Tuesday, January 13, 2009

TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ ĐANG ĐE DOẠ MÔI TRƯỜNG

Tăng trưởng kinh tế đang đe dọa môi trường
LÊ THANH
12-01-2009 23:42:56 GMT +7
http://www.phapluattp.vn/news/chinh-tri/view.aspx?news_id=240025
Hiện có đến 54% tổng số khu công nghiệp trên cả nước không có hệ thống xử lý chất thải hoặc có thiết kế nhưng chưa lắp đặt.

Hôm qua (12-1), Viện Nghiên cứu tài chính đã tổ chức hội thảo chính sách, giải pháp đảm bảo cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn hiện nay. Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã nhận định: Sau 20 năm phát triển nóng đến năm 2008, khủng hoảng kinh tế đã bộc lộ hàng loạt vấn đề như lạm phát tăng trên 20%, nhất là vấn đề môi trường bị ô nhiễm trầm trọng.

Phải đổ tiền để cứu ô nhiễm

Đồng tình với tiến sĩ Võ, PGS-TS Bùi Thiên Sơn, Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), nhấn mạnh: Rất đáng bất bình về việc ô nhiễm môi trường tăng cùng kinh tế. Chỉ riêng kênh Ba Bò mà TP.HCM phải bỏ hơn 200 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Để tăng trưởng, TP.HCM đang phải vay lãi, trong khi đó lại phải đổ tiền để cứu thoát khỏi ô nhiễm. Hàng năm, TP.HCM phải trả 2.700 tỷ đồng lãi vốn vay (khoảng 40%), chưa kể còn phải trả gốc vốn vay cho đầu tư phát triển kinh tế trong khi thu thuế chỉ đạt khoảng 7.000 tỷ đồng. Tăng trưởng theo cách làm như thế này rất hao vốn và rất đắt.

Cũng theo ông Sơn, cho đến nay Hà Nội và TP.HCM dẫn đầu trong 10 địa phương gây ô nhiễm nhất. Riêng TP.HCM đã nhiều năm qua mà chỉ có 6/14 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn lại thì mới chỉ khảo nghiệm. Trong số doanh nghiệp (DN) gây ô nhiễm cao nhất được khảo sát, DN nhà nước chỉ chiếm 9%, DN nước ngoài: 11%, còn DN tư nhân chiếm cao nhất, tới 80%.

Theo ông Võ, hiện nay hàng loạt vấn đề về môi trường đang đặt ra rất bức xúc, đó là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển. Hầu hết các sông hồ, đất và mặt nước ở các đô thị lớn, các vùng trọng điểm công nghiệp đều đang bị lấp dần hoặc đang trong tình trạng ô nhiễm nặng. Bài học đau xót vì sự phát triển mà phá hủy môi trường, ông Võ đã nhắc lại vụ xảy ra gần đây nhất là việc chôn rác thải độc hại của nhà máy Hyundai-Vinashin hay việc thải trực tiếp chất thải công nghiệp xuống sông Thị Vải của Công ty Vedan. Theo thống kê ban đầu, hiện có đến 54% tổng số khu công nghiệp trên cả nước không có hệ thống xử lý chất thải hoặc có thiết kế nhưng chưa lắp đặt.

Ông Võ bức xúc: “Để giữ đất, người ta có thể chấp nhận lắp đặt một nhà máy cũ để khi loại đi thì đất vẫn còn, nhà máy bị phá bỏ làm tăng lượng rác thải công nghiệp rất lớn. Mỗi tỉnh mà có tới 10 sân golf thì không hợp lý. Sự thiếu quy hoạch và thiếu đánh giá môi trường cho quy hoạch đang giết chết hệ thống sông Đồng Nai, Thị Vải, sông Nhuệ, sông Đáy...”.

Còn ông Sơn thẳng thắn chỉ ra rằng: “Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm công nghiệp trên diện rộng là “bệnh thành tích”. Nghĩa là chú trọng thu hút đầu tư mà coi nhẹ bảo vệ môi trường. Tại các khu công nghiệp, hầu hết các địa phương đang làm quy trình ngược bảo vệ môi trường khi đã lấp đầy DN, sau đó mới làm hạ tầng xử lý chất thải theo kiểu sinh con rồi mới sinh cha”.

Cần phải đánh thuế môi trường


Theo ông Võ, sự phát triển cần căn cứ vào hiệu quả đầu tư là chủ yếu chứ không nên đặt niềm tin quá nhiều vào tăng trưởng kinh tế. Riêng trong khâu thực hiện quy hoạch, cần phải được lựa chọn kỹ về công nghệ để kiên quyết loại bỏ những dự án làm tổn hại đến môi trường. Trong đó, khâu đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư cần được chú trọng hơn.

“Chúng ta cần sử dụng triệt để công cụ thuế trong quản lý môi trường. Ai làm tổn hại đến môi trường thì phải đóng thuế nhiều, còn ai sản xuất mà không làm tổn hại đến môi trường thì thuế suất bằng 0. Công cụ này phù hợp với cơ chế thị trường, đồng thời nó khuyến khích phát triển công nghệ sạch. Chắc chắn khi có sắc thuế, các nhà đầu tư sẽ tính toán đầu tư để lựa chọn công nghệ sao cho đạt lợi nhuận cao nhất” - ông Võ đề xuất.


No comments: