ quan công an trên giữ lại 24 tiếng (từ 17 giờ ngày 3/12/2004 đến 17 giờ ngày 4/12/2004) tại trụ sở Công an quận Phú Nhuận, số: 181 đường Hoàng Văn Thụ - Phường 8 - quận Phú Nhuận - Tp. HCM. Cũng trong khỏang thời gian 4 tháng qua, tôi còn bị hàng chục lần phải đi làm việc theo yêu cầu của công an: khi thì ở nhà hàng, khi thì trong những phòng kín của các khách sạn khác nhau; khi thì trên một chiếc xe cứu thương bít bùng trên bờ kênh Nhiêu Lộc, thuộc quận Tân Bình. Máy tính của tôi (cục CPU) cũng đã bị tạm giữ từ ngày 4/12/2004 tại Công an quận Phú Nhuận, và theo lời giải thích miệng của công an là: “khi nào chúng tôi xóa hết các dữ liệu trong đó thì sẽ trả cho anh”.
Vì vậy, hiện nay tôi không có phương tiện làm việc tại nhà.
Trong những lần gặp trên, tôi đã trả lời các sỹ quan công an (từ cấp uý đến cấp đại tá), đại ý rằng: “Đúng, tôi đã viết những bài tiểu luận ấy. Động cơ duy nhất để tôi viết và phổ biến chúng trên Internet là lòng yêu nước. Tôi mong muốn và nguyện đóng góp một phần nhỏ bé của mình để thúc đẩy cho nền dân chủ ở Việt Nam tiến lên phía trước. Còn hiện nay thì rõ ràng là trên đất nước ta không có dân chủ. Cái gọi là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, xét về thực chất chỉ là thứ dân chủ lừa mị, giả hiệu; dân chủ cho thiểu số trong Ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam. Nó, nếu có trong xã hội thì cũng chỉ là những mẩu vụn của nền dân chủ đích thực mà thôi.
Rất dễ dàng để chứng minh cho nhận xét trên, và điều này thì có nhiều người dân chủ Việt Nam trước và sau tôi đã làm. Biểu hiện cụ thể và sống động nhất là việc tôi phải ngồi đây, phải trả lời những câu hỏi của các anh; phải bắt buộc mở những hộp thư điện tử của mình, cũng như phải mở diễn đàn Nhà Việt Nam, là diễn đàn mà tôi tham gia từ tháng 6/2003. Các anh gọi những bài viết của tôi và những tài liệu mà tôi mang theo là những tài liệu phản động, chống đối đảng và nhà nước. Nhưng tôi thì lại có quan niệm khác, tôi cho rằng đấy là những tài liệu dân chủ; chúng đã được đăng tải đầy đủ và rộng rãi trên Internet trước đó. Tôi rất mong ngày càng có nhiều người Việt Nam, nhất là ở trong nước đọc chúng, và tôi công nhận rằng mình đã làm nhiều điều cho công việc này. Thực lòng, tôi không trách các anh, đơn giản là vì các anh phải làm nhiệm vụ được giao. Điều đáng trách là cái thể chế chính trị độc đảng, được luật hóa trong điều 4 của Hiến pháp Việt Nam hiện hành. Chính nó đã, đang và sẽ luôn là vấn đề của mọi vấn đề, nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây ra biết bao nỗi tai ương đau đớn và sự tụt hậu đến nhụïc nhã cho đất nước này, dân tộc này.
Về những mối quan hệ của tôi với mọi người ở cả trong và ngoài nước trong hơn 4 năm qua (6/2000 - 12/2004), thì tất cả đều là những mối quan hệ chỉ thuần tuý trao đổi cho nhau những bài viết về dân chủ. Tôi luôn ý thức được rằng mình hoàn toàn có đủ bản lĩnh và sự tự tin để sẵn sàng đối thoại với tất cả mọi người, dù họ là ai, quá khứ và hiện tại của họ thế nào. Nếu họ đúng thì tôi ủng hộ, còn nếu họ sai thì tôi phản đối. Tôi không hề hẹn hò, kích động ai để gây bạo loạn hay lật đổ; đặt bom hay đặt mìn ở đâu cả. Ngược lại, những người đối thoại với tôi cũng vậy: họ luôn tôn trọng tôi và thấu hiểu rất rõ quan điểm của tôi, được thể hiện trong những bài viết của mình là: chỉ ủng hộ những cách làm dân chủ, nhằm tạo ra những bước chuyển mình thực chất cho dân tộc mà thôi. Các anh đã đọc những bức thư của tôi gửi đi và của mọi người gửi đến cho tôi (kể cả bắt buộc lẫn đọc trộm); đã đọc những ý kiến của tôi và mọi người trao đổi với nhau trên diễn đàn Nhà Việt Nam thì cũng thấy rất rõ điều này.
Theo tôi, dân tộc Việt Nam hôm nay muốn tìm được một lối ra phù hợp, nhằm hòa nhập được tốt vào thế giới hiện đại, thì điều quan trọng tiên quyết là phải nhận thức và xử lý cho tốt nguyên nhân sinh ra biết bao nỗi tai ương đau đớn và sự tụt hậu đến nhụïc nhã cho đất nước như đã nêu ở trên. Đồng thời, phải tránh một quan niệm hết sức sai lầm cho rằng: hễ cứ ai đấu tranh cho một xã hội Việt Nam đa nguyên và một thể chế chính trị Việt Nam đa đảng thì họ chính là những người có “mưu toan lật đổ Đảng cộng sản Việt Nam của các thế lực thù địch trong và ngoài nước”. Tôi cho rằng: chính nguy cơ bị mất quyền lãnh đạo đất nước bởi các lực lượng chính trị đối lập khác, sẽ là một áp lực rất quan trọng và rất cần thiết để ĐCSVN ngày càng trở nên tử tế hơn trước dân tộc và lịch sử. Nó sẽ có tác dụng tích cực để chống lại sự thoái hóa, biến chất với quy mô và tốc độ ngày càng cao của đại bộ phận những người hiện đang nắm quyền lực trong ĐCSVN; trong bộ máy chính quyền từ trung ương tới địa phương và cơ sở ở Việt Nam hôm nay.
Nói một cách khác, nó chính là chiếc chìa khóa vàng để giúp ĐCSVN xốc lại đội ngũ của mình, nhằm thay thế cho việc “bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ ta” bằng phương cách “chuyên chính vô sản hóa” toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước trong suốt nửa thế kỷ qua. “Trái bóng” hiện thuộc về những người đang nắm thực quyền trong Bộ chính trị và Ban bí thư trung ương ĐCSVN. Chúng ta không sợ đất nước không có những dự án đúng để xây dựng và phát triển, mà chỉ sợ đường đi của cả dân tộc bị chọn sai! Dân tộc hôm qua đã chọn sai đường thì hôm nay dân tộc đó hãy dũng cảm vượt qua chính mình để cùng nhau nhận thức lại, cùng nhau hợp sức để chọn lại con đường mới sáng sủa hơn, nhân bản hơn cho dân tộc mình; đấy là lẽ bình thường. Đừng nên để đến một ngày nào đó, với tiếng thét ầm vang của nhân dân phẫn nộ, mà phải diễn ra cái cảnh như ở Rumani vào tháng 12 năm 1989; với kết cục là cái chết đích đáng và nhục nhã của vợ, chồng tên độc tài Ceausescu (bị xử tử). Lúc đó thì đã là quá muộn. Tôi là người Việt Nam yêu dân chủ, tôi không bao giờ mong muốn đất nước mình phải chuyển biến trong cái hỗn cảnh đó.

3) Nhận xét và kiến nghị:

a) Những nhận xét:
- Một trong những đặc điểm đậm nét của thời đại ngày nay là thời đại sụp đổ của tất cả các chế độ độc tài, độc đảng trên phạm vi toàn thế giới. Chỉ 20 năm trở lại đây, nhân loại đã chứng kiến sự cáo chung của rất nhiều chế độ như vậy, như ở Nam Hàn, Chilê, Philippines, Indonesia, Nam Tư, Afghanistan, Iraq; cũng như ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa cũ Đông Âu, … Các quốc gia trên dẫu đã, đang và sẽ phải trải qua những khó khăn, thử thách ở những mức độ khác nhau; nhưng sớm muộn gì họ cũng sẽ thực hiện thành công bước chuyển từ một xã hội thần dân lạc hậu sang một xã hội dân sự tiến bộ; nó cũng chính là xu thế tất yếu của thời đại ngày nay. Không ai hoặc bất cứ thế lực nào, dù có bảo thủ và tàn bạo đến đâu, có thể ngăn cản được xu thế tất yếu ấy. Xin ai hãy đừng đắc chí mà chỉ chăm chăm đi bới tìm những khó khăn trong bước đầu chuyển mình của các quốc gia trên, để hòng làm con ngoáo ộp đe dọa nhân dân Việt Nam anh hùng. Bởi vì, làm như thế cũng chính là tội ác! Mà một khi đã gây tội ác thì sớm muộn gì cũng bị trừng phạt.
- Hễ chừng nào còn chế độ độc đảng trên đất nước ta thì chừng đó sự bất công, đói nghèo và tụt hậu càng trở nên sâu sắc và trầm trọng - Đó là điều khẳng định.
Đất nước đã bước ra khỏi cuộc chiến tranh gần 30 năm rồi, nhưng hôm nay con đường đi của dân tộc ấy vẫn loằng ngoằng, quờ quạng như đường đi của người bị khiếm thị nặng: đã đi trên con đường lạ thì chớ mà lại còn bị mất kính, mất gậy! Chế độ ấy cũng hòan tòan bất lực trước quốc nạn tham nhũng và cũng không thể ngăn chặn được tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay. Dẫu rằng, những khẩu hiệu hô hào cho những mục tiêu đó thì không hề thiếu. Lòng tin ngây ngô của nhiều người Việt Nam, về cái gọi là đường lối: “Xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (là thứ không hề có trong các bộ sách kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin), cũng chẳng khác nào sự cả tin đến thương hại của chú bé ngày xưa - trên cánh đồng, trong thơ Hoàng Cầm:
Cứ mải mê đi tìm chiếc “lá Diêu Bông” mà không hề biết rằng “bà chị” kia đã len lén đi “lấy chồng” từ hồi nảo, hồi nào rồi! Những “chú bé” kia hiện đang chiếm đa số trong xã hội Việt Nam cứ mãi vẫn nghèo, đã làm “bệ phóng” tốt cho một thiểu số như cha con nhà Mai Văn Dâu nọ mãi vẫn giầu!
Tôi cũng không rõ là những sỹ quan công an đã làm việc với tôi trong hơn 4 tháng qua có sự so sánh nào không, trước sự tương phản giữa mức sống của tôi, của các anh và gia đình ( mà tôi tin rằng mức sống của chúng ta vẫn còn hơn biết bao nỗi nhọc nhằn có đầy trên mặt đất Việt Nam này), với những “hào kiệt” trong ngành dầu khí kia?
Ở đó, họ đã làm ảo thuật để chia chác với nhau hàng triệu đô la Mỹ, mà cứ tỉnh bơ như người ta chia mớ cá ao làng vậy. Những “hào kiệt” như vậy ngày nay xuất hiện “trù mật” trên khắp mọi miền đất nước. Điều mà các anh vẫn hằng tin rằng: mình đang bảo vệ nền an ninh quốc gia, thì xét ở một khía cạnh nào đó lại là đang bảo vệ cho một chế độ tham nhũng ăn tàn, phá hại nhất trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc ta. Nó đang hàng ngày, hàng giờ bòn rút tới rỗng ruột tài sản của đất nước và tiềm ẩn những món nợ xấu nước ngoài, mà sau này con cháu chúng ta sẽ phải è cổ ra trả. Tốc độ tích lũy tư bản của các “hào kiệt” thời nay nhanh đến mức chóng mặt. Đúng như nhận xét của cựu chủ tịch Công đoàn Đoàn kết, cựu tổng thống Ba Lan - Lếch Valêxa (Lech Walesa): Chủ nghĩa cộng sản là con đường dài nhất để đi từ chủ nghĩa tư bản đến chủ nghĩa tư bản! (mà cái thứ tư bản ở Việt Nam hôm nay lại là cái thứ tư bản dỏm, chứ phải chi nó là cái tư bản thứ thiệt như thiên hạ thì đã đi một nhẽ!). Chế độ ấy cũng đã làm mất đất, mất biển mà mồ hôi, máu xương của ông cha ta đã đổ xuống.

b) Kiến nghị:
- Vượt lên trên khó khăn hiện nay của mình như đã trình bày. Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ và Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam hãy nghiên cứu, xem xét ý kiến đề nghị của tôi về 1 cuộc Trưng cầu dân ý ở Việt Nam.
Trong đó, câu hỏi duy nhất cần nhân dân Việt Nam trả lời là:
Việt Nam nên hay không nên theo chế đa đảng?
Nếu ai đồng ý thì ghi Có. Ai không đồng ý thì ghi Không.

Tôi sẽ rất vui lòng và sẵn sàng cùng các bạn hữu trong và ngoài nước của mình chờ đợi những cuộc đối thoại từ phía Quốc hội, Chính quyền hay ĐCSVN tổ chức, để làm rõ hơn ý kiến đề nghị trên của mình. Tôi rất mong nhận được sự quan tâm của các cơ quan trên và xin chân thành cảm ơn trước. Trường hợp các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Việt Nam thấy rằng: những việc làm của tôi là có điều gì trái pháp luật thì tôi sẵn sàng đối diện với khả năng xấu nhất có thể xảy ra với mình. Còn tình trạng hiện nay của tôi là rất ụ ụ, xọe xọe, rất không đàng hòang, mà Cơ quan an ninh - Bộ công an Việt Nam đã áp dụng với tôi trong hơn 4 tháng qua. Thay cho lời kết, tôi xin được ghi lại câu nói của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh (1900 - 1944):
“Tự do không thể van xin mà được. Tự do phải giành lấy mới có!”


No comments: