Thursday, October 10, 2024

QUAN HỆ TOKYO - BẮC KINH CHƯA CHẮC XẤU ĐI DƯỚI NHIỆM KỲ CỦA TÂN THỦ TƯỚNG NHẬT SHIGERU ISHIBA (Thanh Hà / RFI)

 



Quan hệ Tokyo - Bắc Kinh chưa chắc xấu đi dưới nhiệm kỳ của tân thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 09/10/2024 - 15:25

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20241009-quan-h%E1%BB%87-tokyo-b%E1%BA%AFc-kinh-ch%C6%B0a-ch%E1%BA%AFc-x%E1%BA%A5u-%C4%91i-d%C6%B0%E1%BB%9Bi-nhi%E1%BB%87m-k%E1%BB%B3-c%E1%BB%A7a-t%C3%A2n-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-nh%E1%BA%ADt-shigeru-ishiba  

 

Nhiều dấu hiệu báo trước quan hệ Tokyo-Bắc Kinh « thêm căng » dưới thời tân thủ tướng Shigeru Ishiba, người được xem là rất am hiểu về chính sách phòng thủ và quân sự. Trong nội các Ishiba vừa được hình thành, bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng cùng nhiều chức vụ chủ chốt khác do các cựu bộ trưởng Quốc Phòng Nhật điều hành.

 

HÌNH :

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba trong cuộc họp báo ngày 09/10/2024 sau khi thông báo giải tán Quốc Hội, tổ chức bầu cử lập pháp ngày 27/10/2024. via REUTERS - David Mareuil

 

Trình bày chính sách chung trong bài phát biểu trước Quốc Hội Nhật Bản hôm 04/10/2054 Shigeru Ishiba khẳng định « tăng cường khả năng quân sự » là một ưu tiên vào lúc mà Tokyo đứng trước thách thức về an ninh « chưa bao giờ lớn như hiện tại » mà mối đe dọa chính là Trung Quốc.

 

Tháng 8/2024 khi thủ tướng Fumio Kishida thông báo từ chức chủ tịch đảng Dân Chủ Tự Do cầm quyền vì những tai tiếng tài chính liên quan một số lãnh đạo của đảng này, Shigeru Ishiba khi đó không giữ bất kỳ một chức vụ nào trong chính quyền, đang có mặt tại Đài Loan. Theo giới phân tích, « chỉ riêng việc cựu bộ trưởng Quốc Phòng Nhật đến thăm Đài Loan đã là một sự ủng hộ ngầm » đối với hòn đảo này trước những tham vọng của Bắc Kinh.

 

Bản thân ông Shigeru Ishiba nguyên là bộ trưởng Quốc Phòng Nhật (2007-2008). Trong nội các do ông điều hành, đứng đầu bộ Ngoại Giao Nhật Bản là cựu bộ trưởng Quốc Phòng Iwaya Takeshi (2018-2019), còn bộ Quốc Phòng được trao cho ông Gen Nakatani, người từng đặt nền tảng cho chính sách quân sự mới dưới thời cố thủ tướng Shinzo Abe. Một chức vụ chủ chốt khác của đảng cầm quyền, điều hành Hội Đồng Nghiên Cứu Chính Trị của đảng Dân Chủ Tự Do cũng được giao cho một cựu bộ trưởng Quốc Phòng là ông Onodera Itsumori. Ông này đã hai lần giữ chức bộ trưởng Quốc Phòng Nhật (2012-2014/ 2017-2018).

 

 

Một sự tiếp nối của hai đời thủ tướng Abe và Kishida

 

Thủ tướng Shigeru Ishiba lên cầm quyền trong bối cảnh hàng không mẫu hạm Trung Quốc lai vãng gần hai hòn đảo Nhật Bản gần Đài Loan ; Tokyo phải điều chiến đấu cơ xua đuổi máy bay của Nga và Trung Quốc thâm nhập không phận Nhật Bản.

 

Trong bài diễn văn đầu tiên ở cương vị thủ tướng đọc trước Quốc Hội, ông Ishiba nhấn mạnh, Nhật Bản cần « củng cố đang kể khả năng phòng thủ » vào lúc mà Trung Quốc « ngày qua ngày tìm cách đơn phương thay đổi nguyên trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông ». Cùng lúc ông quan niệm « liên minh quân sự Mỹ- Nhật là nền tảng trong chính sách đối ngoại và quốc phòng » của chính quyền Tokyo do ông điều hành.

 

Nhà báo Pháp Pierre Antoine Donnet, trên trang mạng chuyên về châu Á Asialyst (05/10/2024) ghi nhận lời lẽ của tân lãnh đạo Nhật « thể hiện rõ những ưu tiên của Tokyo đang lo ngại trước thái độ hung hãn của  nước láng giềng và quyết tâm đối mặt với Bắc Kinh ». Thái độ này khác hẳn với một nước Nhật bại trận sau Thế Chiến Thứ Hai, trong nhiều năm đã « nhún nhường » với Bắc Kinh. Sự thay đổi trong thái độ của Nhật Bản đó đã bắt đầu từ thời cố thủ tướng Shinzo Abe. Ông Abe là người đầu tiên công khai tuyên bố Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan « đe dọa đến sự sống còn của Nhật Bản ».

 

Như người tiền nhiệm, Fumio Kishida, thành lập một liên minh quân sự châu Á, tựa như mô hình NATO – Liên Minh Bắc Đại Tây Dương cũng là một trong những mục tiêu tân thủ tướng Nhật muốn hướng tới. Đúng ngày 27/09/2024 khi Shigeru Ishiba được bầu vào chức vụ chủ tịch đảng Tự Do Dân Chủ, viện nghiên cứu Hudson Institude của Mỹ công bố một bài viết trong đó tân lãnh đạo Nhật Bản cho rằng nguy cơ chiến tranh tại châu Á là « rất cao bởi trong bối cảnh các cuộc xung đột vũ trang liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới mà châu Á vẫn chưa có một liên minh quân sự tựa như NATO, chưa có quy định về những nghĩa vụ hỗ trợ lẫn nhau để tự vệ ».

 

Song tính khả thi của đề xuất này được cho là khá thấp. Báo chí Nhật Bản đánh giá NATO phiên bản châu Á là một đề xuất « khó thực hiện ». Chính giới tại Tokyo cũng tỏ ra thận trọng. Hai nhân vật nặng ký trong nội các Shigeru Ishiba là bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao, các ông Nakatani Gen và Iwaya Takeshi, cùng thận trọng giữ khoảng cách với ý tưởng này khi cho rằng « thành lập một tổ chức quân sự tại châu Á khó thực hiện, cần cân nhắc trong trung và dài hạn ».

 

 

Áp lực từ phía các doanh nhân Nhật Bản

 

Trong cuộc đối đầu Nhật-Trung hay ít ra là lập trường cứng rắn với Bắc Kinh, ông Shigeru Ishiba gặp nhiều cản trở. Áp lực đầu tiên xuất phát từ phía các doanh nhân Nhật.

 

Cựu thông tín viên của báo tài chính Nhật, Nikkei Asia tại Bắc Kinh ông Katsuji Nakazawa ghi nhận cái khó đối với tân thủ tướng Ishiba là tìm được thế cân bằng giữa lập trường cứng rắn với Trung Quốc mà không làm phương hại đến quan hệ kinh tế Nhật-Trung. Lãnh đạo tập đoàn luyện kim Nhật Bản Nippon Steel là khách mời danh dự của sứ quán Trung Quốc tại Tokyo nhân ngày 01/10/2024 kỷ niệm 75 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và vị này đã không che dấu lo ngại « các doanh nhân Nhật còn hoạt động tại Hoa Lục đang phải đối mặt với một môi trường càng lúc càng khó khăn ».

 

Chủ tịch hiệp hội kinh tế Nhật-Trung thì cho rằng « duy trì môi trường an toàn cho các doanh nhân Nhật Bản là một vấn đề sống còn » với các công ty muốn lập nghiệp tại Trung Quốc ».

 

Báo Le Monde của Pháp lưu ý, thủ tướng Shigeru Ishiba lên cầm quyền vào lúc tiêu thụ nội địa Nhật Bản đang chựng lại, lương của người lao động không cao, tỉ lệ sinh nở rơi xuống thấp đến mức báo động, giới đầu tư lo ngại chính phủ tăng thuế doanh nghiệp… Nói cách khác, ông Ishiba « không có nhiều lựa chọn » và « cần tránh gây hấn với Bắc Kinh về mặt kinh tế và thương mại ». 

 

Sau cùng để áp dụng đường lối cứng rắn với Trung Quốc, thủ tướng Shigeru Ishiba còn phải vượt qua được cửa ải của lá phiếu sau ngày bầu cử lập pháp dự trù vào 27/10/2024 sau khi ông vừa tuyên bố giải tán Quốc Hội. 

 

 

Shigeru Ishiba thực sự « không ưa » Trung Quốc ?

 

Vào lúc truyền thông chú ý nhiều đến chính sách đối ngoại của thủ tướng Shigeru Ishiba và báo trước quan hệ Tokyo Bắc Kinh sẽ có nhiều sóng gió, Robert Ward thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS của Mỹ tại Washington nhắc lại trong sự nghiệp chính trị của ông Ishiba, người có ảnh hưởng rất lớn là cựu thủ tướng Tanaka Kakuei (1972-1974). Tên tuổi của thủ tướng Tanaka Kakuei bị ô uế vì những tai tiếng tham nhũng nhưng ông cũng là người để lại nhiều dấu ấn về phương diện kinh tế và xã hội mà đến nay vẫn còn được công luận Nhật Bản ngưỡng mộ.

 

Về đối ngoại cựu thủ tướng Tanaka Kakuei là người nối tiếng có lập trường « thân Trung Quốc » điều đã được thể thiện qua bản thông cáo chung ký kết với thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai vào tháng 9/1972, mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh.

Cũng Tanaka Kakuei là người đặt những viên đá đầu tiên để tập đoàn luyện kim quốc gia Nhật Bản Nippon Steel vào Hoa Lục … Một nét đặc thù khác trong hai năm nhiệm kỳ thủ tướng của Tanaka Kakuei, ông là người từng chủ trương một nước Nhật Bản « bớt dựa vào Mỹ » như nhà báo Pháp Pierre Antoine Donnet của trang mạng Asialyst ghi nhận.

 

Hơn nửa thế kỷ sau, người từng được cựu thủ tướng Tanaka Kakuei dẫn dắt, lên cầm quyền trong bối cảnh quan hệ giữa Tokyo với Washington xem chừng cũng không đơn giản trước viễn cảnh Donald Trump có thể trở lại Nhà Trắng sau bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tháng 11/2024. Là một người am hiểu về chính sách quốc phòng, chắc chắn tân thủ tướng Shigeru Ishiba không quên điều đó.

 







No comments: