Thursday, October 31, 2024

XUNG ĐỘT ISRAEL - IRAN : VAI TRÒ CỦA TRUNG QUỐC VÀ NGA (BBC News Tiếng Việt)

 



 

Xung đột Israel-Iran: vai trò của Trung Quốc và Nga

BBC News Tiếng Việt

30 tháng 10 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cj6k5z6p7ero    

 

Israel đã thực hiện hành động mà họ gọi là “đợt tấn công chính xác” nhắm vào các mục tiêu quân sự ở Iran, nhằm đáp trả loạt gần 200 tên lửa Iran phóng sang Israel vào ngày 1/10.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/ccc0/live/be372b60-9688-11ef-9260-19e6a950e830.jpg.webp

Cuộc xung đột leo thang giữa Israel và Iran đang gây áp lực lên các mối quan hệ ngoại giao ở khắp nơi trên thế giới

 

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) nói rằng đợt tấn công đó là để trả đũa cho các vụ giết chết các lãnh đạo của hai lực lượng vũ trang do Iran hậu thuẫn – Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon.

 

Hezbollah đã bắn tên lửa vào Israel qua biên giới phía bắc kể từ ngày 7/10/2023 khi Hamas tấn công Israel ở Gaza.

 

Cuộc xung đột leo thang này đang gây áp lực lên các mối quan hệ ngoại giao ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả giữa các cường quốc.

 

Quảng cáo

 

Mỹ đã tuyên bố ủng hộ Israel, còn Nga và Trung Quốc thì sao? Rủi ro là gì, có thể phản ứng ra sao?

 

-------

Nga: Liên minh vì tiện lợi, nhưng vẫn vướng bận Ukraine

Grigor Atanesian

BBC Tiếng Nga

 

Dù không phải đồng minh chính thức, mối quan hệ giữa Nga và Iran đã trở nên sâu đậm hơn trong những năm gần đây và hai nước đang trong quá trình hoàn thiện thỏa thuận “đối tác chiến lược”.

 

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian vào ngày 11/10, cả hai đều nhắc tới sự tương đồng trong lập trường về các sự kiện trên thế giới.

 

Về vấn đề Ukraine, Iran có mối liên minh thực chất với Nga.

 

Mỹ và Anh nói Iran đã cung cấp tên lửa đạn đạo và hàng trăm máy bay không người lái tấn công cho Nga.

 

Iran chính thức phủ nhận việc chuyển tên lửa đạn đạo, mặc dù một nghị sĩ Iran từng nói rằng số vũ khí đó được chuyển tới Nga để đổi lấy việc xuất khẩu thực phẩm tới Iran.

 

Sau nhiều năm chịu cấm vận, không quân của Iran đã suy yếu, và Nga dường như đã chuyển cho Iran ít nhất một máy bay tấn công hạng nhẹ, theo tạp chí quân sự Jane’s Defence.

 

Đáp lại các lô hàng vũ khí, Moscow được cho là, trong bối cảnh sau cuộc oanh kích của Israel vào Iran, sẽ phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào của Liên Hợp Quốc chỉ trích Iran, đồng thời phản đối bất kỳ hành động vũ lực nào nhằm vào Iran.

 

Đối với Nga, cuộc xung đột ở Trung Đông cũng giúp phân tán sự tập trung và nguồn lực của phương Tây khỏi Ukraine, nơi quân đội Nga có những bước tiến “khiêm tốn” ở chiến tuyến trong những tháng gần đây.

 

Tuy nhiên, Điện Kremlin có thể sẽ lo ngại về tác động tiềm tàng của các cuộc oanh kích của Israel tới hạ tầng giao thông vận tải ở Iran.

 

Nga đang phải hứng chịu những lệnh trừng phạt nặng nề từ quốc tế và chỉ có số lượng hạn chế các tuyến đường cho việc bán dầu mỏ - một trong số đó là qua Iran để tới Ấn Độ.

 

Tehran hậu thuẫn hàng loạt lực lượng ủy nhiệm ở Trung Đông, bao gồm nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở Gaza.

 

Moscow dường như cũng đang củng cố quan hệ với Hamas, khi một phái đoàn gồm những lãnh đạo cấp cao của Hamas đã có chuyến thăm Moscow vào đầu năm nay.

 

Nhưng dù cần Iran hơn là cần Israel, Nga vẫn tìm cách duy trì quan hệ với cả hai quốc gia.

 

Israel, dù chỉ trích cuộc chiến của Nga ở Ukraine và việc nước này liên minh với Iran, tới nay vẫn từ chối cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine, bỏ ngoài tai những lời yêu cầu.

 

Nga có thể cân nhắc khả năng Israel sẽ bắt đầu cung cấp vũ khí cho Ukraine để đáp trả nếu Nga xích lại gần hơn nữa về phía Iran - dù nếu một cuộc chiến lớn nổ ra ở Trung Đông, khả năng Israel làm điều đó có lẽ sẽ thấp hơn.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/afc3/live/5397bfa0-9687-11ef-ba4d-5b04a90bcb33.jpg.webp

Ông Pezeshkian (trái) và ông Putin gặp nhau hôm 11/10 

 

Dù không phải đồng minh chính thức, mối quan hệ giữa Nga và Iran đã trở nên sâu đậm hơn trong những năm gần đây

 

Nga và Iran cũng có xung đột lợi ích ở Nam Caucasus (Nam Kavkaz), nơi đã trở thành một trung tâm năng lượng và thương mại quan trọng đối với một nước Nga đang phải hứng chịu các lệnh trừng phạt.

 

Azerbaijan, quốc gia giàu có nhất và đông dân nhất khu vực, có biên giới giáp với cả Nga và Iran, và đã đồng ý phát triển một hành lang vận tải bắc-nam để cải thiện đường bộ, đường sắt và vận tải thủy giữa Nga và Iran.

 

Tuy nhiên, Azerbaijan cũng có quan hệ quân sự chặt chẽ với Israel, quốc gia từ lâu đã cung cấp drone và các vũ khí tiên tiến khác cho quân đội Azerbaijan.

 

Vào tháng 9/2023, Azerbaijan đã tái chiếm khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, chấm dứt ba thập kỷ cai quản của người Armenia.

 

Dữ liệu theo dõi chuyến bay do hãng tin AP phân tích cho thấy có sự gia tăng đáng kể trong việc vận chuyển vũ khí từ Israel tới Azerbaijan trước khi chiến dịch này được thực hiện.

 

Trong quá khứ, Iran từng cáo buộc Azerbaijan cho phép Israel sử dụng các cơ sở quân sự của mình để do thám Iran, điều mà Azerbaijan đã phủ nhận.

 

Đối với Nga, mối quan hệ này có thể khiến họ phải dè chừng nếu một cuộc tấn công khác của Israel vào Iran gây thêm áp lực lên mối quan hệ giữa Nga với Azerbaijan.

 

Nhưng trong cuộc xung đột này, tương tự như ở những nơi khác, Nga sẽ theo chân Trung Quốc.

 

Nga phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt công nghệ, chính trị và chiến lược – đặc biệt là trong nhập khẩu đồ điện tử và linh kiện vũ khí.

 

Khi Trung Quốc bày tỏ lo ngại, Nga được cho là sẽ lắng nghe.

 

-------------------

Trung Quốc: Chống lưng Iran nhưng không muốn bị kéo vào cuộc chiến

Shawn Yuan

BBC Global China Unit

 

Trung Quốc và Iran thân thiết đã lâu - trên cả phương diện ngoại giao và kinh tế.

 

Với việc Israel tấn công Iran, lập trường của Trung Quốc được cho là sẽ không thay đổi nhiều.

 

Bắc Kinh có khả năng sẽ tiếp tục có những diễn ngôn ủng hộ Iran, đồng thời giữ khoảng cách an toàn để tránh bị lôi vào một cuộc xung đột quy mô lớn hơn.

 

Khi được đề nghị đưa ra bình luận về việc Iran phóng tên lửa đạn đạo vào Israel vào ngày 1/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc không nhắc đích danh Iran, nhưng nói rằng Bắc Kinh phản đối việc “xâm phạm chủ quyền của Lebanon” – ám chỉ việc Israel kéo quân vào Lebanon.

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Gaza là “nguyên nhân gốc rễ của vòng xoáy bất ổn này ở Trung Đông”.

 

Những tuyên bố chính thức của chính quyền và truyền thông nhà nước Trung Quốc kể từ cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas, hành động mà Trung Quốc không lên án, luôn nhất quán với lập trường nói trên.

 

Bắc Kinh đã nhiều lần kêu gọi giảm căng thẳng và ngừng bắn, đồng thời hỗ trợ Palestine và Lebanon về mặt ngoại giao và viện trợ nhân đạo.

 

Liệu cuộc đối đầu lần này giữa Israel và Iran có thúc đẩy Trung Quốc đưa ra những diễn ngôn mạnh hơn?

 

Trung Quốc có, và vẫn duy trì trong suốt thời gian xung đột, những khoản đầu tư lớn vào Israel, đặc biệt là trong khu vực công nghệ và hạ tầng.

 

Nước này có lẽ muốn tránh rủi ro đánh mất Israel với tư cách đối tác kinh tế khi gia tăng ủng hộ cho Iran.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/8343/live/60bb1740-9687-11ef-90df-3f1823a91773.jpg.webp

Trung Quốc và Iran thân thiết đã lâu - trên cả phương diện ngoại giao và kinh tế.

 

Trong đợt trả đũa lần này, Israel không tấn công hạ tầng dầu mỏ của Iran, nhưng không loại trừ khả năng sẽ làm vậy trong tương lai.

 

Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu thô, và khoảng 90% lượng dầu thô xuất khẩu của Iran là tới Trung Quốc, theo công ty dữ liệu tài chính S&P Global.

 

Nếu cách Israel trả đũa gây hư hại hạ tầng dầu thô và ảnh hưởng tới lượng xuất khẩu nói trên, Trung Quốc có khả năng cao hơn sẽ lên tiếng chỉ trích hành động của Israel.

 

Trung Quốc là một trong số ít quốc gia vẫn mua dầu mỏ từ Iran bất chấp những lệnh trừng phạt của Mỹ, và đã làm trung gian khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Iran và Ả Rập Xê Út vào năm 2023.

 

Truyền thông dẫn lời quan chức Mỹ nói rằng Mỹ đã đề nghị Trung Quốc gây áp lực lên Iran, ví dụ như kiềm chế phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen, lực lượng đã thực hiện các cuộc tấn công tàu trên Biển Đỏ trong thời gian qua.

 

Dù Washington có thể yêu cầu, Tehran không nhất thiết phải tuân lời Bắc Kinh, và Trung Quốc có lẽ cũng không để ý tới những yêu cầu như vậy, đặc biệt là khi nó đến từ Mỹ.

 

Nếu không có gì thay đổi, Trung Quốc sẽ lợi dụng tình hình để chỉ trích Mỹ và gia tăng tầm ảnh hưởng quốc tế bằng cách công khai ủng hộ Palestine bởi điều đó phần nào có lợi cho các quốc gia Nam Toàn Cầu.

 

Trung Quốc có ít rủi ro khi duy trì vị thế quan sát như hiện tại.

 

Dù gì thì Bắc Kinh, nếu cần thiết, vẫn có thể quay qua làm ăn với những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khác, như Ả Rập Xê Út hoặc Nga.

 

Chung quy lại, bất kể Trung Quốc nói gì trong những ngày tới, khả năng nước này tham gia sâu hơn vào cuộc xung đột là không cao.

 

----------------------

Tin liên quan

·         

Israel không kích Iran: Những điều đáng chú ý

27 tháng 10 năm 2024

·         

Xung đột Trung Đông sẽ kết thúc thế nào?

10 tháng 10 năm 2024

·         

Israel đánh nhau với Hezbollah: Quân đội Lebanon đang ở đâu?

3 tháng 10 năm 2024

·         

Tổng thống Trump hay Tổng thống Harris: khác biệt thế nào đối với Việt Nam?

30 tháng 10 năm 2024

·         

Ông Bùi Văn Cường bị đề nghị kỷ luật: sinh mệnh chính trị sẽ sao?

29 tháng 10 năm 2024

·         

Tiếp cận băng người Việt buôn người: bán suất ‘ưu tiên’ vượt eo biển Manche

29 tháng 10 năm 2024






No comments: