Friday, October 11, 2024

VỤ Y QUYNH BĐĂP : THÁI LAN CÒN AN TOÀN CHO NGƯỜI TỊ NẠN? (BBC News Tiếng Việt)

 



Vụ Y Quynh Bđăp: Thái Lan còn an toàn cho người tị nạn?

BBC News Tiếng Việt

11/10/2024

 https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c625jnpg5z8o

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/eef8/live/30fdd5e0-87ca-11ef-81f8-1f28bcc5be15.jpg.webp

Mục sư người Hmong gốc Việt Sung Seo Hoa hát cùng giáo đoàn trong buổi lễ Chủ nhật tại một nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Bangkok. Thái Lan không phải là bên ký kết công ước về người tị nạn năm 1951 và hiện không phân biệt giữa người xin tị nạn, người tị nạn và những người đang ở bất hợp pháp.

 

Bạch Hồng Quyền đợi vợ và con bên cửa sổ trên tầng cao của một bệnh viện ở Bangkok, nơi anh có thể nhìn thấy những chiếc xe đang tiến đến lối vào chính nhộn nhịp của tòa nhà.

 

Nhà hoạt động chính trị lưu vong người Việt Nam sau đó thấy vợ và hai con gái bước ra khỏi xe và ngay lập tức, từ một chiếc xe màu trắng đi sau họ, một cảnh sát Việt Nam bước xuống.

 

Gia đình ông Quyền đã định bí mật đưa con đi bệnh viện kiểm tra sức khỏe, nhưng họ không thoát khỏi sự theo dõi của cảnh sát - theo lời kể của ông Bạch Hồng Quyền với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vào năm 2023.

 

Bạch Hồng Quyền cùng gia đình sau đó đã may mắn trốn thoát sang Canada, nhưng một người khác mà ông Quyền giúp đỡ để chạy tị nạn sang Thái Lan - nhà báo Trương Duy Nhất - đã bị bắt giữ tại Bangkok hồi đầu năm 2019 và bị chính quyền Thái Lan giao cho chính quyền Việt Nam trong buổi tối cùng ngày.

 

Việc giám sát các nhà hoạt động lưu vong bởi cảnh sát mặc thường phục hoặc đặc vụ mật của chính phủ nước ngoài được cho là chuyện thường tình ở Thái Lan.

 

"Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn. Thái Lan không còn an toàn như trước nữa," bà Nadthasiri Bergman, luật sư của ông Y Quynh Bđăp - người vừa bị tòa án Thái Lan ra phán quyết dẫn độ theo yêu cầu từ Việt Nam - nói với BBC News Tiếng Việt.

 

 

Các vụ bắt giữ bất ngờ

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/7e6a/live/d12ac780-87ca-11ef-8936-1185f9e7d044.jpg.webp

Ông Đường Văn Thái, một người làm báo tự do, được cho là bị bắt giữ tại Thái Lan và đưa về Việt Nam. (Bên phải: Một thông báo của công an Việt Nam được gửi đến gia đình ông về vụ bắt giữ.)

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/e252/live/69e6d0e0-87cb-11ef-81f8-1f28bcc5be15.jpg.webp

Nhà báo Trương Duy Nhất hầu tòa tại thành phố Đà Nẵng ngày 4/3/2014

 

Hà Nội chưa bao giờ thừa nhận có liên quan tới các vụ bắt giữ nhà hoạt động Việt Nam tị nạn ở Thái Lan.

 

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, như vụ ông Y Quynh Bđăp, chính quyền Thái thừa nhận bắt giữ ông theo yêu cầu của Việt Nam.

 

Trong một số trường hợp khác, như của nhà hoạt động Đường Văn Thái, camera an ninh mà một số tổ chức nhân quyền như HRW được xem cho thấy một người đàn ông đang la hét khi bị những người đàn ông khác dùng vũ lực kéo và đẩy vào một chiếc xe hơi.

 

Bạn bè của YouTuber Đường Văn Thái sau đó nói rằng họ tin chắc ông "đã bị bắt cóc đưa về Việt Nam".

 

Ông Thái sang Thái Lan tị nạn từ năm 2019 và đã được Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cấp quy chế tị nạn.

 

Các vụ bắt giữ đều diễn ra sau một thời gian dài các nhà hoạt động Việt Nam tị nạn ở Thái Lan bị cảnh sát tại đây theo dõi.

 

Ông Y Quynh Bđăp bị bắt khi đang trốn trong một khách sạn. Ông vừa bước ra ngoài khách sạn thì cảnh sát Thái Lan ập tới bắt, theo lời kể của mục sư A Ga, người mà ông Bđăp thường xuyên liên lạc, với BBC.

 

Nhà báo kiêm blogger nổi tiếng Trương Duy Nhất bị bắt và bị lôi ra khỏi trung tâm mua sắm Future Park ở ngoại ô Bangkok tháng 1/2019 khi đang trong quá trình xin quy chế tị nạn của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHCR).

 

Vài ngày sau, ông Nhất xuất hiện ở Việt Nam và sau đó phải chịu án 10 năm tù giam với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

 

Các luật sư bào chữa cho ông Nhất cho BBC hay rằng ông Nhất nói ông bị hai cảnh sát Hoàng Gia Thái Lan bắt ở Bangkok, sau đó họ giao ông cho một nhóm, có khả năng là an ninh Việt Nam.

 

 

'Không còn an toàn'

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/9c23/live/c4729850-87cb-11ef-81f8-1f28bcc5be15.jpg.webp

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra

 

Từng là nơi trú ẩn cho những người lưu vong từ các nước láng giềng và nhiều nước khác, Thái Lan trong 10 năm qua đã trở thành một nơi ngày càng không an toàn cho những người chạy trốn khỏi sự đàn áp ở quê nhà, theo giới quan sát.

 

Ngày càng có nhiều nhà hoạt động và bất đồng chính kiến ​​lưu vong phải chịu sự đe dọa, quấy rối và giám sát — thường là với sự thông đồng của chính quyền Thái Lan.

 

Báo cáo của HRW 'Chúng tôi tưởng rằng chúng tôi an toàn': Đàn áp và trục xuất người tị nạn ở Thái Lan cho thấy những vụ chính quyền Thái Lan bắt tay với các chính phủ khác để bắt và trục xuất người ngày càng thường xuyên hơn sau cuộc đảo chính quân sự vào tháng 5/2014 tại Thái Lan.

 

Dưới thời chính quyền quân sự của Thủ tướng Prayut Chan-ocha và Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwon, đều là tướng quân đội, đã có sự gia tăng rõ rệt trong hoạt động đàn áp nhằm vào công dân nước ngoài tìm kiếm sự bảo vệ tị nạn tại Thái Lan, cũng như đối với công dân Thái Lan đang sống lưu vong tại các nước láng giềng là Lào, Campuchia và Việt Nam.

 

Mặc dù chính phủ Thái Lan cung cấp hỗ trợ và viện trợ nhân đạo cho những người tị nạn, nhưng những người này không được công nhận hợp pháp là người tị nạn, họ dễ bị cảnh sát bắt và giam giữ, bị mất tích cưỡng bức, dẫn độ và bị trục xuất, bất chấp việc họ có được UNHCR cấp quy chế tị nạn hay không.

 

Kể từ năm 2014, hơn 150 người tị nạn ở Thái Lan đã trở thành nạn nhân của sự đàn áp xuyên quốc gia, theo số liệu của Freedom House.

 

Chính phủ Thái Lan đã trục xuất nhiều người Duy Ngô Nhĩ, Campuchia, Lào, Việt Nam về quê hương của họ.

 

 

'Vẫn có không gian để bảo vệ người tị nạn'?

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/620/cpsprodpb/cd79/live/fb77fbb0-87cb-11ef-b6b0-c9af5f7f16e4.jpg.webp

Ông Y Qunh Bđăp, dù có quy chế tị nạn của UNHCR, vẫn bị cảnh sát Thái bắt giữ và bị tòa án Thái Lan phán quyết dẫn độ về Việt Nam theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam

 

Trong bức tranh có phần u ám đối với người tị nạn ở Thái Lan như đã nói ở trên, bà Krittaporn Semsantad, Giám đốc Chương trình của Tổ chức Peace Rights Foundation, trấn an rằng đó không phải là toàn bộ câu chuyện.

 

Bà nói vẫn có không gian để hỗ trợ người tị nạn ở Thái Lan dù nước này không công nhận người tị nạn trên văn bản, và không ký kết Công ước về Người tị nạn của Liên Hợp Quốc.

 

Theo lý giải của bà Krittaporn Semsantad, Thái Lan, thay vì thế, có luật tập quán quốc tế .

 

Tức là những quy tắc và nguyên tắc được Thái Lan và các nước khác tuân thủ một cách nhất quán và coi như là bắt buộc, ngay cả khi không có văn bản hiệp ước chính thức.

 

Trong đó, nguyên tắc không trục xuất người có nguy cơ bị ngược đãi khi trở về nước mình là nguyên tắc mà nước mọi quốc gia đều công nhận.

 

Bên cạnh đó, Thái Lan còn có có các luật nhân quyền quốc tế mà nước này đã ký kết, như Công ước Chống tra tấn và Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), trong đó nêu rõ nguyên tắc không trục xuất.

 

Dù không được công nhận chính thức nhưng luôn có người tị nạn chạy đến Thái Lan.

 

Nước này đang đang tiếp nhận khoảng 100.000 người tị nạn ở biên giới, và còn khoảng 5.000 người nữa ở các khu vực đô thị, theo con số mà bà Krittaporn Semsantad cung cấp.

 

"Trong thập kỷ qua, chúng tôi đã cố gắng tái hòa nhập họ với người Thái, người, người Lào, thậm chí cả người tị nạn Việt Nam đang chờ được công nhận pháp lý tại Thái Lan.

 

"Mặc dù chúng tôi không ký kết chính thức, nhưng vẫn có không gian cho họ được bảo vệ tại Thái Lan."

 

Năm 2016, Thủ tướng Thái Lan khi đó, Tướng Prayut Chan-o-cha, đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Sức khỏe Người tị nạn tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, theo lời mời của Tổng thống Mỹ Barack Obama để tham gia nỗ lực quốc tế trong việc cam kết hỗ trợ thêm cho người tị nạn.

 

"Không chỉ Thái Lan là quốc gia ASEAN duy nhất tại thời điểm đó tham dự hội nghị, mà đây còn là một minh chứng cho sự hỗ trợ lâu dài của Thái Lan đối với hơn một triệu người di cư từ nhiều quốc gia trong suốt bốn thập kỷ qua," bà Krittaporn Semsantad cho biết.

 

Bà Nadthasiri Bergman, luật sư của ông Y Quynh Bđăp, thì nói với BBC:

 

"Nếu bạn nhìn lại lịch sử, có rất nhiều nhà hoạt động đã nhận được quy chế tị nạn và đang chờ tái định cư ở Thái Lan, đã biến mất khỏi Thái Lan và sau đó xuất hiện ở nước họ với các án tù."

 

"Vụ việc ông Y Quynh Bđăp mới xảy ra gần đây, nhưng chúng ta có thể thấy chính trị ở Thái Lan đã biến động trong vài năm qua hoặc kể từ cuộc đảo chính gần đây nhất. Và chúng ta thấy các nhà hoạt động chính trị cũng phải chạy trốn khỏi Thái Lan."

 

"Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn. Thái Lan không còn an toàn như trước nữa."

 

------------------------------------

Tin liên quan

·         

Vụ Y Quynh Bđăp: Phép thử cho ông Tô Lâm và Tân thủ tướng Thái Lan?

11 tháng 10 năm 2024

·         

Vì sao phiên tòa ở Bangkok xét xử vụ dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam đông nghịt người?

30 tháng 9 năm 2024

·         

Quốc tế kêu gọi Thái Lan không dẫn độ ông Y Quynh Bđăp về Việt Nam

4 tháng 7 năm 2024

·         

Quốc tế lo ngại Thái Lan dẫn độ ông Y Quynh Bđăp về Việt Nam

14 tháng 6 năm 2024

·         

Quốc tế lên tiếng về việc 'đặc xá' ông Trần Huỳnh Duy Thức và bà Hoàng Thị Minh Hồng

24 tháng 9 năm 2024

 

 

 





No comments: