Saturday, January 17, 2009

MỐI BẤT ĐỒNG VỀ TRUNG QUỐC ĐÃ LỘ RA Ở VIỆT NAM

ASIA TIMES
Mối bất đồng về Trung Quốc đã lộ ra ở Việt Nam
Duy Hoàng
Ngày 14-1-2009
http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/KA14Ae01.html
Các đoàn đàm phán của Việt Nam và Trung Quốc vừa loan báo một thỏa thuận cuối cùng cho vấn đề phân định ranh giới trên đất liền dài 1.350 km vốn gây xung khắc từ lâu. Trong khi bản thỏa thuận có vẻ như đã giải quyết được một cuộc tranh cãi đang sôi sục giữa hai quốc gia, thì nó lại đào sâu thêm những rạn nứt giữa ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam với một số nhân vật trong quân đội về cách cư xử như thế nào cho tốt nhất với người láng giềng phương bắc to lớn hơn của họ.
Cách trình bày của chính phủ ở Hà Nội về cuộc đàm phán biên giới cũng đã thổi bùng lên những cảm xúc mạnh mẽ trong giới sinh viên và trí thức Việt Nam, nhiều người trong số đó tin rằng Đảng Cộng sản cầm quyền giờ đây phải quỵ luỵ đối với Bắc Kinh, dựa trên những gì mà họ phải lệ thuộc để có được sự ủng hộ về chính trị.
Việt Nam và Trung Quốc đã chia sẻ một đường biên giới chung tới hàng nghìn năm. Vào cuối thế kỷ 19, chính quyền thuộc địa Pháp, thay mặt Việt Nam, và Triều đình nhà Thanh, thay mặt Trung Quốc, đã ký kết một hiệp ước chính thức vạch ra đường biên giới trên đất liền. Từ bản hiệp ước đó, 333 cột mốc biên giới đã được thiết lập.
Đường biên giới phần lớn đã được giữ mà không hề bị thay đổi cho tới khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam vào năm 1979. Tiếp theo sau cuộc chiến tranh ngắn ngủi nhưng đẫm máu, Trung Quốc đã rút quân đội của mình về song vẫn chiếm giữ những cứ điểm chiến lược mà trước đó thuộc về Việt Nam. Khi hai nước khôi phục các mối quan hệ ngoại giao vào năm 1991, các đường biên giới trên đất liền và trên biển đã phải chờ đợi quyết định cuối cùng.
Bắc Kinh đã nhấn mạnh những yêu sách của mình bằng việc tạo ra những thời hạn cuối cùng giả tạo cho việc đàm phán và những sự kiện gây nghi ngờ trong dân chúng. Vào tháng Bảy năm 1997, người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã cố nài nỉ với đối tác Việt Nam của mình, ông Đỗ Mười, rằng một bản thỏa thuận về biên giới cần đạt được trước năm 2000, và một thỏa thuận biên giới đã được ký kết vào phút chót của ngày 30-12-1999.
Ban lãnh đạo Hà Nội thoạt tiên vẫn giữ bí mật trước công luận Việt Nam về bản thỏa thuận. Các nhà chức trách đã bắt giữ và kết án tù giam nhiều năm đối với một số nhà hoạt động dân chủ trẻ tuổi, là những người đã tố cáo bản thỏa thuận biên giới này và một hiệp ước phân định ranh giới trên Vịnh Bắc Bộ vào năm tới.
Trong tình trạng vội vã ký kết bản thỏa thuận biên giới năm 1999, vị trí chính xác của nhiều điểm mới trên đường biên giới để lại đã không được giải quyết và đòi hỏi phải có sự đàm phán thêm nữa. Như một hệ quả, một Bắc Kinh nôn nóng một lần nữa đã khăng khăng rằng đường biên giới phải được giải quyết một lần và cho tất cả vào ngày 31 tháng 12 năm 2008, vì lý do đó mà bản hiệp định cuối cùng đã đạt được bởi hai bên chỉ ít giờ sau khi tiếng chuông đồng hồ điểm vào lúc nửa đêm.
Việt Nam từ lâu tin rằng các giới chức Trung Quốc đã bí mật thay đổi vị trí nhiều cột mốc biên giới tồn tại trước đây hàng thế kỷ. Các dân làng thuộc tỉnh Quảng Ninh phía đông bắc Việt Nam nói rằng các cột mốc biên giới đã bị di chuyển một cách bí ẩn vào ban đêm và tuyến biên giới Trung Quốc đang tiến gần hơn vào những vùng lãnh thổ có dân chúng định cư của Việt Nam. Tại một số khu vực có ít người ở ngay bên trong lãnh thổ Việt Nam, cũng đã có những thông tin về hiện tượng tái định cư một cách có hệ thống của người Trung Quốc thiểu số hoặc các sắc dân bản xứ khác đến từ Trung Quốc.
Các cuộc đàm phán về biên giới đã phát sinh những khác biệt rõ rệt về quan điểm giữa ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam và một số nhân vật trong quân đội. Các tin đồn đã rò rỉ ra trong tháng 12 rằng bên quân đội đã phản đối sự nhượng bộ này, bao gồm một số vị trí, một bãi đất ven sông được biết đến như là Bãi Tục Lãm tại điểm hội tụ của Trung Quốc, Việt Nam và Vịnh Bắc Bộ.
Ngay sau khi đài Chân trời Mới, một đài phát thanh trên sóng AM không được thừa nhận, nghe được trên cả nước, đã đưa tin về diễn tiến vụ việc này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thực hiện một chuyến kiểm tra công khai vội vã khu vực gần bờ sông đó, nhìn bên ngoài là để biểu thị mối quan tâm của đảng và chính phủ.
Nhiều cựu chiến binh, đặc biệt trong số này có những người từng chiến đấu trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, đã phản đối dữ dội những nhượng bộ về biên giới đối với Trung Quốc. Ông Trần Anh Kim, một cựu đại tá và là nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng, đã bày tỏ sự thất vọng của nhiều sĩ quan về hưu khi nghe tin chính phủ sang nhượng những vùng đất rộng lớn mà người Việt Nam đã bảo vệ qua cuộc chiến đấu từ hai thập kỷ trước.
Dựa vào tâm trạng này, các quan chức Bộ Quốc phòng có trách nhiệm trong việc đánh dấu đường biên giới đã bày tỏ tại chốn riêng tư thái độ băn khoăn của họ. Một số người đã đi xa hơn khi thừa nhận cảm giác xấu hổ của mình trước dân tộc và lịch sử. Liệu họ và giới quân sự nói chung có tiếp tục tuân theo các mệnh lệnh trong tương lai hay không vẫn là một dấu hỏi còn bỏ ngỏ.
Cho đến nay, cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh đều không để lộ ra những chi tiết chính xác về bản thỏa thuận biên giới hoặc một tấm bản đồ chính thức mới. Trong một cuộc phỏng vấn riêng lẻ với truyền thông nhà nước, một thứ trưởng bộ ngoại giao Việt Nam có trách nhiệm trong các cuộc đàm phán đã làm nhẹ bớt mức độ thiệt thòi trên các điểm mốc có giá trị văn hóa lớn của Việt Nam, bao gồm ải Nam Quan và thác Bản Giốc.
Ông ta phủ nhận những cáo buộc trên các blog và trang web hải ngoại rằng chính phủ của ông đã nhượng lại lãnh thổ bằng cách biện minh rằng chính phủ đã thành công trong việc giữ hầu hết vùng bờ Sông Tục Lãm - bất chấp thực tế theo các bản đồ lịch sử thì toàn bộ khu vực này từng thuộc về Việt Nam.

Khó xử về chủ quyền

Tình trạng tiến thoái lưỡng nan đối với những người cộng sản Việt Nam là làm sao giữ được quyền kiểm soát của đảng, mà không nhượng bộ chủ quyền quốc gia. Để duy trì được sự ủng hộ về ý thức hệ từ Bắc Kinh, Hà Nội cố kiên trì an ủi kẻ bảo trợ từ phương bắc của mình, song Trung Quốc hiếm khi thực hiện điều này một cách dễ dàng. Hiện có bốn cuộc tranh cãi lớn về lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc, là thứ sẽ tác động ngược trở lại tới giới chính trị Việt Nam trong những năm tới.

Thứ nhất là Vịnh Bắc Bộ, về hình thức được phân chia ranh giới trong một thỏa thuận vào năm 2000, mặc dù một bản đồ chính thức vẫn chưa được công bố. Đã có nhiều vụ xô xát trong những năm gần đây do các tàu hải quân Trung Quốc bắn vào thuyền đánh cá của Việt Nam trên vùng biển, trong một số trường hợp đã dẫn tới thiệt mạng.
Dẫu cho những ngư dân này đã mạo hiểm tiến vào vùng biển từng nuôi sống họ trong nhiều thế hệ, song chính quyền Việt Nam chắc chắn đã nhường những vùng đánh cá này cho Trung Quốc hoặc hải quân Trung Quốc đã xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Dù với lý do nào đi nữa, thì việc các tàu chiến Trung Quốc đánh chìm thuyền đánh cá của Việt Nam cũng đã không bị tố giác với quy mô lớn trên phương tiện truyền thông chính thức của Việt Nam song lại được thảo luận rộng rãi trên các blog cá nhân.

Thứ hai là về Quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Trung Quốc đã chớp được của Việt Nam ngày 19-1-1074. Chính phủ Việt Nam vẫn yêu sách chủ quyền với quần đảo, song lại cố tình bưng bít với hầu hết dân chúng về việc ai là phía thực sự chiếm đóng trên các đảo này. Lý do là Quần đảo Hoàng Sa đã được phía Nam Việt Nam đồn trú trong thời gian chiến tranh và Bắc Việt Nam cộng sản đã ủng hộ hoàn toàn cuộc xâm lấn quần đảo của đồng minh Trung Quốc cộng sản.

Thứ ba là Quần đảo Trường Sa, nơi được yêu sách chủ quyền toàn bộ bởi Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan và một phần bởi các quốc gia Đông nam Á khác. Vào cuối năm 2007, Trung Quốc đã đi một bước xa hơn trong việc chính thức sát nhập Trường Sa và Hoàng Sa. Trong khi chính phủ Hà Nội công khai phản kháng về hành động của Trung Quốc, thì họ lại đàn áp thẳng tay những sinh viên Việt Nam và các blogger biểu tình chống Trung Quốc.

Thứ tư là vùng lòng chảo Nam Côn Sơn, một khu vực giàu dầu lửa và khí gas ngoài khơi nam Việt Nam và đúng là nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của nước này. Năm ngoái, Trung Quốc đã gây sức ép buộc ExxonMobil phải rút bỏ quyền khai thác năng lượng trong khu vực đã được phía Việt Nam cho phép.

Không lâu sau đó, Công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia của Trung Quốc (CNOOC) đã loan báo một kế hoạch 29 tỉ đô la khai thác nguồn dự trữ dầu lửa khắp trong vùng Biển Đông đang bị tranh cãi, bao gồm vùng Lòng chảo Nam Côn Sơn, cách Việt Nam khoảng 150 dặm (249 km) và cách điểm cực nam của Đảo Hải Nam Trung Quốc 1.000 dặm (1.600 km).

Gần tới dịp lễ tết âm lịch năm ngoái, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết được đưa tin là đã gặp gỡ các tướng lĩnh cấp cao tại khu vực Đà Nẵng, là nơi có các cơ quan đầu não quân đội trong khu vực giám sát các quần đảo đang tranh chấp. Ông Triết đã phải nhắc nhở các sĩ quan hãy chờ chính phủ trung ương đưa ra các mệnh lệnh trước khi thi hành những biện pháp của riêng mình. Bước phát triển này xảy ra để đối phó trước các hành động đột nhập của Trung Quốc vào vùng biển của Việt Nam và với thái độ sốt ruột trong một vài nhân vật quân đội trước phản ứng nhút nhát của chính phủ.

Một thập niên trước, ban lãnh đạo Hà Nội đã có thể xoay xở được trong mối quan hệ với Trung Quốc mà không có những lời chỉ trích công khai. Với sự lan rộng của Internet và một phong trào blog ngày càng tăng cao, khả năng định hướng và kiểm soát công luận của chính quyền đã suy giảm đi đáng kể.

Với tâm trạng bực bội đang gia tăng trong quân đội và sự kiểm soát của công chúng tường tận hơn, đã qua rồi cái thời xưa, khi mà bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam có thể phớt lờ làm như không biết những thỏa thuận bí mật với Bắc Kinh.

Hiệu đính:
TBT Trần Hoàng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009
16/01/2009
http://anhbasam.wordpress.com/2009/01/16/38m%e1%bb%91i-b%e1%ba%a5t-d%e1%bb%93ng-v%e1%bb%81-trung-qu%e1%bb%91c-da-l%e1%bb%99-ra-%e1%bb%9f-vi%e1%bb%87t-nam/#comments

Ông Duy Hoàng là một nhà lãnh đạo hiện ở Hoa Kỳ của Việt Tân, một đảng chính trị ủng hộ dân chủ hoạt động tại Việt Nam nhưng không được công nhận.

——————————————

ASIA TIMES
China rift opens in Vietnam
By Duy Hoang
Jan 14, 2009
http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/KA14Ae01.html


No comments: