Thursday, October 10, 2024

HỘI NGHỊ CẤP CAO THƯỜNG NIÊN CỦA ASEAN KHAI MẠC : MIẾN ĐIỆN & BIỂN ĐÔNG LÀ TRỌNG TÂM (Trọng Thành / RFI)

 



Hội nghị cấp cao thường niên của ASEAN khai mạc: Miến Điện và Biển Đông là trọng tâm

Trọng Thành  -  RFI

.Đăng ngày: 09/10/2024 - 13:10

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20241009-h%E1%BB%99i-ngh%E1%BB%8B-c%E1%BA%A5p-cao-th%C6%B0%E1%BB%9Dng-ni%C3%AAn-c%E1%BB%A7a-asean-khai-m%E1%BA%A1c-mi%E1%BA%BFn-%C4%91i%E1%BB%87n-v%C3%A0-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-l%C3%A0-tr%E1%BB%8Dng-t%C3%A2m .

 

Hội nghị cấp cao lần thứ 44 của ASEAN khai mạc hôm nay, 09/10/2024, tại Vientiane, Lào, nước chủ tịch luân phiên của khối. Miến Điện và Biển Đông là các chủ đề trọng tâm của các cuộc họp thượng đỉnh ASEAN, ASEAN +1 (ASEAN với các đối tác), hội nghị Đông Á... kéo dài trong ba ngày.

 

HÌNH :

Khai mạc Hội Nghị Cấp Cao ASEAN lần thứ 44 tại thủ đô Vientiane- Lào. Ảnh ngày 09/10/2024 AP - Sakchai Lalit

 

Theo AFP, trong bài diễn văn khai mạc, thủ tướng Lào Sonexay Siphandone bày tỏ hy vọng là đợt hội nghị cấp cao năm nay là một ‘‘cơ hội lớn’’ giúp cho việc tăng cường ổn định và hòa bình tại khu vực. Thủ tướng Lào cho biết ASEAN sẽ thúc đẩy các thảo luận để ‘‘tăng cường hợp tác giữa các thành viên của khối với các đối tác khác’’. Tham gia hội nghị ASEAN cấp cao mở rộng năm nay có thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang), ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, hay thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba….

 

Nội chiến ở Miến Điện bùng lên từ năm 2021, khiến hơn 5.000 người chết, hơn 3 triệu người phải sơ tán, nổi lên như thách thức số một với ASEAN. Việc ASEAN chấp thuận để tập đoàn quân sự Miến Điện cử một đại diện cấp thấp (hay ‘‘đại diện phi chính trị’’, theo cách gọi của ASEAN) tham dự hội nghị lần đầu tiên từ hơn 3 năm nay hé mở hy vọng viễn cảnh tìm ra giải pháp cho xung đột.

 

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo hôm qua, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Dan Kritenbrink, phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, lưu ý là cho đến nay ‘’gần như không có có bất cứ tiến triển nào’’ trong việc thực thi Đồng Thuận 5 điểm, được ASEAN đưa ra từ đầu năm 2020, nhằm giải quyết xung đột tại Miến Điện. Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh là Washington sẽ tiếp tục ‘‘ủng hộ những nỗ lực của ASEAN và của cộng đồng quốc tế nhằm duy trì áp lực buộc tập đoàn quân sự thực hiện các bước cần thiết, như giảm bạo lực, thả tù nhân chính trị, đồng thời gia tăng viện trợ nhân đạo và thúc đẩy đối thoại với phe đối lập dân chủ’’.

 

Trả lời hãng tin Mỹ AP, bà Lina Alexandra, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Indonesia cho biết cơ hội đạt được đột phá trong hồ sơ Miến Điện là rất mong manh, và việc ASEAN chấp nhận mời một nhà ngoại giao cấp cao của tập đoàn quân sự (thư ký thường trực bộ Ngoại Giao Aung Kyaw Moe), có thể là một dấu hiệu cho thấy ‘‘ASEAN đang bị buộc phải thỏa hiệp’’, xác nhận ‘‘sự mệt mỏi về phía ASEAN’’ trong hồ sơ này.

Về Biển Đông, theo đài Nhật NHK, ASEAN đang chuẩn bị một tuyên bố của chủ tịch khối, kêu gọi các bên kiềm chế. Bản dự thảo tuyên bố, mà NHK có được, nêu bật quan ngại của một số quốc gia về các hoạt động ‘‘gây nguy hiểm’’ tại khu vực, và kêu gọi ‘‘tránh các hoạt động có thể làm phức tạp hơn tình hình’’.

 

Căng thẳng ở Biển Đông gia tăng đặc biệt với các đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines tại nhiều địa điểm trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines, mà Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền, trong những tháng gần đây. Đầu tháng 10 vừa qua, Việt Nam cũng vừa tố cáo các hành động bạo lực hiếm có của Trung Quốc nhắm vào ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.

 

Trong cuộc họp báo hôm qua, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Dan Kritenbrink đã lên án ‘‘một số bước leo thang và hành xử vô trách nhiệm’’ của Trung Quốc tại vùng biển này, đồng thời cho biết Hoa Kỳ đang tiếp tục nỗ lực đối thoại ở cấp cao nhất với Trung Quốc, để bảo vệ lợi ích của Mỹ và các đồng minh, và ‘‘quản lý có trách nhiệm các cạnh tranh với Trung Quốc’’.

 

 






No comments: