Tuesday, June 25, 2024

CON ĐƯỜNG CỦA KẺ SĨ (Thái Kế Toại / Văn Việt)

 



Con đường của kẻ sĩ

Thái Kế Toại

21 Tháng Sáu, 2024

https://vanviet.info/tren-ke-sach/con-duong-cua-ke-si/

 

Sau tiểu thuyết Quỷ vương xuất bản 2016 Vũ Ngọc Tiến lại vừa hoàn thành bản thảo cuốn tiểu thuyết mới Đời kẻ sĩ.[*]

 

Vẫn trung thành với đề tài người trí thức trong cuộc chiến chống tham nhũng- tiêu cực của xã hội hiện tại, Vũ Ngọc Tiến cũng trung thành với thủ pháp lấy tấm gương lịch sử để soi vào hôm nay. Nếu như ở Quỷ vương, lịch sử là phần cuối suy thoái của nhà Lê sơ và phần đầu nhà Mạc thì trong Đời kẻ sĩ là phần cuối của nhà Lê Trung hưng và phần khởi đầu của nhà Tây Sơn. Nhân vật trí thức hiện tại thì vẫn gồm cả người có nghĩa khí dám đấu tranh chống tiêu cực và kẻ có học lọt được vào bộ máy quyền lực. Cuộc đấu tranh sinh tử giữa hai loại người này được soi chiếu bởi những tia sáng từ quá khứ, vừa là sự đối chứng vừa là lời cảnh tỉnh nhắc nhở cho sự tồn tại của nhân vật hiện tại. Ở Quỷ vương là nhà nghiên cứu sử học Bùi Hiếu Dân và tiền kiếp – nho sinh Bùi Phụng. Ở Đời kẻ sĩ thì là Tiến sĩ Nguyễn Duy Thiện và Quận công Nguyễn Hữu Chỉnh, vị tổ phụ của anh.

 

Đời kẻ sĩ vẫn là kiểu tiểu thuyết hai trong một. Trong cốt chính cuộc đấu trí với bộ máy lãnh đạo tỉnh H để giải cứu nhân vật Tiến sĩ Nguyễn Duy Thiện khỏi Bệnh viện tâm thần là cốt truyện về cuộc đời Quận công Nguyễn Hữu Chỉnh do chính hậu duệ của ông viết lại.

 

Chọn Nguyễn Hữu Chỉnh làm một nhân vật đối chứng với nhân vật chính, Vũ Ngọc Tiến muốn gửi gắm vào đấy niềm tâm sự của mình về thái độ của kẻ sĩ trước thời cuộc nhưng ở đây là thời cuộc điển hình vì nó đang là thời mạt, đổ đốn, suy thoái, cần phải dọn dẹp cho thời cuộc mới xuất hiện. Đứng trước thời cuộc ấy tức là phần cuối triều Lê – Trịnh, kẻ sĩ phài làm gì? Nguyễn Hữu Chỉnh đã bỏ vào Nam theo quân Tây Sơn, giúp Tây Sơn và góp mưu cao đắc lực tiêu diệt triều đình Lê – Trịnh. Nhưng Nguyễn Hữu Chỉnh đã để lại cho hậu thế bài học sâu sắc về sự thất bại. Một nho sĩ có tài năng, dũng khí, sức mạnh như ông đã chiếm được đỉnh cao danh vọng, quyền lực mà cuối cùng lại trở thành nạn nhân của quyền lực, thảm bại vì quyền lực. Ông để lại nhiều tai tiếng, hiểu lầm trong dân gian và lịch sử nhưng tác giả Đời kẻ sĩ đã đã làm được việc chiêu tuyết, gột rửa được phần nào oan ức cho ông.

 

Bài học của cuộc đời Nguyễn Hữu Chỉnh không phải không có ích cho hậu thế. Người cháu nội của ông, các bạn của anh, những trí thức của thời hiện đại, những lứa hậu duệ tiếp theo đã được tiếp thu từ ông trí tuệ nhận thức thời cuộc, dũng khí, mưu mẹo để chiến đấu với chiến tuyến bên kia là những đồng trí thức với họ nhưng lợi dụng quyền lực để tham những và tiêu diệt người trung thực.

 

Trong những người bạn trí thức viết văn của tôi, Vũ Ngọc Tiến là người có trách nhiệm cao với sứ mệnh ngòi bút của mình. Anh không né tránh sự thực lịch sử và những vấn đề gay cấn nhất của xã hội hiện tại, mà nóng bỏng nhất là tình trạng trí thức bị tha hóa vì quyền lực cả về mặt nhận thức cũng như hoạt động cầm quyền.

 

Văn chương của Vũ Ngọc Tiến, với sự trung thực, giản dị, rõ ràng của nó có sức thu hút, lay động chúng ta. Nó soi sáng con đường của kẻ sĩ trong truyền thống lịch sử dân tộc. Nó thức tỉnh lương tri. Nó tiếp thêm sức mạnh cho kẻ sĩ hậu thế trong hành trình đi tìm bản thể dân tộc, sức mạnh của đất nước.

 

Một ngòi bút làm được điều ấy là đáng quý.

 

Tháng cuối năm 2017


[*] Năm 2019 nxb Phụ Nữ Việt Nam in với nhan đề Kẻ sĩ thời loạn (Văn Việt).

 

 




No comments: