Friday, August 4, 2023

TỪ MANILA, CHỦ TỊCH ỦY BAN CHÂU ÂU URSULA VON DER LEYEN "ĐÁ XÉO" TRUNG QUỐC (Việt Bình / Saigon Nhỏ)

 



Từ Manila, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen “đá xéo” Trung Quốc

Việt Bình  -  Saigon Nhỏ

2 tháng 8, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/tu-manila-chu-tich-uy-ban-chau-au-ursula-von-der-leyen-da-xeo-trung-quoc/

 

Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. sau khi tổ chức các cuộc đàm phán ở Manila nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại, kinh tế và an ninh ngày 31 Tháng Bảy 2023, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã “đá xéo” Trung Quốc khi viện dẫn cuộc xâm lược Ukraine của Nga để cảnh báo về các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt việc Bắc Kinh liên tục hù dọa tấn công Đài Loan. Bằng ngôn ngữ cứng rắn, bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh rằng EU sẽ không dung thứ cho hành động gây hấn ở cả hai khu vực.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/GettyImages-1245605976.jpg

Trái sang: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Tổng thống Philippines Ferdinand “Bongbong” Romualdez Marcos Jr. và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (ảnh: Thierry Monasse/Getty Images)

 

Ursula von der Leyen cũng cho biết, khối EU với 27 quốc gia sẽ nối lại đàm phán với Philippines về một hiệp định thương mại tự do vốn bị đình trệ vào năm 2017 dưới thời người tiền nhiệm của Tổng thống Marcos, ông Rodrigo Duterte; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác an ninh, khi nêu rằng cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine cho thấy các nhà lãnh đạo độc đoán “sẵn sàng hành động như thế nào”.

 

“Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống lại Ukraine làm lung lay nền tảng của trật tự quốc tế. Nó vi phạm hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, chẳng hạn như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ,” bà nói. “Đây là lý do tại sao châu Âu ủng hộ cuộc chiến dũng cảm của Ukraine chống lại kẻ xâm lược, bởi vì việc sử dụng vũ lực bất hợp pháp là không thể dung thứ, không phải ở Ukraine, không phải ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” von der Leyen nói. “An ninh ở châu Âu và an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là không thể chia cắt. Những thách thức đối với trật tự dựa trên luật lệ trong thế giới liên kết với nhau của chúng ta ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.”

 

“Đây là lý do tại sao chúng tôi lo ngại về tình trạng căng thẳng gia tăng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” Ursula von der Leyen nói, và rằng EU ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở “vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không có các mối đe dọa cưỡng bức là chìa khóa cho tất cả các hoạt động của chúng ta, cho sự ổn định hòa bình của chúng ta, và cho sự thịnh vượng của nhân dân chúng ta.”

 

Dù không nêu đích danh Trung Quốc nhưng bà von der Leyen tái khẳng định sự công nhận của EU đối với phán quyết của một tòa án do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn đã vô hiệu hóa các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông. Phần mình, như đã biết, Trung Quốc luôn bác bỏ quyết định trọng tài Liên Hiệp Quốc.

 

Chuyến thăm của Von der Leyen đến Philippines là dấu hiệu cải thiện quan hệ sau thời kỳ sóng gió giữa EU và cựu Tổng thống Duterte về vấn đề nhân quyền. Đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên như vậy trong gần sáu thập niên quan hệ giữa châu Âu và Philippines. Trong một buổi nói chuyện khác tại một diễn đàn kinh doanh ở Manila, Ursula von der Leyen phát biểu mạnh mẽ và trực diện hơn khi cảnh báo rằng những hành động ngày càng hung hăng của Bắc Kinh ở châu Á “cũng có thể gây ra hậu quả toàn cầu”.

 

Bà chỉ trích lập trường của Trung Quốc về cuộc chiến ở Ukraine, các hành động ngày càng hung hăng của nước này ở vùng biển châu Á đang tranh chấp và các động thái khiêu khích của nước này đối với Đài Loan. Ursula von der Leyen nói: “Việc Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự ở Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng như ở eo biển Đài Loan ảnh hưởng trực tiếp đến Philippines và các đối tác khác trong khu vực. Và điều này cũng có thể có tác động toàn cầu vì bất kỳ sự suy yếu nào của sự ổn định khu vực ở châu Á đều ảnh hưởng đến an ninh toàn cầu, dòng chảy thương mại tự do và lợi ích của chính chúng ta trong khu vực.”

 

Cần nhắc lại, trong một thập niên qua, Bắc Kinh đã biến bảy rạn san hô tranh chấp thành các căn cứ đảo được bảo vệ bằng tên lửa, khiến các chính phủ phương Tây và các bên tranh chấp chủ quyền, bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan, ngày càng tỏ ra lo ngại.

 

Hạm đội tàu bảo vệ duyên hải của Trung Quốc và các nhóm tàu dân quân thường xuyên thị uy, “cảnh cáo” các tàu từ các quốc gia tranh chấp và thậm chí cả quân đội Hoa Kỳ và đồng minh không được “đi lạc” vào các vùng lãnh thổ mà họ tuyên bố chủ quyền trong vùng biển tranh chấp, nằm trên một trong những tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới và cũng là khu vực có nhiều dầu khí.

 

Viện dẫn việc “Nga đã cố gắng tống tiền chúng tôi” bằng cách cắt giảm đáng kể nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho các nước châu Âu sau khi EU áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow vì cuộc xâm lược Ukraine, bà Von der Leyen kêu gọi các quốc gia châu Á đừng bao giờ dựa vào một nhà cung cấp năng lượng và nguyên liệu thô duy nhất. “Chúng ta không thể chọn hàng xóm, nhưng chúng ta có thể chọn làm ăn với ai và với những điều kiện gì,” bà nói.

 

Philippines đã bị EU chỉ trích dữ dội trong nhiệm kỳ sáu năm của Tổng thống Duterte, người thực hiện cuộc đàn áp chống ma túy đẫm máu khiến hơn 6,000 nghi phạm bị giết. Marcos kế nhiệm Duterte vào Tháng Sáu 2022. Các vụ giết người đã gây ra một cuộc điều tra của Tòa án Hình sự Quốc tế như một tội ác chống lại loài người. Duterte đã rút Philippines khỏi ICC (International Criminal Court) vào năm 2018 nhưng công tố viên nước này đã tiến hành điều tra những cái chết xảy ra trong những năm Philippines vẫn còn là một phần của tòa án có trụ sở tại The Hague. Duterte thường đả kích những lời chỉ trích của EU về cuộc đàn áp tàn bạo chống ma túy bằng lời lẽ thô tục.

 

Phần mình, Tổng thống Marcos nói quan hệ giữa EU và Philippines đang bước vào một kỷ nguyên mới. Marcos nhận định: “Chúng tôi là những đối tác có cùng chí hướng thông qua các giá trị chung về dân chủ, thịnh vượng bền vững và toàn diện, pháp quyền, hòa bình và ổn định cũng như nhân quyền”.





No comments: