Vụ
Nguyễn Văn Chưởng: Tiến sĩ Khuất Thu Hồng gửi thỉnh nguyện thư đề nghị điều tra
rốt ráo
Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng
Việt từ London
2023.08.16
Một tiến sĩ
xã hội học người Việt Nam viết thư cho Chủ tịch nước đề nghị dừng thi hành án tử
hình đối với tử tù Nguyễn Văn Chưởng, với hy vọng vụ việc sẽ được tiếp tục điều
tra để chắc rằng "bản án đúng người, đúng tội."
Bố mẹ Nguyễn Văn Chưởng
(ở giữa) cùng với mẹ của tử tù Hồ Duy Hải (phía bên trái ảnh) và mẹ của tử tù
Lê Văn Mạnh (FB Nguyễn Trường Chinh/
RFA edited)
.
Trong thư
ngỏ đăng tải trên Facebook cá nhân Tiến sĩ Khuất Thu Hồng viết:
“Mục đích của pháp luật là để bảo vệ người dân đạt
được công lý nhưng xây dựng và thực thi pháp luật là con người. Vì vậy sự nhầm
lẫn hoặc những kẽ hở trong quá trình điều tra có thể xảy ra.
Những bản án oan sai đã từng được ghi nhận ở nhiều
nước trên thế giới. Việt Nam cũng đã từng có Huỳnh Văn Nén, Hàn Văn Long, Nguyễn
Thanh Chấn… bị kết án oan.
Nhưng cũng nhờ sự thận trọng và kiên nhẫn của các cơ
quan thực thi pháp luật mà công lý đã chiến thắng và những người tử tù đã được
giải oan và trở về với cuộc sống."
Cũng theo bà, "cuộc sống của Nguyễn
Văn Chưởng chỉ còn tính từng ngày. Quyết định (tạm hoãn thi hành án-PV) của ông
(Chủ tịch nước -PV) có thể giữ lại mạng sống của một con người và cứu vãn tương
lai của cả gia đình anh ấy, nhất là của đứa con gái chưa từng được gặp mặt cha.
Hơn thế, quyết định của ông sẽ giúp khẳng định sự nghiêm
minh của pháp luật, thu phục nhân tâm, làm tăng niềm tin của người dân vào Nhà
nước, vào pháp luật và khuyến khích nhân dân tuân thủ pháp luật."
Hôm 14/8/2023 từ Hà Nội, tác giả của bức thỉnh
nguyện thư với tư cách công dân, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, người đồng thời là Viện
trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học
và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) và là một Ủy viên Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt
Nam chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do về quyết định gửi thư ngỏ cho lãnh đạo nhà nước
Việt Nam:
“Tôi không có động cơ nào khác ngoài sự thúc giục của
lương tâm là đứng trước tính mạng của một người đồng bào của mình, và khi tôi
theo dõi những thông tin xung quanh vụ án này, tôi thấy rằng còn có một số tình
tiết chưa rõ ràng.
Điều này không phải là tôi kết luận, tôi không đủ
thông tin để kết luận nhưng tôi dựa vào kết luận của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối
cao, của các cựu Đại biểu Quốc hội như là ông Lưu Bình Nhưỡng, ông Dương Trung
Quốc, của một số luật sư, họ cũng nêu ra một số tình tiết chưa được rõ ràng.
Một khi mà chưa được rõ ràng mà đã có một bản án như
vậy, tôi sợ rằng sẽ dẫn đến những sai lầm. Đã có những tiền lệ những vụ án oan
rồi, ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới, thế thì việc hoãn thi hành
án để có thể điều tra tốt hơn, kỹ hơn tôi nghĩ là việc rất nên làm."
Theo bà, việc làm này không rõ có làm thay đổi
quyết định của người đứng đầu nhà nước không, tuy nhiên theo bà, với "trách
nhiệm của một người sống trong đất nước này, trong xã hội này, tôi muốn xã hội ấy
được hòa bình hơn, nhân văn hơn, công lý được đảm bảo tốt hơn. Nếu có thể làm một
điều gì đó để góp phần vào việc đó, tôi nghĩ rất đáng để làm.”
Về vấn đề án tử hình ở Việt Nam và nhà nước có
nên bỏ hình phạt này đi hay không trong hệ thống pháp luật của mình, đặc biệt
trong bối cảnh có những trường hợp được cho là có án oan sai như với các tử tù
như Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải, Lê Văn Mạnh… được biết hiện nay ở Việt Nam,
Tiến sĩ xã hội học Khuất Thu Hồng nói tiếp với RFA Tiếng Việt:
“Từ lâu, tôi đã lên tiếng là Việt Nam nên bỏ án tử
hình, cá nhân tôi, tôi không tán thành án tử hình một chút nào cả… Án tử hình
đó không giúp lấy lại mạng sống của người đã bị giết…
Người ta hay nói đấy là công lý, nó sẽ rất không hợp
lý khi chúng ta bình tĩnh tước đi mạng sống của một người mà lúc đó người ta
không làm bất cứ một hành động gì để có thể dẫn đến việc chúng ta phải giết người
đó cả.
Điều ấy làm cho tôi rất dằn vặt và tôi nghĩ là rằng
nên bỏ án tử hình. Có thể là chung thân, có thể là kéo dài những năm tháng mà
người ta phải bị giam giữ để người ta cải tạo, cũng là một hình thức làm gương
cho những người khác."
Cũng từ phân tích, nhận định của bà Hồng, bản
án tử hình đối với một người cũng chính là "án tử" đối với những
thành viên vô tội còn lại của gia đình đó, đó là những người cha mẹ, những người
con, người vợ, người chồng.
"Bản án đó có thể tước đi cơ hội sống, cơ
hội làm việc, học tập, hôn nhân, sống một cuộc sống bình thường nhất của tất cả
thành viên gia đình đó," cũng theo nhà khoa học đang sinh sống tại Việt
Nam.
Trước ý kiến trong dịp này cho rằng Việt Nam
nên đẩy mạnh vai trò, chức năng của những cơ quan, ủy ban với vai trò, chức
năng phù hợp và độc lập tốt hơn để tiến hành rà soát liên tục công tác tư pháp,
đặc biệt liên quan các bản án được cho là có yếu tố ‘oan sai’, trong đó có các
bản án tử hình được tuyên, và không chỉ thực hiện với một, hai trường hợp cá biệt
nào, mà nên coi đó là công việc thường xuyên hơn, bà Khuất Thu Hồng nói:
“Đương nhiên, tôi nghĩ đấy là điều lý tưởng, nếu làm
được như vậy thì quá là lý tưởng, nhưng điều đó thực sự là thách thức, không chỉ
với nền lập pháp, tư pháp và hành pháp của Việt Nam mà đó cũng là bài toán của
rất nhiều quốc gia trên thế giới.
Ở Mỹ hay nhiều nước khác cũng có rất nhiều những vụ án
oan, chứ không phải chỉ riêng ở Việt Nam…, mọi người đều biết án oan là một điều
rất tệ hại và tôi nghĩ chẳng một quốc gia nào muốn một điều như vậy xảy ra, cho
dù quốc gia ấy có phải là quốc gia mà ưa thích những hình phạt khốc liệt nhất
hay không, thì không ai muốn án oan cả. Nhưng để đảm bảo không có án oan, tôi
nghĩ rằng cực kỳ khó khăn và đòi hỏi một sự nỗ lực, sự giám sát rất lớn."
Theo quan điểm riêng của bà Hồng, việc giảm án
oan hoàn toàn có thể làm được cùng với trách nhiệm của cơ quan chức năng và
phương tiện kỹ thuật, tuy vậy khó có thể 100% không có án oan. Chính
vì thế, theo bà nên bỏ hình phạt này để khi có sai sót vẫn còn có thể "khắc
phục".
Trong một diễn biến khác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban
Dân nguyện của Quốc hội Việt Nam, cựu Đại biểu Quốc hội, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng,
trong một chia sẻ trên truyền thông tại Việt Nam đã khẳng định ông cũng đã nhắn
tin tới Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng để lưu ý ông về vụ án ‘oan’ với tử
tù Nguyễn Văn Chưởng, và ông Lưu Bình Nhưỡng khẳng định đã nhận được tin nhắn hồi
đáp, khẳng định ông Võ Văn Thưởng đã nhận được thông điệp này.
Cũng hôm 14/8/2023, từ Hà Nội, liên quan câu hỏi
Việt Nam cần làm gì để tránh những vụ án, bản án oan sai, với tiếp cận hướng tới
giải quyết có tính chất căn bản, gốc rễ, căn cơ của vấn đề này, Tiến sĩ Khoa học
Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và phản biện độc lập IDS (đã
tự giải thể) nói với Đài Á Châu Tự Do:
“Tôi nghĩ rằng tư pháp phải độc lập, cái đấy là quan
trọng, tư pháp của Việt Nam không độc lập, cho nên nó có thể dẫn đến những sự
oan sai không thể tưởng tượng nổi, mà vụ Nguyễn Văn Chưởng hay là Hồ Duy Hải chỉ
là một vài vụ mà người ta thấy trong thời gian gần đây.
Bao nhiêu những vụ trước kia đã bị rồi, từ ông Nguyễn
Thanh Chấn, cho đến ông Hàn Đức Long, nếu không có những kẻ thủ ác tự đầu thú
thì chưa biết chừng mấy ông đó đã bị tử hình mất rồi. Tôi nghĩ sự không độc lập
của ngành tư pháp là nguyên nhân chính dẫn đến những án oan sai như vậy.
Và ở đây, tôi lưu ý một điểm là có lẽ thời khoảng
năm 1945, 1946 trở đi, lúc ấy các vị lãnh đạo (Việt Nam) có lẽ còn đang chịu ảnh
hưởng của Pháp hay của phương Tây, thì còn có điều gọi là ‘Hội thẩm nhân dân’,
nếu những vụ án lớn, đại hình như thế, mà có một bồi thẩm đoàn của nhân dân, tức
là lựa chọn ngẫu nhiên từ những người dân ra 12 hay là 24 vị như bên Mỹ hay bên
phương Tây, những vị ấy, nếu chỉ cần một người nói rằng ‘án tử hình này là
không được’, thì phải xem xét lại, nên có ‘Bồi thẩm đoàn’ nhân dân như thế được
đưa vào.
Mà thực sự người ta đã muốn đưa vào từ ban đầu,
nhưng về sau do độc quyền, cho nên tất cả công tố, tức là Viện Kiểm sát, cơ
quan điều tra, rồi công an và Tòa án, ba cơ quan này đồng tình kết hợp với
nhau, và nhất trí từ trước để giải quyết vụ án nói chung; tức là có thể nói rằng
nền tư pháp của Việt Nam phải cải tổ một cách rất triệt để và đường hướng ấy là
tư pháp phải độc lập và phải khôi phục lại điều được gọi là ‘Bồi thẩm đoàn nhân
dân’, thì sẽ tránh được những vụ oan sai,” ông Nguyễn Quang A nêu quan điểm riêng.
* Đính chính lúc 3 giờ 40 phút ngày 16/8:
Bà Khuất Thu Hồng viết bức
thư với tư cách là cá nhân, mặc dù bà đang là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát
triển Xã hội (ISDS) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
(Vusta) và là một Ủy viên Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.
----------------------
Tin, bài liên quan
TIN VIỆT NAM
Tử
tù Nguyễn Văn Chưởng chưa bị thi hành án, tuy nhiên tinh thần xuống thấp
Vụ
tử tù Nguyễn Văn Chưởng: Liên Hiệp Quốc, Liên Âu và 13 tổ chức quốc tế đề nghị
dừng thi hành án
Ân
Xá Quốc Tế: Việt Nam cần ngưng ngay kế hoạch tử hình tử tù oan Nguyễn Văn
Chưởng
Cha
của tử tù Nguyễn Văn Chưởng lên Hà Nội kêu cứu, ngất xỉu vì kiệt sức
Cha
tử tù Nguyễn Văn Chưởng lo lắng khi nghe tin "người tù thế kỷ" Huỳnh
Văn Nén qua đời
No comments:
Post a Comment