Nhà Nước CSVN tuyên truyền cho Đại Hán hay đã bỏ chế độ kiểm duyệt?
Văn Chu
Cập nhật ngày: 5/03/2009
http://viettan.org/spip.php?article8355
Mấy ngày gần đây trên các blog, nhiều người xôn xao bày tỏ sự căm phẫn của mình sau khi một vài blogger báo động về một cuốn sách có tựa “Ma Chiến Hữu”, bản dịch tiếng Việt từ quyển “Chiến Hữu Trùng Phùng của nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn do công ty văn hóa Phương Nam và nhà xuất bản Văn Học ấn hành. Quyển sách có nội dung đề cập đến cuộc chiến Trung Việt năm 1979 từ cái nhìn của lính Trung Quốc, với nhân vật chính là Thượng Sĩ Tiền Anh Hào, người lính anh hùng đã hy sinh vì tổ quốc Trung Hoa vĩ đại. Trong cuốn sách có những đoạn đề cao chính nghĩa của Trung Quốc trong cuộc chiến, thí dụ như lời nói của chính ủy sư đoàn: ’’Chúng ta hy sinh vinh quang, quá khứ của chúng ta là vinh quang, lúc này cũng vinh quang, tương lai cũng vinh quang. Bất kỳ sự hoài nghi nào về vinh quang của chúng ta đều là sai lầm, những sai lầm cực kỳ nghiêm trọng’’. Có những đoạn đề cao sự quyết tâm của lính Trung Quốc viết thư bằng máu của mình trước khi ra trận, chúc rượu nhau “lập nhiều chiến công, giết được nhiều địch để làm rạng danh quân đội Trung Quốc anh hùng”.
Cuốn sách này không nêu đích danh mà chỉ gọi đối phương là "địch", và coi "địch" là Man Di như "Man Di Mọi Rợ"; nhưng ai cũng biết "địch" của Trung Quốc trong cuộc chiến 1979 chính là Việt Nam. Và không còn ai khác ngoài Việt Nam.
Ở một xã hội tự do đa nguyên bình thường, việc phát hành những cuốn sách đề cao cựu thù là điều bình thường và còn giúp người đọc hiểu biết thêm về góc nhìn từ phía đã từng đối nghịch với mình. Nhưng ở một xã hội mà văn hóa thông tin phải đi đúng lề phải như trong chế độ XHCN Việt Nam thì đây là điều bất thường. Và càng bất thường hơn nữa khi nhà nước hiện nay đang muốn khỏa lấp mọi đề cập đến cuộc chiến Việt Trung 1979 từ phía người Việt. Hệ thống tuyên truyền báo đài của chế độ hầu như hoàn toàn lờ đi cuộc chiến này nhân dịp 30 năm kỷ niệm chiến công của quân dân Việt Nam chặn đứng làn sóng xâm lược của quân Tàu tại địa đầu biên giới, khiến địch không thể “sáng ăn cơm tại Lạng Sơn, trưa ăn cơm tại Hà Nội” như chúng đã rêu rao. Kỳ lạ hơn nữa là ngay cả mộ bia của những liệt sĩ Việt Nam trong cuộc chiến 1979 này cũng bị kiểm duyệt. Trong khi các liệt sĩ trong các cuộc chiến trước đó được ghi khắc hàng chữ “hy sinh trong cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ” trên mộ bia gần bên, tại nghiã trang xã Hoàng Đồng, Lạng Sơn, thì mộ bia các liệt sĩ chống xâm lược Bắc Kinh chỉ được khắc hàng chữ “Hy sinh vì bảo vệ tổ quốc”, mà không dám có chữ chống Tàu, vì sợ phật lòng Thiên triều. Tại sao lãnh đạo đảng CSVN lại hành xử như cuộc chiến 1979 là một vết nhơ, đáng ô nhục của dân tộc Việt Nam!? Trong khi đảng, nhà nước, quân đội, và cả các học viện Trung Quốc thi nhau phổ biến trên mạng Internet, trên YouTube những hình ảnh, bài vở và thước phim huênh hoang về binh lính của họ trong cuộc chiến, bên cạnh vô số xác chiến binh và tù binh Việt Nam trong tay họ!
Nay chính Nhà nước Việt Nam lại cho phép phổ biến ngay trên nước mình một cuốn sách dịch từ tiếng Tàu đề cao các anh hùng giải phóng quân Trung Quốc, những người tham gia cuộc chiến xâm lược tàn sát dân Việt và cào bằng các tỉnh biên giới phía Bắc. Người Việt nào lại có thể không phẫn nộ trước hành động sỉ nhục dân tộc như vậy?
Nhưng sau đó, lại có một vài tiếng nói phản biện trách cứ những người phẫn nộ là hồ đồ, không chịu đọc hết cuốn sách, mà chỉ muốn khích động sự chống đối nhà nước và lòng căm thù người láng giềng Trung Quốc. Lại cũng có người sau khi đọc hết đã nhận định rằng cuốn sách có nội dung phản chiến, hàm ý phê phán cuộc chiến đó vô nghĩa mà nạn nhân cũng là chính những người lính nghèo khổ sau này bị lãng quên, chứ không hẳn đề cao chính nghĩa của Trung Quốc trong cuộc chiến.
Nếu nhận định đó của một vài người đọc nêu trên là đúng, thì thắc mắc đầu tiên là làm sao một cuốn sách mang hàm ý như vậy lại lọt lưới kiểm duyệt của Bắc Kinh. Cho đến nay, chưa hề có một tuyên bố nào của Nhà nước Trung Quốc về tính "vô nghĩa" của cuộc chiến này. Không lẽ chỉ một số ít độc giả Việt Nam nhìn ra được chủ ý thâm thúy tiềm ẩn của tác giả Tàu như thế thôi, còn toàn bộ hệ thống tuyên truyền và kiểm duyệt Trung Quốc cũng như nhà xuất bản Văn Học của Việt Nam, và đại đa số người đọc bình thường khác đều chỉ thấy nội dung “ca ngợi chủ nghĩa anh hùng” Trung Quốc (như trong lời giới thiệu của nhà xuất bản Văn Học), tình đồng đội của người lính Trung Quốc, và sự tin tưởng vào chính nghĩa của Trung Quốc trong cuộc chiến 1979.
Do đó câu hỏi lớn nhất và duy nhất trong đầu đại đa số người đọc gốc Việt là phải chăng đây là một âm mưu cố tình tuyên truyền để Hán hóa tâm thức người Việt Nam?
Khó mà tin rằng đây chỉ là sự sơ xuất của các khâu kiểm duyệt văn hóa tư tưởng của Đảng và nhà nước. Vì bộ máy kiểm duyệt của chế độ đã dư nhạy cảm để kiểm duyệt ngay cả bài diễn văn nhậm chức của Tổng Thống Mỹ Obama tháng Giêng vừa qua. Ông Obama đã chỉ kể về những tiền nhân Mỹ như sau: "Đối với chúng ta, họ đã chiến đấu và hy sinh, ở những nơi như Concord và Gettysburg; ở Normandy và Khe Sanh." Một câu vô thưởng vô phạt thế mà bộ máy kiểm duyệt đã thẳng tay cắt ngay chữ Khe Sanh trong bản dịch cho hệ thống báo đài của mình phát đi, chỉ vì Khe Sanh là trận đánh trong chiến tranh chống Mỹ đã không thành công như trận Điện Biên Phủ như Hà Nội lúc đó mong muốn. Kiểm duyệt này bất chấp tính cách phi ngoại giao đối với Tổng Thống một nước mà Hà Nội hiện nay đang có nhu cầu tranh thủ tình hữu nghị. Thế thì cả cuốn sách "Ma Chiến Hữu" đề cao lính Trung Quốc trong cuộc chiến "dạy Man Di (tức Việt Nam) một bài học" không thể nào là sự sơ ý, vô tình lọt qua lưới kiểm duyệt, để vô tư đi vào đầu óc người Việt Nam được.
Cũng khó mà tin rằng đây là bàn tay trực tiếp của Bắc Kinh phát tán cuốn sách này mà mạng lưới của Nhà Nước Hà Nội không hay biết. Vì chỉ mới gần đây khi có vụ tập truyện Rồng Đá xuất hiện, trong đó có một truyện đề cập đến cuộc chiến 1979 của nhà văn Việt Nam Vũ Ngọc Tiến, thì lập tức cuốn sách bị thu hồi và nhà xuất bản Đà Nẵng bị kỷ luật, đóng cửa 3 tháng. Tổng Biên Tập bị mất chức vì tội để lọt lưới kiểm duyệt cuốn sách này. Phản ứng của Đảng CSVN cực nhanh đến độ dân VN chỉ được nghe nói đến cuốn Rồng Đá sau khi nó đã bị thu hồi. Ấy thế mà cuốn "Ma Chiến Hữu", bất chấp bao phản ứng phẫn nộ của người Việt, vẫn được thoải mái lưu hành trong sự bất động của Đảng và Nhà nước!
Cũng khó mà tin rằng những hiện tượng trên chẳng qua là sự thụ động hèn nhược của Đảng và Nhà nước CSVN trước Đảng và Nhà nước CS Trung Quốc. Không chỉ hèn nhược với lý cớ là do thế mình yếu - người ta mạnh, nên không thể làm khác hơn là nhũn như con giun chờ ngày mình mạnh hơn. Và vì vậy tạm đành phải nhượng đất, nhượng biển, nhượng Tây nguyên. Nhưng nay lại còn hèn đến độ không dám kiểm duyệt bất cứ món gì đến từ Trung Quốc trong khi tha hồ bịt miệng dân mình không cho nói động tới Thiên Triều.
Phải chăng lãnh đạo CSVN nay đã vượt qua cả trọng tội thụ động hèn nhược trước CSTQ để trở thành tay sai tích cực của CSTQ trong mưu đồ Hán hóa dân Việt ngay cả trong tư duy? Nếu không thì tại sao lại có cả một chuỗi hiện tượng đề cao một chiều quân đội Tàu trong thời điểm nhạy cảm kỷ niệm 30 năm quân CSTQ tràn sang biên giới tàn sát đồng bào ta và cào bằng các tỉnh địa đầu của ta?
Thật thế, hiện tượng sách "Ma Chiến Hữu" không phải đơn lẻ; trước đó tự dưng Báo Hà Nội Mới online lại khơi khơi chủ động cho đăng bài đề cao tướng Trung Quốc Hứa Thế Hữu, một viên tướng đã chỉ huy quân TQ trong trận đánh chiếm Hoàng Sa của VN và cũng chính là viên chỉ huy quân CSTQ trong cuộc tấn công xâm lược VN năm 1979!
Người bênh vực các lãnh tụ CSVN sẽ vội cho rằng người viết bài này có định kiến chỉ nghĩ ra toàn chuyện xấu, diễn dịch tiêu cực để tấn công bôi bác chế độ. Thế thì để cho công bằng, ta thử cố nghĩ ra các giả thiết tốt để diễn giải tốt cho Đảng và nhà nước CSVN qua hiện tượng nhà nước phổ biến sách dịch từ tiếng Tàu với nhiều trang đề cao sự vinh quang của cuộc chiến xâm lược VN từ cái nhìn của lính tàu, xem sao nhé.
Giả thiết duy nhất có thể có là Đảng và Nhà nước hiện nay muốn bỏ chế độ kiểm duyệt, sẵn sàng chấp nhận văn hóa thông tin đa chiều, nên chấp nhận luôn những nội dung sỉ nhục sự hy sinh của các anh hùng VN đã bảo vệ tổ quốc, phủ nhận chính nghĩa cuộc chiến tự vệ của ta chống giặc bành trướng bá quyền trước đây. Nếu giả thiết này đúng, thì đây là một biểu hiện tích cực đáng khuyến khích, cho thấy lãnh đạo CSVN đang bước vào hội nhập với thế giới văn minh tự do đương đại đầu thế kỷ 21. Vậy thì giới cầm bút và xuất bản VN ta còn chờ gì nữa? Nhà nước đã mở cổng, ta cứ tự cởi trói mình để viết, viết như chưa bao giờ được viết.
Hãy viết, viết và xuất bản, đề cao tinh thần yêu nước, chính nghĩa dân tộc trong cuộc chiến chống Bắc Phương để át đi những hình ảnh tuyên truyền Hán hoá dân Việt đang được tự do lưu truyền; viết để nhắc lại lịch sử hào hùng của Bà Trưng bà Triệu, của thời Lê, Lý, Trần; viết để thét lên chủ quyền VN trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; viết để bộc lộ chân thật tất cả những tâm tư của mình, vì khi đã cho lưu hành tự do sách “Ma Chiến Hữu” thì Nhà nước không có lý do gì để ngăn chặn kiểm duyệt những bài viết hay sách của người Việt yêu nước chúng ta. Ta viết và xuất bản tự do để cho Đảng và nhà nước CSVN tự hiện ra là loại người nào: có phải họ là những người còn phần nào lương tri Việt, qua việc để cho người Việt viết tiếp; hay họ đã hoàn toàn là người Hán, thẳng tay trù dập kiểm duyệt, và chủ động tích cực tiếp tay quan Thầy Bắc Kinh reo rắc quan điểm Tàu để Hán hóa dân tộc Việt.
Giữa việc chấp nhận tự do văn hoá thông tin, bãi bỏ kiểm duyệt và chấp nhận làm tội đồ phản bội dân tộc, để xem bộ phận lãnh đạo Đảng CSVN chọn đường nào.
No comments:
Post a Comment