Saturday, January 17, 2009

TÍNH LIÊN TỤC TRONG QUAN HỆ VIỆT-MỸ

Tính liên tục trong quan hệ Việt - Mỹ
Lê Quỳnh
BBCVietnamese.com, Washington DC

16 Tháng 1 2009 - Cập nhật 05h37 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2009/01/090116_us_viet_relations.shtml
Hai chuyên gia hàng đầu về quan hệ quốc tế của Mỹ cùng chia sẻ nhận định rằng quan hệ Việt - Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama sẽ không thay đổi nhiều so với chính sách của người tiền nhiệm, George W Bush.

Frederick Brown, chuyên gia tại Trường Cao học về Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Johns Hopkins, đánh giá quan hệ song phương dưới thời tân tổng thống "sẽ vẫn đi theo cùng một con đường như dưới thời Tổng thống Bush".
Trả lời phỏng vấn của BBC, ông Brown nói mối quan hệ "tiến triển chậm rãi nhưng theo hướng đi lên".
Đồng ý nhận định này, Phó Giáo sư Lịch sử và Quan hệ Quốc tế của Đại học George Washington, Shawn McHale, cho rằng bang giao Việt - Mỹ thời gian tới "sẽ không thay đổi nhiều".
Kể từ khi chính thức khôi phục quan hệ ngoại giao năm 1995, chiến lược của hai nước đã dần ngả từ đối đầu sang hợp tác.
Chuyến thăm chính thức tháng 11.2000 của Tổng thống Bill Clinton mang tính chất đột phá. Vị tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam từ khi kết thúc chiến tranh đã được người dân Việt chào đón nồng nhiệt, để ông tuyên bố "đã tới lúc viết nên một chương mới".
Sau khi Hiệp định Thương mại Song phương (BTA) có hiệu lực từ 2001, kim ngạch ngoại thương hai chiều liên tục tăng, từ ba tỉ đôla năm 2002 lên đến hơn 12 tỉ đôla năm 2007.
Được Mỹ "bật đèn xanh", Việt Nam gia nhập WTO tháng 11.2006, cùng lúc với việc Washington cấp cho Việt Nam Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR).
Trong lĩnh vực giáo dục, vị đại sứ hiện nay ở Hà Nội, Michael Michalak, đã đặt ưu tiên cho việc đưa sinh viên Việt Nam sang học tập tại Mỹ.
Theo thống kê mới nhất, hiện có hơn 8700 sinh viên Việt Nam tại Mỹ, đưa Việt Nam dẫn đầu về tốc độ tăng số lượng học sinh tại một nước được cho là có hệ thống đại học tốt nhất thế giới.
Không phải ngẫu nhiên mà cả hai chuyên gia người Mỹ đều khẳng định bức tranh tổng thể của mối quan hệ mang màu sáng.

Tiến sĩ Shawn McHale nói vui: "Rất nhiều người nghĩ Tổng thống Bush không giỏi lắm. Nhưng dưới thời ông ấy, quan hệ giữa Á châu và Mỹ tiến triển tốt."
Ông lưu ý ngay trong vấn đề chất da cam, Hoa Kỳ "cũng đang thay đổi ý kiến".
Những động thái gần đây như cấp tiền cho nghiên cứu khoa học, dọn sạch các "điểm nóng" "chỉ mang tính biểu tượng, nhưng là dấu hiệu quan trọng".
Mặc dù chưa có thông báo chính thức, nhưng truyền thông châu Á đã loan tin ông Kurt Campbell sẽ là trợ lý ngoại trưởng về Đông Á và Thái Bình Dương.
Từng phục vụ dưới thời Bill Clinton, nhân vật Campbell, theo ông Frederick Brown, là người "được biết tới ở Việt Nam, và cũng biết rõ Việt Nam".

Thách thức phía trước

Cả hai người mà đài BBC phỏng vấn đều cho rằng suy trầm kinh tế hiện nay tại Mỹ có thể ảnh hưởng xấu tới Việt Nam.
Mục tiêu của Mỹ là đào tạo thêm nhiều người Việt trẻ, nhưng "vấn đề hiện nay là tài chính", theo ông McHale.
Tương tự, ông Brown nói giảm sút kinh tế của Mỹ "có thể khiến chúng tôi miễn cưỡng hơn khi nhập hàng từ Đông Nam Á", mặc dù hiện còn sớm để đưa ra đánh giá chắc chắn.
Khác với người Việt ở Mỹ, nhiều người Việt trong nước lâu nay có khuynh hướng chuộng một chính phủ Mỹ của đảng Dân chủ hơn vì cho rằng Dân chủ thì dễ "mềm" hơn với Việt Nam.
Tuy vậy, cần nhớ rằng chính trong lĩnh vực thương mại, các nghị sĩ đảng Dân chủ thường mang quan điểm bảo hộ, trong khi Cộng hòa lại nhấn mạnh thị trường tự do và toàn cầu hóa.
Ngoài ra, khi biết bà Hillary Clinton sắp tới sẽ là ngoại trưởng Mỹ, một nhà ngoại giao Việt Nam nói với tôi nhiều đồng nghiệp của ông e ngại chính sách ngoại giao của Mỹ sẽ lại còn cứng hơn.
Lý do là vì người ta vẫn đồn đại rằng trong tư cách đệ nhất phu nhân cùng chồng sang thăm Việt Nam năm 2000, bà Clinton "không thích" những gì bà chứng kiến.

Tôi đặt những e ngại ấy cho tiến sĩ McHale.
Ông trả lời về thương mại, "đúng là đảng Dân chủ có thể sẽ hơi cứng rắn hơn, nhưng cũng chưa chắc, vì khi Bill Clinton nắm quyền, ông ta đã có khuynh hướng tách khỏi quan điểm bảo hộ trong đảng và điều đó có thể sẽ tiếp tục".
"Đảng Dân chủ, theo truyền thống, ít quan tâm hơn đến tự do tôn giáo, nhưng lại lo lắng hơn về những vấn đề nhân quyền phi tôn giáo."
Vị chuyên gia nhiều lần đến Việt Nam cho rằng cải thiện tôn giáo, đặc biệt khi xét trong 15 năm qua, đã là "rất lớn".
Vì thế, sắp tới, những vấn đề nhân quyền nằm ngoài tôn giáo "có thể gặp nhiều sức ép hơn từ đảng Dân chủ".
Ông lấy dẫn chứng là "một số nhà báo của Tuổi Trẻ, Thanh Niên đã bị đưa ra xử vì liên quan điều tra tham nhũng. Chính phủ Việt Nam đã không giải thích thuyết phục, nên sự không hiểu được lý do đằng sau hành động của chính quyền sẽ có thể là vấn đề cho nhiều người Mỹ."
Một điều đáng chú ý, như chứng tỏ qua việc Nhật Bản tạm ngừng cấp ODA cho Việt Nam sau vụ PCI, thì Mỹ và các chính phủ nước ngoài càng lúc càng quan tâm hơn đến trách nhiệm giải trình, chứ không chỉ là vấn đề nhân quyền hay tôn giáo.
Ông McHale giải thích: "Về lâu dài, có những vấn đề mang tính hệ thống mà các chính phủ ngày càng quan tâm. Ví dụ, khi cho Việt Nam tiền, họ muốn bảo đảm tiền được sử dụng đàng hoàng".

Nhìn chung, trừ phi có những sự kiện đột biến, quan hệ Việt - Mỹ thời gian tới được cho là vẫn sẽ như một sự nối dài từ thời của Tổng thống Bush.

No comments: