Friday, January 9, 2009

NGƯỜI VIỆT ĐÔNG ÂU TRONG CƠN KHỦNG HOẢNG

Người Việt Đông Âu trong cơn khủng hoảng!
Việt Hoàng

Đăng ngày 09/01/2009 lúc 00:00:00 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3444
Cơn khủng hoảng về tài chính và sau đó là suy thoái kinh tế đã và đang diễn ra trên toàn cầu với mức độ và sự nghiêm trọng ngày càng gia tăng.

Hoa Kỳ, đầu tàu kinh tế của thế giới cũng như các cường quốc Châu Âu hay Nhật Bản, Trung Quốc... đã đưa ra nhiều biện pháp đối phó cấp bách. Thế nhưng cơn khủng hoảng hình như chỉ mới bắt đầu và không ai có thể hình dung là nó sẽ kéo dài trong bao lâu ? Mức độ thiệt hại đối với từng quốc gia sẽ ra sao ? Liệu có sự thay đổi trật tự thế giới hay chiến tranh hay không ? Đó vẫn còn là dấu hỏi!

Có một cộng đồng người Việt tuy không vượt trội về số lượng so với ở Pháp hay Mỹ nhưng lại có một vị trí và vai trò rất quan trọng đối với cộng đồng người Việt Hải ngoại và quan trọng với cả Việt Nam vì họ rất gắn bó rất mật thiết với quê hương, đó là cộng đồng người Việt ở Đông Âu.

Cộng đồng này sẽ đi về đâu ? Họ sống ra sao trong cơn khủng hoảng này ?

Từ khi khối Xã Hội Chủ Nghĩa ở Đông Âu và Nga sụp đổ, các nước này đều chọn con đường phát triển theo mô hình phương Tây đó là dân chủ về chính trị và kinh tế thị trường. Nhiều nước phát triển nhanh chóng và đã đủ điều kiện gia nhập Liên Minh Châu Âu. Các nước còn lại tuy chưa gia nhập vào Liên Hiệp Châu Âu nhưng đã hưởng được rất nhiều ưu ái từ Mỹ và Châu Âu, đặc biệt nhất trong đó là sự giúp đỡ về tài chính. Nguồn vốn của tư bản đã đổ vào Đông Âu như nước chảy, kể cả Nga.

Sự lưu thông tín dụng trong nền kinh tế được ví như là máu lưu thông trong cơ thể. Với nguồn tín dụng dồi dào đến từ các nước tư bản giàu có, bộ mặt và đời sống các nước Đông Âu thay đổi hoàn toàn. Xe cộ đắt tiền chạy đầy đường, nhà cửa mọc lên như nấm, phố xá lung linh và rực rỡ ánh đèn không khác gì các nước tư bản thứ thiệt.

Nguồn tín dụng từ các nước tư bản đã giúp các nước Đông Âu phục hồi lại nền kinh tế đã suy sụp hoàn toàn sau khi Liên Xô tan rã. Nguồn tín dụng này còn giúp người dân Đông Âu tha hồ mua sắm, từ nhà cửa, ô tô cho đến các vật dụng tiêu dùng nhỏ như bàn là hay máy giặt. Tất cả đều có thể trả góp qua ngân hàng với lãi suất rất thấp. Sau bao năm sống cuộc đời khốn khó dưới "thiên đường" có tên là Xã Hội Chủ Nghĩa, người dân các nước Đông Âu vội vã hưởng thụ những thứ mà chủ nghĩa tư bản "giãy chết" đem đến, họ say sưa đến mức quên cả việc họ sẽ thanh toán những khoản nợ này như thế nào ?

"Tư bản không cho không ai cái gì bao giờ !", câu nói cửa miệng dưới thời cộng sản đã không được người dân ghi nhớ. Khủng hoảng kinh tế khiến các nhà đầu tư hoảng loạn tháo chạy và rút vốn về, các ngân hàng ngừng cho vay, tín dụng ngừng lưu thông, đồng tiền mất giá so với đô la... Hậu quả là bây giờ rất nhiều người dân Đông Âu đã không còn khả năng chi trả các khoản vay và lãi cho ngân hàng vì khủng hoảng kinh tế khiến nhiều người bị mất việc.

Bất động sản tại Đông Âu thời gian qua (nhất là trong hai năm gần đây) đã tăng giá chóng mặt do sự "rộng rãi và hào phóng" của các ngân hàng tư bản (giá một mét vuông nhà ở từ 1 500 USD đến 3 500 USD). Nay thì giá bất động sản đã mất đi chừng 50% giá trị nhưng vẫn chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Nhiều nhà máy xí nghiệp phải đóng cửa vì hàng sản xuất ra không bán được.

Cộng đồng Người Việt ở Đông Âu cũng rơi vào hoàn cảnh bi đát chung như đa số người dân Đông Âu. Thậm chí người Việt còn chịu tác động của khủng hoảng kinh tế nặng nề hơn nhiều so với người bản xứ, vì đặc thù công việc của người Việt ở Đông Âu chủ yếu là kinh doanh tại các chợ.

Đồng tiền của các nước Đông Âu như Ba Lan, Ukraine, Séc, Bungaria... đã bị mất giá rất nặng nề so với đồng đô la Mỹ, thậm chí ở Ukraine có đợt đỉnh điểm đã mất giá 100% (từ 5 grípna đổi 1 đôla lên 10 grípna đổi 1 đôla). Duy chỉ có Nga là đồng rúp mất giá ít nhất so với đồng đô la, khoảng 20% (23 rúp/1 USD tăng lên 28 rúp/1 USD) nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của chính quyền và do kho dự trữ ngoại tệ Nga lớn hơn các nước khác, tuy nhiên không biết sự "gồng mình" của chính quyền Nga chịu được bao lâu khi giá dầu (nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của Nga) chỉ còn 38 đôla/thùng !

Công việc chính là kinh doanh nên cộng đồng người Việt ở Đông Âu đã rơi vào tình trạng khó khăn muôn vàn. Do tiền mất giá, người thất nghiệp gia tăng, hàng hoá thực phẩm tăng giá... nên sức mua của người dân giảm sút đáng kể (người dân ai cũng phải lo miếng ăn trước đã, mặc tính sau).

Hàng hoá ế ẩm không bán được, trong khi đó các khoản chi tiêu (nhà cửa, ăn uống, con cái học hành...) vẫn như cũ, thậm chí tăng lên nhiều lần (do tiền mất giá). Chưa kể những người Việt bị cuốn vào phong trào đầu tư bất động sản (căn hộ, văn phòng cho thuê, cửa hàng), rồi mua xe đời mới theo kiểu trả góp ngân hàng...

Nhiều người Việt đã cảm thấy hơi nóng của cuộc khủng hoảng phả vào mặt, nhiều người đã ví cuộc khủng hoảng này là một con "sóng thần" và rồi không biết có vượt qua được hay không ? Chắc chắn một điều là nhiều người sẽ bị phá sản hoặc tay trắng sau hơn 20 năm "cày cuốc" cật lực nơi xứ người, sẽ có người phải trở về Việt Nam...

Nếu cuộc khủng hoảng không dừng lại và vẫn tiếp tục kéo dài khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa thì nhiều "cầu thủ" phải "rời sân cỏ" cho dù không bị cái "thẻ" nào !

Có lẽ là không có điều gì tốt lành chờ đón cộng đồng người Việt ở Đông Âu trong một tương lai gần.

Bài học nào rút ra từ cuộc khủng hoảng này ?

- Nên kinh doanh trong khả năng và sự kiểm soát của mình là bài học đầu tiên cho cộng đồng người Việt tại Đông Âu. Thông thường thì không ai lại kinh doanh chỉ với những gì mình có mà thường là "co", "có" 10 thì phải "àm" 15 hay 20. Cái cố này thường là đi vay tiền với lãi suất cao để kinh doanh hoặc là cố đầu tư quá sức mình, đến khi xảy ra rủi ro là không còn đường thoát. Những người không tham, biết liệu sức mình sẽ đứng vững sau các cuộc khủng hoảng như thế này.

- Tập trung vào những mục tiêu (những mặt hàng) mà mình đã nắm vững, đã có kinh nghiệm. Không nên chạy theo "phong trào". Ví dụ bạn không biết gì về chứng khoán thì không nên chơi chứng khoán. Bạn đang kinh doanh hàng giày dép thì không nên "nhảy" sang hàng may mặc, vì mỗi lần "đổi nghề" sẽ tốn nhiều thời gian và học phí. Hãy kiên định theo đuổi con đường hay nghề nghiệp mà mình đã chọn. Bất cứ lĩnh vực nào cũng có cái hay, cái dở của nó. Đừng thấy "người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào".

- Trong kinh doanh phải tính đến trường hợp rủi ro. Cho dù xác suất rủi ro chỉ là 1% những cũng phải đưa vào kế hoạch kinh doanh để khi xảy ra có cách giải quyết và không lúng túng hay bị động. Thường thì sau một thời gian dài phát triển sau đó sẽ là suy thoái, khi một mặt hàng nào đó bán rất chạy sau đó sẽ là thời kỳ ế ẩm. Không nên quá "say sưa" mà quên đi rủi ro, phải biết điểm dừng ! Rất tiếc là mấy ai làm được điều này, đang thắng cứ nghĩ là sẽ thắng tiếp, thắng mãi.

Lối thoát nào cho cộng đồng người Việt Đông Âu ?

Nhà nước cộng sản Việt Nam hay Đại sứ quán Việt Nam chưa và không bao giờ là chổ dựa của cộng đồng chúng ta. Phải tự lo cứu lấy thân mình trước. Phải xem xét lại các kế hoạch kinh doanh và đầu tư của mỗi người. Nếu "dự án" nào không khả thi thì nên mạnh dạn cắt bỏ để khỏi đau đầu và tập trung sức lực vào việc khác. Ví dụ bạn đang đầu tư vào một căn hộ nào đó theo kiểu trả góp, bạn đã trả được 1/3 số tiền phải trả thì nên hủy hợp đồng mua căn hộ đó vì giá trị (bị mất) của nó đã vượt quá số tiền bạn đã trả cho ngân hàng. Tập trung vào những mặt hàng hay ngành nghề kinh doanh mà bạn đã có kinh nghiệm. Cắt giảm các chi tiêu lãng phí và không thực sự cần thiết. Cố gắng để "bảo toàn lực lượng". Sau thời kỳ suy thoái sẽ là thời kỳ phát triển, đừng để "chết trước lúc bình minh".

Hơn lúc nào hết, những người là bạn hàng, là đối tác có quan hệ làm ăn hãy cùng "chung lưng đấu cật", hãy cùng chia sẻ khó khăn với nhau, hãy thành thật và thẳng thắn để tìm ra hướng giải quyết. Phải khẳng định là mọi chuyện đều có thể giải quyết trên cơ sở tôn trọng quyền lợi các bên và thành tâm tháo gỡ vướng mắc. Phải giữ gìn uy tín và thương hiệu của mình, vì khi nó đã mất đi rồi thì không bao giờ lấy lại được. Phải can đảm đối diện với sự thật cho dù có cay đắng hay phũ phàng đến đâu. Đừng nên tìm cách che đậy, trốn tránh hay buông xuôi. Không được đầu hàng số phận.

Vai trò của các tổ chức lãnh đạo cộng đồng như Hội doanh nghiệp, hay Hội đồng hương, các chủ chợ... sẽ là rất quan trọng trong giai đoạn khủng hoảng này. Họ phải đứng ra làm trung gian điều đình với cơ quan chủ quản (chủ chợ) và chính quyền để làm thế nào giảm bớt đi sự đóng góp hay nghĩa vụ của cộng đồng Việt Nam trong giai đoạn khó khăn. Họ cũng có thể giúp đỡ bà con đàm phán với các ngân hàng để giảm nợ, hoãn nợ... Thông điệp mà họ có thể làm "vũ khí" để thương thảo với các đối tác đó là "hãy tạo điều kiện và hãy dành cho cộng đồng người Việt ở đây một cơ hội. Bản tính cần cù, nhẫn nại, cam chịu của người Việt sẽ giúp họ nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này". Bằng cách tế nhị hãy chuyển đến phía đối tác rằng "cộng đồng người Việt là những con bò sữa rất hiền lành và chăm chỉ, hãy nuôi để đến lúc mà vắt sữa".

Những người thân và đối tác làm ăn của cộng đồng người Việt Đông Âu tại Việt Nam cũng phải hết sức thông cảm, hiểu được tình hình khó khăn bên này để mà cùng chia sẻ. Sự gắn bó mật thiết cũng như các mối quan hệ làm ăn đã được xây dựng vun vén suốt bao nhiêu năm qua giữa người Việt trong nước và ở Đông Âu cần được nuôi dưỡng và tiếp sức. Mọi khó khăn rồi sẽ qua đi, cuộc sống luôn tiến về phía trước. Sau cơn mưa là trời sẽ tạnh. Sau khủng hoảng sẽ là thời kỳ phát triển mạnh mẽ. Đông Âu sẽ mãi là mảnh đất lành cho đàn chim xa xứ lập nghiệp và sẽ là thị trường rộng mở, hứa hẹn cho các mặt hàng của Việt Nam ngay bây giờ và trong tương lai.

Khát khao sống, khát khao làm giàu, khát khao thay đổi luôn là những khát khao mãnh liệt và cháy bỏng trong lòng mỗi người Việt Nam, nhất là với những người Việt sống xa xứ, đã thoát ra khỏi sự u mê sau luỹ tre làng như những người Việt ở Đông Âu. Chúng ta sẽ biết cách và sẽ có đủ nghị lực để vượt qua cơn "địa chấn" kinh hoàng này.
Là người đang sống ở Đông Âu nên tôi tin như vậy.

Việt Hoàng

(Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)
© Thông Luận 2009


No comments: