Bush để Gaza lại cho Obama
Ngô Nhân Dụng
Tuesday, January 06, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=89077&z=7
Gaza là dải đất nằm giữa Ðịa Trung Hải và nước Israel, dài 41 cây số, rộng từ 6 đến 12 cây số, một cạnh ngắn dài 11 cây số tiếp giáp với Ai Cập. Biên giới chính với Israel là lằn gianh ngưng bắn được thỏa thuận từ năm 1950 sau khi Israel tuyên bố độc lập và các nước Á Rập chung quanh đồng loạt tấn công để ngăn nhưng thất bại.
Cuộc tấn công của quân đội Israel cắt Dải Gaza làm ba phần trong ba ngày qua là biến cố sau cùng trong chuỗi những hậu quả do việc thành lập quốc gia của người Do Thái. Ðây là một cuộc chiến giữa chính phủ Israel và những người Á Rập sống trong vùng Palestine bị mất đất từ khi nước Israel ra đời. Từ khi liên quân Á Rập thua Israel năm 1948, chính phủ Ai Cập quản trị Dải Gaza, cho đến năm 1967 thì vùng này bị Israel chiếm. Thỏa hiệp năm 1993 đặt Gaza cũng như miền Tây Ngạn sông Jordan dưới chính quyền của người Palestine, nhưng từ năm 2007 miền đất Gaza đã tuột ra khỏi tay chính quyền đó, sau khi dân chúng bỏ phiếu cho đảng Hamas, với khuynh hướng chống Israel mạnh hơn. Năm ngoái đã có một thỏa thuận ngưng bắn giữa Israel và chính quyền Hamas, nhưng từ gần hai tuần qua quân Israel đã tiến vào Gaza để tiễu trừ các nhóm du kích Hamas, sau khi Hamas bắn hỏa tiễn vào nước Israel. Sau 10 ngày bỏ bom và ba ngày đánh trên bộ, đã có hơn 600 người Palestine bị giết chết, hầu hết là thường dân; còn quân đội Israel thiệt mạng 5 người.
Ngoại Trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã bãi bỏ chuyến đi Trung Quốc vì cuộc chiến bùng nổ ở Dải Gaza. Nhưng từ đầu chính phủ George W. Bush đã giữ một thái độ không can thiệp, không ý kiến; cho tới ngày hôm qua, khi bà Rice đi New York để cùng các nước trong Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bàn về một nghị quyết yêu cầu hai bên ngưng bắn. Trong vài tuần nữa, khi Tổng Thống Tân Cử Barack Obama tuyên thệ thì có thể Tổng Thống George W. Bush sẽ vui vẻ nhường cho tân tổng thống lo nốt vụ ngừng bắn ở Dải Gaza.
Tổng Thống Bush trong 8 năm qua vẫn tỏ ra không thiết tha dự vào vấn đề xung đột Palestine và Israel, ngoài thái độ ủng hộ chính phủ Israel một cách quyết liệt. Cuộc bầu cử ở Palestine năm 2006 là do chính phủ Mỹ thúc đẩy, trong chương trình “dân chủ hóa” vùng Trung Ðông mà Tổng Thống Bush coi là mục tiêu chính sau khi tấn công Iraq. Nhưng khi nhóm Hamas có khuynh hướng cực đoan thắng thế và đảng Fatah ôn hòa bị thua thì chính phủ Mỹ lần lần đứng ra xa, để cho người Palestine tự xử với nhau. Cuối cùng đảng Fatah vẫn nắm quyền trong vùng Tây Ngạn (West Bank) còn Hamas làm chủ Dải Gaza với một triệu rưỡi dân. Nhóm Hamas được hai chính phủ Iran và Syria hỗ trợ tiền bạc và vũ khí, họ bị chính phủ Mỹ coi là một nhóm khủng bố. Tuy nhiên, trong vùng Gaza tổ chức này cũng cung cấp cho dân chúng các cơ sở giáo dục, y tế, tôn giáo, xã hội, chứ không phải chỉ là một nhóm thuần túy quân sự.
Trong vụ đổ máu từ mươi ngày qua, chính phủ Israel đổ lỗi tại du kích quân Hamas đã bắn hỏa tiễn sang Israel sau khi thỏa thuận đình chiến chấm dứt ngày 19 tháng 12 năm 2008; nhưng nhóm Hamas lại tố cáo quân đội Israel đã khiêu khích trước bằng việc thắt chặt việc phong tỏa biên giới không cho dân Palestine được tiếp tế thực phẩm và thuốc men.
Vậy tại sao Israel mở cuộc hành quân trên bộ sau khi đã oanh tạc các căn cứ hỏa tiễn của nhóm Hamas? Chính phủ Israel cho biết họ muốn dẹp hết các căn cứ du kích, xóa bỏ các đường hầm sâu dưới đất vẫn đem vũ khí từ Ai Cập sang Gaza. Và chắc chắn họ muốn tiêu diệt nhóm Hamas, càng nhiều càng tốt. Nhưng một nguyên nhân rất gần là cuộc bầu cử sắp tới bầu quốc hội Israel và bầu chức vụ thủ tướng. Chính phủ Israel, với ông thủ tướng đã từ chức, phải tỏ ra cứng rắn để bảo vệ vai lãnh đạo của đảng họ. Bà Ngoại Trưởng Tzippi Livni và ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Ehud Barak đều sẽ ứng cử thủ tướng, trong khi lãnh tụ phe đối lập là cựu Thủ Tướng Benjamen Netanyahu có khuynh hướng cứng rắn đang được nhiều cử tri ủng hộ hơn. Netanyahu đã chỉ trích chính phủ không bảo vệ được an ninh, trước các vụ bắn hỏa tiễn của Hamas, khiến chính phủ Israel không thể bất động.
Chính phủ Israel có thể đè bẹp quân Hamas, như họ đã làm trong mấy ngày qua, nhưng họ biết không thể nào tiêu diệt hết được nhóm này. Nhóm Hamas đã theo chiến thuật cổ điển trong chiến tranh du kích, là khi gặp bên địch với lực lượng mạnh hơn thì tránh không đụng độ. Nhóm này đang bảo vệ thành phần thiện chiến nhất và các quân du kích cảm tử của họ để chờ ngày khác sử dụng. Cả hai bên đều có thể kéo dài cuộc chiến hiện nay mà cuối cùng sẽ không đưa tới một bên nào chiến thắng rõ rệt về quân sự. Quân Israel có thể sẽ san bằng nhiều căn cứ của Hamas nhưng chắc sẽ không muốn đóng quân lại trong Dải Gaza mà họ đã giữ suốt 40 năm rồi bỏ đi. Kinh nghiệm cuộc xâm lăng Lebanon năm 2006 cho thấy quân Israel không phải là bách chiến bách thắng khi đụng độ với đội quân du kích Hizbollah. Lần đó, sau cùng quân Israel đã rút về mà không tiêu diệt được nhóm Hizbullah do Iran và Syria giúp đỡ. Quân Hamas nhỏ hơn và yếu hơn Hizbollah, nhưng họ cũng được dân Palestine trong Dải Gaza ủng hộ triệt để. Cho nên cả hai phe sẽ tiếp tục cầm cự, chờ những diễn biến quốc tế đưa tới một cuộc ngưng bắn. Trong khi chờ đợi cả hai đều tận dụng thời gian này để chiếm những lợi thế khi cuộc ngưng bắn bắt đầu.
Ðối với chính phủ Israel, họ cố làm cho nhóm Hamas yếu hơn nhiều, một cách ủng hộ đảng Fatah trong cuộc tranh chấp nội bộ của người Palestine; mà ngày 9 tháng này trên nguyên tắc ông chủ tịch Mahmoud Abbas phải tổ chức bầu cử lại. Ðối với quân Hamas, họ nhắm vào các mục tiêu chính trị hơn là quân sự.
Khi cuộc chiến mới nhất nổ ra, nhiều chính phủ Á Rập trong vùng không tỏ ra bênh vực nhóm Hamas, trong đó có chính phủ Ai Cập, mà trong cuộc tranh chấp nội bộ của người Palestine họ nghiêng về phía đảng Fatah. Nhưng sau khi cảnh dân chúng Palestine ở Gaza bị tàn sát được chiếu trên truyền hình khắp thế giới Á Rập, dư luận đã tỏ ra phẫn nộ về phản ứng quá tay của quân Israel, do đó nhiều người bắt đầu ủng hộ nhóm Hamas. Những chính phủ Hồi Giáo và Á Rập chủ trương ôn hòa đối với Israel bây giờ cũng lên án cuộc tấn công làm chết hơn 600 người. Cuộc chiến ở Gaza đã ảnh hưởng tới cả các nước Âu Châu, khi nhiều vụ bạo động đã diễn ra đối với các cơ sở của người gốc Do Thái sống ở Pháp, Anh, Thụy Ðiển, Ðan Mạch, vân vân; nhiều khẩu hiệu chống Do Thái lại xuất hiện. Ðối với nhóm Hamas thì cuộc chiến càng kéo dài càng giúp họ tuyên truyền chống Israel và chống Mỹ trong thế giới Hồi Giáo, và nhờ thế sau này họ sẽ được ủng hộ nhiều hơn.
Cả hai bên đang chuẩn bị tuyên bố chiến thắng khi nào họ thỏa thuận việc ngưng bắn. Chính phủ Israel sẽ xin được sự ủng hộ của các cử tri trong cuộc bầu cử tháng tới, vì họ đã tỏ ra cương quyết bảo vệ an ninh cho dân. Nhóm Hamas sẽ coi bất cứ cuộc ngưng bắn nào bảo đảm Israel phải mở đường giao thông, thương mại và tiếp tế cho dân trong Dải Gaza là một chiến thắng của họ. Khi nào quân Israel rút khỏi Gaza, họ sẽ ăn mừng chiến thắng lần nữa. Hiện nay cả hai bên đang kéo dài cuộc tranh chấp, bên Israel cố tiêu diệt đối phương còn bên Hamas cố tránh đụng độ để bảo toàn lực lượng.
Cuộc chiến ở Gaza trong mươi ngày qua có thể chỉ xảy ra và kéo dài vì ở Mỹ đang là một thời kỳ chuyển tiếp giữa hai vị tổng thống. Chính phủ của Tổng Thống Bush không có lý do gì để đưa ra những hành động mạnh mẽ trong khi đang chờ ngày hết trách nhiệm. Ông Obama vẫn nêu một lý do quen thuộc là trong nước chỉ có một người là tổng thống thôi, mà hiện nay người đó là Tổng Thống Bush, để tránh bầy tỏ ý kiến rõ rệt.
Bà Condoleezza Rice đã nói đến một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc yêu cầu hai phe ngưng bắn. Nhưng bà lại nói trước rằng cuộc ngừng bắn phải có tính cách “dài hạn, giữ được lâu bền, và không bị giới hạn về thời gian.” Ðây là một câu nói khó hiểu. Thường khi nói “ngưng bắn” bao giờ người ta cũng nghĩ đó là một hành động cấp tốc, cho nên có tính cách tạm thời, trong khi chờ các giải pháp dài hạn. Cho nên, những điều kiện mà bà Rice đưa ra có nghĩa là 5 cường quốc thường trực của Hội Ðồng Bảo An sẽ còn phải thảo luận rất lâu. Khi nào chính phủ Israel thấy họ đã đánh quân Hamas đến mức có đánh thêm cũng không lợi thêm bao nhiêu nữa, họ có thể sẽ đồng ý việc ngưng bắn. Chính phủ Israel hiện nay có thể tuyên bố chiến thắng trước ngày bầu cử đầu Tháng Hai này. Khi đó chắc chính phủ Mỹ sẽ thấy việc ngưng bắn có thể kéo dài và bền vững, đáng ủng hộ. Trong bốn tuần chờ đợi sắp tới, các nước Âu Châu sẽ đóng vai tích cực đưa ra các sáng kiến để giúp chính phủ Israel có cớ nói chuyện lại với quân Hamas về thỏa hiệp ngưng bắn, qua trung gian của Âu Châu, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi đó có thể ông Barack Obama đã vào Tòa Bạch Ốc rồi, và chính phủ Mỹ chỉ việc đứng ra đóng vai bảo kê cho việc ngưng bắn được hai bên tôn trọng, ít nhất được mấy năm cho tới khi có những lý do khiến họ thôi không muốn yên nữa! Sự thay đổi một người làm tổng thống Mỹ sẽ không ảnh hưởng gì mấy đến chính sách ngoại giao của nước này. Mỹ vẫn phải coi Israel là đồng minh số một trong vùng, và Israel thì lúc nào cũng lo bị người Á Rập đe dọa, họ phải lo tự vệ. Trong lịch sử họ đã thấy phương pháp tự vệ hiệu quả nhất là tấn công đối thủ trước khi nó mạnh quá. Ngược lại, các nước Á Rập trong vùng cũng không tha thiết gì với việc một nước Palestine thống nhất và theo thể chế dân chủ tự do ra đời, trong khi dân chúng các nước Á Rập khác vẫn còn chưa được tự do. Cho nên các nước này ủng hộ các phe nhóm trong dân Palestine nhưng chỉ ủng hộ vừa đủ để khỏi mang tiếng mà thôi. Chỉ khi nào người Palestine đồng ý được với nhau một chiến sách chung thì họ mới lập quốc được, mà điều này chưa thấy có triển vọng nào là sẽ xẩy ra. Cho nên cuộc tranh chấp giữa dăm triệu người Israel và mấy trăm triệu người Á Rập trong vùng này sẽ còn kéo dài không biết bao giờ mới hết. Một hay hai đời tổng thống Mỹ cũng không làm thay đổi thế cân bằng lực lượng giữa Israel và các nước Á Rập được.
No comments:
Post a Comment