Sunday, June 23, 2024

DƯ ÂM CHUYẾN THĂM HÀ NỘI CỦA PUTIN (Trần Hiếu Chân / Blog RFA)

 



Dư âm chuyến thăm Hà Nội của Putin

Bình luận của Blogger Trần Hiếu Chân
2024.06.23

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/what-left-over-after-putin-s-trip-06232024090911.html

 

Lõi đời như một cô gái sành điệu, Việt Nam đã “dating” cùng lúc với cả “ba chàng trai” tiềm năng (The Three Bigs)?

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/what-left-over-after-putin-s-trip-06232024090911.html/@@images/69920795-4a93-4679-9f1a-00505ca7e1e7.jpeg

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Việt Nam Tô Lâm nâng cốc tại một bữa tiệc tại Hà Nội hôm 20/6/2024   (Gavriil GRIGOROV / POOL / AFP)

 

Bữa tiệc nào rồi cũng đến lúc tàn… Hai bức chân dung khủng của Tô Lâm và Putin dựng trong Phủ Chủ tịch tại Hà Nội đã được hạ xuống. 21 phát đại bác gầm rú trong điệu nhạc “thề phanh thây uống máu quân thù” cũng đi vào quên lãng trong giới quan sát. Chỉ còn lại là dư âm từ phát biểu của Putin ở Hà Nội, thậm chí cả trên đường trở lại Điện Kemlin, Nga có thể cung cấp vũ khí cho Triều Tiên và lời cảnh báo đi kèm – bị dư luận cho là điên khùng – về khả năng Matxcơva sẽ vũ trang cho Bình Nhưỡng để phản ứng lại việc phương Tây “chống lưng” cho Ukraine trong cuộc chiến đấu vệ quốc của mình (1). Quyền lực của Tô Lâm càng “được lên men” dịp này qua việc ông cùng với Putin cam kết làm sâu hơn quan hệ chiến lược toàn diện (2). Một bình luận từ “East Asia Forum” cho rằng, tân Chủ tịch nước Việt Nam đã tận dụng được cuộc chiến chống tham nhũng để thăng tiến, thậm chí có cơ hội để nắm luôn vị trí quyền lực cao nhất là Tổng bí thư Đảng Cộng sản (3). Còn “Al Jazeera” thì đưa ra cảnh báo, tình hình nhân quyền có thể sẽ tồi tệ hơn ở Việt Nam khi ông Tô Lâm ngày càng tiến lên đỉnh cao quyền lực.

 

Khép lại bài viết của mình, Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) Elaine Pearson trên “Al Jazeera” nhắn nhủ: “Giờ đây, ở cương vị Nguyên thủ quốc gia, ông Lâm sẽ tiếp nhiều phái đoàn quốc tế trong các dịp nghi lễ chính thức và đàm phán ngoại giao. Khi bắt tay ông ấy, các nhà ngoại giao chớ nên quên rằng, leo lên mỗi nấc thang quyền lực, Tô Lâm đã để lại phía sau rất nhiều tội ác và gây ra biết bao tổn hại đối với nhân quyền ở Việt Nam” (4). Trong các số báo ra ngày 21/6/2024, cả ba nhật báo lớn ở Pháp “Les Echos”, “Le Figaro” và “Le Monde” đều nhấn mạnh đến một nội dung, qua các chuyến công du, Tổng thống (TT) Putin muốn chứng tỏ ông không hoàn toàn bị cô lập trên trường quốc tế. Liên quan đến Việt Nam, đây là dịp để truyền thông Pháp nhắc lại chính sách “ngoại giao cây tre” của Hà Nội, cũng như mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Hà Nội và Matxcơva, vì năm nay đánh dấu 30 năm đôi bên ký kết Hiệp ước hữu nghị Nga – Việt (5).

 

Việc ông Nguyễn Phú Trọng đứng ra mời TT Putin, cho dù ông Putin không còn giữ chức Chủ tịch Đảng “Nước Nga Thống nhất”; rồi tiếp đến các cuộc hội đàm riêng rẽ giữa Putin với cả Chủ tịch nước (CTN) Tô Lâm lẫn Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng, cho thấy dường như Việt Nam có đến “hai Nguyên thủ quốc gia”. Điều này phản ánh sự lúng túng của Việt Nam qua các các động thái lễ tân phức tạp. Không những tổ chức rình rang để đón một chính khách hàng đầu của một liên minh cũ từ thời mồ ma Xô Viết. Mà ngay giờ đây, chính khách ấy lại đang là đối tượng của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC). Dẫu Việt Nam không phải là thành viên ký Quy chế Roma, nên không bị gây sức ép, không chịu sự ràng buộc phải tuân theo quy định của Tòa ICC, thế nhưng Việt Nam vẫn vấp phải sự không hài lòng của Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là sự phản ứng khá gay gắt từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

 

Nhưng có lẽ dư âm sẽ còn đọng lại lâu nhất là phơi bày ra những nguyên nhân sâu xa của việc, tại sao lãnh đạo Hà Nội, bất chấp mọi ì xèo ở cả quốc nội lẫn quốc tế, vẫn mạo hiểm mời và đón tiếp trọng thị “tân Sa Hoàng” của nước Nga? Hóa ra, chủ nghĩa thực dụng, chứ không phải “những ràng buộc quá đát” của ý thức hệ Xô Viết lỗi thời, đã dẫn dắt định hướng của ban lãnh đạo Ba Đình. Trong một phân tích sâu sắc và bao quát, Khang Vũ, nghiên cứu sinh Tiến sĩ từ Đại học Boston (Mỹ) đã chỉ ra ba yêu cầu quan trọng nhất về an ninh tổng thể mà Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện đang phải đối mặt. Giờ đây, Hà Nội đang tìm mọi cách (i) bảo vệ an ninh chế độ, (ii) bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và (iii) duy trì môi trường hòa bình và sự ổn định bên ngoài, có lợi cho tăng trưởng kinh tế (6). Hành động như một cô gái sành điệu, Việt Nam đã “dating” cùng lúc với cả “ba chàng trai” tiềm năng (The Three Bigs).

 

Hoa Kỳ – vốn là siêu cường từ thời Chiến tranh Lạnh, và hy vọng Hợp chủng quốc sẽ còn duy trì được vị thế này dài dài – từng hứa hẹn giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và môi trường hòa bình trong không gian “Ấn Độ Đương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” (FOIP). Nâng vượt cấp quan hệ với Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện (CSP), trước tiên cũng là để phục vụ mục đích (ii) và (iii). Trung Quốc, câu chuyện ngàn năm ấy, nhưng bao giờ cũng mới, tuy “nàng” chỉ hy vọng vào “chàng” giúp cho mục tiêu thứ nhất (i). Đơn giản là vì, nếu giữ được chế độ cho Đảng CSVN, có nghĩa là buộc được “nàng” vào “của hồi môn” Mác – Lê – Hồ thì suốt đời, “nàng” không thể thoát khỏi “vòng tay cầu hôn”, dù “chàng” có tệ bạc bao nhiêu nữa cũng cam chịu. Nước Nga Xô Viết trước đây hẳn nhiên đến với “nàng” sớm nhất, từ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Có điều “xưa sao phong gấm rủ là/ Giờ sao tan tác như hoa giữa đường…”

 

Tuy không còn quyền lực như xưa, Putin đến lần này vẫn mang theo quà tặng và đặc biệt là lời hứa, cùng lúc sẽ giúp Hà Nội thực hiện cả ba mục tiêu nói trên. Tuyên bố chung (TBC) Việt Nam và Nga vào ngày 20/6 bao gồm ý tưởng về cái gọi là “cấu trúc an ninh và hợp tác bình đẳng”. Theo đó, Việt Nam và Nga cho rằng “cần tăng cường các nỗ lực chung của khu vực nhằm xây dựng tại châu Á – Thái Bình Dương… không chia tách, mang tính toàn diện, mở và minh bạch, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình xung đột, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Hai bên phản đối việc chia rẽ cấu trúc châu Á – Thái Bình Dương với vai trò trung tâm của ASEAN, tác động tiêu cực đến việc mở rộng và tăng cường đối thoại chung của khu vực” (7). Trên thực tế, nếu Nga tuân thủ những cơ sở pháp lý ghi trong TBC này thì đã không có cuộc chiến tranh xâm lược của Putin ở Ukraine!

 

TBC và mười một văn kiện ký kết (MOU) mở ra cho Việt Nam một số triển vọng, nhất là các dự án về chế biến dầu thô, khí hóa lỏng, công nghệ hạt nhân và năng lượng nguyên tử… Tuy nhiên, với tất cả các kế hoạch đồ sộ này, nhưng nếu nước Nga của Putin lại ủng hộ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông, như một phát biểu trước đây của ông ấy, không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế (CPA), thì liệu hợp tác Nga – Việt tại các giềng dầu sẽ mở rộng có đủ để ngăn chặn các âm mưu từ “chiến lược vùng xám” của Trung Quốc trên Biển Đông? (8). Cho nên, có khi lời khuyên chân thành của Đại sứ Ukraine tại Hà Nội Oleksandr Gaman lại hữu lý khi nhà ngoại giao này khẳng định rằng, ký kết các thỏa thuận với Putin có thể sẽ là vô ích (9).

 

Trả lời Reuters, nhà nghiên cứu Murray Hiebert từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) đánh giá, mặc dù chuyến đi của Putin khiến Mỹ và các đồng minh lo ngại, nhưng Hà Nội đã tính toán chính xác về việc sẽ không phải gánh chịu nhiều hậu quả. Hiebert nhấn mạnh đến việc Washington đang tùy thuộc vào mức độ cao vào mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam để làm đối trọng với Trung Quốc trong khu vực. Trong khi đó, trả lời New York Times, bà Hoàng Thị Hà, nhà nghiên cứu cấp cao từ viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho rằng: “Dù Nga có thể đề nghị gì đi chăng nữa thì Việt Nam chưa chắc đã vồ vập đón nhận và tạo bất kỳ ấn tượng nào rằng, Việt Nam đang cùng phe với Nga trên mặt trận chống phương Tây” (10).

____________

Tham khảo:

(1) https://www.voatiengviet.com/a/putin-tuyen-bo-nga-co-the-cung-cap-vu-khi-cho-trieu-tien/7664184.html

(2) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/to-lam-and-putin-vow-to-strengthen-strategic-relationship-06202024082041.html

(3) https://eastasiaforum.org/2024/06/21/to-lams-ambitious-ascent-in-vietnam/

(4) https://www.aljazeera.com/opinions/2024/6/19/beware-of-vietnams-new-authoritarian-president

(5) https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20240622-tt-nga-putin-c%C3%B4ng-du-vi%E1%BB%87t-nam-c%C6%A1-h%E1%BB%99i-h%C3%A0-n%E1%BB%99i-tr%E1%BA%AFc-nghi%E1%BB%87m-ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch-s%C3%A1ch-ngo%E1%BA%A1i-giao-%C4%91a-ph%C6%B0%C6%A1ng-h%C3%B3a

(6) https://thediplomat.com/2024/06/putins-trip-to-vietnam-the-next-phase-of-major-power-competition/

(7 và 10) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cv22y3e3l9yo

(8) https://www.voatiengviet.com/a/su-that-va-doi-tra-qua-chuyen-tham-ha-noi-cua-putin/7665349.html

(9) https://www.voatiengviet.com/a/dai-su-ukraine-hanoi-putin-lam-giam-hop-tac-kinh-te-ukraine-viet-nam-ky-thoa-thuan-voi-putin-vo-ich/7660638.html

___________

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

* Trần Hiếu Chân là một blogger, đồng thời cũng là nhà báo độc lập tích cực tham gia vào mạng lưới xã hội đấu tranh vì tự do báo chí, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Blogger này cũng là một trong những nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và đường lối ngoại giao của Việt Nam và các nước ASEAN.

 

------------------------

Tin, bài liên quan

BLOG

·        Hậu quả từ bệnh cuồng Nga của một số người Việt

·        Quan hệ Việt – Nga: Xung lực mới cho những thập niên tới

·        Khéo dư nước mắt khóc... tổ mối

·        Cuộc sống của Vladimir Putin như thế nào?

 






No comments: