Tuesday, January 13, 2009

PHÁT BIỂU CỦA BÙI MINH QUỐC

Kính gửi anh Nguyễn Trí Huân, phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tổng biên tập báo Văn Nghệ
Tôi trân trọng gửi đến anh bài phát biểu của tôi sáng ngày 08 tháng 01.2009 vừa qua trong cuộc hội thảo do Hội ta tổ chức tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và yêu cầu anh đăng báo. Xin nhắc lại, đây là yêu cầu, tôi và anh, chúng ta đều có trách nhiệm nghiêm túc làm theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh: “Đối với MỌI VẤN ĐỀ, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình góp phần tìm ra chân lý.Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người”.

Bùi Minh Quốc
http://www.viet-studies.info/BuiMinhQuoc_PhatBieuHoiThao.htm

PHÁT BIỂU TẠI HỘI THẢO
“NHÀ VĂN VÀ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA,

HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC”
Sáng 08.01.2009, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Bùi Minh Quốc

Thưa các bạn đồng nghiệp, thưa các anh các chị,
Tôi chuẩn bị ý kiến trong đầu rồi nói vo nên nếu có gì luộm thuộm thì xin thông cảm, và xin hai bạn Trần Ngọc Tuấn, Nguyễn Một trong đoàn thư ký cố gắng ghi giúp.
Trước hết tôi xin góp ý với ban chấp hành Hội Nhà văn cần cải tiến ngay cách tổ chức những cuộc hội thảo như thế này, bỏ bớt tối đa những nghi lễ rườm rà, dành thời gian tối đa cho các phát biểu, tốt nhất là các phát biểu trực tiếp tươi ròng nguyên vẹn từ trong tim trong óc các thành viên tham dự hội thảo hơn là những bài viết sẵn gửi trước, duyệt trước, dành thời gian cho thảo luận, như thế hội thảo mới có sinh khí, có thực chất, cái sinh khí, cái thực chất phải bắt nguồn từ từng thành viên tham dự hội thảo.
Đó là về phương pháp. Còn về nội dung thì tôi yêu cầu đáng lẽ trước tất cả mọi cuộc hội thảo về các đề tài cụ thể “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” như thế này hoặc về “nông nghiệp, nông thôn” đang dự định sắp tổ chức thì phải có một cuộc hội thảo lớn nhất, bao trùm nhất là hội thảo về “Trách nhiệm của nhà văn Việt Nam với sự nghiệp dân chủ hóa đất nước”, xin nhắc lại cho rõ: Trách nhiệm của nhà văn Việt Nam với sự nghiệp dân chủ hóa đất nước. Vừa qua chưa làm thì ngay sau đây phải làm một cuộc hội thảo như thế. Đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Hội ta. Từ 2001 đến nay, kể từ khi đại hội Đảng lần thứ 9 đặt “dân chủ” thành mục tiêu chiến lược trong cương lĩnh hành động của toàn Đảng toàn dân, tám chín năm đã trôi qua, hãy tự hỏi chúng ta đã làm gì cho dân chủ? Hãy xem lại báo Văn Nghệ kể từ thời anh Hữu Thỉnh làm tổng biên tập đến nay, trên mục “Tiếng nói nhà văn”, có được bao nhiêu bài về dân chủ? Theo nhận xét của riêng tôi thì rất ít, rất ít.

Tôi xin đọc các anh các chị nghe một câu hết sức quan trọng của chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do.Tự do là thế nào? Đối với MỌI VẤN ĐỀ, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người”.

Trong câu tôi vừa đọc, tôi xin nhấn mạnh mấy chữ “Mọi người, mọi vấn đề”, vâng, mọi vấn đề, nghĩa là Hồ chủ tịch yêu cầu dứt khoát không được phép đặt ra các vùng cấm cho mọi người, cho bất cứ ai khi họ thực hiện quyền và nghĩa vụ tự do phát biểu ý kiến. Từ câu tôi vừa dẫn trên đối chiếu vào thực tế, thì thấy chúng ta đã làm sai, làm chệch, làm ngược với tư tưởng Hồ Chí Minh. Tại sao mấy chục năm qua không có một công trình nghiên cứu, một tác phẩm nào về đề tài cải cách ruộng đất, chống bọn bành trướng, chống bọn diệt chủng Khơ-me đỏ ? Cuốn tiểu thuyết của anh Tô Hoài về cải cách ruộng đất khó khăn lắm mới in được nhưng lại không cho tái bản.Thế là thế nào ? Ai đã đặt ra các vùng cấm như thế ?

Trước tình hình quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa trên đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ nước ta, chỉ có mình nhà văn Nguyễn Khắc Phục lên tiếng, tôi noi gương anh Nguyễn Khắc Phục viết thư ngỏ cho Ban chấp hành Hội cùng toàn thể anh chị em hội viên yêu cầu Ban chấp hành phải ra tuyên bố tỏ thái độ của Hội ta. Nhưng từ đó đến nay đã hơn 1 năm Ban chấp hành Hội vẫn im lặng. Tại sao Hội ta không thể làm được như Đoàn luật sư TP HCM? Rõ ràng chúng ta đã rơi vào một trạng thái yêu nước thụ động rất xa lạ với truyền thống nghìn đời của dân tộc, tại sao chúng ta đã từng kế thừa và phát huy rất mạnh mẽ truyền thống yêu nước tích cực chủ động “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” rất oanh liệt của dân tộc ta mà nay ta lại thụ động như vậy, đây là một sự suy thoái về văn hóa rất nghiêm trọng, rất nguy hiểm. Một lần nữa tôi yêu cầu Ban chấp hành Hội phải khẩn trương ra tuyên bố về vần đề chống bành trướng như Đoàn luật sư TP HCM đã làm.

Hồi nãy anh Trần Thanh Đạm có nói đến tình hình “văn tặc”. Theo tôi, “văn tặc” chính là bọn đã đặt ra các vùng cấm như thế. Đấy là sự phản bội tư tưởng Hồ Chí Minh, chống lại chủ trương “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật” mà Đảng đã vạch ra từ đại hội 6.

Gần đây nhiều ý kiến nêu lên vấn đề nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động văn học nghệ thuật. Theo tôi, cái gốc của vấn đề tính chuyên nghiệp không có gì khác hơn là vấn đề nâng cao chất lượng sáng tác mà chúng ta từng nói hoài với nhau và sẽ còn nói mãi, nó là vấn đề của mọi nhà văn, mọi nền văn học ở mọi thời và mọi xứ sở, nghĩa là phải làm sao để có tác phẩm hay.

Muốn nâng cao chất lượng sáng tác thì trước hết phải nâng cao chất lượng người sáng tác. Trong chất lượng người sáng tác có 2 yếu tố cơ bản là tài năng và nhân cách. Tài năng thì có phần của năng khiếu, phần thiên bẩm thiên phú và phần phải rèn luyện. Nhưng nhân cách thì phải rèn luyện mới có được, rèn luyện thường xuyên, rèn luyện suốt đời. Từ năm 1959 tôi còn trẻ dự hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ nhất toàn miền Bắc, anh Nguyễn Đình Thi tổng thư ký Hội đã nói với lớp trẻ chúng tôi: làm người là cái gốc của sự làm văn, đến nay vấn đề này vẫn luôn đặt ra cho chúng ta. Từ cách đây mấy năm, tại cuộc hội thảo ở Hội An về nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong mà anh Hữu Thỉnh có dự, tôi đã phát biểu đề nghị Ban chấp hành Hội nhà văn cần gấp rút tổ chức hội thảo về vấn đề nhân cách của các nhà văn trong Hội nhà văn chúng ta. Các nhà văn ngày nào cũng lớn tiếng về tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng, nhưng còn tình trạng đạo đức của chính bản thân các nhà văn trong Hội nhà văn chúng ta thì thế nào?
Gần đây có chuyện các thanh niên ở công ty FPT in sách đặt lời mới cho một số bài hát cách mạng và kháng chiến, những lời mới này thô lỗ gây bất bình trong xã hội; nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, một trong những tác giả là nạn nhân của tình trạng đó đã phẫn nộ thốt lên: “Mất dạy!”. Tôi muốn chúng ta hãy cùng suy nghĩ sâu hơn trước tình trạng đó. Theo tôi, nguồn gốc sâu xa của sự mất dạy là do những người dạy không còn đủ tư cách của người dạy; biết bao kẻ vô đạo đức, giả đạo đức đang hàng ngày đứng ra rao giảng đạo đức đó.

Cho nên tôi nhắc lại một lần nữa một điều đã nói nhiều lần: đề nghị Ban chấp hành Hội Nhà văn ngay sau cuộc hội thảo này phải gấp rút tổ chức cuộc hội thảo về nhân cách các nhà văn trong Hội ta.

Nói đến nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động văn học nghệ thuật thì phải tạo môi trường pháp lý cho việc hành nghề để người nghệ sĩ có thể sống bằng nghề của mình, nghĩa là trước hết phải có báo chí tư nhân và nhà xuất bản tư nhân. Tại sao không có được một sự bình đẳng tối thiểu, người nông dân có quyền đem cân thóc cân gạo ra chợ bán mà tôi không có quyền đem cuốn sách của mình tự xuất bản đem bán trực tiếp cho người đọc và tôi tự chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình trước người đọc và trước pháp luật, nếu tôi viết có gì vi phạm pháp luật tôi sẵn sàng ra tòa. Ông Nguyễn Hiến Lê trước năm 1975 tự viết sách tự xuất bản rồi hai vợ chồng đem bán, chi phí thấp, thu nhập cao. Dưới chế độ hà khắc thời nước Nga Sa Hoàng, ông Đốt-xtôi-ép-xki đi tù về vẫn ra tạp chí tư, nhà xuất bản tư được, chả nhẽ chế độ ta không bằng chế độ Sa Hoàng à? Luật báo chí, luật xuất bản hiện nay không có điều khoản cho ra báo tư nhân, nhà xuất bản tư nhân là vi phạm Hiến pháp. Dạo nọ có cán bộ cao cấp nào đó ở bộ thông tin phát biểu không chấp nhận ra báo tư nhân, nhà xuất bản tư nhân, cán bộ ấy có quyền gì mà nói như thế, nói thế là vi phạm Hiến pháp, là phản bội tư tưởng Hồ Chí Minh.

Vừa rồi có nhiều bài trên các báo phê phán cuốn hồi ký của anh Nguyễn Đăng Mạnh, một cuốn sách còn ở dạng bản thảo và tác giả chưa chính thức công bố. Tôi đề nghị chúng ta hãy mời anh Nguyễn Đăng Mạnh hoàn chỉnh bản thảo và để anh Mạnh chính thức đưa đăng nhiều kỳ trên báo, chính thức xuất bản rồi sau đó mới đăng các bài nhận xét, đăng hàng nghìn bài cũng được, với mọi ý kiến khác nhau, đảm bảo thông tin nhiều chiều, và dành quyền cho tác giả trả lời, như thế mới là cách chơi tử tế, chứ cái kiểu ỷ vào thế độc quyền báo chí một mình một chợ muốn nói thế nào thì nói như vừa rồi, nghe nói có nhà văn không dám ký cái bút danh quen thuộc mà lại dùng bút danh khác, đấy, chơi như thế chẳng thể gọi là tử tế được.

Trong khi chờ sửa luật báo chí và luật xuất bản để công dân được ra báo chí tư nhân, nhà xuất bản tư nhân thì tôi đề nghị một cách làm chuyển tiếp thế này: báo Văn Nghệ cho tôi và các bạn tôi thầu một trang, trên đầu trang ghi rõ bài trong trang này do tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu có chuyện gì thì tác giả ra tòa chứ không phải tổng biên tập. Hãy làm như thế đi. Anh Hữu Thỉnh về báo cáo cấp trên đi và cho làm ngay đi.

(Ghi mấy ý kiến trao đổi ngoài hành lang:
Buổi trưa, Bùi Minh Quốc và Hữu Thỉnh chủ tịch Hội Nhà văn gặp nhau ở cầu thang.
Hữu Thỉnh:
- Gớm, giao nhiệm vụ nặng quá, nặng quá…
Bùi Minh Quốc :
- Này, chuyện Hoàng Sa cực kỳ quan trọng đấy, Ban chấp hành không có tuyên bố thì còn ra tư cách Hội yêu nước gì nữa, Thỉnh hãy gặp nói trực tiếp với Trương Tấn Sang là nếu các anh không cho chúng tôi có tiếng nói về việc này thì Ban chấp hành chúng tôi mang tiếng với anh em, mang tiếng với nhân dân lắm).

Ghi lại thành văn bản tại Đà Lạt ngày 12.01.2009
BMQ
(Tôi ghi theo trí nhớ, nếu có đồng nghiệp nào hôm ấy ghi âm được thì xin đối chiếu chỉnh sửa giúp, cám ơn)

No comments: