Nga-Bắc
Triều Tiên, một mối hợp tác kinh tế « không giới hạn »
Thanh
Hà - RFI
Đăng
ngày: 25/06/2024 - 15:41
2024 kinh tế Bắc Triều Tiên có triển vọng tăng
trưởng trở lại sau 4 năm thụt lùi nhờ mở rộng hợp tác với Nga ? Vế kinh tế
và thương mại ít được nhắc đến trong chuyến đi Bình Nhưỡng của tổng thống
Vladimir Putin. Mọi chú ý tập trung vào điều khoản « hỗ trợ phòng thủ
chung », bằng « mọi phương tiện » và « không chậm trễ » tức
không chỉ giới hạn về mặt quân sự trong « hiệp ước đối tác chiến lược »
được lãnh đạo hai nước ký kết hôm 19/06/2024.
Tổng
thống Nga, Vladimir Putin (T) và chủ tịch Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un tại Bình
Nhưỡng, ngày 19/06/2024. © Spoutnik/Gavriil Grigorov/Pool via REUTERS
1
tỷ đô la cho Bắc Triều Tiên
Theo
giới quan sát, « hiệp ước đối tác chiến lược » mặc nhiên cho phép đôi
bên chính thức hoá các khoản giao dịch, mua bán vũ khí vào lúc từ mùa hè 2023,
đã rộ lên tin tình báo Bắc Triều Tiên cung cấp đạn dược và có thể là cả tên lửa
đạn đạo cho Nga để phục vụ trên các mặt trận Ukraina. Trong báo cáo được công bố
đầu năm 2024, hãng tin Mỹ Bloomberg thẩm định nhờ các khoản giao dịch này mà
Bình Nhưỡng đã thu về được « tối thiểu một tỷ đô la »
Tại
một quốc gia 60 % dân số sống dưới ngưỡng nghèo khó và thường xuyên thiếu
thương thực, thực phẩm, Bắc Triều Tiên ắt hẳn đã trông cậy nhiều vào mối quan hệ
« đối tác chiến lược » vừa ký kết với Nga tuần trước để vực dậy kinh tế.
Thế nhưng các tài liệu chính thức của Matxcơva và Bình Nhưỡng cũng như truyền
thông quốc tế ít chú trọng vào các các chương trình hợp tác song phương trong
các lĩnh vực như thương mại, nông nghiệp hay năng lượng.
Đài
phát thanh Đức Deutsche Welle hôm 18/06/2024 trích dẫn kinh tế gia Anwita Basu
chuyên phân tích về rủi ro của các quốc gia trên thế giới của Fitch Solutions,
chi nhánh của công ty thẩm định tài chính Mỹ Fitch ghi nhận : Thỏa thuận
quân sự với Nga là chiếc phao cứu tăng trưởng của Bắc Triều Tiên. Nhờ các hợp đồng
chuyển giao đạn dược cho Matxcơva, GDP của Bắc Triều Tiên năm nay hy vọng tăng
1 %.
Dưới
tác động đại dịch Covid-19 và các biện pháp trừng phạt ban hành từ 2016, tổng sảm
phẩm nội địa Bắc Triều Tiên năm 2020 giảm 4,5 %.
Đến
nay Trung Quốc là cửa ngõ giao thương chính nhưng trong ba năm liền Bắc Kinh
đóng cửa biên giới để chống dịch, cộng thêm với lệnh cấm suất khẩu than đá Bắc
Triều Tiên sang Trung Quốc, mãi đến năm 2023, tổng kim ngạch trao đổi mậu dịch
hai chiều mới tìm lại được mức của hồi cuối 2018.
Trả
lời ban tiếng Việt RFI Barthélémy Courmont, giám đốc nghiên cứu chương trình
châu Á –Thái Bình Dương Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS nhìn
nhận đối với Bắc Triều Tiên vế kinh tế và lương thực rất quan trọng nhưng đón
được Vladimir Putin tại Bình Nhưỡng trước hết là một thắng lợi ngoại giao đối với
ông Kim Jong Un.
« Chắc
chắn đôi bên đàm phán về hợp tác kinh tế, nhưng chúng ta chưa biết rõ về những
gì đã được thông qua nhân chuyến viếng thăm Bình Nhưỡng vừa qua của ông Putin.
Dù vậy, ngả về phía Nga là một thắng lợi ngoại giao rất lớn của Bắc Triều
Tiên : trong chớp mắt, Bắc Triều Tiên bắt cộng đồng quốc tế phải chú ý đến
mình. Bình Nhưỡng cũng giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Chúng ta biết rằng Bắc
Triều Tiên thiếu hụt lương thực kinh niên, kinh tế kiệt quệ do các biện pháp trừng
phạt cộng đồng quốc tế ban hành từ hàng chục năm nay … Bắt tay với Putin, Kim
Jong Un có thể trông chờ vào dầu hỏa, lương thực, phân bón của Nga. Nhưng ưu
tiên của Bình Nhưỡng là giải quyết vấn đề thiếu hụt lương thực thực phẩm và khởi
động lại các hoạt động kinh tế bị tê liệt từ sau đại dịch Covid. Lương thực là
một thách thức thường trực đối với quốc gia này ».
Kinh
tế, một phần trong hiệp ước đối tác chiến lược song phương
Một
điểm nhấn khác : Hiệp ước đối tác chiến lược giữa Bắc Triều Tiên và Nga
quy định đôi bên có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt, bằng mọi
phương tiện khi một trong hai phía bị tấn công. Điều đó bao hàm cả các khoản hỗ
trợ về mặt kinh tế. Cũng Deutsche Welle nhắc lại ngành công nghiệp quốc phòng của
Bắc Triều Tiên cũng là « một cột trụ kinh tế » của nước này. Gần
2 triệu trên tổng số 26 triệu dân Bắc Triều Tiên làm việc trong lĩnh vực nhạy cảm
nói trên, vừa để phục vụ quân đội quốc gia, vừa để cung cấp cho một số « nước
bạn » từng thuộc Liên Xô cũ hay tại châu Phi. Đương nhiên là để sản xuất
vũ khí Bắc Triều Tiên cần mua vào một số phụ tùng và đến nay là qua trung gian
của hai đồng minh đắc lực là Trung Quốc và Iran.
Hợp
tác « tấn công trên mạng »
Thêm
một yếu tố khác Bắc Triều Tiên và Nga dễ dàng cộng tác mà đương nhiên là không
thể ghi vào văn bản của hiệp ước đối tác chiến lược song phương là hoạt động
tin tặc. Chuyên gia của Fitch Solutions, Anwita Basu ghi nhận Nga và Bắc Triều
Tiên cùng « nuôi dưỡng một đội quân hàng ngàn người chỉ chuyên tấn công
trên mạng nhắm vào các mục tiêu của phương Tây ». Đây là một lĩnh vực
hợp tác theo đuổi các mục tiêu quân sự và kinh tế mà đôi bên có thể hỗ trợ lẫn
nhau.
Bình
Nhưỡng bớt phụ thuộc vào Bắc Kinh
Trung
Quốc đánh giá thế nào về mối liên hệ ngày càng thắm thiết giữa Bắc Triều Tiên
và Nga ? Với Matxcơva, Bắc Kinh đã thiết lập mối quan hệ « vững
như bàn thạch », còn đối với Bình Nhưỡng, từ trước tới nay Trung Quốc
luôn là cửa ngõ giao thương quan trọng nhất. Theo nhà nghiên cứu Barthélémy
Courmont, liên minh Nga-Bắc Triều Tiên đặt Kim Jong Un trong thế mạnh hơn bao
giờ hết, kể cả trong đối thoại với Bắc Kinh :
« Đến
nay Trung Quốc và Bắc Triều Tiên có mối quan hệ hữu hảo nhưng Bắc Kinh không
tán đồng những hoạt động ồn ào của Bình Nhưỡng trong lĩnh vực hạt nhân và đạn đạo.
Trung Quốc không là một đồng minh của Bắc Triều Tiên, mà chỉ là điểm tựa của chế
độ Kim Jong Un về kinh tế, về thương mại và nhất là để khai thác tài nguyên của
Bắc Triều Tiên. Ông Tập Cận Bình không muốn Kim Jong Un khuấy động tình hình,
đe dọa ổn định ở bán đảo Triều Tiên ngay sát cạnh cửa ngõ Trung Quốc. Với sự yểm
trợ của
Nga, Bắc Triều Tiên có thể phá vỡ nguyên trạng
kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc ».
Kim
Jong Un đe dọa thịnh vượng chung châu Á ?
Cũng
Barthélémy Courmont, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược, IRIS của Pháp nhìn rộng
ra hơn và ông cho rằng mối « đối tác chiến lược » Nga-Bắc Triều Tiên
đang làm thay đổi cục diện của toàn khu vực một khi mà Matxcơva đã đứng hẳn về
phía Bình Nhưỡng, chấm dứt mọi nỗ lực « phi hạt nhân hóa bán đảo Triều
Tiên » :
« Điểm
then chốt trong hợp tác này là một sự giúp đỡ lẫn nhau trong trường hợp một
trong hai bên liên quan bị xâm lấn. Nói cách khách, Bắc Triều Tiên chính thức hỗ
trợ Nga trong cuộc chiến ở Ukraina và như vậy mặc nhiên cung cấp vũ khí cho
Matxcơva và sẽ còn tích cực hơn nữa để giúp Nga. Đối lại trong trường hợp căng
thẳng gia tăng tại bán đảo Triều Tiên thì Nga cũng sẽ can thiệp, tiếp sức với
Bình Nhưỡng. Như vậy ở đây Nga không còn đóng vai trò trung gian mà đã quay trở
lại với vị trí như thời Liên Xô tức là lại trở thành ‘đồng minh’ của Bắc Triều
Tiên. Kèm theo đó là những hệ quả rất nghiêm trọng, chẳng hạn như là tại Hội Đồng
Bảo An Liên Hiệp Quốc hay nếu như nổ ra xung đột vũ trang trên bán đảo Triều
Tiên. Đấy mới là điểm quan trọng trong thỏa thuận này,bởi xét cho cùng, việc
Bình Nhưỡng hỗ trợ Matxcơva trong chiến tranh Ukraina đã được thông qua từ cuộc
gặp lần trước vào mùa thu năm ngoái giữa Vladimir Putin và Kim Jong Un ».
« Nga
dùng Bắc Triều Tiên để gây rối tại Đông Bắc Á »
Trong
cuộc trả lời dành cho RFI tiếng Việt chuyên gia Pháp Barthélémy Courmont nhiều
lần nhấn mạnh : phương Tây từng lo ngại thấy Bắc Triều Tiên cung cấp « cả
trăm contener đạn dược cho Nga », châm thêm củi lửa cho cỗ máy
chiến tranh của tổng thống Putin tại Ukraina nhưng vũ khí Bắc Triều Tiên
« không làm thay đổi tương quan lực lượng trên chiến trường
Ukraina ». Tương tự như vậy những thỏa thuận về thương mại hay kinh tế
rất có thể là đã được các phái đoàn hai nước thảo luận với nhau từ trước khi tổng
thống Nga công du Bắc Triều Tiên… Vả lại việc thông báo mở rộng hợp tác với Bắc
Triều Tiên về năng lượng, về y tế hay nông nghiệp, không là điều quan trọng nhất
trong mắt tổng thống Putin.
« Nga
hài lòng nhận được đạn dược của Bắc Triều Tiên để tiếp sức cho chiến tranh
Ukraina nhưng vũ khí của Bắc Triều Tiên không làm đảo ngược tình hình trên chiến
trường, thành thử đối với Matxcơva điểm quan trọng nằm ở chỗ, liên kết với Bình
Nhưỡng cho phép Matxcơva củng cố vị thế ở Châu Á Thái Bình Dương, tìm lại vị
trí đã đánh mất tại một vùng mà ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc ngày càng lớn. Với
thỏa thuận quân sự này, qua trung gian Bắc Triều Tiên, Nga có thể gây rối trong
khu vực, gây áp lực với các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là
hai quốc gia châu Á duy nhất lên án và trừng phạt Matxcơva xâm chiếm
Ukraina ».
Thịnh
vượng của châu Á một phần được đặt tại Matxcơva
Đây
cũng là quan điểm của giáo sư Alexander Clarkson, trường King’s College tại
Luân Đôn. Không chỉ với phương Tây, mà cả Bắc Kinh Putin qua việc bắt tay với
Kim Jong Un muốn chứng minh rằng, Nga có khả năng gây rối ở bán đảo Triều Tiên,
đó là điều mà cả Mỹ và các đồng minh đông bắc Á cũng như Trung Quốc cùng không
mong muốn.
Đâu
đó tổng thống Nga muốn nhắc nhở cộng đồng quốc tế rằng, chìa khóa thịnh vượng của
khu vực châu Á Thái Bình Dương phần nào đang được đặt ở Matxcơva. Trong chiều
hướng đó, viễn cảnh Nga giúp Bắc Triều Tiên về công nghệ tên lửa đạn đạo, về kỹ
thuật phóng vệ tinh do thám, về công nghệ tàu ngầm … có nguy cơ khuynh đảo thế
cân bằng và đe dọa sự thịnh vương chung của châu Á …
Từ
cuối thập niên 1940 Liên Xô đã luôn sát cánh với Bắc Triều Tiên hỗ trợ mạnh mẽ
chế độ của Kim Nhật Thành về mặt kinh tế. Đến đầu thập niên 1990 sau khi Liên
Xô sụp đổ, bản thân nước Nga tự tìm một hướng đi mới về kinh tế và đã có phần
lơ là với đối tác Bắc Triều Tiên. Nhưng khi cần khẳng định vai trò của Matxcơva
tại Đông Bắc Á, thì điện Kremlin luôn dễ dàng làm sống lại những mối thâm giao
trong quá khứ để thúc đẩy trở lại các chương trình hợp tác kinh tế dưới nhiều
hình thức khác nhau.
No comments:
Post a Comment