Wednesday, June 26, 2024

BIỂN ĐÔNG : MANILA MUỐN GIẢM CĂNG THẲNG VỚI BẮC KINH, ĐỘ TIN CẬY CỦA MỸ BỊ LUNG LAY (Minh Anh / RFI)

 



Biển Đông : Manila muốn giảm căng thẳng với Bắc Kinh, độ tin cậy của Mỹ bị lung lay

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 25/06/2024 - 15:12

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20240625-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-manila-mu%E1%BB%91n-gi%E1%BA%A3m-c%C4%83ng-th%E1%BA%B3ng-v%E1%BB%9Bi-b%E1%BA%AFc-kinh-%C4%91%E1%BB%99-tin-c%E1%BA%ADy-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9-b%E1%BB%8B-lung-lay  

 

Một tuần sau vụ đụng độ dữ dội suýt dẫn đến chết người giữa hải cảnh Trung Quốc và thủy thủ Philippines hôm thứ Hai 17/6 ở Biển Đông, cả Manila và Washington đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tiếp cận ngoại giao cho dù Bắc Kinh không muốn thỏa hiệp. Tuy nhiên, theo Asia Times, việc Philippines xuống thang, không muốn duy trì căng thẳng với Trung Quốc, đang làm dấy lên nỗi ngờ vực về mức độ tin cậy đối với đồng minh Mỹ.

 

https://s.rfi.fr/media/display/ee31e936-32f1-11ef-b47b-005056a97e36/w:980/p:16x9/AP24173433253590.webp

Nhân viên Tuần duyên Philippine bị đứt ngón tay trong cuộc đối đầu ngày 17/06/2024 với Trung Quốc được tư lệnh Quân đội Romeo Brawner Jr trao tặng huy chương. AP

 

Washington và Manila có Hiệp ước Phòng thủ chung MDT. Theo đó, Hoa Kỳ cam kết nghĩa vụ bảo vệ Philippines trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công vũ trang nhắm vào quân đội và tầu công vụ của Philippines, kể cả ở Biển Đông. Đương nhiên, ngay sau vụ việc xảy ra, Washington đã nhanh chóng lên án điều được gọi là hành động « leo thang và vô trách nhiệm » của lực lượng hải cảnh Trung Quốc.

 

Chính phủ Philippines tuy công khai chỉ trích các hành vi « cưỡng bức, hung hăng và man rợ » của Trung Quốc, nhưng đã nhanh chóng giảm bớt căng thẳng khi cho rằng sự cố mới nhất chưa cấu thành một « cuộc tấn công vũ trang », đó có thể là kết quả của một « sự hiểu lầm hoặc tai nạn »… và đã nhanh chóng dập tắt mọi suy đoán về khả năng viện dẫn MDT. Còn Trung Quốc thì chỉ trích Philippines đã vi phạm thỏa thuận được cho là có từ trước liên quan đến Bãi Cỏ Mây.

 

Trên thực tế, từ nhiều thập niên qua, Trung Quốc luôn nuôi hy vọng có thể đuổi số binh sĩ Philippines trú đóng trên chiếc tầu chiến BRP Sierra Madre mắc cạn ra khỏi Bãi Cỏ Mây một cách hòa bình do điều kiện khắc nghiệt và không được tiếp tế đầy đủ.

 

Bắc Kinh một mặt mở rộng các hoạt động cải tạo đảo ở khu vực có tranh chấp, nhưng đồng thời siết chặt gọng kềm quanh các thực thể do Philippines chiếm đóng khi cho huy động đông đảo số lượng tầu đánh cá, tầu chiến và tầu dân quân tự vệ.

 

Siêu cường châu Á bắt đầu nghi ngờ Philippines vận chuyển vật liệu xây dựng để củng cố căn cứ. Một báo cáo gần đây cho thấy Manila đã cho gia cố chiếc tàu BRP Sierra Madre cũ nát. Điều này dường như đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ, và có các biện pháp đáp trả quyết liệt.

Bất chấp cuộc đụng độ dữ dội, làm một thủy thủ Philippines bị thương, nhưng MDT vẫn không được kích hoạt như dự đoán của nhiều nhà phân tích hàng đầu ở Manila. Theo Asia Times, Bắc Kinh đã khôn khéo sử dụng chiến thuật « vùng xám » khi sử dụng gậy gộc, các loại vũ khí thô sơ để hành hung binh sĩ Philippines.

 

Một lỗ hổng chiến lược mà vào năm 2023, đã được bộ tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương (INDOPACOM) ghi nhận, đồng thời đề nghị mở rộng phạm vi thêm áp dụng của hiệp ước đối với cả những kiểu « tấn công vũ trang phi động học có thể dẫn đến tử vong, thương tích, thiệt hại, gây thương tích hay phá hoại đồ vật ».

 

Tuy nhiên, đề nghị mở rộng các tiêu chí để khởi động MDT vẫn bị chính quyền tổng thống Biden từ chối, và chỉ đưa ra những cam kết chung chung được cho là « sắt đá » nhưng không bao gồm các cuộc tấn công vùng xám nhắm vào quân đội Philippines.

 

Sự cố ngày 17/06 làm dấy lên mối ngờ vực về độ tin cậy của Mỹ cũng như là tính chất khôn ngoan của chính quyền Marcos trong việc mở rộng hợp tác quân sự với các đồng minh phương Tây mà không có được một cam kết rõ ràng đối với những tranh chấp đang gây căng thẳng ở Biển Đông.

 

Cho đến hiện tại, cả Manila và Washington đều chọn cách tiếp cận ngoại giao dù rằng trên thực tế, Bắc Kinh tỏ ra không muốn thỏa hiệp trong việc giải quyết tranh chấp. Dưới áp lực ngày càng tăng, Manila có thể sẽ thúc đẩy xem xét lại các nguyên tắc và nghĩa vụ phòng thủ chung với Mỹ.

 

Liệu rằng Washington có sẵn sàng mở rộng cam kết với Manila vào lúc siêu cường hàng đầu thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu và nhất là đang trong mùa bầu cử tổng thống Mỹ ?

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

 

PHILIPPINES - TRUNG QUỐC - BIỂN ĐÔNG

Manila muốn đối thoại sau vụ đụng độ giữa hải cảnh Trung Quốc và hải quân Philippines ở Biển Đông

 

BIỂN ĐÔNG - TRUNG QUỐC - PHILIPPINES

Vụ đụng độ gần Bãi Cỏ Mây: Philippines tố cáo Trung Quốc ‘‘sử dụng vũ lực bất hợp pháp’’

 

PHILIPPINES - TRUNG QUỐC - BIỂN ĐÔNG

Đụng độ với Trung Quốc gần Bãi Cỏ Mây: Philippines tuyên bố chưa kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ






No comments: