'Cấm
khẩu' Thích Chân Quang: Từ góc nhìn tự do ngôn luận
Võ Văn Quản /
Luật Khoa tạp chí
JUN
22, 2024
https://www.luatkhoa.com/2024/06/cam-khau-thich-chan-quang-tu-goc-nhin-tu-do-ngon-luan/
https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2024/06/47329847392.jpg
Thượng
tọa Thích Chân Quang. Ảnh gốc: Báo Công thương. Đồ họa: V.K / Luật Khoa.
iệu
ngay cả những lời thuyết giảng biến tấu đi sai đạo pháp và có phần khơi gợi dị
đoan, cuồng tín cũng nên được xem là tự do ngôn luận?
Vào
ngày 19/6/2024, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ
luật Thượng tọa Thích Chân Quang. [1] Lý do là các bài thuyết giảng được
lan truyền của ông “gây hoang mang trong xã hội”, “bị cộng đồng phản ứng và làm
suy giảm niềm tin Phật pháp”, và “ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội”.
Về
nội dung kỷ luật, chúng ta cũng có thể thấy các nội dung xử lý không quá nghiêm
khắc nhưng cũng không phải là giơ cao đánh khẽ, với việc cấm ông Thích Chân
Quang chủ trì tổ chức sự kiện tập trung đông người tại chùa, cấm thuyết giảng
dưới mọi hình thức trong vòng hai năm. Những người đã quy y theo các giáo điều
do ông Thích Chân Quang tự ý sửa chữa cũng bị ảnh hưởng vì bị thu hồi lại Phái
Quy y Tam bảo.
Ngoài
ra, cũng cần ghi nhận rằng quyết định này thật ra không chỉ là kết quả của các
hoạt động tự kiểm tra, giám sát, và tự cải chính từ bên trong Giáo hội. Chỉ trước
đó mười ngày, chính Ban Tôn giáo Chính phủ đã đề
nghị thẩm tra các phát ngôn của vị thượng tọa này. [2] Cơ quan này cho
rằng ông Thích Chân Quang đã có những phát ngôn trong một số video clip lan
truyền trên mạng xã hội “không đúng với giáo lý, giáo luật, truyền thống văn
hóa của Phật giáo và lịch sử của dân tộc Việt Nam; sửa đổi giới cấm trong chứng
điệp quy y Tam bảo của Phật giáo…”.
Nói
cách khác, sự can thiệp của chính quyền vào việc kiểm soát và giới hạn ngôn luận
của Thích Chân Quang là có thể chứng minh được.
Trong
bối cảnh này, những người ủng hộ tự do ngôn luận rơi vào một thế khó.
Không
ai có thể phủ nhận những sai lầm và ngộ nhận trong phát ngôn của ông Thích Chân
Quang trong rất nhiều vấn đề, từ các lý thuyết về nhân quả, nghiệp, cách hiểu về
đạo Phật cho đến nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa khác. Việc các ban trị sự địa
phương lẫn trung ương của Giáo hội buộc phải can thiệp chấn chỉnh phát ngôn, một
điều mà họ gần như chưa bao giờ làm, cho thấy độ nghiêm trọng của những sai lầm
đó. Những người ủng hộ tự do ngôn luận có thể đều đồng tình với nhận định
này.
Nhưng
có nên ủng hộ việc cấm khẩu ông Thích Chân Quang không?
Nếu ủng
hộ, liệu chính những người ủng hộ tự do ngôn luận có đang rơi vào tình
trạng tiêu chuẩn kép? Phát ngôn của ông Thích Chân Quang không hề có ý kích động
bạo lực hay thù hận sắc tộc, tôn giáo, vì sao nó lại nên bị kiểm soát, giới hạn?
Phải chăng họ chỉ bảo vệ quyền tự do ngôn luận đơn giản vì những người thuộc phổ
chính trị của mình bị ảnh hưởng?
Và
nếu không ủng hộ, liệu họ có đang gây khó khăn cho việc duy
trì trật tự xã hội, giới hạn tin giả, tin xuyên tạc, và các phát ngôn có khả
năng gây ảnh hưởng đến lợi ích công cộng?
Bài
này nêu ra ba luận điểm để ủng hộ cấm khẩu Thích Chân Quang nhưng không xung đột
với tự do ngôn luận.
Luận
điểm ủng hộ thứ nhất: Chuyện nội bộ của Giáo hội
Luận
điểm đầu tiên mà những người ủng hộ tự do ngôn luận nhưng tán đồng việc giới hạn
tạm thời quyền nói của ông Thích Chân Quang là phạm vi dân sự của lệnh cấm khẩu
này.
Họ
có thể cho rằng thứ mà họ chống đối là các chính phủ đang hình sự hóa hành vi
ngôn luận, xếp phát ngôn thành tội ác và trừng phạt người phát ngôn bằng tù đày
hay các biện pháp cưỡng chế khác (như phạt vi phạm hành chính). Tuy nhiên, điều
này không hạn chế các biện pháp can thiệp, cải chính ngôn luận khác, nằm trong
phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự, ví dụ như (i) sự can thiệp của một tổ
chức nghề nghiệp, chuyên môn; (ii) sự can thiệp và tẩy chay của cộng đồng; hay
(iii) sự can thiệp của các biện pháp tư pháp dân sự.
Ngay
cả tổ chức Ân
xá Quốc tế (Amnesty International), một trong những tổ chức ủng hộ quyền
tự do ngôn luận năng động nhất trên thế giới cũng không nhắm đến việc bảo vệ mọi
phát ngôn. [3] Vấn đề là phát ngôn đó có bị hình sự hóa một cách tùy tiện hay
không. Tương tự, trong một nghiên cứu của Viện Brookings (Hoa Kỳ) vào năm 2019,
giai đoạn đỉnh điểm của các thảo luận về tin giả và chiến dịch xuyên tạc thông
tin tại Hoa Kỳ, tác giả Niam Yaraghi không ngần ngại đề xuất các mạng xã hội “cấm
thẳng tay” tất cả các nội dung được xác định là tin giả, hoặc nhẹ hơn thì
hiển thị thông tin kiểm chứng bên cạnh tin giả. [4]
Trong
trường hợp của ông Thích Chân Quang, rõ ràng ông chỉ bị cấm khẩu trong phạm vi
của Giáo hội, vốn có thẩm quyền riêng của họ đối với các tỳ kheo, tăng đoàn
trong việc phát ngôn và giữ gìn hình ảnh của mình. Nói cách khác, đây hoàn toàn
là một quan hệ dân sự thông thường, không nằm trong phạm vi tự do ngôn luận mà
các hệ thống pháp luật như Việt Nam thường có ý can thiệp.
Ngoài
ra, Giáo hội cũng chỉ giới hạn ông Thích Chân Quang trong việc phát ngôn về triết
lý nhà Phật (không được thuyết giảng, không được chủ trì sự kiện lớn tại chùa),
chứ không giới hạn quyền phát ngôn của công dân Vương Tấn Việt trong bối cảnh
chính trị Việt Nam. Đây là một trong những luận điểm mạnh mẽ nhất cho nhóm ủng
hộ tự do ngôn luận nhưng cũng tán đồng việc kỷ luật và giới hạn ngôn luận của
ông này.
Luận
điểm ủng hộ thứ hai: Quyền lực vượt trội của Thích Chân Quang
Có
một niềm tin rằng không nên cấm đoán ngôn luận, cho dù ngôn luận đó có sai, bởi
vì càng thảo luận nhiều thì càng tiến gần tới sự thật hơn. Niềm tin này còn được
gọi là lý thuyết phản ngôn (counter-speech).
Trong
trường hợp của các giáo sĩ, chức sắc tôn giáo, lý thuyết này gần như không có
tác dụng.
Lý
thuyết phản ngôn xuất phát từ hệ thống án lệ Hoa Kỳ, mà cụ thể là từ Thẩm phán
Tối cao Pháp viện Louis D. Brandeis trong án lệ Whitney
v. California (1927), trong đó ông ghi nhận rằng để bóc trần sự giả
hiệu và ngụy tạo, giải pháp là nhiều ngôn luận hơn, chứ không phải là bịt miệng.
[5]
Tuy
nhiên, như đã nói, lý thuyết phản ngôn gần như vô dụng với các nhân vật như ông
Thích Chân Quang, do địa vị xã hội và thẩm quyền tôn giáo của ông. Ông là một
người có quyền lực. Ai phản đối ông đều có thể bị các tín đồ và đệ tử của ông
chỉ trích hay đe dọa.
Nói
cách khác, để phản ngôn là một lý thuyết có ý nghĩa thì tương quan quyền lực của
hai bên phải cân bằng.
Sự
can thiệp của một tổ chức có thẩm quyền và có đủ tiếng nói tôn giáo như Giáo hội
có lẽ là biện pháp tốt nhất để chấm dứt các tranh cãi liên quan, từ đó xác lập
được đúng và sai, chân lý trong vụ việc. Và như đã nói ở luận điểm một, cách tiếp
cận này không phải là sự trừng phạt hình sự, hành chính bừa bãi.
Luận
điểm thứ ba: Tính chất nguy hiểm cho xã hội
Luận
điểm cuối cùng của những người ủng hộ tự do ngôn luận nhưng cũng đồng thời ủng
hộ can thiệp khi cần thiết là tiêu chuẩn “legitimate
aims”, tức mục tiêu chính đáng trong pháp luật. [6] Khái niệm mục tiêu
chính đáng thường bao gồm một phổ các quy định khá rộng, được quy định trong Điều
19 Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị (ICCPR) hay Điều 10 của
Công ước về Nhân quyền của Liên minh Châu Âu, bao gồm an toàn công cộng, ngăn
chặn tội phạm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ quyền và uy tín của các cá
nhân khác.
Hiểu
đơn giản, mục tiêu chính đáng cho phép chính phủ can thiệp và hạn chế quyền tự
do ngôn luận. Tuy nhiên, các định chế dân sự như Giáo hội cũng có thể dựa vào
đó mà đưa ra quyết định riêng cho tổ chức của mình.
Trong
trường hợp của ông Thích Chân Quang, nhiều người đồng thuận rằng các lời giảng
của ông này không những đi ngược lại triết lý Phật giáo, mà còn bắt đầu có màu
sắc thần thông, mê tín, với xu hướng củng cố và phát triển giáo phái tự phong.
Hiển nhiên, đây là một cách tiếp cận còn gây nhiều tranh cãi bởi tôn giáo tự
thân nó có thể được xem là mê tín, hay thậm chí có màu sắc tà giáo. Vậy chúng
ta có thể giới hạn ngôn luận tôn giáo và các biểu đạt có màu sắc mê tín gần tôn
giáo hay không?
Trong
vụ án United
States v. Ballard (1944), Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ thừa
nhận rằng có nhiều hành vi, trò lừa đảo, và hành vi phạm pháp núp bóng tôn
giáo. [7] Pháp viện từ đó cho rằng không có lý do gì để cản trở chính quyền Hoa
Kỳ can thiệp về một số khía cạnh hành chính, hình sự hay dân sự những giáo phái
như vậy, hiển nhiên là bao gồm các điều kiện về tố tụng công bằng.
Đây
có thể là cách tiếp cận để hiểu câu chuyện của ông Thích Chân Quang và khả năng
can thiệp vào các phát ngôn của ông.
Một
vài ví dụ có thể nói đến, như đã kể trên khi ông này tự ý thay đổi Năm giới căn
bản của Phật giáo dành cho người tu tại gia; hay ông cũng liên tục dùng lý thuyết
“nghiệp” để chỉ trích và đe dọa quả báo đối với người tập thể hình, người chơi
chứng khoán, người đi du lịch, người câu cá, hay thậm chí là cách một người ăn
hay nằm. Ông còn khuyên người ta ăn giun để trị bệnh. Ngoài ra, vấn đề cúng dường
cũng được giải thích là cơ hội để gặp may, tìm lại đồ đã mất. Cách giảng giải
này, cộng với việc clip của ông thường có độ lan truyền mạnh, gây ảnh hưởng đến
cách quần chúng hiểu và áp dụng Phật giáo nói chung, dù ở Việt Nam hay trên thế
giới.
Sự
can thiệp - của chính quyền hay của Giáo hội - vào ngôn luận của Thượng tọa
Thích Chân Quang, với tất cả các yếu tố trên, từ đó mà trở thành hợp lý và có
thể được ủng hộ. Hiển nhiên, sự can thiệp này có hợp lý hay không vẫn đi kèm những
điều kiện khác nhau áp dụng cho chính quyền hay Giáo hội. Tùy vào từng phát
ngôn mà có thể ủng hộ chính quyền can thiệp hay Giáo hội can thiệp.
***
Bài
viết này chỉ mới dừng lại ở mức độ tìm hiểu cách mà những người ủng hộ tự do
ngôn luận có thể tán thành việc giới hạn ngôn luận của ông Thích Chân Quang. Hiển
nhiên, nếu nhìn nó một cách hoài nghi, những lý giải này nghe như chúng đã được
sử dụng đâu đó trong các văn bản và cáo trạng mà cơ quan chức năng Việt Nam
dùng để nhắm tới những người phát ngôn trên mạng xã hội. Tuy nhiên, như người
viết đã trình bày, giới hạn phi hình sự hóa có lẽ là điểm khác biệt quan trọng
giữa những người ủng hộ tự do ngôn luận và đại đa số các cơ quan chức năng. Phần
còn lại, đối với tình hình ngôn luận, tin giả, và tin tức AI sáng tạo hiện nay,
can thiệp vào không gian thông tin là một chuyện sớm muộn mà thôi.
----------------
Đọc
thêm:
Vì
sao Phật giáo Việt Nam có xu hướng ngày càng mê tín?
Việt
Nam sau 30/4/1975: “Mê tín dị đoan” trở thành “bản sắc dân tộc” như thế nào – Kỳ
1
Luật
Khoa tạp chí / Trần Phương
Hai
cách ứng xử với “tóc Phật” Ba Vàng
Luật
Khoa tạp chí / Nguyễn
Anh Tuấn
No comments:
Post a Comment