Friday, January 9, 2009

NÔNG DÂN HƯNG YÊN VẪN BIỂU TÌNH

Hưng Yên: dân cắm cờ xuống đất, phản đối chính quyền
Thiện Giao, phóng viên RFA
2009-01-08
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/thousands-of-farmers-in-HungYen-province-protest-regarding-land-dispute-TGiao-01082009102235.html
Cuộc biểu tình của hàng ngàn nông dân 3 xã thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, bắt đầu từ sáng sớm ngày 7 tháng Giêng, đến hôm nay vẫn tiếp diễn với hiện tượng “người dân cắm cờ xuống đất,” phản đối.

Khu vực được chính quyền qui hoạch xây dựng dự án khu dịch vụ xã Xuân Quan. Photo courtesy of ecopark
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/thousands-of-farmers-in-HungYen-province-protest-regarding-land-dispute-TGiao-01082009102235.html/xuanquan-a1-305.jpg


Hàng ngàn nông dân biểu tình

Sáng sớm ngày 8 tháng Giêng, tức là 1 ngày sau khi va chạm xảy ra, nông dân các xã Cửu Cao, Phụng Công, Xuân Quan thuộc huyện Văn Giang đã “cắm cờ xuống đất” trong tình hình mà một người dân địa phương kể là “căng thẳng ghê lắm.”
Căng thẳng giữa người dân và chính quyền xoay quanh khu đô thị Văn Giang, được triển khai tại 3 xã vừa kể.
Một người dân địa phương kể rằng, chính quyền và công an dùng xe ủi từ khuya hôm trước. Khi dân đến thì họ đã bắt đầu làm rồi. Khi người dân tiếp tục phản đối thì xô xát xảy ra. “Có đánh đập và xô xát. Ước lượng có khoảng 1 ngàn dân.”

Phía người dân thì không chịu bán đất, phần vì không thoả thuận được giá, phần vì muốn giữ đất làm ruộng; trong khi chính quyền thì kiên quyết giải toả để xây dựng đường xá và khu đô thị Văn Giang.
“Tình hình bây giờ ở trên ấy đang căng thẳng ghê lắm. Người dân dồn lại không cho đổ đất. Còn chính quyền thì vào cưỡng ép chứ còn gì nữa.”

Một người dân khác, cư trú tại thôn Hạ, xã Cửu Cao, thì cho biết vào hôm 7 tháng Giêng, “giữa công an và người dân đã có xô xát.”
“Dự án của chính quyền là để làm đường và làm đô thị Văn Giang. Họ đưa giá mà người dân chưa thoả thuận nhưng chính quyền vẫn cứ tiếp tục lấy. Hôm qua thì chính quyền bắt đầu giải toả. Nhân dân thì đấu tranh. Giữa công an và nhân dân thì có xô xát. Bây giờ thì phía chính quyền vẫn tiếp tục cho xe ủi đất làm đường, làm đô thị, còn nhân dân thì cắm cờ dưới đất.”

Tranh chấp đất đai

Theo tin tức của báo chí trong nước, thì dự án có diện tích gần 500 hecta, được đấu thầu đầu năm 2006, từ đó phát sinh ra nhiều tranh chấp và phản đối từ phía người dân. Đến năm 2007, thủ tướng Chính Phủ ra công văn, chỉ đạo triển khai tiếp dự án sau nhiều tháng đình trệ.
Một người dân ở xã Cửu Cao nói với chúng tôi, là “người dân không bán ruộng vì trả rẻ quá, vào khoảng 48 triệu 600 ngàn đồng cho 1 sào, tức là 360 mét vuông.”

Một số ý kiến khác thì nói tâm lý người nông dân là không bán đất mà giữ lại cho con cháu sinh sống.
“Giá cả thì không biết người dân tính thế nào. Dân chỉ bảo không bán thôi. Dân bảo đất làm ruộng thì giữ lại, không bán.”

Trong khi một người dân khác thì nói “việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động không minh bạch.”
“Người dân ở đây phần lớn là nông dân. Người ta muốn giữ đất lại cho con cháu sống trên mảnh đất ấy. Còn chính quyền thì muốn làm đô thị nhưng lại giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho người lao động thì không minh bạch. Tôi nghĩ nếu giá hợp lý thì có thể họ bán, nhưng bây giờ thì người dân thấy chưa hợp lý.”

Giải thích của chính quyền

Tiếp xúc với Uỷ Ban Nhân Dân Xã Cửu Cao và đặt câu hỏi về việc người dân cắm cờ phản đối, thì một nhân viên tại đây nói, rằng “Bà con cắm cờ thì chịu thôi.”
“Giải thích nhiều rồi, giải thích từ 4 năm nay rồi. Bà con hiểu hết đấy. Nhưng bà con tiếc ruộng nên giữ ruộng không bán đấy thôi.”

Người này nói thêm, rằng lý lẽ giữ ruộng cho con cháu là đúng, nhưng “chẳng lẽ chết rồi mang đi theo.”
Trong khi đó, thì một nhân viên tại Uỷ Ban Nhân Dân Xã Phụng Công nói rằng chính quyền địa phương “thực hiện theo qui định của trên thôi, chứ không có vấn đề gì.” Ông nói thêm:
“Không phải đâu, các anh đừng nghe bà con. Người ta nói ba lăng nhăng kệ người ta thôi. Chúng tôi giải thích theo đúng qui định của pháp luật thôi.”

Một người dân, cũng cư trú tại thôn Hạ, xã Cửu Cao, cho biết, giá 48 triệu cho một sào đất là gần đây thôi. Còn giá ban đầu chỉ vào khoảng 19 triệu. Tuy nhiên, với giá mới, người dân vẫn chưa thấy thoả đáng so với tình hình giá đất hiện nay.
Ông cũng nhận định thêm, tình hình hiện tại là cả người dân và chính quyền đều cương quyết. Nhưng chính quyền sẽ cưỡng chế thi hành, phía người dân thì sẽ đấu tranh nhưng “khó lòng giải quyết.”

Bạn có chứng kiến vụ này hay có được các dự kiện, âm thanh, hình ảnh, video liên quan đến vụ này?? Hãy chia sẻ cùng Ban Việt ngữ . email:
vietweb@rfa.org, hoặc có thể đưa vào trang blog của RFA www.rfavietnam.com


Nông dân tỉnh Hưng Yên biểu tình phản đối việc tịch thu đất đai
Ánh Nguyệt
Bài đăng ngày 08/01/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 08/01/2009 15:21 TUhttp://www.rfi.fr/actuvi/articles/109/article_2148.asp
Những vụ tranh chấp đất đai và bồi thường không thoả đáng trong thời gian gần đây hầu hết là nguyên nhân chính trong những vụ biểu tình của nông dân trong nước.
Trong vụ Cửu Cao, nông dân được đề nghị bồi thường khoảng 20 triệu đồng (1120 đôla) cho 360 mét vuông đất, vào năm 2004

Theo hãng tin AFP, hôm qua hàng ngàn nông dân huyện Cửu Cao, tỉnh Hưng Yên đã chống đối dữ dội khi xe ủi đất được công an yểm trợ bắt đầu san bằng các khu đất nông nghiệp của họ. Vùng đất này nằm trong chương trình xây dựng khu đô thị thương mại du lịch Vân Giang, còn được gọi là Eco Park, rộng 500 hecta thuộc tỉnh Hưng Yên, cách thủ đô Hà Nội chừng 15km về hướng Đông Nam.
Eco Park do công ty Vihajico trúng thầu khai thác có kế hoạch xây dựng trên địa bàn ba xã Xuân Quang, Phụng Công, Cửu Cao thuộc huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên một khu đô thị và du lịch mới, có sân đánh gôn.

Do việc bồi thường thiệt hại đất trưng dụng không rõ ràng, vào tháng 8/2006, mấy trăm nông dân đã kéo tới bên ngoài trụ sở Quốc hội biểu tình ôn hòa. Tháng 12 năm ngoái, hai trong số những ngưòi này đã bị tuyên xử mỗi người một năm tù giam với lý do gây rối trật tự công cộng.

Về cuộc chống đối hôm qua của dân làng xã Cửu Cao, một phụ nữ yêu cầu không đưa tên nói với AFP là hơn 1.000 dân trong đó có người còn mang theo cả nông cụ đã giận dữ chống lại việc cưỡng chế đất đai của họ.

Những vụ tranh chấp đất đai và bồi thường không thoả đáng trong những năm gần đây hầu hết là nguyên nhân chính trong những vụ biểu tình của nông dân trong nước.

Trong vụ nông dân Cửu Cao, tỉnh Hưng Yên phản kháng hôm thứ Tư, chính quyền địa phương biện minh, 70% cư dân đã chấp thuận tiền bồi thường nhưng 30% còn lại chưa chấp nhận mức đền bù. Cán bộ Nhà nước đã nhiều lần thương thuyết với họ nhưng không đạt được kết quả.

Người phụ nữ Cửu Cao mà AFP tiếp xúc cho biết, nông dân được đề nghị bồi thường 19 triệu đồng Việt Nam tức khoảng 1.120 đôla cho 360 mét vuông đất, vào năm 2004. Do sự phản đối của nông dân nay mức bồi thưòng cho đất đai cưỡng chế đã được nâng lên thành 48 triệu đồng. Một số hộ nông dân do khó khăn tài chính đã chấp nhận khoản bồi thưòng này nhưng nhiều người vẫn tiếp tục đòi thương thuyết với chính quyền.


No comments: