Vatican–Trung
Quốc: Con đường dẫn đến tình bạn còn xa hay gần?
RFI
Đăng ngày: 03/08/2023 - 11:27
Hiệp Định tạm
thời về việc bổ nhiệm giám mục giữa Trung Quốc và Tòa Thánh Vatican (L’Accordo
provvisorio sulla nomina dei vescovi tra Cina e Santa Sede) đã được ký kết vào
ngày 22 tháng 9 năm 2018 và có hiệu lực một tháng sau đó. Nội dung vẫn được giữ
bí mật theo ý muốn của Bắc Kinh. Thỏa thuận này đã được hai bên tiếp tục gia hạn
vào tháng 10 năm 2020.
Tượng của linh mục Dòng Tên người Ý Matteo Ricci, người xây dựng nhà thờ
đầu tiên trong thời nhà Minh, ở lối vào của Nhà thờ Công Giáo Nam Bắc Kinh, một
nhà thờ Công Giáo được chính phủ cho phép, ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày
29/09/2018. REUTERS - JASON LEE
Trong cả hai lần, Washington đều bày tỏ sự bất
đồng và chỉ trích sâu sắc về quyết định của Toà Thánh (x. Gianni
Cardinale, Avvenire 22/09/2020). Mặc dù vậy, Vatican vẫn giữ
thái độ im lặng trước những động thái ngoại giao của Hoa Kỳ.
Phải chăng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, một người
bị Trung Quốc quyến rũ từ truyền thống văn hoá phong phú cho đến việc hội nhập
văn hoá của những nhà truyền giáo Dòng Tên như Mateo Ricci, đã bỏ qua những giá
trị nhân quyền căn bản của ki-tô giáo để đi đến thoả hiệp ngoại giao với Bắc
Kinh ? Linh mục Phạm Hoàng Dũng từ Liège, Bỉ, giải thích.
Đức Phanxicô và Trung Quốc
Tháng 9/2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến
thăm Mông Cổ, một quốc gia nhỏ bé nằm giữa Nga và Trung Quốc. Quốc gia này có số
lượng các tín hữu công giáo chỉ chiếm thiểu số. Đó có phải là một cách tiếp cận
Trung Quốc ?
Thực sự, Đức Phanxicô luôn bày tỏ ước muốn được
đến viếng thăm đất nước tỉ dân. Trong những lần bay ngang qua không phận Trung
Quốc, Đức Giáo Hoàng đều gởi điện cho Chủ tịch Tập Cận Bình và bày tỏ sự sẵn
sàng đến viếng thăm Trung Quốc.
Ngài đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ đất nước to lớn
này trong cuộc phỏng vấn với Giáo sư Francesco Sisci[1]. Ngài đã đọc những gì về Trung Quốc khi còn nhỏ và khi
gia nhập Dòng Tên, những công trình của những nhà truyền giáo của Dòng Tên, đặc
biệt là Mateo Ricci, ở Trung Quốc càng làm cho ngài ngưỡng mộ hơn đối với đất
nước này.
Không chỉ ngưỡng mộ mà Đức Phanxicô còn tỏ sự
am hiểu tình hình như trong chuyến viếng thăm mục vụ đến Miến Điện và
Bangladesh năm 2017. Ngài đã đánh giá vai trò và ảnh hưởng to lớn của Trung Quốc
trong khu vực này.
Cũng trong chuyến đi này, Trung Quốc đã theo
sát từng bước của Đức Phanxicô. Nhân Dân Nhật Báo đưa tin và đặc biệt Hoàn Cầu
Thời Báo đã đăng cả một bức ảnh lớn của ngài trên trang nhất ngày 18 tháng 2
năm 2017. Tuy giữa Tòa Thánh và Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa không có quan hệ
ngoại giao nhưng cuộc đối thoại chính trị giữa hai nước vẫn đang diễn ra tuy chậm
chạp.
Mối quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc
Trong những năm dưới triều đại giáo hoàng của
Đức Phanxicô, các cuộc tiếp xúc giữa Trung Quốc và Tòa Thánh đã gia tăng đáng kể
và các kênh liên lạc cũng ổn định và hiệu quả hơn. Nhưng các cuộc đối thoại về
thể chế đã diễn ra từ năm 1986, do đó, sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng sự tăng tốc
chỉ mới trong thời gian gần đây.
Bước đi đầu tiên được bắt đầu từ thời Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II. Đó là quá trình hợp pháp hóa các giám mục được truyền chức
mà không có sự chấp thuận của Tòa Thánh. Theo Giáo Luật, họ sẽ tự động bị vạ
tuyệt thông. Đã có khoảng 40 giám mục được xem xét từ năm 2000 đến nay. Không
có vấn đề lớn nào được nêu ra và các giám mục này đã cùng với Tòa Thánh tìm ra
giải pháp để công nhận sự bổ nhiệm và tiến tới việc xây dựng lại các giáo phận
và sinh hoạt Giáo Hội.
Ngày 27 tháng 5 năm 2007, Đức Giáo Hoàng
Bênêđictô XVI gửi Thư cho các Giám mục, linh mục, những người tận hiến
và giáo dân của Giáo Hội Công Giáo tại Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa với
những chỉ dẫn mục vụ. Bức thư đó nhấn mạnh vào sự thống nhất của Giáo Hội và hy
vọng đối thoại với chính quyền.
Trích dẫn lại điều mà Đức Gioan Phaolô II đã
viết trong thông điệp ngày 24 tháng 10 năm 2001, Đức Bênêđictô XVI viết :
« Tôi cũng đặc biệt quan tâm theo dõi
các sự kiện của tất cả người dân Trung Quốc, những người mà tôi đánh giá cao và
có tình cảm hữu nghị. Tôi hy vọng "sớm được thấy những cách thức ngoại
giao và hợp tác cụ thể được thiết lập giữa Tòa Thánh và Cộng Hòa Nhân Dân Trung
Hoa", vì "tình bạn được nuôi dưỡng bằng các cuộc tiếp xúc, bằng sự
chia sẻ tình cảm trong những hoàn cảnh vui buồn, bằng tình đoàn kết, và sự trợ
giúp". Tôi biết rằng việc bình thường hóa quan hệ với Cộng Hòa Nhân Dân
Trung Hoa cần có thời gian và cần có thiện chí của cả đôi bên". »
Đức Phanxicô đã đi tiếp trên con đường của Đức
Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI. Đặc biệt, hành động của Đức Phanxicô tiếp tục
công trình của người tiền nhiệm trực tiếp của mình.
Hiệp định tạm thời 22/09/2018
Hiệp Định tạm thời về việc bổ nhiệm giám mục giữa
Trung Quốc và Tòa Thánh được công bố ngày
22 tháng 9 năm 2018 là cơ sở vững chắc cho những phát triển trong tương
lai. Đây là một hiệp định được ký kết giữa hai nước không có quan hệ ngoại
giao.
Theo Đức Phanxicô, đây không phải sự kết thúc
bằng sự thoả hiệp. Mà là sự bắt đầu của cuộc đối thoại tìm kiếm sự hiệp thông,
không chỉ giữa Tòa Thánh và Giáo Hội Trung Quốc mà cả sự hiệp nhất của chính
Giáo Hội Trung Quốc. « Hãy nhìn xem, chúng ta đã đạt đến điểm này, tôi
có thể đồng ý hay không, nhưng chúng ta hãy cùng nhau bước đi ». Ngài
xác nhận cuộc hành trình sẽ được xác định theo thời gian, nhưng đã xác lập được
hướng đi.
Điều đó có thể « bắt đầu một con đường
chưa từng có, mà chúng ta hy vọng sẽ giúp chữa lành những vết thương trong quá
khứ, tái thiết lập sự hiệp thông trọn vẹn với tất cả người Công Giáo Trung Quốc
và mở ra một giai đoạn hợp tác huynh đệ hơn, để đảm nhận sứ mệnh với cam kết đổi
mới của việc loan báo Tin Mừng ».
Đức Phanxicô khẳng định không có việc Giáo Hội
từ bỏ thẩm quyền bổ nhiệm giám mục và trao quyền này cho chính phủ Trung Quốc.
Đây là quyền thiêng liêng của sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Như chúng ta thấy, gần
đây, Trung Quốc vẫn tiếp tục bổ nhiệm giám mục theo ý của họ ngay sau khi Hiệp
định được tái ký kết. Chúng ta nên xem đó là một phần của lịch sử Giáo Hội, lịch
sử của việc tìm kiếm các thỏa thuận với các cơ quan chính trị về việc bổ nhiệm
các giám mục.
Việc này không chỉ xảy ra ở Trung Quốc mà từng
diễn ra ở Hoa Kỳ trong nhiều thế kỷ, ở Ý trong thời Thế Chiến I, hay vẫn đang
diễn ra ở Việt Nam. Cũng nên biết là Hoà Ước (Concordat) 1801 giữa Toà Thánh và
Napoléon Bonaparte vẫn còn có hiệu lực tại các giáo phận Strasbourg và Metz
(Pháp) trong việc thoả hiệp giữa chính phủ dân sự và Giáo Hội Pháp trong việc bổ
nhiệm giám mục. Trong quá khứ, việc thông qua thỏa thuận này là sự điều chỉnh
theo một cách mới mẻ mối quan hệ giữa nhà nước hiện đại và Giáo Hội Công Giáo.
Hiệp định này có thể làm giảm bớt những khó
khăn ngăn cản người Công Giáo Trung Quốc sống hiệp thông với nhau và với toàn
thể Giáo Hội trên toàn thể giới. Chắc chắn đây là một bước quan trọng và phù hợp
với những gì mà Đức Hồng Y Pietro Parolin đã nhắc lại trong một cuộc phỏng vấn
dành cho Gianni Valente và được đăng trên Vatican Insider.
« Do đó, vấn đề không phải là duy trì
một cuộc xung đột lâu năm giữa các nguyên tắc và cơ cấu đối nghịch nhau, mà là
tìm kiếm thực tế. Các giải pháp mục vụ cho phép người Công Giáo sống đức tin của
họ và cùng nhau tiếp tục công việc truyền giáo trong bối cảnh cụ thể của Trung
Quốc ».
Tuy nhiên, chúng ta cũng không quên là tại
Trung Quốc, Giáo Hội Yêu Nước đã là một tổ chức có ảnh hưởng trong Giáo Hội
Trung Quốc trong hơn nửa thế kỷ. Tổ chức này được sinh ra trong một thời điểm lịch
sử cụ thể và cũng có thể trải qua những quá trình phát triển cho tới nay.
Kết quả từ Hiệp Định
Bốn năm sau, có ba thành quả chính của thỏa
thuận được xem xét. Đầu tiên là kể từ tháng 9 năm 2018, tất cả các giám mục của
Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc đã được Tòa Thánh công nhận và không còn vụ tấn
phong giám mục mà không có sự chuẩn y của Tòa Thánh nào nữa.
Thành quả thứ hai là sáu cuộc tấn phong giám mục
đầu tiên diễn ra theo tinh thần của Hiệp Định và phù hợp với cách thức đã được
thiết lập : Quyết định cuối cùng giành cho Giáo Hoàng.
Kết quả thứ ba là trong thời gian này cũng có
sáu giám mục « chui – clandestini » đầu tiên
được Nhà Nước công nhận. Và vẫn còn những trường hợp khác đang được xem xét.
Trong bốn năm, vẫn còn nhiều giáo phận trống
toà (không có giám mục) và nhiều giáo phận được điều hành bởi các giám mục cao
tuổi. Ở một số giáo phận, căng thẳng nội bộ Giáo Hội vẫn tiếp diễn và một số
khác, thì bất chấp Hiệp Định, không thể có đối thoại hiệu quả với chính quyền địa
phương. Không ai có thể che giấu những khó khăn ảnh hưởng đến đời sống cụ thể của
các cộng đoàn Công Giáo.
Tuy nhiên, có những cơ sở để có thể cải thiện
sự hợp tác giữa Tòa Thánh, chính quyền trung ương, các giám mục và các chính
quyền địa phương : XÂY DỰNG NIỀM TIN.
Những thách đố từ Hiệp Định trong hoàn cảnh hôm nay
Thách
đố về đời sống tinh thần. Trung Quốc đang thay đổi
nhanh chóng về kinh tế, xã hội và giáo dục. Nhiều người Trung Quốc sống trái
ngược với phong tục truyền thống và các giá trị tinh thần.
Thách
đố « chính trị ». Giáo Hội Công Giáo
Trung Quốc cũng được kêu gọi xác định lại vai trò và mối quan hệ của mình với Đảng
Cộng Sản và với hệ tư tưởng của nó. Điều này không có nghĩa là Giáo Hội nhất
thiết phải chia sẻ các chính sách và giá trị của Đảng, mà là Giáo Hội phải tìm
giải pháp để tiếp tục sứ mệnh và chức vụ của mình ở Trung Quốc. Rốt cuộc, các
giá trị văn hóa và truyền thống của Trung Quốc và các giá trị ki-tô giáo và
giáo huấn của Giáo Hội có điểm chung gì để có thể chia sẻ và tiếp tục đối thoại
để tìm kiếm lợi ích chung.
Thách
đố của sự chia rẽ nội bộ. Làm sao hoà giải hai
Giáo Hội “chính thức” và “chui” ? Sự căng thẳng giữa hai Giáo Hội này có lẽ đã
lắng hạ. Nhưng để xoá bỏ hai Giáo Hội này thì cần đến sự hoán cải của từng
thành viên trong cộng đoàn.
Thách
đố « Hán hóa ». Một thách thức đặc biệt
phát sinh từ thực tế là trong những năm gần đây, giới lãnh đạo Trung Quốc đã
nhiều lần kêu gọi các tôn giáo hiện diện trên lãnh thổ Trung Quốc “Hán hóa”
(zhongguohua). Chủ đề này xuất hiện trong các bài phát biểu của chủ tịch Tập Cận
Bình từ năm 2015, nhưng tần suất của nó tăng lên ngay trước và sau Đại Hội Đảng
Cộng Sản lần thứ 19, được tổ chức vào tháng 10 năm 2017.
Theo báo cáo của chủ tịch tại đại hội, chính
sách tôn giáo ở Trung Quốc là duy trì nguyên tắc “các tôn giáo phải có định hướng
Trung Quốc và thích nghi với xã hội xã hội chủ nghĩa.” Nói khác đi tôn giáo có
thể trở thành công cụ đơn thuần của bộ máy chính trị.
Mặt khác, chính ki-tô giáo cũng cần hội nhập
vào trong bối cảnh Nho Giáo và Đạo Giáo của truyền thống Trung Hoa mà không đi
theo định hướng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc ?
Hiệp định không được coi là điểm đến, mà là điểm
khởi hành. Không có cơ chế tự động hóa nào đảm bảo cải thiện chất lượng đời sống
tôn giáo Công Giáo Trung Quốc.
Đức Hồng Y Parolin đã tóm tắt điều đó trong cuộc
phỏng vấn đã nói ở trên : « Với sự trung thực và thực tế, Giáo Hội
không yêu cầu gì hơn là tuyên xưng đức tin của mình một cách thanh thản hơn, dứt
khoát khép lại một thời gian dài chống đối, để mở ra những không gian cho sự
tin tưởng lớn hơn và cống hiến sự đóng góp tích cực của người Công Giáo vì lợi
ích của toàn xã hội Trung Quốc ».
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn Linh mục Phạm Hoàng Dũng.
**********
Tham Khảo
[1] F. Sisci, Intervista di Papa Francesco ad “Asia
Times”, 2 febbraio 2016
Spadaro, Antonio (2023), L’atlante di
Francesco, Marsilio. Đặc biệt Chương 3: Il desiderio della Cina (Niềm mong
ước về Trung Quốc) pp. 181 – 200.
Herghelegiu, M.-E. (2008), Reservatio
Papalis: A study on the application of a legal prescription according to the
1983 Code of Canon Law, Münter, Lit Verlag, p. 50
Sale, G., Concordato e nomine dei
vescovi. Il caso di Pio VII e Napoleone, in “La Civiltà Cattolica” 1, 2018,
pp. 558-567.
Thư của Đức Bê-nê-đic-tô XVI gởi Hàng giáo sĩ,
tu sĩ và giáo dân Trung Quốc 27/05/2007 https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/it/letters/2007/documents/hf_ben-xvi_let_20070527_china.html
Comunicato circa la firma di un Accordo
Provvisorio tra la Santa Sede e la Repubblica Popolare Cinese sulla nomina dei
Vescovi, 22.09.2018
https://press.vatican.va/content/salastampa/it/bollettino/pubblico/2018/09/22/0673/01468.html#ita
Orientamenti pastorali della Santa Sede circa
la registrazione civile del Clero in Cina, 28.06.2019
https://press.vatican.va/content/salastampa/it/bollettino/pubblico/2019/06/28/0554/01160.html
Thư của Đức Phanxicô gởi tín hữu công giáo
Trung Quốc và Giáo Hội hoàn vũ, 26/09/2018 https://www.vatican.va/content/francesco/it/messages/pont-messages/2018/documents/papa-francesco_20180926_messaggio-cattolici-cinesi.html
Parolin: un accordo su beni essenziali per la vita
della Chiesa in Cina
Tagle: una decisione per custodire la successione
apostolica per i cattolici cinesi
No comments:
Post a Comment