Xã hội dân sự theo định hướng xã hội chủ nghĩa
Mộc Lan – Tổng hợp
22-01-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=5938
Gần đây ở trong nước người dân Việt Nam được nghe đến một cách cải tổ xã hội mới, đó là sự phát triển “Xã hội Dân sự”. Ông Nguyễn Ngọc Đào (Đại biểu Quốc hội Hà Nội) trả lời VietnamNet: “Một nhà nước hiện đại dứt khoát phải là pháp quyền, thứ hai phải chấp nhận kinh tế thị trường, thứ ba là xã hội dân sự.” (1)
Một định nghĩa của “Xã hội Dân sự” (2)
Xã hội Dân sự là một khu vực cùng tồn tại song hành với khu vực Nhà Nước (The State) và khu vực Thị trường Kinh tế (The Marketplace) để cấu thành “Không Gian Xã Hội” (The Social Space) là nơi mà chúng ta sinh sống hằng ngày trong một khu vực địa lý nhất định. Về phương diện tổ chức, Xã hội Dân sự bao gồm tất cả các đoàn thể, hiệp hội và các nhóm nhỏ mà không lệ thuộc vào Nhà Nước (non-governmental organizations). Như vậy, Xã hội Dân sự cũng như Thị trường Kinh tế phải độc lập, tách biệt đối với Nhà nước nhưng không nhằm thay thế Nhà Nước. Cả ba khu vực này đều cùng tồn tại song hành với nhau trong tư thế “cộng đồng sinh tồn” (Co-existence) [chung sống, cùng tồn tại - ML].
Viện Thông Tin Khoa Học Xã Hội đã có nhận định về sự phát triển của các tổ chức mang tính “dân sự” ở Việt Nam như sau:
Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau về khái niệm, đặc trưng của các tổ chức xã hội dân sự, song thực tế là trong năm 2006, ở Việt Nam đã có thêm 21 hội, hiệp hội có phạm vi hoạt động trên toàn quốc và 417 hội có phạm vi hoạt động ở địa phương được thành lập.
Các hội, hiệp hội đã có những đóng góp nhất định trong việc phát huy dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các thành viên, hội viên, tham gia phát triển kinh tế, cung ứng dịch vụ công; từ thiện nhân đạo, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, hoạt động đối ngoại nhân dân… Điều đó cho thấy tính khách quan của việc hình thành các tổ chức xã hội dân sự trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… (3)
Ý niệm về những tổ chức dân sự phi chính phủ và phi lợi nhuận như thế không phải là điều mới mẻ với thế giới phương Tây. Những tổ chức đó có tên tiếng Anh là “non-profit organization” (“tổ chức bất vụ lợi” - ML). Vì ý thức được sự cần thiết của các tổ chức này nên chính phủ có những chính sách khuyến khích đặc biệt như giảm thuế lợi tức hay có ngân quỹ tài trợ. Chính vì được cho nhiều điều kiện thuận lợi và dễ dàng, các tổ chứ bất vụ lợi ngày càng nhiều hơn. Người ta còn dự đoán rằng khu vực bất-vụ-lợi (non-profit section) sẽ nắm giữ một phần quan trọng trong nền kinh tế tương lai của các quốc gia phát triển. (4)
Một loại non-profit organization lâu đời nhất là bệnh viện. Bệnh viện ban đầu chỉ là một tổ chức thiện nguyện của tôn giáo (Thiên Chúa giáo): “Ở Hoa Kỳ, một bệnh viện (theo kiểu) truyền thống là một bệnh viện bất vụ lợi (non-profit hospital) thường được bảo trợ bởi một giáo phận. Khởi đầu là những “nhà cho người nghèo” (“almshouses”) (5) Cho tới nay, 65 phần trăm bệnh viện trên nước Mỹ là “non-profit”. (6)
Nếu như ông Nguyễn Ngọc Đào đã thay mặt cho nhà cầm quyền Hà Nội để nói lên ý định canh tân đất nước bằng cách xây dựng một xã hội dân sự thì từ nay những đoàn thể, tổ chức nào dù không trực thuộc nhà nước nhưng có mục đích thiện nguyện thì chắc chắn sẽ được nhà nước ủng hộ và bảo vệ.
Thế nhưng, người ta vẫn thấy chính quyền cộng sản có những việc làm trái ngược với điều họ nói. Gần đây nhất là vụ chiếm đất tu viện Vĩnh Long của các nữ tu dòng thánh Phao-lô. Khu đất số 3 Tô Thị Huỳnh (xã Vĩnh Long - tỉnh Vĩnh Long) vốn là phần đất của cá nữ tu dòng thánh Phao-lô từ năm 1874. Các nữ tu Công giáo này đã dùng một phần tu viện để nuôi dạy trẻ mồ côi. Năm 1977 chính quyền tỉnh đã bắt bớ giam cầm một số nữ tu và tịch thu tu viện. Sau đó, tu viện sẵn có trên khuôn viên rộng hơn 10 ngàn mét vuông này bị đập phá để chuẩn bị xây dựng một khách sạn bốn sao
Trong 28 năm các nữ tu đã nhiều lần đưa đơn để xin trả lại phần đất này. Nữ tu Lê Thị Trạch lên tiếng:
“Thật ra cái nhà đó thì lúc trước (nhà nước) hứa là làm việc xã hội, xây bệnh viện nhi đồng. Bây giờ mua bán để lấy tiền để mà làm khu du lịch thì nhà dòng chúng tôi không đồng ý.” (7).
Trước sự đấu tranh kiên trì và quyết liệt của các nữ tu, cuối cùng, chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã phải thay đổi ý định, không xây khách sạn nữa mà dùng để làm công viên.
Biết rằng vụ việc một lần nữa chỉ có thể được giải quyết như trường hợp của Thái Hà nên các nữ tu không còn cách gì khác hơn là yêu cầu chính quyền địa phương bồi hoàn cho một khu đất khác để có thể tiếp tục làm công việc thiện nguyện như trước.
Trong buổi họp với Ủy ban Nhân dân tỉnh ngày 12 tháng 12 năm 2008 , nữ tu Giám tỉnh Huỳnh Thị Ngọc Bích yêu cầu (7):
1. Chính quyền phải lập văn bản để xác nhận rằng khu đất đó sẽ được dùng vào việc công ích chứ không dùng vào những việc khác.
2. Chính quyền phải đền bù một khu đất khác tương đương để xây dựng tu viện và một trường mẫu giáo, một trung tâm cho các trẻ em khuyết tật.
Bà cho biết chính quyền địa phương đã đề nghị đưa cho nhà dòng một khu đất 3 ngàn mét vuông và hỗ trợ một tỉ rưỡi. Nhưng đó là một khu đất ruộng mới khai phá và từ quốc lộ phải vào sâu thêm khoảng 400 mét. So sánh với khu đất cũ của tu viện thì đó là một sự đền bù không cân xứng.
Cũng theo lời nữ tu Giám tỉnh thì chính quyền địa phương chỉ nói rằng “họ hỗ trợ chứ không đền bù”. Vậy thì như thế nào là “hỗ trợ”?
Ông Nguyễn Văn Báu (phó giám đốc sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Vĩnh Long) đưa ra quan điểm của chính quyền:
“Hỗ trợ để xây dựng nơi thờ phượng mà thôi. Còn trường học, trung tâm giáo dưỡng thì ta đã có rồi. Tại tỉnh Vĩnh Long đã có trung tâm bảo trợ xã hội để nuôi người già, còn trẻ em thì đã có trường trẻ em khuyết tật rồi” (8)
Nói như ông Báu thì các tổ chức thiện nguyện phải thuộc về nhà nước quản lý, nghĩa là vẫn lệ thuộc vào nhà nước. Điều này ngược lại với định nghĩa ở trên về xã hội dân sự. Và như vậy, cái-gọi-là “Xã hội Dân sự” mà chính quyền cộng sản đang hô hào xây dựng, cuối cùng, vẫn là một xã hội dân sự “đi theo lề phải”. Nói cách khác, đó thật ra là một: “Xã hội Dân sự theo định hướng… Xã hội Chủ Nghĩa
© DCVOnline
--------------------------------------------
(1) “Xã hội dân sự không đối lập với nhà nước” - theo Văn Tiến – VietNamNet
(2) “Xây Dựng Xã Hội Dân Sự: Trường hợp của Chương Trình Phát Triển Quận 8 Sài Gòn”, Đoàn Thanh Liêm, Tiếng Nói Dân Chủ
(3) “Các tổ chức xã hội dân sự trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”, Nguyễn Minh Phương – Viện Thông Tin Khoa Học Xã Hội Việt Nam
(4) New Priorities Trong bài phát biểu “Những ưu tiên mới”,
Peter Drucker , một trong những nhà quản trị hàng đầu của Hoa Kỳ đã nói: “I think we will depend on the nonprofits. The nonprofit sector is the largest employer in the American economy.” (“Tôi cho rằng chúng ta rồi sẽ phụ thuộc vào những tổ chức bất vụ lợi. Khu vực bất vụ lợi này sẽ là nơi thu hút lao động lớn nhất trong nền kinh tế Hoa Kỳ”)
(5) Almshouses là tên gọi ban đầu của những trung tâm thiện nguyện Công giáo được lập ra nhằm giúp đỡ những người lớn tuổi không còn làm việc được nên không có khả năng trả tiền nhà.
(6) Non-profit hospitals là những nơi đầu tiên đem đến cho người dân Hoa Kỳ các dịch vụ về y tế.
(7) Vĩnh Long: Xây công viên trên đất thuộc Nữ Tu Viện Dòng Thánh Phao-lô - Gia Minh – RFA
(8) Nhà Dòng nữ tu ở Vĩnh Long bị trưng thu, trở thành khách sạn - Gia Minh – RFA
---------------------------------------------
Re: Xã hội dân sự theo định hướng xã hội chủ nghĩa
2009-01-21 22:51:21
Minh Duc
Trích: Nói như ông Báu thì các tổ chức thiện nguyện phải thuộc về nhà nước quản lý, nghĩa là vẫn lệ thuộc vào nhà nước. Điều này ngược lại với định nghĩa ở trên về xã hội dân sự. Và như vậy, cái-gọi-là “Xã hội Dân sự” mà chính quyền cộng sản đang hô hào xây dựng, cuối cùng, vẫn là một xã hội dân sự “đi theo lề phải”. Nói cách khác, đó thật ra là một: “Xã hội Dân sự theo định hướng… Xã hội Chủ Nghĩa”
Xã hội dân sự với các hội, hiệp hội nói là tồn tại song song với nhà nước, có nghĩa là các hội, hiệp hội này phải độc lập với nhà nước và độc lập với cả đảng cầm quyền. Có như thế thì mới có thể gọi là "tồn tại song song" với nhà nước. Nếu các hội, hiệp hội do nhà nước chi phối hoặc do đảng CS cho người vào lèo lái thì không thể gọi là "tồn tại song song" với nhà nước mà chỉ là lệ thuộc nhà nước, lệ thuộc vào đảng cầm quyền. Nên nhớ là chế độ CS được tổ chức theo mô hình chế độ độc tài toàn trị. Tất cả các thứ gọi là "hội, hiệp hội" đều phải do nhà nước nắm. Ở những khu vực nhà nước không chi phối được thì cũng phải gài người của đảng vào để mà nắm. Chế độ này gọi các hội, hiệp hội lệ thuộc vào đảng và nhà nước là "đoàn thể quần chúng". Đó là lối gọi lừa dối vì "đoàn thể quần chúng" theo đúng nghĩa phải độc lập với đảng và nhà nước. Nay ông đại biểu quốc hội Nguyễn Ngọc Đào nói: "“Một nhà nước hiện đại dứt khoát phải là pháp quyền, thứ hai phải chấp nhận kinh tế thị trường, thứ ba là xã hội dân sự.” Thì trong cái xã hội dân sự mà ông Đào đề cập đến này đảng CS cũng sẽ tổ chức nó theo kiểu "đoàn thể quần chúng" nghĩa là "xã hội dân sự tồn tại song song với nhà nước nhưng do đảng và nhà nước nắm"!!!!!!. Cái công thức của chế độ toàn trị cũng vẫn được duy trì, chỉ có cái tên là đổi khác đi thôi, xưa thì gọi nó là "đoàn thể quần chúng" (do đảng và nhà nước nắm), ngày nay thì gọi là "xã hội dân sự" (cũng do đảng và nhà nước nắm). Cái khác nhau chỉ là cách gọi.
Còn gọi là chế độ pháp quyền mà không có nền tư pháp độc lập với đảng và nhà nước thì nền tư pháp đó chỉ phục vụ cho quyền lợi của đảng và nhà nước, thì cũng vẫn còn các đảng viên, các viên chức lớn phạm pháp nhưng luật pháp không đụng đến được.
Tất cả chỉ là cách dùng chữ khác đi, còn nguyên tắc cai trị của chế độ độc tài toàn trị với đảng và nhà nước nắm toàn diện thì vẫn tiếp tục duy trì.
No comments:
Post a Comment