Chuyện cân, đong, đo,
đếm ở Nam bộ xưa và nay (nguoidothi.net.vn)
19:40
| Thứ hai, 28/10/2019
https://nguoidothi.net.vn/chuyen-can-dong-do-dem-o-nam-bo-xua-va-nay-21198.html
Thời
phong kiến ở nước ta đều có quy chuẩn cho các đơn vị và dụng cụ đo lường, nhưng
dân gian vẫn dùng theo cách riêng của mình và mỗi nơi mỗi khác, chỉ có lúc thu
nạp thuế khóa mới sử dụng hệ thống đong lường của nhà nước.
Khi
người Pháp chiếm Việt Nam, nhận thấy sự phức tạp trong phương thức đo lường
này, họ muốn thay bằng hệ đo lường tương đối hiện đại, nhưng người dân đã quen
dùng cách đo lường cũ. Do vậy họ đặt ra những quy định thống nhất trong việc
quy đổi. Ví dụ, 1 giạ lúa ở Nam bộ có giá trị khác nhau ở các địa phương: 35
lít (Mỹ Tho), 38,27 lít (Chợ Lớn), 39,71 lít (Sài Gòn), một số nơi khác thì 42
lít…
Ngày
24.12.1863, Soái phủ Nam Kỳ ra nghị định thống nhất 1 giạ là 40 lít (Nguyễn
Đình Đầu, Tạp ghi Việt sử địa). Theo Lịch Annam
thông dụng trong Nam Kỳ (1899), chính phủ Pháp ra nghị định ngày
11.02.1898 quy định về việc đong lường ở Nam Kỳ, bắt đầu từ ngày 1.7.1898, ở
Nam Kỳ, đều phải dùng đồ đo lường: loại 1 lít, 5 lít, 10 lít, 20 lít, vuông 40
lít.
Các
dụng cụ đo lường này làm bằng sắt trắng, có hai quai, giống mẫu để tại phòng ba
dinh Hiệp lý, chiều cao và đường kính bằng nhau. Người bán ở chợ phải mua một bộ
đầy đủ, nếu trễ một tháng và thiếu một món đồ đo lường thì bị phạt 100 đồng. Mỗi
năm đều kiểm sát một lần và đóng dấu kiểm tra.
Dần
dần về sau, các phép cân, đong, đo, đếm mới quy về hệ mét, lít và kilôgam như
hiện nay. Đặc biệt, ở Nam bộ, hệ đo lường trong dân gian khá phong phú và phức
tạp với nhiều kiểu thức khác nhau.
Chuyện
cân
Các
đơn vị trọng lượng dùng trong mua bán phổ biến là gram, kg, tùy túi
tiền, nhu cầu của người mua. Có thể đi chợ mua vài trăm gram thịt, cá, đậu, dừa,
bánh, kẹo, trái cây… cho đến vài kg gạo, nếp, đậu, thịt…
Các
loại trái cây có hình dáng nhỏ như chôm chôm, bòn bòn, dâu… hoặc loại mắc tiền
như sầu riêng xưa nay vẫn dùng kg để mua bán.
Yến bằng 10kg thường
được áp dụng để cân các loại củ: khoai lang, khoai môn, khoai mì,… Có nơi, yến
chỉ có 6kg (theo Trần Minh Thương).
Tạ bằng 100kg = 10 yến,
được tính với hàng hóa có số lượng nhiều như gạo, khoai, bắp, heo… Tạ ta = 100
cân = 60kg, dùng trong mua bán khoai lang, khoai mì… Nhưng 1 tạ heo thì phải đủ
100kg.
Tấn bằng 1.000kg,
cũng dùng trong mua bán lớn.
HÌNH
:
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/1d42420c-00fe-4b90-9140-e31b8b798e38.jpg
Cân
xách và cân đòn. Ảnh Nguyễn Ngọc Minh.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/735766e6-68ad-44e8-b35e-506c84585ec6.jpg
Cân
dùng trong mua bán có nhiều loại như cân xách, cân dĩa, cân đồng hồ… Cân
tay (cân xách, cân đòn) có gắn móc hoặc dĩa một đầu để treo, đặt hàng
hóa. Phía trên có khoen sắt tròn để xách.
Khi
cân xách khoen sắt tròn lên và xê dịch quả cân trên đòn cân có khắc độ cho tới
khi cân bằng, đọc con số trên đòn cân để biết trọng lượng. Thường dùng để cân
những món đồ có trọng lượng nhỏ dưới 2kg. Khi thu mua heo, thương lái dùng loại
cân lớn, có thể thọc cây vào khoen sắt cho hai người khiêng, để cân con heo nặng
đến 300kg.
HÌNH
:
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/cb9c396e-cf90-490d-b779-062557e2a2d4.jpg
Cân
dĩa với các loại hòn cân.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/22ef23ac-bb2b-4f16-b8ab-d200c8a740e6.jpg
Cân
dĩa cũng
theo quy tắc “cân bằng” giữa dĩa để cục cân và dĩa để món đồ. Có các loại cục
cân bằng sắt: 50g, 100g, 200g, 500g, 1kg, 5kg. Một số người bán còn thay thế
các loại cục cân có trọng lượng nhỏ 50g, 100g bằng bó đinh lớn có trọng lượng
tương đương, nhưng độ chính xác sẽ không bằng cục cân. Ngày nay, loại cân này
đã rất hiếm ở các chợ, hầu như không còn dùng.
Cân
tiểu ly là
loại cân nhỏ, nhạy và chính xác để cân vàng bạc, quý kim, dược liệu đắt tiền.
Cân có một đòn nằm ngang treo thòng theo hai dĩa nhỏ ở hai đầu. Đơn vị đo là lượng
(lạng, “cây”) bằng 37,5g, chỉ bằng bằng 1/10 lượng (“khoẻn”), phân bằng 1/10 chỉ.
Cân
ngũ cốc cấu
tạo gọn, phần đế nặng. Giữa đế cân là một trục thăng bằng, có vạch và kim thăng
bằng. Một bên có giá đỡ để dĩa cân dạng hình bầu dục, hai đầu đĩa thuôn nhọn
thuận tiện cho việc xúc các loại hạt, ngũ cốc.
Cân
bàn để
cân các vật nặng, cồng kềnh, như lúa gạo, nông sản…
Cân
đồng hồ xuất
hiện vài chục năm gần đây và trở nên tiện lợi. Hiện có các loại cân 2kg, 5kg,
12kg, 20kg, 50kg, 100kg. Trên thực tế có việc gian lận qua việc chỉnh cân để
“cân non” (cân thiếu) cho khách hàng, nhất là các xe bán trái cây dọc đường,
nhiều khi mua 1kg chỉ còn 600-700g. Còn các bà thu mua ve chai thì lại dùng
“cân già” cho có lợi, buộc người bán phải sử dụng cân riêng của mình, có khi là
cân sức khỏe.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/3b8c021a-c980-4c20-9fda-a217ea8e8572.jpg
Cân
điện tử.
Các
hàng thịt ở chợ hiện nay sử dụng loại cân điện tử, độ chính xác
cao, tiện lợi, tính ra được cả giá tiền mặt hàng. Tuy có điều giá hơi mắc, vài
triệu đồng một cái cân.
Chuyện
đong
Thời
Pháp thuộc ở Nam Kỳ, các đơn vị dung tích được quy định lại như sau:
1
hộc = 26 thăng = 71,905 lít,
1
tạ thóc = 68kg,
1
vuông = 13 thăng = 35,953 lít sau lại định là 40 lít,
1
thăng = 2,766 lít,
1
hiệp = 0,1 thăng = 0,276 lít,
1
thược = 0,01 thăng = 0,0276 lít.
Đong
thóc dùng hộc và đong gạo dùng vuông vì một hộc thóc khi xay ra thì được 1
vuông gạo. 1 hộc thóc cân nặng 1 tạ.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/1b7c3549-72df-49d0-ab57-d7bf44df719c.jpg
Lít
loại 1kg.
Đơn
vị đong nhỏ nhất là lon, còn gọi là "lon sữa bò', loại hộp thiếc
đựng 397g sữa đặc có đường của hãng Nestlé (Pháp), cao 8cm, đường kính 7cm.
Ngày xưa rất phổ biến với loại sữa "Ông Thọ”, trẻ con hay dùng trong trò
chơi tạc lon, làm xe chơi Trung Thu. Nó được dùng để đong gạo thóc, 3 lon bằng
1 lít, 4 lon tương đương 1kg.
Tại
miền Bắc, thời bao cấp cũng sử dụng cái lon này để đong lúa, gạo, đậu… để quy
ra kg (4 lon), gọi là “bơ sữa bò” hay “bơ bò”. Thương lái thì có kiểu đong ăn
gian, 12 bơ sẽ thành 14 bơ. Còn lúc bán lại dùng “bơ non”, cái đáy lõm lên để
đong số lượng gạo ít hơn hoặc đong “nhẹ tay”.
1
lít bằng
750g. Cái lít có hình trụ, làm bằng thiếc, đường kính và chiều cao 20cm. Lít
dùng đong lúa, gạo, cám hay các loại hàng hóa khác như muối, đậu xanh, đậu
nành,… các loại chất lỏng như nước mắm, nước tương, rượu, xăng, dầu, nhớt…
Trước
năm 1975, ở miền Nam, khi mua gạo về nấu ở gia đình chỉ tính lít chứ không tính
kg như hiện nay.
Lít
sét là
vừa đúng 1 lít loại hột nhỏ, gạt ngang sát mí vật đong lường. Còn lít
vun là đong vun ngọn, có dung lượng hơn 1 lít, chỉ dùng khi đong hột
nhỏ như gạo thóc, hột bắp. Khi đong người ta dùng 1 cái ống tre hoặc ống nhựa để
gạt lúa gạo cho ngang mặt. Nếu đong ”nhẹ tay” thì vẫn thiếu như thường, ở chỗ
khi xúc và gạt. Từ khi chuyển sang cân ký, lít hầu như không còn dùng. Hiện
nay, một vài nơi người bán đặt làm cái lít đong vừa y 1kg gạo cho tiện.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/e9192ecc-a582-40d5-bf5b-2bc135f50c2f.jpg
Cái
thùng quan 20 lít. Ảnh: Lê Công Lý.
1 táo bằng
20 lít, tương đương 1 thùng, gọi là ”thùng quan”. Hai táo bằng một giạ. Táo gạo
này đổ ra đựng vừa đầy một thúng. Khi đươn thúng, người ta thường lấy cỡ như vậy
và gọi thúng đó là thúng táo (Trần Minh Thương). Ở Nam bộ, chứ nhà nghèo vẫn
mua 1 táo gạo để ăn dần.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/98f98390-96f3-47ee-a977-1a07e471d79f.jpg
Dụng
cụ đong lúa gạo: 1 lít, 5 lít và 20 lít. Ảnh: Lê Phùng Xuân
Một giạ bằng
40 lít, tức bằng 2 táo, dùng để đong lúa gạo, khoai, muối, cá. Giạ nan được
đan bằng nan tre, dày chắc, đáy vuông nhưng miệng tròn, đựng được 40 lít. Có
nơi giạ đựng 40 lít vun, có nơi chỉ được 40 lít sét. Giạ được đặt trên cái giá
gỗ hình chữ thập để bảo vệ cái đáy khỏi hư mòn.
Giạ
thùng xuất
hiện khoảng giữa thập niên 1950, được gò bằng tôn, chứa được 40 lít sét (Bùi
Thanh Kiên, Phương ngữ Nam bộ ghi chép và chú giải, tập 1). 1 giạ
thời Pháp được quy định là 40 lít khi đong gạo nhưng cũng có khi chỉ là 20 lít
cho một số mặt hàng.
Nếu
lúa tốt, không lép thì mỗi giạ lúa có thể hơn 20kg, nếu lúa lép mỗi giạ lúa chừng
18 – 19kg. Có nơi tính giạ bằng 25 ký. Giạ Tây có hai loại: loại 20 lít (nửa giạ)
và loại 40 lít (1 giạ).
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/e0b1e30c-4bca-4cd0-bae0-39fac732df96.jpg
Giạ
ta 36 lít. Ảnh: Lê Công Lý
Còn
giạ ta chỉ có khoảng 36 lít và được đong bằng cái giạ ta hình hộp chữ nhựt thiết
diện vuông, gọi là giạ chiếc, còn cái to gấp đôi (cỡ 72 lít) gọi là giạ đôi
(theo Lê Công Lý). Ở Trung bộ cũng dùng giạ để đong lúa, gọi là giạ 10, đan bằng
tre. Ở Sa Đéc, người ta lại dùng cái gia 42 lít và cái táo 21 lít.
Khi
dùng cái giạ, cái táo hoặc cái lít để đong lúa, gạo hoặc tấm, người ta phải
dùng thêm cái gạt bằng tre hoặc trúc để gạt, tức làm cho lúa, gạo hoặc tấm
trong cái giạ, cái táo hoặc cái lít ngang bằng với miệng cái giạ, miệng cái táo
hoặc miệng cái lít. Nhưng đối với cám, cá linh thì người ta đong vun, tức không
cần phải gạt. Các mặt hàng như muối, khoai lang, hột gòn… cũng đong như vậy.
Vào
mùa cá linh, nhiều người đi mua cá về, mỗi nhà vài ba giạ, để ủ nước mắm với
công thức 3 giạ cá, 1 giạ muối. Ở miền Tây, người bán muối thường chèo ghe dọc
theo sông rạch, sau khi ngã giá xong, người bán tự đong muối và đội muối lên
nhà người mua, dù nhà gần bến hay xa bến cũng vậy, có khi còn phải đổ muối vào
lu và khạp giúp người mua nữa (theo Cao Văn Nghiệp).
Trong
cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Nguyễn Hiến Lê cho biết về cái
“giạ”: “Lớn hơn thùng ngoài Bắc một chút. Đất tốt ở Nam Việt được trung bình
120 giạ một mẫu Tây, đặc biệt lắm mới được 150 hoặc 200 giạ. Ở Bắc Việt, mỗi mẫu
ta được trung bình 60 thùng, tức 180 thùng một mẫu Tây, bằng khoảng 150 giạ ở
Nam”.
Như
vậy, thì 1 thùng ngoài Bắc trên 40 lít. Còn ở trong Nam, khi nói đến thùng là
nói đến cái thùng dầu lửa hiệu con sò của hãng Shell, tức nói đến cái thùng có
dung tích 20 lít (tương đương với cái táo 20 lít). Một đôi nước = 2 thùng nước
= 40 lít nước (theo Cao Văn Nghiệp). Giạ đủ khoảng 20kg, còn giạ già khoảng 24,
25kg.
Miền
Tây Nam bộ, nhất là ở miệt vườn như Cái Mơn (huyện Chợ Lách, Bến Tre), các loại
hạt cây giống như sầu riêng, trái cốc cũng đong bằng cái táo (theo Võ Hồng
Như). Các loại chất lỏng như rượu, nước mắm, nước tương, dầu ăn, mỡ, dấm, xăng,
dầu hôi có đơn vị đo là xị, lít. 1 xị bằng 250ml, 4 xị bằng 1 lít.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/287724a9-9240-441a-9dcf-a912617ff85d.jpg
Cái
quặng (cống) để đong chất lỏng.
Đồ
dùng để đong lường làm bằng nhựa hoặc nhôm, gọi là “quặng” (phương ngữ Nam bộ,
miền Bắc gọi là “phễu”) hoặc “cống” với các đơn vị dung tích: 1/4 xị, ½ xị, 1 xị,
nửa lít, 1 lít. Ngày trước còn dùng các loại “cống” bằng tre, tận dụng các mắt
của nó để làm. Loại “cống” nhựa chỉ còn dùng mua bán lẻ ở vùng nông thôn hẻo
lánh.
Ngày
xưa, đong xăng dầu thường dùng cống nhôm nhưng ngày nay không còn sử dụng, đã
có các bình nhựa thay thế hoặc bơm thẳng từ cây xăng. Từ chỉ 1 đơn vị đo lường
chất lỏng, “xị” trở thành tiếng lóng chỉ “một trăm ngàn”, rồi “1 chai” là 1 triệu
đồng! Các loại nhiên liệu như xăng, dầu nếu số lượng ít người ta dùng đơn vị
lít, còn trong kinh doanh thì quy đổi ra trọng lượng là tấn, ví dụ 1 xe bồn có
trọng tải 8 tấn, 10 tấn, 12 tấn… 1 mét khối xăng dầu là 1.000 lít.
Chuyện
đo
Tầm
là đơn vị đo chiều dài thời xưa bằng 2,50m. Một công đất có 12 tầm mỗi cạnh, bằng
783,105m2. Tầm điền (tầm quan) dùng chính thức trong đo đạc. Tầm phát dài từ
2,70-3,0m, chủ điền dùng cho công đất để mướn phát, cấy, gặt (Bùi Thanh Kiên,
Phương ngữ Nam bộ ghi chép và chú giải, tập 2).
Ở
vùng Vĩnh Long, Cần Thơ, 1 công tầm cắt (đo khi cắt lúa) là 2,666m (công 10 #
1.000m2), phân biệt với công tầm điền (công 12 # 1.200m2).
Cao
là sào Tây, ký hiệu a, đơn vị đo diện tích đất đai bằng 100m2. Công (cao, sào)
là đơn vị đo diện tích có giá trị bằng 1/10ha (1.000m2). Công ta bằng 12 tầm
vuông, 489,440.16m2. Miền Bắc và miền Trung gọi là “sào”. Sào Bắc Bộ (15 thước)
bằng 360m2, sào Trung bộ (10 miếng) bằng 497m2.
Ở
Đông Nam bộ vẫn gọi là sào, nhưng tính là 1.000m2. Ở xã Vĩnh Thành (huyện Chợ
Lách, Bến Tre) có ông chủ vườn có đến 10 mẫu trồng măng cụt, rất giàu có, nên
có biệt hiệu là “ông trăm công” và dân địa phương gọi đó là vườn của “ông trăm
công”.
Hiện
nay đất đai đã chia ra cho con cháu, vẫn tiếp tục nghề vườn.
Mẫu
ta 10 công ta (150 thước x 150 thước) bằng 4.894,4016m2. Mẫu Tây bằng 10.000m2.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/fc3eecb6-e455-4288-98c8-8914c1dc9a35.jpg
Thước
Tàu 2,2 x 38cm. Ảnh: Nguyễn Ngọc Minh
Ở
Nam bộ có nhiều loại thước may, đo vải. Thế kỷ 19, người dân sử dụng nhiều loại
thước đo vải của người Hoa, thường gọi là “thước Tàu” với các chiều dài:
38cm, 70cm, 70,5cm, 71cm. Trên mặt thước có gạch phân (tỷ lệ) khắc chìm trong gỗ,
khảm ốc xà cừ 1 mặt các hình hoa dây, bông thọ, bông mai, bông lựu, đôi bướm
(theo Trương Ngọc Tường).
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/a238ad5f-a4fe-4cbc-9b0f-53f9033c76c8.jpg
Thước
thợ may xưa. Ảnh: Cao Văn Nghiệp
Thập
niên 1930, có cây thước ta, hình chữ nhật, dài 71cm (1 thước ta), để
may áo, gối. Sau này dùng thước thợ may, dài 5 tấc, hình hơi oval. Thước
dây nẹp vải dài 2m, dùng đo may quần áo. Hiện nay là thước hình chữ nhật,
dài 50cm, làm bằng mica. Người bán vải dùng cây thước 1m để đo mét vài đầu
tiên, sau đó cứ gấp lên nhiều lần đế tính số lượng nhiều.
Thước
mộc bằng
gỗ, có độ dài bằng một chống cánh chỏ (0,4826m) (theo Taberd), dài 0,44m (theo
Aubaret).
Thước
nách của
thợ mộc làm bằng gỗ, hình tam giác vuông cân, dùng đo góc vuông.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/1cfcc2a6-9065-4a16-9057-d3fcaba1c37d.jpg
Thước
Lỗ Ban
Thợ
sắt cũng dùng thước này khi canh ke cửa sổ. Thước Lỗ Ban là loại
thước mộc thời xưa dùng để đo kích thước nhà cửa, phòng ốc, đình viện, giường
phòng và các loại khí cụ. Hiện nay thước có chiều dài 5m, 7,5m, 10m.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/482a1057-face-4fb3-a94b-684ad2b42d0b.jpg
Thước
dây thợ may.
Hiện
nay sử dụng thước dây dùng đo đất dài đến 50m. Thước
lá bằng sắt dài 50, 100cm. Thợ sắt dùng thước kéo dài
7, 10m…
1 thước củi
mỗi bề là 1x1m, không tính độ dài khúc củi. Cát, đất, đá, xà bần, gỗ, nước,
xăng, dầu thì đo bằng mét khối (m3), gọi tắt là khối.
Chuyện
đếm
Các
loại cây như tre, tràm, cây gòn, cây vông làm nọc tiêu… trong mua bán đơn vị
tính bằng cây. Các loại trái to như như mít, đu đủ, thơm… tính bằng
trái, kiểu như bầu, bí 10.000đ/3 trái khá phổ biến trong mua bán hiện nay.
Rau,
cải ngày xưa bán bó, cứ bó bó to mà có mức giá quy định. Đồ hàng
bông như bắp cải, bông cải thì bán bắp, tức nguyên 1 cái.
Lá
chuối tươi, lá chuối khô để gói bánh, gói hàng thì tính theo xấp. 1
xấp có 4 tàu, xé ra thành 8 tờ. Người bán có lòng thì phân ra các loại lá lớn
nhỏ khác nhau để theo từng xấp, vì giá khác nhau.
Chuối
thì tính quày (buồng), nải. 1 quày có nhiều nải. Nếu
bán nguyên quày thì khuyến mãi luôn những nải chót có trái nhỏ không ngon bằng
các nải ở phía trên. Dừa nước, trái thốt nốt cũng bán nguyên cả quày hoặc chiết
ra bịch để bán lẻ.
Các
loại bánh tính bằng cây, bánh in thường 1 cây là một miếng hình chữ nhật, bánh
in nhưn đậu xanh 1 cây 10 cái. Banh xà lam xưa cũng 10 cái/cây, nay chỉ còn 6
cái.
Thuốc
rê tính miếng, khi bán cho kèm cuộc giấy quyến để vấn thuốc.
1 cây đường cát trắng, đường cát vàng có trọng lượng 12kg, bỏ
trong giấy xi măng vàng để bảo quản, khi mua chỉ tính tiền 10kg thôi. Còn 1 cây
đường thùng có trọng lượng 22kg, chứa trong thùng nhựa có gợn sóng, luôn luôn
là màu đỏ. Đường tán có hình oval, 42 miếng là 1kg. Đường được đóng trong bịch
12 miếng, ngày xưa dùng kho thịt cá, ăn cháo, uống với nước trà đãi khách.
(theo Võ Hồng Như).
1 vỉ thuốc
Tây có 10 viên, 1 hộp có từ 2-5 vỉ. 1 kết bia, nước ngọt có 20
chai, 1 thùng thì có 24 lon, thùng nhỏ chỉ có 6 lon. 1 gram giấy
photo có 500 tờ. 1kw điện bằng 1.000w, gọi tắt là “ký”. 1km bằng 1.000m,
dân gian gọi là “cây số”.
Trong
khi mâm cỗ, mâm đám cưới ở miền Bắc chỉ có 6 người, thì ở Nam bộ 1 bàn đám
cưới có 10, 12 chỗ ngồi.
Rắc
rối nhất là cách tính “chục”, nhất là chục trái cây ở miền Tây Nam bộ.
Chục dùng để chỉ 10 hoặc trên mười. Chục chẵn/chục mười/chục trơn là
đúng con số mười đơn vị hàng hóa.
Bảy
với ba, anh kêu rằng một chục
Tam
tứ lục, anh tính cửu chương.
(ca
dao)
Chục
đủ đầu/chục có đầu là
chục có trên mười đơn vị, số lượng tùy loại hàng hoặc tùy vùng. Chục 11:
khi mua chục thuốc giồng, người bán đưa một xấp 10 rê cột dây sẵn và 1 rê rời gọi
là rê đầu. Đối với trái cây thì tính chục gồm 12, 14, 16, 18… đến 24 trái!
Trong cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Nguyễn Hiến Lê cho biết, ở
tỉnh Tân An, 1 chục trái cây được tính từ 12, 14 cho đến 16 trái.
Tỉnh
Long Xuyên và tỉnh Sa Đéc cũng áp dụng cách tính này. Vùng Tiền Giang, Vĩnh
Long, Bến Tre, Đồng Tháp tính chục trái cây 12 (dừa khô, măng cụt, thơm, xoài,
trầu…). Bến Tre, Vĩnh Long trước đây, bắp, xoài tính chục 16. Ở Cái Mơn (huyện
Chợ Lách, Bến Tre) chục trái cây là 12, nhưng ở Mỏ Cày cũng thuộc Bến Tre lại
là chục 14. Trước 1975, ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) tính 1 chục 18. Cau ăn trầu tính
chục 16 quả.
Ở
Sóc Trăng trước đây tính chục 14 trái, sau năm 1975 chục chỉ còn 12. Hiện nay ở
Trà Vinh vẫn còn cách tính chục trái cây 12, 14 trái đối với dừa tươi, cam,
quýt, cau hay trước đây 1 bó mía vẫn là 12, 14 cây, nay mía cũng được bó lại để
cân ký luôn.
Ở
Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) hiện nay bắp vẫn tính chục 10 hoặc 12 trái. Còn ở
Bình Phước 1 chục bắp có nơi lên đến 16, 18 trái.
Các
loại bánh ú, bánh ít, bánh cúng, bánh dừa, bánh xếp… cũng đều là chục 12 cái.
Có người để dễ bán họ tăng lên chục 14 cái.
Lố (tá) là chục có
đầu, 12 đơn vị hàng hóa, ví dụ như trứng gà, trứng vịt, ly, tách, bàn chải… nửa
lố thì 6 cái. Nhưng chén, tô, dĩa, bình thì 1 chục chỉ có 12 cái. Cách
tính chục đủ đầu là hình thức ưu đãi cho người mua về bán lẻ, người mua chỉ phải
trả tiền cho số chục trơn.
Trăm là số đếm của
1.00, dùng để tính các mặt hàng có số lượng lớn như bánh tráng, gạch, giạ gạo,
cây, trái cây…
Thiên là số đếm của
1.000. Trong buôn bán người ta dùng thiên trơn (chẵn 1.000 đơn
vị đồ vật).
Thiên có đầu tùy
mặt hàng và tùy theo quy định của mỗi địa phương. Một thiên lá xé là một ngàn
đôi lá xé làm hai, tức 1.000 tàu lá nguyên. Một thiên có đầu là 1.100 (thuốc
rê), 1.200 (dừa khô).
Tiếng
đồn con gái Thủ Biên,
Bạc
Liêu đi cưới một thiên cá mòi
(Bùi
Thanh Kiên, Phương ngữ Nam bộ ghi chép và chú giải, tập 2).
Chỉ
duy nhất 1 thiên lúa lại là 100 giạ, nhiều sách vở hay nhầm là 1.000 giạ bởi chữ
“thiên” của nó. 1 thiên gạch có 1.000 viên. 1 thiên măng cụt gồm 1.000 trái, loại
trái cây có giá trị thứ hai sau sầu riêng. Hiện nay, 1 thiên trái cây chỉ có
giá trị là 1.000 đơn vị.
Muôn là 10.000 đơn vị,
dùng cho các số đếm lớn như lá lợp nhà, gạch xây dựng… Khi thu mua lúa gạo người
ta dùng thẻ đếm, để tính số lượng lúa bán cho lái buôn. Những nhà
khá giả có nhiều ruộng ở nông thôn Nam bộ sử dụng ba loại thẻ: cỡ nhỏ (thẻ 1 giạ),
cỡ trung (thẻ 10 giạ), cỡ lớn (thẻ 100 giạ = thẻ thiên).
Thẻ
tính số lượng gạo để
tính số lượng gạo vác từ ghe lên kho nhà máy chế biến lương thực, được chở từ
miền Tây lên. Để kiểm soát được số lượng lương thực khuân vác từ ghe lên kho,
người chủ ghe dùng thẻ đếm này phát cho các công nhân vác gạo, cứ 1 bao gạo để
vác lên thì người chủ kho thu 1 thẻ. Trước 1975, gạo đựng trong bao chỉ xanh,
bao dây đay có sọc xanh (100kg, gọi là bao tạ), nay chỉ dùng bao 50kg.
Ít
nhất từ thập niên 1960, ở Nam bộ đã phổ biến bàn tính có nguồn
gốc từ Trung Quốc, dùng để tính toán, áp dụng cho phép tính cộng trừ.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/bd8dc8fc-4fa0-499d-bdd4-9d70700226c9.jpg
Bàn
tính Tàu (ảnh tư liệu)
Bàn
tính có hình chữ nhật, ở giữa có thanh gỗ chia làm hai ô lớn nhỏ. Có 15 thanh sắt
nằm dọc theo chiều bàn toán để xâu các con tính vào (các con tính hình khối
tròn ở giữa có lỗ). Ở các ô lớn mỗi hàng có 5 con tính, ô nhỏ mỗi hàng có 2 con
tính, tổng cộng 105 con tính.
Cách
tính: để bàn tính nằm ngang trước mặt, tất cả các con tính đặt về phía cạnh của
khung, tính từ phải sang trái (hàng 1 là hàng đơn vị, hàng chục, hàng trăm,
hàng ngàn).
Hàng
1: hàng đơn vị, mỗi con tính là 1 đơn vị tính; hàng 2: mỗi con tính là 5 đơn vị
tính, khi 5 con tính đã được sử dụng hết thì thay bằng 1 con tính ở hàng 2
(theo Kiều Đào Phương Vy). Người Việt cũng dùng bàn toán này, nhưng người Hoa
dùng nhiều hơn. Hồi tôi học cấp 1, nhà trường có dạy học sinh cách dùng bàn
tính này.
Hệ
thống đo lường cùng với cách thức giao dịch trong cân, đong, đo, đếm phản ảnh
trình độ kỹ thuật, phương thức sản xuất, sản phẩm hàng hóa, cách thức sáng tạo
ra các đơn vị tính toán và cả tâm tính, thói quen, đạo đức của người dân Nam bộ
trong mua bán.
Qua
đây cho thấy rõ sự tiến bộ của công nghệ trong việc định chuẩn các đơn vị đo lường
theo hướng ngày càng hiện đại, văn minh và cả văn hóa trong mua bán.
Nguyễn
Thanh Lợi
Nguồn:
Theo KTNN số 1030, Doanh Nhân Plus
No comments:
Post a Comment