Monday, June 10, 2024

BẮT GIAM LUẬT SƯ TRẦN ĐÌNH TRIỂN, VIỆT NAM TỎ RÕ "KHÔNG CHẤP NHẬN TIẾNG NÓI CHỈ TRÍCH, PHẢN BIỆN (VOA Tiếng Việt)

 



Bắt giam luật sư Trần Đình Triển, Việt Nam tỏ rõ 'không chấp nhận tiếng nói chỉ trích, phản biện'

VOA Tiếng Việt

11/06/2024

Bắt giam luật sư Trần Đình Triển, Việt Nam tỏ rõ 'không chấp nhận tiếng nói chỉ trích, phản biện' (voatiengviet.com)

 

Các tổ chức nhân quyền và các nhà quan sát bày tỏ sự quan ngại về việc chính quyền Việt Nam bắt giam luật sư Trần Đình Triển với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự, đồng thời họ kêu gọi Hà Nội bãi bỏ điều luật mà họ cho là “mơ hồ” này để phù hợp với các chuẩn mực nhân quyền quốc tế.

 

https://gdb.voanews.com/E66822B2-9348-464B-B1D3-DCD7C453A66C_cx0_cy6_cw0_w1023_r1_s.jpg

Luật sư Trần Ðình Triển.

 

Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) bày tỏ sự “quan ngại” về việc luật sư Trần Đình Triển đã bị chính quyền Việt Nam bắt giam với tội danh quy định theo Điều 331, một đại diện của ICJ bày tỏ quan điểm với VOA.

 

“Điều này dường như nhằm mục đích tùy tiện làm suy yếu quyền tự do ngôn luận của ông ấy, được bảo vệ theo luật nhân quyền quốc tế”, vị đại diện của ICJ viết cho VOA qua email hôm 10/6.

 

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-5d78-08dc89a92e8e_cx0_cy13_cw100_w650_r1_s.jpg

Luật sư Trần Đình Triển phát biểu tại một sự kiện của Đòan Luật sư Hà Nội. Facebook Trần Đình Minh Long.

 

Như VOA đã đưa tin, Bộ Công an Việt Nam hôm 8/6 loan tin rằng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã bắt giam luật sư Trần Đình Triển, trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.

 

“Sáng ngày 1/6/2024, tôi nhận được tin có lệnh khám xét chỗ ở của bố tôi tại địa chỉ văn phòng của Văn phòng Luật sư Vì Dân”, luật sư Trần Đình Minh Long, con trai của luật sư Triển, thuật lại hôm 7/6 trên trang Facebook cá nhân về tin cha ông bị bắt.

 

“Tiêu đề lý do khám xét tôi đã được xem và ghi rõ “Dấu hiệu của tội Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ”, ông Long viết thêm. “Các Điều tra viên cũng nói rõ lý do là những gì ông đăng trên trang Facebook cá nhân Trần Đình Triển của ông”, vẫn ông Long, đồng thời cho biết thêm rằng trang này đã bị khóa sau vụ khám xét nhà.

 

Theo thông cáo của Bộ Công an Việt Nam, luật sư Trần Đình Triển bị bắt cùng ngày với nhà báo tự do Trương Huy San và hai ông bị khởi tố cùng tội danh.

 

Truyền thông nhà nước dẫn lời cơ quan chức năng cho rằng ông Triển và ông San, hay còn gọi là blogger Huy Đức, đã “đăng tải các bài viết trên mạng xã hội, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

 

 

Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng

 

Đáp lại việc VOA đề nghị đưa ra bình luận về động thái của chính quyền Việt Nam bắt giam ông Triển và ông San, hôm 10/6, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ qua email: “Chúng tôi thường xuyên kêu gọi Việt Nam tôn trọng và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người tại Việt Nam, phù hợp với các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của mình, và trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ bất công”.

 

“Chúng tôi kêu gọi Việt Nam tôn trọng quyền của những người bị giam giữ cũng như tôn trọng và bảo vệ quyền tự do ngôn luận và lập hội cho tất cả người dân Việt Nam”, bộ này nói thêm.

 

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Công an, đề nghị họ cho ý kiến về những nhận định của ICJ, Bộ Ngoại giao Mỹ, cũng như từ các tổ chức nhân quyền lên án việc bắt hai ông, nhưng chưa được phản hồi.

 

XEM THÊM:

Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng sau khi Việt Nam khởi tố nhà báo Huy Đức

 

 

Điều 331 ‘mơ hồ’

 

“Điều 331, một điều luật an ninh quốc gia thường bị chỉ trích vì bản chất quá rộng của nó, cho phép chính quyền thực hiện kiểm duyệt toàn diện đối với những người chỉ trích chính phủ”, trang Jurist.org, tạp chí của các sinh viên luật quốc tế viết về sự khủng khoảng của nền pháp trị, đưa ra ý kiến hôm 9/6.

 

“Trên toàn cầu, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức giám sát đã bày tỏ mối quan ngại về sự suy thoái của quyền tự do báo chí ở Việt Nam vì Điều 331 và chính quyền mới, hiện do cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm lãnh đạo, sau khi ông được thăng chức Chủ tịch nước vào tháng rồi”, vẫn theo Jurist.org.

 

“Điều này tiếp tục xu hướng đáng quan ngại ở Việt Nam về các cuộc điều tra và tố tụng hình sự không đúng chuẩn mực đối với các luật sư nhân quyền theo Điều 331 mơ hồ, không chính xác và quá rộng”, tổ chức ICJ chuyên bảo vệ quyền lợi cho giới luật sư nói với VOA.

 

ICJ hôm 10/6 tái khẳng định rằng Điều 331 phải bị “bãi bỏ hoặc sửa đổi một cách đáng kể vì nó không phù hợp với quyền tự do ngôn luận”.

 

Trước đó, hồi tháng 5/2024, chính phủ các quốc gia phương tây, bao gồm cả Mỹ và Anh, bày tỏ sự quan ngại về các hình phạt hình sự đối với việc thực hiện quyền tự do ngôn luận Việt Nam, đồng thời khuyến nghị Hà Nội sửa đổi các điều luật 331, 117 của Bộ Luật Hình sự. Điều 117 quy định các hình phạt đối với các hành vi bị cho là “tuyên truyền chống nhà nước”.

 

Phát biểu tại kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 7/5, bà Kelly Billingsley, phó đại diện thường trú tại Liên Hiệp Quốc của Phái bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói rằng chính quyền Việt Nam nên sửa đổi hai điều luật trên “để bảo vệ quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và tôn giáo, tín ngưỡng”, cũng như tăng cường bảo vệ quyền tự do lập hội bằng cách cho phép các tổ chức phi chính phủ hoạt động mà không phải chịu gánh nặng pháp lý quá mức.

 

 

Nhắm vào giới luật sư, nhà báo?

 

“Khoảng ba năm trở lại đây, chính quyền tăng cường bắt bớ tất cả những người đã từng lên tiếng chỉ trích, phê bình, phản biện về thực trạng đất nước, về chính sách, về các hoạt động tư pháp…”, luật sư Đặng Đình Mạnh, người đang tị nạn chính trị tại Mỹ sau khi bị chính quyền truy tìm với cáo buộc theo Điều 331 hồi tháng 6/2023, nêu ra quan sát với VOA.

 

“Thông điệp từ việc bắt bớ rất rõ: Chính quyền không chấp nhận bất kỳ sự chỉ trích nào của bất cứ ai. Dĩ nhiên, các hành xử ấy của chính quyền thể hiện sự đàn áp các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí mà chính quyền đã từng long trọng thừa nhận trong Hiến pháp”, vẫn luật sư Mạnh.

 

Tương tự, luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân đang sinh sống tại Mỹ, nêu nhận định: “Đó là điều rất tệ, thể hiện sự leo thang của chiến dịch đàn áp các tiếng nói đóng góp để xây dựng đất nước”.

 

“Bố tôi luôn luôn hiểu rõ rủi ro khi chọn cho mình là một luật sư đứng lên bảo vệ lẽ phải, chống tham nhũng, tiêu cực và bảo vệ những người yếu thế trong xã hội. Khi ai đó không thể tự lên tiếng để bảo vệ cho họ, khi có những điều sai trái trong xã hội mà không ai dám nói ra thì ông đã tự chọn cho mình nghĩa vụ phải là người đứng ra lên án những điều đó”, luật sư Long viết trên Facebook cá nhân.

 

Việc bắt giữ nhà báo Trương Huy San và Luật sư Trần Đình Triển là “một dấu hiệu rất đáng lo ngại”, luật sư Quân nhận định. “Trước đây thì chính quyền bắt các tiếng đối lập còn bây giờ là chính các tiếng nói góp ý chân thành từ những người trong hệ thống, góp ý cho chính Đảng và Nhà nước tốt hơn cũng bị bắt”.

 

XEM THÊM:

Mỹ, Anh kêu gọi Việt Nam sửa đổi Điều 117, 331 Bộ Luật Hình sự

 

Ông Trần Đình Triển là tiến sĩ luật, nguyên Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội. Ông mở văn phòng luật sư Vì Dân vào năm 2006 và đã có hơn 40 năm hành nghề luật, theo trang VNExpress.

 

Theo thông tin trên trang Luật sư Vì dân của luật sư Triển, văn phòng này “vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng chứng nhận Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh”. Trang này đánh giá đây là một “thành tựu đáng tự hào và chứng minh cho sự nỗ lực và đóng góp của Văn phòng luật sư Vì Dân trong việc bảo vệ quyền lợi và lợi ích chung của cộng đồng”.

 

“Đối với ông, ước nguyện lớn nhất cả đời là được đấu tranh cho một nền pháp luật Việt Nam công bằng, nghiêm minh, thật sự vô tư, khách quan. Nơi mà mọi người dân Việt Nam dù yếu thế nhưng ai cũng được đối xử bình đẳng, bác ái; nơi mà dù có những kẻ quyền cao chức trọng đến mấy cũng sẽ phải chịu sự trừng trị của pháp luật khi gây tổn thương đến quyền lợi nhân dân, đất nước”, luật sư Long chia sẻ ước nguyện của cha ông. “Và với ông, sứ mệnh đó mà ông chọn đáng để dâng hiến cả cuộc đời mình mà không có gì phải hối hận”.

 

VIDEO : Mỹ, Anh nêu vấn đề nhân quyền Việt Nam tại LHQ

 

Giới luật sư nhận định rằng các quốc gia văn minh trên thế giới đều thiết lập nền tư pháp để bảo đảm công lý cho người dân, còn chính quyền Việt Nam - về mặt hình thức - cũng tạo ra một cảm giác tương tự, với đầy đủ các định chế tòa án, công tố, điều tra, thẩm phán, luật sư…

 

“Thế nhưng, chúng đều chỉ là hư danh mà thôi. Chúng không hề mang lại công lý cho người dân theo đúng thiên chức của mình. Mục đích chính của nền tư pháp trong nước hiện nay là củng cố quyền lực chính trị độc tài cho đảng Cộng Sản mà thôi”, luật sư Mạnh bày tỏ ý kiến cá nhân.

 

“Tôi và các đồng nghiệp có những khi đùa vui với nhau rằng với Điều 331 thì ở Việt Nam có lẽ ai cũng là ‘tù nhân dự khuyết’. Tuy chỉ là những câu nói đùa vui, nhưng bản thân tôi và những người khác đều cảm nhận được sự chua xót lặng thầm sau những câu nói tâm sự đó”, luật sư Long chia sẻ trên Facebook cá nhân.

 

Từ Mỹ, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay còn được gọi là blogger Mẹ Nấm, nêu nhận định trên trang X hôm 7/6: “Dưới thể chế công an trị thì Điều 331 là công cụ hữu hiệu và dễ dàng nhất cho nhà cầm quyền ra tay với bất kỳ ai, bất kỳ chuyện gì. Bởi chỉ cần lôi Điều 331 là “giải quyết được mọi thứ để đảm bảo an ninh trật tự xã hội””.

 

 





No comments: