Thursday, October 10, 2024

THIÊN TAI và NĂNG LỰC PHẢN ỨNG : TỪ KHAI THÁC CÁT và RỪNG / P4 (Trân Văn / Blog VOA)

 



Thiên tai và năng lực phản ứng: Từ khai thác cát và rừng (P4)

Trân Văn  -  Blog VOA

09/10/2024

https://www.voatiengviet.com/a/thien-tai-va-nang-luc-phan-ung-tu-khai-thac-cat-va-rung-p4-/7815079.html

 

Dẫu Yagi được xem là trận bão có cường độ mạnh chưa từng thấy trong 30 năm vừa qua, đồng thời có một số đặc điểm khác thường, chẳng hạn chỉ 24 giờ, cường độ tăng thêm tám cấp và suy giảm rất chậm nhưng xét cho đến cùng đó không phải là nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của cả cá nhân lẫn quốc gia.

 

https://gdb.voanews.com/b955fa73-a57b-4ed9-a348-1d151d7ccd76_w1023_r1_s.jpg

Chèo thuyền trong lụt sau bão Yagi tại làng An Lạc, Hà Nội, 13 tháng Chín.

 

Các số liệu thống kê cho thấy, tuy Quảng Ninh và Hải Phòng – hai nơi đón bão đổ vào có nhiều căn nhà, ruộng vườn, công trình công cộng... hư hỏng, 27 người chết, 1.100 người bị thương song những thiệt hại ấy vẫn chưa là gì so với tổn thất sau đó bởi mưa to, lũ lớn, sạt lở tại 24 tỉnh/thành phố khác, đặc biệt là khu vực cao nguyên miền Bắc khiến số người thiệt mạng và mất tích tăng thêm hơn 300, số người bị thương tăng thêm khoảng 1.000, tổng thiệt hại tài sản tăng thêm khoảng 46.000 tỉ (thiệt hại tài sản của Quảng Ninh và Hải Phòng chỉ trong khoảng 34.000 tỉ). Tổn thất do thiên tai dù khó tránh và khó lường nhưng ở Việt Nam rất nhiều tổn thất có thể phòng ngừa, hoặc giảm thiểu hậu quả...

 

Ví dụ sẽ không mất 895 tỉ để xây lại cầu Phong Châu ở Phú Thọ [1] nếu không cho phép khai thác cát vô tội vạ ở khu vực này, thậm chí khi tình trạng xói lở trở thành nghiêm trọng, lúc nước rút có thể thấy móng một số trụ cầu “lơ lửng” giữa đáy mới của sông và mặt cầu [2], dân chúng liên tục cảnh báo nhưng chính quyền tỉnh Phú Thọ vẫn không làm gì, chỉ hỏi xin và chờ tiền xây dựng cầu mới. Sau khi cầu Phong Châu sập, các viên chức hữu trách ở Phú Thọ bảo rằng tai nạn là do cầu yếu, đã xin nhưng Bộ GTVT chưa cấp tiền, Bộ GTVT biện bạch sở dĩ chưa cấp vì ngân sách eo hẹp [3]. Quản trị như thế thì bao nhiêu tiền mới đủ?

 

Cũng liên quan đến quản trị và điều hành, giữa đợt lũ sau bão Yagi, thiên hạ choáng váng khi chứng kiến các phương tiện đường thủy trôi từ thượng lưu xuống hạ lưu, hết đâm vào cầu này [4] thì va vào cầu khác [5] nhưng không có bất kỳ ngành nào ở cấp nào ngăn chặn. Chắc chắn thiệt hại từ những vụ “đâm, va” ấy sẽ giảm đáng kể nếu các cầu, kể cả mới dựng, có hệ thống trụ chống va như cầu Long Biên mà người Pháp xây dựng hồi cuối thế kỷ 19 [6]. Vì sao mức độ hiểu biết về đặc điểm sông ngòi Việt Nam, ý thức trách nhiệm về hiệu quả, mức độ an toàn của công trình công cộng nơi viên chức “chính quyền thực dân” lại vượt xa “công bộc” của “chính quyền nhân dân”?

 

                                                            ***

Cho dù lũ lụt, sạt lở sau bão Yagi khiến nhiều người sửng sốt, choáng váng [7] nhưng trong thực tế, điều này đã trở thành bình thường tại Việt Nam và ai cũng biết đó là hậu quả của việc phá rừng, phê duyệt các loại quy hoạch vừa thiếu kiến thức, vừa đầy gian ý, bất chấp hậu quả!

 

Vì sao trong hai thập niên vừa qua, lũ quét, sạt lở cả ở rừng núi lẫn bờ, sông, bờ biển tại Việt Nam càng ngày càng trầm trọng? Nếu chịu khó đối chiếu, hẳn sẽ thấy tình trạng ấy xuất hiện sau khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam hăm hở thực hiện “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” để xây dựng CNXH.

 

Điều đáng nói là cho dù hậu quả càng ngày càng tàn khốc nhưng các viên chức hữu trách lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn tiếp tục gạt bỏ khuyến cáo của các chuyên gia, vẫn hành xử theo kiểu “sống chết mặc bay”, lối hành xử này cho thấy, với họ, tính mạng, tài sản công dân luôn là... “chuyện nhỏ”!

 

Năm 2012, một số chuyên gia của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam bắt đầu thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam” để xác lập hai loại bản đồ: Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đai (TLĐĐ) và Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ. Tuy nhiên những Bản đồ hiện trạng TLĐĐ và Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ ở 15 tỉnh miền Bắc Việt Nam, đã có từ giữa thập niên 2010 [8] hoàn toàn vô nghĩa. Không phải tự nhiên những chuyên gia vừa kể nhiều lần nhắc rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu các vùng nguy cơ, hệ thống quan trắc sẽ chẳng đến đâu nếu... chính quyền không bận tâm.

 

Các chuyên gia địa chất cũng đã từng đề cập đến việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động mà theo ước đoán của họ, trị giá khoảng vài trăm triệu Mỹ kim song hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cùng không màng, dẫu chi tiêu cho hệ thống này chẳng thấm vào đâu so với các khoản đã chi cho hệ thống… cổng chào, tượng đài, nhà hát, quảng trường! Đầu năm 2019, loạt bài do Tin Tức thuộc Thông tấn xã Việt Nam thực hiện về thực trạng sạt lở ở Việt Nam cho thấy… không màng là trở ngại lớn nhất đối với phòng ngừa thảm họa. Vào thời điểm đó, các chuyên gia đã lưu ý, ngay cả khi có đầy đủ cơ sở dữ liệu và hệ thống quan trắc tự động mà không màng thì cũng… vô nghĩa.

 

Hãy dành thời gian dùng link [9] bên dưới bài viết này xem loạt bài mà Tin Tức thực hiện hồi đầu năm 2019. Trong bài 1 của loạt bài, các chuyên gia có đề cập đến Xín Mần ở Hà Giang như một ví dụ về “cảnh báo đỏ”, bởi “các khối trượt đã hình thành”. Sau đó hãy dùng Google với từ khóa là “Xín Mần+sạt lở” để xem từ đó đến nay đã có bao nhiêu dân lành uổng mạng, bao nhiêu tài sản cá nhân và công trình công cộng đã bị vùi lấp. Tương tự, hãy dành thời gian dùng link [10] bên dưới bài này để xem cảnh báo từ 2016 về trượt lở tại Lào Cai và hãy đối chiếu các địa danh được cảnh báo cách nay tám năm ắt sẽ nhận ra thảm nạn sau bão Yagi ở Lào Cai là từ đâu.

 

Giành, giữ độc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối để xây dựng CNXH. Xây dựng CNXH kiểu như đã biết và đang thấy thì cần thêm bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và máu của dân lành? Thiệt hại do bão Yagi được ước đoán khoảng 81.000 tỉ. Ai gánh những thiệt hại đó và vô số những thiệt hại cả tinh thần lẫn vật chất khác?

 

--------------

Chú thích

 

[1] https://thanhnien.vn/phu-tho-de-nghi-xay-cau-phong-chau-moi-kinh-phi-865-ti-dong-185240914134030819.htm

 

[2] https://www.facebook.com/TrungNgo76/posts/pfbid0YQwVrDe7RCtWMb2hjCr5NHHyfNK6K1wF7ECdCP3hm9sPVtpX9UmZB9Wr1fYev5Jpl

 

[3] https://tuoitre.vn/cau-phong-chau-da-sua-3-lan-truoc-khi-bi-sap-cu-tri-tung-de-nghi-nang-cap-20240909152307771.htm

 

[4] https://www.facebook.com/trungblao/videos/1373050616984728

 

[5] https://www.facebook.com/nguyen.anhquy.796/videos/1037116257658138/

 

[6] https://www.facebook.com/susu.l0ve/posts/pfbid09FEWcuzHWUcJd6jdHQFjSf8vm9xP1kCcYth6pHe7KPFqs13G3PHUNmjGUgV15yofl

 

[7] https://www.facebook.com/thanhhang1501/posts/pfbid05CRp6yLGbRAPPNnU4HUdxvH3MPbhrdynTFJWbYbitEzWF2goJKyBSTZkUs9dCr3wl

 

[8] https://vtv.vn/trong-nuoc/hoan-thanh-ban-do-truot-lo-dat-da-tai-15-tinh-mien-nui-phia-bac-20170925073343964.htm

 

[9] https://baotintuc.vn/xa-hoi/sat-lo-dat-o-viet-nam-bai-1-thuc-trang-va-thach-thuc-20190206152108633.htm

 

[10] https://www.vietnamplus.vn/ban-do-phan-vung-canh-bao-nguy-co-truot-lo-dat-da-tai-lao-cai-post415970.vnp

 

--------------------

Liên quan

Thiên tai và năng lực phản ứng: ‘tâm’ và ‘tầm’ ở đâu? (P3)

Thiên tai và năng lực phản ứng: Thiếu khả năng tiên liệu (P2)

Thiên tai và năng lực phản ứng: Từ chuyện cầu Phong Châu (P1)

 

 

 

 

 

 



No comments: