Sunday, March 22, 2009

NHÌN TỪ HOÀN CẢNH TÂY TẠNG

Nhìn từ hoàn cảnh Tây Tạng

Trần Tiến Dũng

Saturday, March 21, 2009

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=92399&z=157

Hình bên: Một cuộc biểu tình tại Ðài Loan nhằm đòi độc lập cho Tây Tạng, diễn ra hôm 14 Tháng Ba. Nhiều cuộc biểu tình tương tự đã diễn ra khắp nơi để nhắc nhở việc Trung Quốc chiếm đóng Tây Tạng đã tròn 50 năm. (Hình: AFP)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/92399-medium_vn_220309_taytang.jpg

Trước những ngày Tháng Tư nóng ký ức, một người Sài Gòn có tuổi, đã trải qua các giai đoạn đầy biến động của thế kỷ trước, nói: Người Tây Tạng lưu vong đang kỷ niệm 50 sống dưới ách đô hộ của Trung Quốc. Có người đoán năm mươi năm nữa nước mình sẽ có lớp người lưu vong vì Trung Quốc. Tôi hy vọng người Việt Nam sẽ không rơi vào số phận như người Tây Tạng... Một chàng trai ngồi cùng bàn cà phê không đồng ý với ông: “Thế giới ngày nay đâu phải là thế giới thời nước mình bị Bắc thuộc. Ông lạc hậu rồi đấy...”

Tầm nhìn xa và gần

Ở mỗi thời kỳ của thế giới, có thể có nhiều hình thức xâm lăng và chiến tranh nhưng mất nước vì tầm nhìn ngắn hơn quốc gia khác có lẽ là vết thương đau đớn nhất.

Cố lãnh tụ Trung Quốc Ðặng Tiểu Bình từng tự hào: “Người Trung Quốc làm điều gì cũng sâu xa”. Nhưng chuyện Trung Quốc là một nước lớn và sâu xa không đáng sợ bằng việc trong cách nhìn, cách tính đường dài cho tiền đồ dân tộc Việt Nam luôn để cho lợi ích kinh tế chính trị tầm ngắn và cạn rơi vào bàn cờ lớn Trung Quốc.

Một trí thức không muốn nêu tên nói: “Tôi rất kính trọng Ðức Ðạt Lai Ðạt Ma. Ông ấy đã xuất hiện với tất cả hào quang cá nhân nhưng hành trình tìm độc lập của cả dân tộc ông thì tuyệt vọng. Năm mươi năm trước, những lãnh tụ tinh thần Tây Tạng với những hạn chế của thế địa lý và thông tin đã không nhìn thấy trước thế giới bây giờ”.

Ngày nay, thế giới đã là sân chơi lớn của những thế lực lớn, liên kết vì quyền lợi như “Vạn Lý Trường Thành”. Ông Hồ Cẩm Ðào đã dùng hình ảnh Vạn Lý Trường Thành để chỉ rõ cách Trung Quốc bóp chết nguyện vọng độc lập của Tây Tạng.

Có thể có nhiều bằng chứng về những ứng xử văn minh trong các quan hệ quốc tế nhưng cũng không thể ngây thơ tới mức không nhìn thấy bản chất quyền lợi trần trụi mới chính là đòn bẩy, chất keo gắn kết các nước lớn, một bảo đảm bằng vàng từ mồ hôi và nước mắt của các dân tộc nhỏ khác.

Vị trí mới của Trung Quốc

Khi bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton đến thăm Trung Quốc để chuẩn bị cho chuyến thăm quốc gia này của Tổng Thống Obama, người ta nhớ đến chuyến thăm trước đây của Tổng Thống Nixon, chuyến viếng thăm kết thúc chiến tranh Việt Nam và sự đồng thuận - cam kết về một thế giới sau chiến tranh, cũng như dọn đường cho sự lớn mạnh của một Trung Quốc hiện đại.

Lần này, ông Barack Obama và chiến lược ngoại giao mới của nội các Mỹ cũng muốn có một thế giới sau Iraq và nhất là sau suy thoái, trong đó Trung Quốc từ chỗ là một đối thủ tiềm ẩn, lâu dài của Hoa Kỳ, nay được nhìn nhận ngang tầm một cường quốc đồng hành, chia sẻ trách nhiệm làm chủ thế giới với Hoa Kỳ.

Khi Trung Quốc được trân trọng mời thể hiện năng lực kinh tế, chính trị ở vị trí ông chủ “đồng nhiệm”, với hơn 2,000 tỷ đô la trái phiếu của chính phủ Hoa Kỳ mà Trung Quốc đang nắm giữ, có thể dự đoán, sau suy thoái, Hoa Kỳ có thể tiếp tục sống sung túc nhưng những khu vực địa lý - quyền lợi khác, vốn không thiết thân với Hoa Kỳ sẽ được “sang nhượng” vào tay ông chủ mới (?)

Họ sẽ đặt điều kiện gì với ông chủ Hoa Kỳ đã “già.” Riêng khu vực Ðông Nam Á, điều mà chính quyền Trung Quốc muốn là chia sẻ hai chữ: “ổn định”! Nhất là với Việt Nam, nơi hệ thống kinh tế chính trị có những đặc thù giống Trung Quốc.

Ở “hàng rào phía Nam”, họ muốn bảo đảm không có những cải cách - biến động chính trị ảnh hưởng đến khu nhà lớn Bắc Kinh. Ðiều mà Trung Quốc lo sợ nhất chính là Việt Nam có những thay đổi chính trị toàn diện, những thay đổi sẽ ảnh hưởng nguy hại cho nền móng của “đế chế” mới.

Chính quyền Bắc Kinh trông chờ 10 năm tới, khi Trung Quốc đứng vững và toàn quyền ở vị trí ông chủ thì niềm kiêu hãnh, tự hào về siêu cường Hoa Hạ sẽ khiến đại bộ phận dân Trung Hoa thôi mơ tưởng và khát vọng về một xã hội dân sự dân chủ - tự do kiểu phương Tây.

Khi đó ở vị trí, thứ trật tự mà Trung Quốc muốn thiết lập với các nước trong khu vực Ðông Nam Á cũng như các nước nhỏ khác, có cùng biên giới địa lý hay biên giới đặc quyền sẽ là: Trở lại mô hình và nội dung như những chư hầu gần và xa giống thời phong kiến.

Và bóng dáng của những cuộc chiến tranh, xâm chiếm về quân sự, kinh tế, văn hóa... trừng phạt theo model “dạy một bài học” cũng sẽ có mức độ kinh hoàng mới.

Dư luận ở Việt Nam cho rằng cần phải định nghĩa lại, thế nào là độc lập dân tộc ở thời kỳ sau suy thoái kinh tế và thời kỳ Trung Quốc làm chủ thế giới. Tầm nhìn mới này thuộc về trách nhiệm của thể chế Cộng Sản hiện hành.

Từ bây giờ, lịch sử đã khắc ghi các sử liệu như Hoàng Sa-Trường Sa đã là một đơn vị hành chánh của Trung Quốc, hiểm họa từ căn cứ hải quân lớn Tam Á và nhất là Tây Nguyên đã có hàng ngàn công nhân Trung Hoa vào khai thác quặng bauxite...

Nếu suốt chiều dài của lịch sử, các thế lực phong kiến Trung Quốc không thể biến Việt Nam thành quận, huyện thì nay họ chỉ cần ngồi yên ở Trung Nam Hải thì lộ trình đã chắc hơn trước...

Ðừng để như người Tây Tạng hôm nay, chỉ còn biết lấy tuyệt vọng làm câu trả lời cho bao nỗi thống khổ!

Lịch sử dân tộc không thể vận hành theo kiểu “đồng hồ” của riêng một thể chế hay một chính đảng. Chính vì thế mà sự minh bạch về trách nhiệm, về lẽ tồn vong của đất nước và dân tộc sẽ được lịch sử khắc ghi rõ ràng.

No comments: