Tuesday, August 15, 2023

TÌM HIỂU VỀ VIỆT NAM QUA CÁC GÓC NHÌN LỊCH SỬ MỚI (Ái Thư / Luật Khoa)

 



Tìm hiểu về Việt Nam qua các góc nhìn lịch sử mới

ÁI THƯ  -  LUẬT KHOA

AUGUST 15 20237:48 PM

https://www.luatkhoa.com/2023/08/histoire-du-viet-nam/

 

Nhìn Việt Nam không qua chiều dọc của thời gian, mà bằng chiều ngang của nhiều mặt trong đời sống.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2023/08/Histoire-du-Vi-t-Nam.jpg

Ảnh bìa sách: Ed Sorbonne./ Đồ họa: Luật Khoa.

 

                                                                   *

 

Cuốn sách “Histoire du Viêt Nam de la colonisation à nos jours” (tạm dịch: “Lịch sử Việt Nam từ thời thuộc địa đến nay”) là một tác phẩm đa ngành dài 12 chương được xuất bản năm 2018, nhìn nhận lịch sử Việt Nam ở nhiều góc độ, không phải chiều dọc của thời gian, mà là chiều ngang của nhiều mặt trong đời sống. 

 

Đó là nỗ lực của tập thể các chuyên gia nói tiếng Pháp nhằm giới thiệu một Việt Nam ngoài hình ảnh xích lô, nón lá, áo dài, Vịnh Hạ Long, v.v. Mỗi tác giả ở mỗi lĩnh vực đã đóng góp những lưu ý về các mốc thời gian quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Với sự đóng góp của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu xã hội và nhân văn, cuốn sách tiết lộ những điều mà các sách sử chính thống của Việt Nam giấu kín. 

 

 

Những người ngoại quốc và lịch sử đối ngoại

 

Phần đầu của cuốn sách tóm tắt lịch sử thuộc địa Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1954 dưới con mắt của Marie de Rugy - một nữ sử gia chuyên về lịch sử thuộc địa. 

 

Xã hội Đông Dương dưới thời thuộc địa Pháp không chỉ đơn thuần là kẻ thống trị da trắng Pháp và những người Đông Dương da vàng. Đó là một xã hội đa dạng, chia thành các tầng lớp và không gắn kết. Marie de Rugy nhắc đến những người bản địa (autochtone), hay những cộng đồng người thiểu số rất đa dạng mà lịch sử ít khi nói tới. 

 

Tầng lớp thống trị thuộc địa không chỉ là những người Pháp da trắng mà còn nhiều tộc người khác nhau. Những người Ấn đến từ Pondicherry (một vùng lãnh thổ Ấn Độ thuộc Pháp) có mặt ở Việt Nam khiến người bản xứ thấy khó chịu. Những người Việt gốc Hoa ở Sài Gòn được người Pháp ưu ái vì họ có mạng lưới quan hệ rộng lớn. Hay những người Tamil cũng đã đến đây dựng các trang trại và các đền thờ Ấn Độ giáo. 

 

Cũng tại Đông Dương còn có sự xuất hiện của những đứa con lai châu Âu, họ được xem trọng hơn chỉ vì sở hữu dòng máu Tây và điều này khiến người Việt thấy ghen tị; phần lớn họ được sinh ra từ những mối quan hệ không được công nhận, thường bị người cha ruồng bỏ. Những người Việt thuộc tầng lớp tinh anh dường như lạc lõng trong trường học của người Pháp. Hầu hết những người Pháp đều là nam giới, mà không phải người Pháp nào cũng là những nhà thực dân.

 

Thuật lại diễn biến của các cuộc chiến tranh tại Việt Nam, nhà sử học Pierre Journoud cho rằng chúng ta không nên coi Việt Nam là một nước hứng súng đạn của những nước lớn (victime expiatoire) mà là một chủ thể tích cực (acteur engagé) của nhiều cuộc chiến tranh. Các cuộc chiến đều có yếu tố chủ động từ phía Việt Nam, mà tên gọi Việt Nam đó không phải là một chính thể đơn nhất, cũng không chỉ là hai chính thể ở hai miền Nam – Bắc, mà còn là những cá nhân có các quyết định khác nhau. 

 

Theo tác giả phân tích, không phải nhà lãnh đạo cộng sản cầm quyền nào cũng ủng hộ quan điểm chiến tranh và giành chiến thắng bằng mọi giá. Người dân Việt Nam phải tham gia vào cuộc chiến, dù là theo tiếng gọi của lòng yêu nước hay mệnh lệnh của giới cầm quyền. Người dân cầm vũ khí chống lại những người mà nhà nước cho là giặc và chính họ cũng là vũ khí của chiến tranh. Bạo lực không chỉ xảy ra trên chiến trường mà còn ở khắp mọi nơi, cả thời chiến lẫn thời bình: từ cải cách ruộng đất, phong trào Phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm, trại cải tạo những người thuộc chế độ cũ ở miền Nam, v.v.

 

Với nhà sử học François Guillaumot, vấn đề ngoại giao của Việt Nam sau Đổi Mới không chỉ là hội nhập khu vực, bình thường hóa với phương Tây, đưa đất nước vươn ra thế giới, mà còn là ngoại giao với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là những người Việt rời bỏ quê hương cuối những năm 1970, đầu những năm 1980. Ngoại giao Việt Nam được nhấn mạnh bởi sự chuyển đổi từ quốc tế hóa vô sản (l'internationale prolétarien) tới ngoại giao đa phương (diplomatie multidirectionelle). 

 

Kiều bào luôn đặt dấu hỏi về vấn đề nhân quyền và dân chủ trong nước Việt Nam. Đời sống chính trị của Việt kiều tại Mỹ luôn là mối quan tâm lớn của chính quyền, những chuyển biến chính trị của cộng đồng người Mỹ gốc Việt luôn được chính quyền cộng sản theo dõi. 

 

Ở phần này, tác giả nhắc đến một loạt các sự kiện lịch sử của cộng đồng người Việt tại Mỹ, chẳng hạn Đại sứ quán Việt Nam được lập tại thủ đô Washington D.C. vào năm 1995 và treo cờ đỏ sao vàng khiến cộng đồng người Việt tại đây phản đối mạnh mẽ, chiến dịch đòi hỏi công nhận cờ Việt Nam Cộng hòa từ năm 1999, hay là phong trào đòi được khẳng định thân phận người miền Nam, quyền được tưởng niệm ngày 30 tháng 4 mỗi năm. 

 

Chiến dịch cờ vàng đã đạt được một số thành công nhất định trên đất Mỹ. Trong khoảng từ năm 2002 đến năm 2005, cờ vàng ba sọc đỏ được công nhận là biểu tượng chính thức của cộng đồng Việt tại Mỹ ở 5 bang và khoảng 100 thành phố của Mỹ. Trong thời gian này, những tác động gây sức ép của chính quyền cộng sản không đạt được nhiều thành công rõ rệt. 

 

Ngoài ra không thể không kể đến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc của cộng đồng người Việt tại Mỹ, Canada và Úc từ năm 2011 đến 2014 nhằm vào chính quyền Hà Nội; hay cộng đồng người Việt tại châu Âu cùng một số đại sứ quán Việt Nam vận động đòi quyền được hồi hương cho các nhân vật bất đồng chính kiến như Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

 

 

Vấn đề đối nội và kinh tế trong nước

 

Sử gia Benoît de Tréglodé, cũng là chủ biên cuốn sách, bình luận về chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam sau chiến tranh, cho biết đó thực chất là gì và những lãnh đạo cộng sản phản ứng thế nào trước sự sụp đổ hoàn toàn của Liên Xô. Sự ra đời của Tư tưởng Hồ Chí Minh như một tư tưởng mang đậm bản sắc Việt Nam bên cạnh chủ nghĩa Marx-Lenin, là giải pháp hữu hiệu cho đất nước vào giai đoạn hậu Liên Xô. 

 

Tuy đảng luôn lãnh đạo nhà nước, nhưng đảng và nhà nước cũng không hoàn toàn đồng nhất. Hiến pháp năm 2013 thay vì lặp lại “Đảng là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội” như bản Hiến pháp năm 1980, thì đã lược bỏ cụm từ “duy nhất”, ngay cả khi đất nước vẫn theo chế độ trung ương tập quyền (centralisme démocratique). 

 

Theo Benoît de Tréglodé, sau Đổi Mới mà đặc biệt là từ thập niên 1990, người ta tưởng chừng như địa phương được hưởng nhiều quyền lực hơn, nhưng trong thực tế sự kiểm soát từ trung ương ngày nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn. Một mốc thời gian khác mà tác giả lưu ý, là kể từ năm 2016, các lãnh đạo Bộ Công an ngày càng chiếm nhiều vị trí chủ chốt hơn trong bộ máy nhà nước. Điều này khác hẳn với thời kỳ Đổi Mới sau năm 1986 và một lần nữa vào năm 1997, khi mà phe quân đội góp mặt nhiều hơn.

 

Nhà kinh tế học Jean-Philippe Eglinger quan sát lịch sử hội nhập kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là khi Luật Đầu tư quốc tế ra đời vào năm 1987 và việc Hiến pháp năm 1992 công nhận thành phần kinh tế tư nhân. Đó cũng là khoảng thời gian Việt Nam thoát khỏi thế cô lập với thế giới sau sự sụp đổ của của Hội đồng Tương trợ kinh tế (Comecon) do Liên Xô đứng đầu. Một tầng lớp doanh nhân nhanh chóng xuất hiện vào những năm 1990, mà tiêu biểu là ông Trương Gia Bình (FPT), bà Mai Kiều Liên (Vinamilk) hay ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup), v.v. Kể từ năm 2000, Việt Nam đã xuất khẩu ngày càng nhiều hàng hóa có giá trị cao, đặc biệt là điện thoại di động.

 

Về đô thị hóa ở Việt Nam, nhà địa lý Marie Gibert-Flutre cho rằng quá trình đô thị hóa ở Việt nam có sự phân hóa rõ rệt do yếu tố lịch sử. Thời kỳ 1954-1975 ở miền Bắc, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hạn chế phát triển đô thị để phục vụ hoạt động cách mạng ở nông thôn, cũng như hình thành các trung tâm sản xuất công-nông kết hợp khu dân cư, nhà máy, ruộng đồng, v.v. Bất chấp điều này, các khu nhà tập thể kiểu Liên Xô mọc lên nhanh chóng như một biểu hiện của hiện đại hóa. Sau đó, sự thiếu hụt về đầu tư phát triển đô thị rõ ràng đã tạo nên một thành phố chật chội ở thủ đô. 

 

Trong khi đó, đô thị hoá ở miền Nam phát triển vô cùng năng động và nhanh chóng. Khi hai miền thống nhất, hệ thống sổ hộ khẩu nhằm quản lý vị trí nơi ở của người dân vốn chỉ có ở miền Bắc đã được triển khai khắp cả nước. Nhà nước cũng ép buộc người dân trở về quê cũ, khiến lượng người thành thị giảm từ 45% còn 25% ở miền Nam. Chính sách bài Hoa ảnh hưởng vô cùng lớn đến những người dân sống ở Chợ Lớn, khiến người Hoa phải tị nạn và trở thành nhóm thuyền nhân chính. Sau này, quá trình đô thị hóa một lần nữa diễn ra nhanh chóng sau Đổi Mới để phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. 

 

 

Bức tranh về văn hoá, xã hội, và tôn giáo ở Việt Nam

 

Chuyên gia địa lý Sylvie Fanchette và nhà nhân khẩu học Nguyễn Thị Thiềng phân tích về tác động của Đổi Mới tới dân số và gia đình. Sau năm 1975 quá trình di dân diễn ra một phần là do nhà nước điều động người dân đến các vùng kinh tế mới. Sổ hộ khẩu vẫn là nguyên nhân gây ra nhiều bất bình đẳng xã hội và góp phần hạn chế di cư từ nông thôn ra thành thị. 

 

Dân số Việt Nam ngày càng già đi do tỷ lệ sinh giảm và tỷ lệ tử tăng đáng kể từ thập niên 1990, theo xu hướng chung của Đông Nam Á. Chính sách Kế hoạch hóa gia đình sau Đổi Mới làm tăng bất bình đẳng giới, và sự nam hóa dân số (masculinsation des naissances) tăng đột biến từ những năm 2000 do tỷ lệ phá thai nhi giới tính nữ tăng mạnh. Hơn nữa, những người di cư lập gia đình với công dân nước ngoài chủ yếu là phụ nữ, khiến cho tỷ lệ chênh lệch dân số nam - nữ ngày càng lớn, đặc biệt là ở miền Bắc. 

 

“Mối quan hệ” đóng vai trò trung tâm trong xã hội Việt Nam. Việc tận dụng các mối quan hệ để đạt mục đích chính trị, kinh tế, và xã hội đã có từ lâu trong xã hội Việt Nam, nhưng với nhà nhân học Emmanuel Pannier, mối quan hệ theo cách hiểu ngày nay xuất hiện từ những năm 1960 khi miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. 

 

Các mối quan hệ giúp con người ứng phó với nguồn lực khan hiếm và tình trạng nhà nước độc quyền ở mọi lĩnh vực. Tạo mối quan hệ là cách để người dân tái phân phối của cải, dịch vụ trong xã hội. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ tiềm lực để tạo dựng các mối quan hệ. Trước năm 1975, dù chính quyền miền Bắc cấm các hoạt động thương mại nhưng không thể ngăn cản các hoạt động trao đổi buôn bán phi chính thức, đặc biệt là các loại sản phẩm đến từ miền Nam. 

 

Nghệ thuật xây dựng và duy trì các mối quan hệ là một kỹ năng cần có để tồn tại và làm giàu. Sau Đổi Mới, nghệ thuật ấy còn đa dạng và phong phú hơn. Các mối quan hệ diễn ra giữa các doanh nghiệp tư nhân và bộ máy hành chính nhà nước, giữa chính các doanh nghiệp với nhau để đảm bảo cung-cầu. Những mối quan hệ ấy giúp con người ứng phó với một hệ thống đầy bất trắc. 

 

Nhà nhân học Paul Sorrentino điểm qua vấn đề tôn giáo của Việt Nam, mà các con số thống kê chính thức của nhà nước không thể nào phản ánh được. Sorrentino chỉ ra thập niên 1990 là thời điểm đánh dấu sự ra đời của một loạt các quy định của nhà nước về “tôn giáo”, bắt đầu quá trình thế tục hóa mang tính xã hội chủ nghĩa. Cụm từ “tà đạo” vốn được vua Minh Mạng dùng để chỉ Phật giáo vào năm 1833 giờ lại được dùng để chỉ những tín ngưỡng, tôn giáo mà chính quyền cộng sản cho là không thích hợp, bất hợp pháp. 

 

Trong khi việc nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu vào năm 1963 là một sự kiện điển hình được nhà cầm quyền dùng để chứng minh cho sự bất chính của chính quyền miền Nam, thì một loạt những vụ tự thiêu khác của các Phật tử nhằm phản đối chính quyền cộng sản sau khi hai miền thống nhất lại bị giấu kín. Cuộc khủng hoảng Phật giáo năm 1992 xung quanh cái chết của Hòa thượng Thích Đôn Hậu là một cột mốc thời gian mà rất nhiều người Việt không được biết đến. 

 

Tác giả cũng lập luận rằng bắt đầu Đổi Mới không có nghĩa là đảng và nhà nước cởi mở hơn về vấn đề tôn giáo, mà thực tế kiểm soát về tôn giáo là một phần trong bức tranh kiểm soát toàn diện. Ngày nay, một số nghi lễ vốn bị coi là mê tín, hủ tục đã được nhà cầm quyền chấp nhận, thậm chí “nâng cấp” thành khoa học tâm linh. 

 

Chương cuối của chuyên gia an ninh mạng Candice Tran Dai đóng góp góc nhìn về lịch sử phát triển Internet ở Việt Nam, từ không gian kết nối xã hội, thể hiện cái tôi, đến không gian tham gia chính trị của người dân. Internet có mặt ở Việt Nam vào năm 1997 và thực sự phát triển mạnh từ năm 2000. Yahoo! 360 ra đời vào năm 2005 giúp người Việt mở blog, tạo ra các diễn đàn để trao đổi bên ngoài những quan điểm của truyền thông nhà nước. 

 

Khi dịch vụ này chấm dứt hoạt động vào năm 2009, đông đảo người Việt đã nhanh chóng chuyển sang các ứng dụng khác, mà nổi bật là Facebook. Đây cũng là không gian giúp xuất hiện những nhà báo tự do, những tiếng nói độc lập, biến Facebook trở thành một trong những kênh truyền thông phổ biến nhất ở Việt Nam. Hầu hết những người sử dụng Internet là những người sinh ra sau năm 1975, và họ, nhờ mạng xã hội, tích cực tham gia vào quá trình đòi hỏi minh bạch và trách nhiệm chính trị của những nhà cầm quyền.

 

Lịch sử được kể trong tác phẩm không chỉ là câu chuyện vĩ mô của những chính trị gia mà còn là của những con người bình thường. Một đóng góp quan trọng của cuốn sách là nhấn mạnh cả lịch sử của những dân tộc thiểu số, những nhóm người mà lịch sử chính thống ở Việt Nam thường ít nói đến: những người dân tộc thiểu số, những người di cư bất đắc dĩ, những con người bình thường cạnh tranh và hợp tác trong những mối quan hệ phức tạp, v.v.







No comments: