Thursday, June 6, 2024

TIÊU THỤ THAN ĐÁ VÀ PHÁT THẢI CỦA VIỆT NAM ĐẠT MỨC KỶ LỤC TRONG 4 THÁNG ĐẦU NĂM (VOA Tiếng Việt)

 



Tiêu thụ than đá và phát thải của Việt Nam đạt mức kỷ lục trong 4 tháng đầu năm

VOA Tiếng Việt

https://www.voatiengviet.com/a/tieu-thu-than-da-phat-thai-viet-nam-dat-muc-ky-luc-4-thang-dau-nam/7644495.html

 

Lượng than đá được sử dụng, nhập khẩu và khí thải từ đốt than của Việt Nam tăng cao kỷ lục trong 4 tháng đầu năm nay, báo Bangkok Post và trang Oilprice.com cho biết hôm 5/6.

 

https://gdb.voanews.com/B6DAD378-DDF7-408F-9476-2B816191DBE2_cx0_cy9_cw0_w1023_r1_s.jpg

Nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân

 

Công suất nhiệt điện đốt than đạt mức cao kỷ lục và chiếm 64,6% sản lượng điện của Việt Nam trong tháng 4, căn cứ vào dữ liệu của Ember, một tổ chức nghiên cứu về năng lượng, theo Bangkok Post và Oilprice.com.

 

Con số đó tăng mạnh từ tỷ lệ trung bình là 46% trong năm 2023. Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng điện từ đốt than là 57 terawatt giờ, tức 57 nghìn tỷ watt giờ, cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 42,5%. Hệ quả là lượng phát thải đã tăng 34% thành 53,6 triệu tấn CO2, vẫn theo Ember, được Bangkok Post và Oilprice.com dẫn lại.

 

Song song với diễn biến đó, trong 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã tăng nhập khẩu than nhiệt 71% so với cùng kỳ năm 2023, Bangkok Post viết, dẫn dữ liệu của Kpler, hãng chuyên theo dõi hoạt động thương mại toàn cầu.

 

Từ tháng 1 đến hết tháng 5, 17,8 triệu tấn than đã được giao cho Việt Nam, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 7 triệu tấn và tương tương hơn 55% toàn bộ lượng than nhập trong cả năm 2023.

 

Những điều kể trên diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vẫn được xem là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài trong khi các hãng đẩy mạnh việc chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang các nước lân cận có chi phí lao động thấp hơn.

 

Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi lớn từ việc dịch chuyển chuỗi cung khỏi Trung Quốc trong những năm gần đây, theo đó, các cơ sở sản xuất và lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh cùng với việc các hãng xây nhà xưởng và mở rộng sản xuất ở đất nước Đông Nam Á.

 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên toàn cầu từ nay đến hết năm 2029.

 

Nhưng để bảo đảm cấp đủ năng lượng với giá thấp cho lĩnh vực sản xuất-chế tạo đang tăng trưởng nhanh, các nhà sản xuất điện của Việt Nam đã phải ưu tiên việc phát điện từ nhiên liệu hóa thạch hơn là các nỗ lực giảm carbon trong ngành điện, dù đó vẫn là một mục tiêu trong các kế hoạch dài hạn của đất nước, Bangkok post viết.

 

Ember, tổ chức nghiên cứu về năng lượng, đưa ra nhận xét hồi tháng 5 rằng trong một thập niên vừa qua, nhu cầu điện của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi và để đáp ứng cho điều đó, đất nước này đã tăng gấp đôi việc phát điện bằng than, dẫn đến lượng phát thải tăng gấp 3, bài đăng của Oilprice.com cho biết.

 

Vẫn Ember nói rằng các kế hoạch gần đây nhất của Việt Nam cho thấy quốc gia này sẽ tăng hơn gấp đôi công suất điện từ nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030.

 

Bangkok Post chỉ ra rằng do tăng mạnh việc sử dụng than, Việt Nam đã vượt qua Hàn Quốc trong năm nay về lượng phát thải từ đốt than và nhiều khả năng đến hết năm 2024, Việt Nam sẽ là nước phát thải nhiều thứ tư ở châu Á, chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.

 

Việc Việt Nam lệ thuộc nhiều hơn vào than cho thấy rõ rằng các nước đang phát triển nhanh rất khó gỡ nhiệt điện than ra khỏi hệ thống điện khi các nước này dựa vào các nguồn năng lượng rẻ và dồi dào để tạo ra lợi thế cạnh tranh kinh tế.

 

 

 

 



No comments: