Thursday, August 17, 2023

VIỆT NAM QUAN NGẠI GÌ KHI MIỄN VISA CHO NHIỀU NƯỚC, TRỪ HOA KỲ? (RFA)

 



Việt Nam quan ngại gì khi miễn visa cho nhiều nước trừ Mỹ?

RFA

2023.08.16

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-does-vietnam-not-exempt-the-us-from-visa-08162023124458.html

 

Việt Nam vừa nâng thời hạn lưu trú, từ 15 lên 45 ngày cho công dân 13 nước, trong số này không có Mỹ - quốc gia có khả năng sớm trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-does-vietnam-not-exempt-the-us-from-visa-08162023124458.html/@@images/80636d58-6f9d-4281-88c3-52b7b848f304.jpeg

Việt Nam chào đón khách du lịch từ Pháp. Ảnh minh hoạ   (AFP)

 

Miễn visa để phát triển du lịch

 

Các nước được nâng thời hạn lưu trú bao gồm Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Anh, Northern Ireland, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Na Uy, Phần Lan, Nga và Belarus. Đây là những nước đã được miễn visa từ nhiều năm trước nhưng bị gián đoạn đại dịch, và được nối lại vào ngày 15/3/2022.

 

Ngoài ra, từ 15/8, Việt Nam cũng sẽ cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả các nước.

 

Động thái này của Chính phủ Việt Nam được ngành du lịch hoan nghênh, ủng hộ. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc công ty Du lịch lữ hành Lửa Việt nhận định:

 

“Có thể đối với một số quốc gia khác là nó bình thường nhưng đối với Việt Nam, tôi cho rằng đó là một sự đột phá, một động thái của Nhà nước thể hiện quyết tâm muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn ngành du lịch Việt Nam.”

 

Một số chuyên gia ngành du lịch trong nước đánh giá, chính sách visa chính là nút nghẽn trong việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Mạng báo Kinh tế Đô thị dẫn lời bà Việt Phạm Phương Anh, Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông Du lịch tại Tọa đàm “Hiến kế Hút khách quốc tế” hồi tháng 3/2023 rằng, việc nới lỏng chính sách thị thực sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp tăng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam từ 5 - 25% mỗi năm.

Tuy nhiên, ông Mỹ nhận định, ngành du lịch Việt Nam xưa nay vẫn thua các nước khác không chỉ do vấn đề thị thực, mà còn phụ thuộc vào giá cả, chất lượng dịch vụ và môi trường sống. Ông nói tiếp:

 

“Sức hấp dn du lịch của các quốc gia nằm ở nhiều khía cạnh. Thứ nhất là thái độ thân thiện. Tiếp theo là về môi trường sống, trong đó có tình trạng ngập nước, kẹt xe, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…

Tiềm năng du lịch của Việt Nam là rất lớn, ẩm thực của Việt Nam là cực kỳ phong phú nhưng mà chúng ta chưa biết tận dụng.”

 

Theo ông Mỹ, cần phải giải quyết đồng bộ các vấn đề trên thì ngành du lịch mới tiến lên được.

 

 

Giới hạn visa để kiểm soát an ninh? 

 

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, trong năm tháng đầu năm nay, top ba quốc gia có số lượng khách du lịch đến Việt Nam nhiều nhất bao gồm lần lượt là Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ.

 

Du khách Mỹ, vẫn theo thống kê, đứng thứ ba trong số các quốc gia chịu chi nhất khi đến Việt Nam với khoảng hơn 1.700 đô la Mỹ cho một đợt du lịch, chỉ sau du khách từ Philippines và Bỉ.

 

Với thực tế trên, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, tiến sỹ Phạm Hồng Long, từng đề xuất phải mở rộng visa cho các nước có sức chi trả cao như châu Âu, Mỹ, châu Úc và New Zealand… để ngành du lịch đạt cả mục tiêu tăng trưởng về “lượng” và “chất”.  

 

Trước đó, Hội đồng tư vấn du lịch cũng đã đề xuất Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lch bổ sung thêm 20 nước Châu Âu còn lại vào danh sách các nước được miễn thị thực và năm nước khác gồm: Mỹ, Úc, New Zealand, Canada và Thụy Sĩ. 

 

Tuy nhiên, với việc ban hành Nghị quyết 128 sửa đổi nghị quyết số 32 về việc miễn thị thực cho công dân một số nước hôm 15/8, mà không có Mỹ, khiến nhiều người quan sát tình hình chính trị cũng như giới chuyên gia du lịch ngạc nhiên. Đặc biệt hơn nữa là trong giai đoạn Việt Nam và Hoa Kỳ đang kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện và dự tính nâng tầm lên quan hệ đối tác chiến lược.

 

Nhìn nhận tiếp vấn đề này, ông Mỹ cho rằng chuyện miễn visa cho các nước như Mỹ, Úc hay Canada sớm muộn gì cũng xảy ra:

 

“Vấn đề là chuyện thị thực từng quốc gia liên quan tới nhiều thứ khác. Ví dụ như vấn đề an ninh.

Nhà nước có lý do để làm vậy. Cái gì cũng phải có trình tự từng bước chứ không thể đùng một phát mở cửa tùm lum.

Tôi tin chắc rằng chuyện đó trước sau gì cũng tới, nhưng ngành du lịch cũng phải tự nỗ lực để đổi mới.”

 

Cũng về vấn đề trên, cô Bùi Duyên, giảng viên ngành Khoa học Chính trị tại trường đại học Hawaii Pacific University nhận định, tuy hai nước Việt - Mỹ còn có một chút khác biệt trong vấn đề nhân quyền nhưng khả năng cao là hai bên sẽ nâng cấp quan hệ sắp tới.

 

Về nguyên do Việt Nam không muốn miễn visa cho công dân đất nước cờ hoa, theo cô Duyên, vì có cộng đồng gốc Việt theo “cờ vàng” lớn. Tương tự như vậy, Úc và Canada cũng chưa được Việt Nam miễn visa. Cô nói:

 

“Sau đại dịch, các nước Đông Nam Á đều muốn thu hút nhiều khách đến du lịch, nhưng Việt Nam lại chưa miễn visa cho Mỹ. Tôi nghĩ nguyên nhân là vì cộng đồng người Việt hải ngoại rất lớn.

Nhà cầm quyền Việt Nam rất lo ngại khối người Việt tại Mỹ, hiện nay là cộng đồng lớn nhất ở Hải ngoại, khoảng hai triệu người, sẽ có những tác động đáng kể lên những chuyển đổi ở Việt Nam. Giới hạn visa là để kiểm soát an ninh, tránh những ảnh hưởng từ các lực lượng bên ngoài.”

 

-------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

·        Quan hệ với Mỹ được nâng cấp có giúp cải thiện nhân quyền tại Việt Nam?

·        Du lịch Việt Nam: Làm gì để không ai bị ‘bỏ rơi’?

·        Du lịch Việt Nam: Đã có cố gắng nhưng còn xa mới theo kịp Thái Lan

·        Phần 2: Lợi - hại cho Việt Nam nếu nâng cấp quan hệ với Mỹ

·        Chuyên gia: VN nên nâng cấp quan hệ với Mỹ càng sớm càng tốt






No comments: