TM111
chuyển ngữ; tác giả hiệu đính
29
Tháng Tư, 2024
Lời
Cảm Tạ
Chương
sách này được viết khi tôi đang làm việc cho Chương trình Dân Chủ và Phát Triển
thuộc Viện Nghiên Cứu Princeton về Quốc Tế và Khu Vực, Đại học Princeton. Tôi
xin tri ân chương trình này và giám đốc của chương trình là Atul Kohli và
Deborah Yashar. Tôi cũng tri ân những ý kiến đóng góp của Donald Emmerson,
Donald Keyser, James Ockey, T. J. Pempel, Gi-wook Shin, và David Straub của Đại
học Stanford.
Chương
này này đã được in trong sách: Asia’s Middle Powers? The Identity and Regional
Policy of South Korea and Vietnam, biên tập bởi Joon-Woo Park, Gi-Wook Shin, và
Donald Keyser (Stanford, CA: The Walter Shoreinstein Asia-Pacific Research
Center, Stanford University, 2013), trang 153-173.
Lời
Giới thiệu
Chương
sách này có mục đích nhận diện và so sánh quá trình hình thành và phát triển
nhà nước và dân tộc tại Triều Tiên và Việt Nam vào thời kỳ hiện đại. Triều Tiên
và Việt Nam đều ở cùng một khu vực địa lý. Cả hai đều là láng giềng nhỏ bé hơn
nhiều so với Trung Quốc, và trong lịch sử nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng văn
hóa và chính trị của Trung Quốc. Những phát triển trước thời hiện đại đã tạo
nên một Triều Tiên thuần chất hơn về mặt sắc tộc và ổn định hơn về mặt chính trị
so với Việt Nam. Dù có nhiều sự giống nhau bên ngoài, nhưng vận mệnh của cả hai
nước bắt đầu đi theo hai con đường khác nhau từ cuối thế kỷ 19. Mặc dù cả hai đều
bị chiếm làm thuộc địa, Triều Tiên bị lệ thuộc vào một quốc gia láng giềng Á
Châu (Nhật bản), còn Việt Nam thì bị lệ thuộc vào một nước Tây phương đến từ xa
(Pháp). Triều Tiên cũng trở thành thuộc địa muộn hơn Việt Nam nhiều thập kỷ, và
là một thuộc địa cai trị bởi một chế độ thống nhất. Trái lại, Việt Nam bị chia
ra làm ba vùng hành chính có nền pháp luật riêng rẽ. Mặc dù trong thời chiến
tranh lạnh cả hai quốc gia đều bị chia cắt ra làm hai, một bên là nhà nước cộng
sản và bên kia là nhà nước chống cộng, nhưng Việt Nam được thống nhất dưới chế
độ cộng sản sau một cuộc chiến tranh lâu dài và tàn khốc. Chính quyền cộng sản
Bắc Hàn cũng nỗ lực thống nhất đất nước bằng bạo lực, nhưng cuộc chiến của họ
phải chấm dứt sau ba năm chiến tranh tương tàn. Hàn Quốc dần dà trở nên một quốc
gia giàu có và dân chủ, trái với Bắc Hàn và Việt Nam nghèo khổ và độc
tài.
Điều
lý thú là tại cả Việt Nam lẫn Hàn Quốc vào thời kỳ hậu chiến tranh lạnh đều có
sự hồi phục của phong trào dân tộc. [1] Việc bán đảo Triều Tiên vẫn còn bị chia
cắt đã làm nhiều người dân Hàn Quốc buồn bực thì có thể hiểu được, thế nhưng tại
sao một nước Việt Nam thống nhất lại chưa thỏa mãn những người Việt Nam yêu nước?
Điều mỉa mai trong việc so sánh giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày nay khiến ta
nghĩ đến câu văn nổi tiếng của Leo Tolstoy rằng “những gia đình hạnh phúc thì đều
như nhau, còn mỗi gia đình bất hạnh thì lại bất hạnh theo cách riêng của mình.”
[2]
Con
đường phát triển khúc khuỷu của Triều Tiên và Việt Nam có lẽ có liên quan đến vị
thế “trung cường” (middle power) của họ. [3] Cả hai quốc gia đều có diện tích
trung bình và nằm giữa các đại cường quốc. Việt Nam nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc,
còn Triều Tiên cùng biên giới và hải giới với Trung Quốc, Nga, và Nhật. Cả Việt
Nam và Triều Tiên đều đối diện với Hoa Kỳ qua Thái Bình Dương. Vị thế trung cường
của họ khiến cả hai quốc gia về mặt địa chính trị đều đáng để các đại cường
tranh giành với nhau. Cùng lúc đó, chính hai quốc gia này cũng đủ mạnh để thách
thức các đại cường, hay là nếu dùng hình ảnh ẩn dụ của Donald Keyser, thì cả
hai đều có khả năng “dám chơi lại đối thủ nặng ký hơn mình.” Vừa mới thoát ách
thuộc địa, cả hai quốc gia đều bị Bức Màn Sắt (the Iron Curtain) ngăn đôi, và
đây không phải là hoàn toàn ngẫu nhiên. Cũng như vậy, việc quân đội Hoa Kỳ can
thiệp vào cả hai nước cũng không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên. Cả hai cuộc
chiến tranh, chiến tranh Triều Tiên (1950-53) và chiến tranh Việt Nam
(1965-73), không phải chỉ để ngăn chặn khối Xô viết bành trướng mà còn để bảo vệ
Hoa Kỳ khỏi phải đối đầu với cộng sản ngay tại biên giới của mình. Tuy thiếu thốn
khả năng quân sự nhưng lại đầy tham vọng, cả hai Bắc Triều Tiên và Bắc Việt vào
thời điểm đó không chịu chấp nhận biên giới các đại cường đã ép buộc họ phải nhận.
[4] Niềm tự hào là tiền đồn của khối xã hội chủ nghĩa và việc họ liều lĩnh đối
đầu với Hoa Kỳ là hành vi mang dáng dấp của những quốc gia trung cường.
Bài
viết này được chia ra làm ba phần chính. Sau lời bàn ngắn gọn về lịch sử tiền
hiện đại, phần đầu của bài viết sẽ chú mục đến sự hình thành tinh thần dân tộc
hiện đại tại Triều Tiên và Việt Nam kể từ thế kỷ 19. Phần thứ nhì sẽ so sánh
quá trình xây dựng nhà nước hiện đại tại Bắc Việt và Hàn Quốc. Thông tin về hệ
thống chính trị tại Bắc Việt Nam khá ít ỏi, nên tôi sẽ sử dụng dữ kiện từ một đề
tài nghiên cứu khác đang tiến hành. Trong phần kết luận, tôi sẽ bàn đến những
bài học về thống nhất đất nước tại Việt Nam cho Hàn Quốc. Mặc dù người dân tại
một Triều Tiên còn đang chia cắt có thể đang nhìn về Việt Nam đã thống nhất với
sự ghen tỵ, nhưng họ cần phải để ý đến cái giá của sự thống nhất theo kiểu Việt
Nam, nó đã không cải thiện được gì số phận của phần đông người Việt.
Triều
Tiên và Việt Nam thời tiền hiện đại
Quan
hệ giữa Việt Nam và Triều Tiên đối với Trung Quốc trong thời kỳ tiền hiện đại đều
theo một con đường giống nhau, bắt đầu từ lệ thuộc dẫn đến độc lập sau này. Nước
Việt Nam ngày nay bắt đầu là một xã hội bộ lạc tại thung lũng sông Hồng. Xã hội
này đến năm 111 trước công nguyên thì rơi vào sự đô hộ của Trung Quốc, và cứ
như thế cho đến thế kỷ thứ 10. [5] Trong thời gian này có sự di dân và hôn nhân
dị chủng diễn ra ở mức đại trà. Văn hóa Trung Quốc được hấp thụ, mặc dù văn hóa
địa phương vẫn giữ một số đặc điểm riêng của nó. Sau khi lấy lại độc lập năm
938, các vua Việt Nam vẫn giữ mối quan hệ thần phục với Trung Quốc. Họ đã chống
lại những cuộc xâm chiếm từ phương Bắc một cách thành công, chẳng hạn như cuộc
xâm chiếm của quân Mông Cổ vào thế kỷ 13. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ, giữa
năm 1400 và 1418, thì Việt Nam lại bị nhà Minh bên Trung Quốc cai trị. Mặc dù
chúng ta thường nghe nói rất nhiều đến “sự kháng cự anh hùng” của người Việt chống
lại Trung Quốc, quan hệ tiền hiện đại giữa Việt Nam và Trung Quốc phần lớn vẫn
mang tính hoà bình và chiến tranh hiếm khi xảy ra. [6]
Triều
Tiên cũng bị Trung Quốc trực tiếp thống trị từ năm 108 trước công nguyên cho đến
thế kỷ thứ tư, nghĩa là chỉ có 400 năm thay vì bị lệ thuộc một nghìn năm như Việt
Nam. [7] Sau khi nền thống trị Trung Quốc bị lật đổ là “thời kỳ Tam Quốc” kéo
dài 300 năm, với chiến tranh liên miên giữa ba vương quốc trung ương tập quyền
là Koguryo, Paekche, và Silla. Thời kỳ này kết thúc sau khi Silla hợp tác với
Trung Quốc để đánh bại hai vương quốc kia, nhưng sau đó lại đánh đuổi Trung Quốc
ra khỏi bờ cõi năm 676. Sau đó một Triều Tiên đã được thống nhất duy trì quan hệ
thần phục đối với Trung Quốc cũng như Việt Nam đối với Trung Quốc. Vua chúa Triều
Tiên cũng kháng cự thành công nhiều cuộc xâm lăng từ phía Trung Quốc, nhưng
(khác với Việt Nam) họ bị thất bại trước cuộc tấn công của quân Nguyên Mông.
Triều Tiên bị nhà Nguyên cai trị trong thời gian từ năm 1270 đến 1356.
No comments:
Post a Comment