Saturday, January 17, 2009

LÀNG VỌNG PHU

Làng “vọng phu”
Cập nhật lúc 06h25" , ngày 09/01/2009 –
http://www.vnmedia.vn/newsdetail.asp?NewsId=153860&CatId=18
Xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu - Nghệ An) tựa như một cù lao. “Biển một bên và sông một bên” đã biến nơi đây thành làng... góa bụa.

Những trận cuồng phong giữa khơi xa đã cướp đi tính mạng hàng chục trai làng trong một năm, để lại cảnh vợ góa, con côi. Về Quỳnh Nghĩa thật buồn, vì không hiếm chuyện “vọng phu” giữa đời thường.

Một nhà, ba góa phụ

Người dân Quỳnh Nghĩa không ai không thuộc nằm lòng những câu ca não ruột: “Đi thì chết một mình cha/ Không đi thì chết cả bà lẫn con” hoặc “Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm...”.

Có lẽ họ thuộc vì đó là sự thật mà ai cũng phải biết chấp nhận khi gắn cuộc đời mình với biển. Họ thuộc để tự an ủi, để biết cảnh giác và nhắc nhở nhau về một nghề đầy bất trắc: Nghề đi biển. Cái nghề mà chỉ trong vòng mấy tháng cuối năm 2008, nơi này đã có tới gần 20 người đàn ông “một đi không trở lại”.

Quả phụ chúng tôi gặp đầu tiên là bà Hồ Thị Hiến ở xóm 5. Bà là vợ của chủ tàu Hồ Văn Thắm, người cùng 6 thuyền viên khác vừa bị mất tích hôm 15/10/2008. Oặt ẹo như tàu lá, ngồi tiếp chuyện chúng tôi mà mắt bà cứ đăm đăm phía biển: “Con tàu đó mang số hiệu NA 93584 TS. Chúng tôi đã phải thế chấp vay ngân hàng mới có được nó. Bây giờ thì mất hết cả rồi. Mạng người còn không về được nữa thì nói chi đến vốn”.

Bà Hiến nức nở gọi tên chồng khiến người nghe cũng nẫu lòng. Bà cho biết, xã này không hiếm những ngày giỗ chung. Hầu như năm nào cũng có người nằm lại giữa đại dương. Nhưng đau nhất, tang thương nhất là năm 2008, có đến hai đợt giỗ chung là ngày 10/3 và ngày 15/10.

“Đó là hai ngày đại tang của làng biển chúng tôi” - bà Hiến nghẹn ngào nói về cái ngày đau thương đó: Sáng 15/10, sau khi chuẩn bị ngư cụ, hậu cần, hàng chục chiếc thuyền ra khơi. Trời xanh, biển lặng, ai cũng hi vọng sẽ đánh bắt được nhiều cá tôm. Ai dè, khoảng 2 giờ chiều, khi đã đi được gần 50 hải lý thì mây đen vần vũ, sấm chớp đùng đùng, gió rít từng cơn điên loạn... Trận áp thấp bất ngờ ấy đã làm ông Thắm cùng 6 anh em khác trở tay không kịp. Bảy mạng người bị hất tung xuống biển cả mênh mông.

Qua truyền hình, bà Hiến được biết tin áp thấp vào đúng vị trí mà tàu ông nhà đang hướng tới. Lòng như lửa đốt, bà cầu khấn cho ông và anh em được tai qua nạn khỏi. Một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày... không có tin tức gì về tàu của ông, bà lại càng nóng ruột. Cứ chiều chiều, bà Hiến lại lặng lẽ ra bến Lạch Quèn chờ ông. Cho đến khi bà con ngư dân ở Quảng Bình tìm thấy ba xác thuyền viên trôi dạt vào bờ, bà mới tin là ông đã... ra đi.

Trong trận cuồng phong ấy còn có hai người xấu số là bố vợ và con rể. Ông Tô Duy Ứng và con rể là Phạm Hữu Hoàn đều là thuyền viên của tàu ông Thắm. Anh Hoàn còn chưa đoạn tang cha đẻ thì đã sớm về với biển để lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ.

Đứa con thứ hai của anh Hoàn chưa đầy một tuổi đã bị mắc bệnh não. Hôm anh Hoàn ra khơi, cháu còn đang điều trị ở bệnh viện Nhi sau ca phẫu thuật não. Băng đầu của cháu còn chưa kịp tháo đã phải chít khăn tang cho bố.

Chị Tô Thị Ngọc, vợ anh Hoàn ôm chặt đứa con nhỏ vào lòng mà nước mắt dàn dụa: “Anh ấy bảo đi biển nốt chuyến này rồi ra bệnh viện chăm con. Ông ngoại cháu cũng bảo thế. Ai ngờ cả hai cha con thế là đi luôn không về nữa... Có ai khổ như nhà tôi, ba người đàn bà đều là goá phụ...”.

Người chết mất xác, người sống “đeo” nợ

Còn nhớ cách đây chưa lâu, ngày 25/2/2008, tàu Xông pha mang số hiệu TS-9317 NA của ông Tô Duy Cảnh cũng lướt sóng ra khơi. Tám chàng thuỷ thủ xuất quân với niềm tin “cá bạc đầy khoang” cũng đã không trở về.

Chỉ hai ngày lướt sóng, khi ở vào khoảng 19 độ vĩ Bắc - 106,54 độ kinh Đông thì tàu Xông pha bị mất liên lạc hoàn toàn. Theo một số ngư dân của tàu khác xuất phát cùng ngày cho biết, khoảng thời gian và tọa độ đó xuất hiện một trận lốc khá lớn và đã nhấn chìm chiếc tàu nói trên. Cả xã Quỳnh Nghĩa tiếc thương “đứng trước biển” khóc tiễn 8 người trai trẻ mãi mãi nằm lại giữa trùng khơi. Rồi ngày 20/11, thuyền viên Hồ Văn Toán bị rơi từ nóc tàu xuống đến nay vẫn chưa tìm thấy xác.

Ông Hồ Đình Xích - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Nghĩa cho biết: Hầu hết các gia đình bị nạn đều là những gia đình khó khăn. Tàu thuyền của họ có giá trên 1 tỷ đồng nhưng là chung nhau vay vốn. Trước sự mất mát của các gia đình, địa phương đều có hỗ trợ nhưng không đáng là bao. Bây giờ những gia đình ấy đều đang trong cảnh “người mất, nợ mang”.

Hiện nay, số tiền nợ của các chủ thuyền trong toàn xã đã lên đến trên 40 tỷ đồng. Trong đó, nhiều trường hợp không có khả năng thanh toán. Ông Xích tâm sự: “Vừa qua tỉnh có trang bị cho xã máy liên lạc tầm xa với bán kính 10 hải lý, nhưng bà con lại đánh bắt xa bờ khoảng trên 50 hải lý nên cũng không ăn nhằm gì. Hơn nữa, tỉnh cấp máy nhưng lại chưa cho tần số, do đó có mà cũng như không”.

Hơn 30 mái lá không bóng dáng đàn ông ở nơi đây quả là khốn khó biết bao nhiêu. Rồi những “hòn vọng phu” mới sẽ chèo chống ra sao để mỗi đứa trẻ mất cha được lớn lên trong miền đất mặn mòi gian khổ này?

(theo Phạm Việt Thắng - GĐ&XH)


No comments: