Vụ
bê bối máu bẩn tại Anh và khủng hoảng niềm tin vào các chính phủ
Minh
Phương - RFI
Đăng
ngày: 30/10/2024 - 14:37
Tháng
05/2024, cựu thủ tướng Anh Rishi Sunak đã gửi lời xin lỗi công khai đến người
dân vì một bê bối truyền máu nhiễm bệnh, khiến hàng chục nghìn người nhiễm HIV
và viêm gan C. Một bê bối từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước, mà chính ông
Sunak cũng phải thừa nhận rằng đó là “sự suy thoái đạo đức kéo dài hàng thập
kỷ trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe” của chính phủ Anh.
HÌNH
:
Những
người biểu tình giương cao các thông điệp liên quan đến vụ bê bối máu nhiễm bệnh
ở London, ngày 26/07/2023. AFP - JUSTIN TALLIS
Sự
thật được phơi bày sau nhiều thập kỷ
Bê
bối bắt đầu từ những năm 1970-1980 tại Anh khi có hàng ngàn người cần truyền
máu. Những người này được chia thành hai nhóm chính, một là những bệnh nhân thiếu
máu trong quá trình phẫu thuật, trong các điều trị y tế, hay những phụ nữ vừa
sinh con…
Nhóm
thứ hai là những người mắc bệnh máu khó đông, một căn bệnh di truyền do thiếu hụt
Yếu tố VIII hoặc IX, những yếu tố cần thiết cho quá trình tạo cục máu đông.
Theo hãng tin AP, vào đầu những năm 1970, các bác sĩ đã phát hiện ra một phương
pháp điều trị mới, được gọi là Yếu tố đông máu 8 (Factor VIII) và được ca tụng
là phương thuốc kỳ diệu. Đây là loại thuốc được tách ra từ huyết tương người,
do vậy cần một số lượng lớn nguồn cung huyết tương để sản xuất. Nhu cầu sớm vượt
quá nguồn cung trong nước, vì vậy các quan chức y tế Anh đã bắt đầu nhập
khẩu huyết tương từ Hoa Kỳ.
Tuy
nhiên, điều đáng nói là lý lịch của những người hiến máu gây nhiều lo ngại vì
vào thời điểm đó, Yếu tố VIII được lấy từ máu của hàng chục ngàn người hiến tại
Hoa Kỳ. Những người này hiến máu để kiếm tiền. Họ thường là tù nhân, những người
làm nghề mại dâm hoặc những người nghiện. Chính điều này làm tăng đáng kể nguy
cơ huyết tương bị nhiễm bệnh, mà chỉ cần một người hiến máu bị nhiễm bệnh thì
toàn bộ lô sản phẩm đều sẽ bị nhiễm bệnh theo.
Theo ước
tính từ cuộc điều tra kéo dài 6 năm mà chính phủ của thủ tướng Theresa May
ra lệnh tiến hành năm 2017, hơn 30.000 người đã nhiễm virus viêm gan C hoặc
HIV qua truyền máu hoặc do điều trị bằng Yếu tố VIII. Hơn
3000 người chết và hàng chục nghìn người phải sống chung với bệnh tật. Nhiều
người còn lây sang gia đình và người thân của mình. Thẩm phán Brian Langstaff,
người đứng đầu cuộc điều tra về bê bối “máu bẩn”, đã tố cáo rằng thảm hoạ này
hoàn toàn “không phải một tai nạn” mà bắt nguồn từ sự tác trách, coi thường
tính mạng của người dân. Giới chức Anh lúc đó đã bỏ qua các cảnh báo nguy hiểm,
bỏ qua các phương pháp sàng lọc và xử lý nguồn máu vì lý do kinh tế, bỏ qua cả
các quy tắc đạo đức.
Sai
lầm nối tiếp sai lầm. Sau khi phát hiện ra những ca nhiễm HIV và viêm gan C do
được truyền máu, chính phủ của cố thủ tướng Magaret Thatcher thời điểm đó, những
người phải chịu trách nhiệm chính cho vụ việc này, thay vì dừng lại, nhận lỗi
và sửa sai thì lại cố gắng che đậy, đưa thông tin sai sự thật đến người dân và
tiêu huỷ các bằng chứng. Để rồi hơn 50 năm sau, người dân Anh mới được nhận lời
xin lỗi công khai đầu tiên tới từ chính phủ Rishi Sunak. Đáng tiếc là hàng ngàn
nạn nhân đã không còn sống để được nghe lời xin lỗi mà họ vẫn mong chờ.
“Vô
hại”
“Vô
hại” là những gì mà chính phủ nói với công chúng. Theo nhật báo Anh The
Guardian, tháng 11/1983, cựu bộ trưởng y tế Ken Clarke đã mạnh mẽ khẳng định
trước báo giới rằng “không có bằng chứng thuyết phục” nào cho thấy HIV
có thể lây truyền qua đường máu và nguy cơ virus viêm gan C gây bệnh là “rất
thấp và không nghiêm trọng”. Để công chúng thêm tin tưởng, các bộ trưởng
cũng liên tục nhắc lại rằng người dân Anh “đang nhận được sự điều trị tốt nhất
hiện có”. Báo cáo điều tra của thẩm phán Langstaff còn chỉ ra rằng các bác
sĩ cũng đóng góp một phần không nhỏ công sức vào việc lừa dối người dân. Các
bác sĩ không những không thông báo cho bệnh nhân những nguy cơ tiềm ẩn trước
khi bệnh nhân tham gia điều trị mà thậm chí cả khi những người này đã nhiễm
virus HIV hay viêm gan C, các bác sĩ cũng che giấu thông tin về nguyên nhân và
tình trạng bệnh của họ, dẫn đến những chậm trễ trong việc tiếp cận điều trị
chuyên khoa.
“Vô
trách nhiệm”
“Vô
trách nhiệm” là những gì công chúng nói về họ. Họ ở đây là chính phủ Anh thời
điểm đó, và cụ thể hơn là Hệ thống Y tế Quốc gia Anh (National Health Service -
NHS). Nhiệm vụ chủ đạo của cơ quan này là chăm sóc, nâng cao sức khoẻ cho người
dân, ưu tiên và tôn trọng sinh mạng của bệnh nhân. Thế nhưng họ đã làm gì?
...
Họ
làm ngơ trước những hiểm hoạ mà họ biết rõ. Theo đài BBC và tờ The Guardian của
Anh, ngay từ những năm 1930, người ta đã biết rõ rằng việc truyền máu có thể
làm lây nhiễm nhiều loại bệnh chết người. Virus gây ra bệnh viêm gan C đã xuất
hiện ít nhất từ giữa những năm 1970, còn việc lây truyền HIV qua đường máu thì
đã được giới khoa học xác nhận vào năm 1982.
Không
chỉ vậy, họ còn biết rằng việc nhập khẩu máu và các chế phẩm máu thương mại sản
xuất tại Mỹ mang nhiều rủi ro và ít an toàn hơn so với các phương pháp điều trị
trong nước. Vào giữa những năm 1970, một giáo sư đã cảnh báo rằng các sản phẩm
máu này được lấy “100% từ những người vô gia cư ở các khu vực tồi tàn”,
trong khi đó Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia tự chủ về nguồn
máu để bảo đảm an toàn. NHS cũng tiến hành tăng quy mô của các bể chứa để sản
xuất Yếu tố VIII dù biết như vậy có thể làm tăng đáng kể nguy cơ lây truyền
virus.
Biết
rõ là vậy nhưng giới chức y tế nước này đã không có những biện pháp cần thiết để
bảo vệ người dân. Họ không những không đình chỉ việc nhập khẩu các sản phẩm máu
thương mại từ Mỹ, mà cũng chẳng kiểm soát việc phân phối chúng. Việc triển khai
xét nghiệm virus HIV và viêm gan C trong các sản phẩm máu được hiến cũng bị trì
hoãn. Chính phủ cũng không đầu tư nghiên cứu các phương pháp làm bất hoạt
virus, chẳng hạn như qua xử lý nhiệt.
Họ
làm ngơ trước tính mạng của người dân. Dù tôn chỉ hành động là “tôn trọng mọi
sinh mệnh, không phân biệt đối xử, luôn mang lòng trắc ẩn và sự tử tế”
nhưng NHS đã sử dụng các học sinh khuyết tật tại trường Treloar's
College như những con chuột bạch để thử nghiệm Yếu tố VIII. Vẫn theo báo
cáo điều tra năm 2017, từ năm 1974 đến 1987, 122 đứa trẻ mắc bệnh
máu khó đông (haemophilia) đã được điều trị tại ngôi trường này bằng
phương pháp mới, một thứ phương pháp “kỳ diệu” khiến ít nhất 72 trong số
này tử vong. Họ đa phần đều chết vì nhiễm HIV và các loại virus viêm gan
A, B, C.
“Vô
vọng”
“Vô
vọng” có lẽ là cảm giác mà những nạn nhân của bê bối này phải chịu đựng. Theo
chân thông tín viên RFI Emeline Vin tại Anh, chúng ta sẽ cùng lắng nghe câu
chuyện của chính những nạn nhân và người nhà của họ.
Rất
nhiều người đã chết, trong đó có Collin Smith :
“Collin
Smith là nạn nhân nhỏ tuổi nhất bị nhiễm bệnh. Cậu bé được chẩn đoán nhiễm Sida
ngay trước sinh nhật năm hai tuổi. Mái tóc vàng và khuôn mặt tinh nghịch, cậu
bé đã mất năm 1990, khi mới chỉ 7 tuổi. Bố mẹ của Collin cho biết :
“Trước
khi chết, thằng bé rất gầy, nó chỉ còn da bọc xương. Khi đó nó nặng 6 kg, chỉ nặng
hơn đứa trẻ mới sinh một chút. Hai tháng cuối dường như kéo dài vô tận với
chúng tôi. Chúng tôi rất tuyệt vọng. Chẳng đêm nào chúng tôi ngủ được. Ít nhất
bây giờ chúng tôi đã đủ dũng cảm để nhắc về thằng bé. Collin có tính cách rất đặc
biệt. Là một đứa trẻ vui vẻ, thằng bé lúc nào cũng tươi cười, nó thường hay
trêu chọc mọi người.”
Với
những nạn nhân đã qua đời, nỗi đau để lại cho người thân, gia đình của họ. Vậy
những người may mắn vẫn sống sót thì sao?
Vào
những năm 80, Bob Naylor đã được truyền máu trong một cuộc phẫu thuật và đã bị
nhiễm virus viêm gan C từ đó. Bob cho biết : “Tôi thường xuyên cảm thấy
không khoẻ. Cảm giác mệt mỏi, uể oải khủng khiếp. Mỗi lần tôi đi ngủ, chân tôi
lại bắt đầu bị chuột rút và co thắt. Tôi đau bụng và đau lưng, những cơn đau
này chẳng bao giờ biến mất. Một hôm cô y tá đã nói với tôi rằng : Bob, anh biết
không, cả đời này anh sẽ phải gặp chúng tôi. Tôi hỏi vì sao thì cô ấy trả lời :
Gan của anh đã bị tổn hại nên anh sẽ luôn phải đi viện kiểm tra. Anh sẽ phải lấy
máu 6 tháng một lần, siêu âm 6 tháng một lần, làm xét nghiệm Fibroscan 2 đến 3
năm một lần. Anh đã bị suy gan cấp tính.”
Không
chỉ có những nỗi đau về thể xác, tinh thần của nạn nhân cũng bị khủng hoảng
nghiêm trọng.
“Vào
thời điểm đó, những người nhiễm HIV đều bị kỳ thị. Tại một thành phố nhỏ ở xứ
Wales, Robert đã phải chịu sự phân biệt đối xử vì bị Sida. Anh cho biết : “Tôi
đã kể việc mình bị nhiễm HIV cho chị gái mình và ngay sáng hôm sau, tất cả mọi
người đều biết. Trên tường nhà của chúng tôi bị sơn chữ “Gia đình SIDA”. Cửa
nhà thì bị vẽ chữ X. Gia đình tôi nhận được hàng tá cuộc điện thoại yêu cầu gửi
tôi ra một hòn đảo hoang. Chúng tôi đã phải bỏ trốn, như thể là tôi đã giết người
vậy. Thậm chí trong gia đình tôi, có người còn nói với con cái họ rằng đừng động
vào đĩa của Robert, đừng động vào cốc của Robert. Nếu chính gia đình mình còn
chẳng thể cảm thông với mình thì sao tôi có thể trông đợi là những người lạ
ngoài kia sẽ hiểu cho tôi.”
“Vô
tội”
Nếu
nạn nhân cảm thấy vô vọng thì những người chịu trách nhiệm chính trong vụ việc
này cảm thấy gì? Có thể họ cảm thấy mình “vô tội”. Ta cần quay lại vụ bê
bối tương tự, diễn ra tại Pháp vào cùng khoảng thời điểm trên. Theo Viện Nghe
nhìn Quốc gia Pháp (INA), khi đứng trước toà vào tháng 01/1992, cựu bộ trưởng
phụ trách các vấn đề xã hội, bà Georgina Dufoix, vẫn không can tâm và phát biểu
một câu “đi vào lịch sử” rằng : “Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm
nhưng không cảm thấy mình có tội.”
Dù
chưa khảng khái trả lời như cựu bộ trưởng Dufoix tại Pháp, nhiều người vẫn tự hỏi
rằng phải chăng giới chức Anh lúc đó cũng đã không cảm thấy tội lỗi. Vì nếu thấy
có tội, thấy cắn rứt lương tâm, họ đã đứng ra chịu trách nhiệm, họ sẽ không để
người dân phải chờ tới vài thập kỷ mà vẫn chưa nhận được lời xin lỗi. Xin nhắc
lại rằng lời xin lỗi hồi tháng 05/2024 đến từ cựu thủ tướng vừa miễn nhiệm
Rishi Sunak, chứ hoàn toàn không đến từ những quan chức trong chính phủ Anh thời
điểm đó, những người trực tiếp đứng sau thảm hoạ này.
Có
lẽ trong bê bối này, từ “vô tội” chỉ được dành cho những nạn nhân, những người
đã chết, đã nhiễm bệnh vì tin tưởng vào các bác sĩ, vào hệ thống y tế quốc gia,
vào chính phủ. “Vô tội” cũng là những học sinh khuyết tật của trường Treloar’s
College thời điểm đó, những đứa trẻ được đem ra làm thí nghiệm.
Điều
đáng ngạc nhiên ở bê bối máu bẩn là nó không chỉ xảy ra ở Anh, mà còn ở rất nhiều
nước khác trên thế giới, từ Pháp, Nhật Bản đến Trung Quốc. Dù quy mô của thảm
hoạ khác nhau, nhưng điểm chung của tất cả các bê bối này là các quan chức thời
điểm đó đã làm việc tắc trách và không tôn trọng tính mạng của người dân.
No comments:
Post a Comment