Những bài học cũ và mới
từ Chiến tranh Ukraine
Joseph S. Nye - The Strategist
Biên dịch: Viên
Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
https://nghiencuuquocte.org/2024/06/10/nhung-bai-hoc-cu-va-moi-tu-chien-tranh-ukraine/
Hai
năm trước, tôi đã phác thảo ra tám bài học rút ra từ cuộc chiến tranh Ukraine.
Mặc dù tôi đã cảnh báo rằng còn quá sớm để tự tin về bất kỳ dự đoán nào, nhưng
những bài học này vẫn tương đối chính xác.
Vào
tháng 2 năm 2022, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh xâm lược Ukraine,
ông dự tính sẽ nhanh chóng chiếm được thủ đô Kyiv và thay đổi chính phủ, giống
như những gì Liên Xô đã làm ở Hungary năm 1956 và Tiệp Khắc năm 1968. Nhưng cuộc
chiến vẫn đang diễn ra ác liệt, và không ai biết khi nào hoặc nó sẽ kết thúc
như thế nào.
Nếu
nhìn nhận cuộc xung đột này là “cuộc chiến giành độc lập” của Ukraine, thay vì
quá tập trung vào biên giới, thì người Ukraine đã giành chiến thắng. Putin đã
phủ nhận Ukraine là một quốc gia có chủ quyền, nhưng hành động của ông chỉ củng
cố thêm bản sắc dân tộc Ukraine.
Vậy
chúng ta còn rút ra được bài học nào khác? Thứ nhất, vũ khí cũ và mới bổ sung
cho nhau. Bất chấp thành công ban đầu của vũ khí chống tăng trong việc bảo vệ
Kyiv, tôi đã cảnh báo một cách chính xác rằng tuyên bố về sự kết thúc của kỷ
nguyên xe tăng vẫn còn vội vàng khi chiến trường chuyển từ vùng ngoại ô phía bắc
sang các vùng đồng bằng phía đông Ukraine. Tuy nhiên, tôi đã không lường trước
được hiệu quả của drone như vũ khí chống tăng và chống hạm, cũng như đã không
mong đợi Ukraine có thể đẩy lùi Hải quân Nga khỏi nửa phía tây của Biển Đen.
(Pháo binh và mìn cũng đóng một vai trò quan trọng khi cuộc xung đột chuyển
sang hình thức chiến chiến hào kiểu CTTG I).
Tiếp
theo, răn đe hạt nhân có hiệu quả, nhưng nó phụ thuộc nhiều hơn vào mức độ rủi
ro tương đối khi so sánh với năng lực. Phương Tây đã bị răn đe, nhưng chỉ đến một
mức độ nhất định. Lời đe dọa hạt nhân của Putin đã khiến các chính phủ NATO
không gửi quân (mặc dù có gửi trang thiết bị) đến Ukraine. Nhưng lý do không phải
vì Nga có năng lực hạt nhân vượt trội; mà đúng hơn là Putin coi Ukraine là lợi
ích quốc gia sống còn của Nga, trong khi các chính phủ phương Tây thì không.
Trong khi đó, việc Putin khoa trương vũ lực hạt nhân không ngăn cản phương Tây
mở rộng phạm vi vũ khí mà họ cung cấp cho Ukraine; và cho đến nay, phương Tây
đã răn đe được Putin tấn công bất kỳ quốc gia NATO nào.
Thứ
ba, sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau không ngăn chặn chiến tranh. Một số nhà hoạch
định chính sách Đức cho rằng cắt đứt quan hệ thương mại với Nga sẽ tốn kém đến
mức không bên nào đối đầu công khai. Nhưng trong khi sự phụ thuộc kinh tế lẫn
nhau có thể làm tăng chi phí chiến tranh, nó không nhất thiết ngăn chặn chiến
tranh. Quan trọng hơn, sự phụ thuộc kinh tế không cân bằng có thể bị vũ khí hóa
bởi bên ít phụ thuộc hơn.
Thứ
tư, các biện pháp trừng phạt có thể làm tăng chi phí, nhưng chúng không quyết định
kết quả trong ngắn hạn. Hãy nhớ rằng Giám đốc CIA William Burns đã gặp Putin
vào tháng 11 năm 2021 và cảnh báo, nhưng vô ích, về các lệnh trừng phạt có thể
xảy ra nếu Nga xâm lược. Putin có thể nghi ngờ việc phương Tây có thể duy trì sự
đoàn kết toàn cầu về các lệnh trừng phạt, và ông đã đúng. Dầu là một loại hàng
hóa có thể thay thế được, và nhiều quốc gia, không chỉ có Ấn Độ, rất vui mừng
được nhập khẩu dầu thô giá rẻ của Nga được vận chuyển bằng một đội tàu chở dầu
bất thường.
Tuy
nhiên, giống như tôi dự đoán hai năm trước, những lo ngại của Trung Quốc về việc
bị liên lụy đến các lệnh trừng phạt thứ cấp dường như đã đặt ra một số giới hạn
cho sự hỗ trợ của họ đối với Nga. Mặc dù Trung Quốc đã cung cấp các loại công
nghệ lưỡng dụng quan trọng (phù hợp cho cả mục đích quân sự hoặc dân sự), nhưng
họ đã kiềm chế không gửi vũ khí. Với bức tranh phức tạp này, sẽ cần một thời
gian trước khi chúng ta có thể đánh giá đầy đủ tác dụng lâu dài của các biện
pháp trừng phạt đối với Nga.
Thứ
năm, chiến tranh thông tin có tác động. Chiến tranh hiện đại không chỉ xoay
quanh việc ai thắng trên chiến trường; mà còn là ai chiến thắng trong việc kể
câu chuyện của mình. Việc tiết lộ cẩn thận các thông tin tình báo của Mỹ về kế
hoạch xâm lược của Nga đã chứng tỏ hiệu quả trong việc vạch trần âm mưu mà
Putin muốn người châu Âu tin, và nó đóng góp rất lớn vào sự đoàn kết của phương
Tây khi cuộc xâm lược diễn ra như dự đoán. Tương tự, Tổng thống Ukraine
Volodymyr Zelensky đã làm một công việc phi thường trong việc quảng bá câu chuyện
của đất nước mình ở phương Tây.
Thứ
sáu, cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm đều quan trọng. Mặc dù sức mạnh cứng rắn,
cưỡng ép lấn át sức mạnh mềm trong thời gian ngắn, nhưng sức mạnh mềm vẫn đóng
vai trò rất lớn. Putin đã thất bại trong bài kiểm tra sức mạnh mềm ngay từ đầu.
Sự man rợ trắng trợn của các lực lượng Nga ở Ukraine cuối cùng đã buộc Đức phải
hủy bỏ đường ống dẫn khí Nord Stream 2, một kết quả mà nhiều năm gây sức ép của
Mỹ đã không đạt được. Ngược lại, Tổng thống Zelensky ngay từ đầu đã dựa vào sức
mạnh mềm. Sử dụng kỹ năng diễn xuất của mình để trình bày một bức chân dung hấp
dẫn về Ukraine, ông không chỉ giành được sự đồng cảm của phương Tây, mà còn đảm
bảo việc cung cấp các trang thiết bị quân sự tạo nền tảng cho sức mạnh cứng.
Thứ
bảy, khả năng tấn công mạng không phải là viên đạn bạc. Nga đã sử dụng vũ khí mạng
để can thiệp vào lưới điện của Ukraine từ ít nhất là năm 2015, và nhiều nhà
phân tích dự đoán rằng một cuộc tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào cơ sở hạ tầng
và chính phủ của Ukraine sẽ biến bất kỳ cuộc xâm lược nào thành một sự đã rồi.
Nhưng trong khi có nhiều cuộc tấn công mạng (được báo cáo) trong cuộc chiến,
không có cuộc tấn công nào mang tính quyết định. Khi mạng Viasat của Ukraine bị
hack, họ bắt đầu giao tiếp thông qua nhiều vệ tinh nhỏ của Starlink. Với việc
huấn luyện và kinh nghiệm chiến trường, khả năng phòng thủ và tấn công mạng của
Ukraine vẫn luôn được cải thiện.
Do
đó, một bài học khác là sau khi chiến tranh bắt đầu, vũ khí động năng cung cấp
cho chỉ huy tính kịp thời, chính xác và đánh giá thiệt hại cao hơn so với vũ
khí mạng. Tuy nhiên, chiến tranh điện từ vẫn có thể can thiệp vào các liên kết
cần thiết cho việc sử dụng drone.
Cuối
cùng, chiến tranh là không thể đoán trước. Bài học quan trọng nhất từ cuộc chiến
tranh Ukraine vẫn là một trong những bài học lâu đời nhất. Hai năm trước, nhiều
người mong đợi một chiến thắng nhanh chóng của Nga, và chỉ một năm trước, người
ta kỳ vọng rất nhiều vào một cuộc phản công mùa hè thắng lợi của Ukraine. Nhưng
như Shakespeare đã viết cách đây hơn bốn thế kỷ, thật nguy hiểm cho một nhà
lãnh đạo “tuyên chiến và thả đàn chó săn” (nguyên văn trong tác phẩm của
Shakespearre: cry Havoc! and let slip the dogs of war – ND).
Những
lợi ích có thể thu vén được từ một cuộc chiến tranh ngắn ngủi là rất hấp dẫn.
Putin chắc chắn không bao giờ ngờ rằng mình sẽ bị sa lầy vô thời hạn. Ông ta đã
xoay sở để truyền thông cuộc chiến tranh tiêu hao của mình cho người dân Nga trở
thành một cuộc đấu tranh yêu nước vĩ đại chống lại phương Tây. Nhưng những con
chó săn mà ông ta đã thả ra vẫn có thể quay lại và cắn ông ta.
---------------------
Joseph
S. Nye, Jr,
giáo sư danh dự tại Trường Harvard Kennedy và cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng
Hoa Kỳ, gần đây nhất là tác giả cuốn A Life in the American Century.
Nguồn: Joseph S. Nye,
“Old and new lessons
from the Ukraine War”, The
Strategist, 07/06/2024
No comments:
Post a Comment