Wednesday, August 16, 2023

NGA DỤ DỖ VIỆT NAM MUA VÕ KHÍ ĐANG BỊ MỸ CẤM VẬN XUẤT CẢNG (Người Việt)

 



Nga dụ dỗ Việt Nam mua võ khí khi đang bị Mỹ cấm vận xuất cảng

Người Việt

August 15, 2023

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/nga-du-do-csvn-mua-vo-khi-khi-dang-bi-my-cam-van-xuat-cang/

 

MOSCOW, Nga (NV) – Nga đang chèo kéo Việt Nam mua các loại trang bị khi ông Phan Văn Giang, bộ trưởng Quốc Phòng, đến Moscow tham dự triển lãm võ khí.

 

“Tôi tin các võ khí, trang bị quân sự và kỹ thuật tân tiến được trưng bày tại Diễn Đàn Kỹ Thuật Quân Sự Quốc Tế Army 2023 sẽ lôi cuốn sự chú ý của phía Việt Nam cũng như chứng tỏ hữu ích thực tế cho lực lượng của Việt Nam,” hãng thông tấn Nga Tass dẫn lời ông Sergei Shoigu, bộ trưởng Quốc Phòng Nga, khi gặp ông Phan Văn Giang bên lề cuộc triển lãm võ khí tại Moscow kéo dài từ ngày 14 đến 20 Tháng Tám.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/08/VN-Phan-Van-Giang-2-trienlam-vokhi-Nga-QDND-081523.jpg

Ông Phan Văn Giang (thứ hai từ phải), bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, tham dự “Diễn Đàn ARMY-2023” tại Moscow, Nga, ngày 15 Tháng Tám. (Hình: Quân Đội Nhân Dân)

 

“Không có gì phải hoài nghi sự hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong những lợi ích cốt lõi,” ông Shoigu nói.

 

Tass thuật lời ông Shoigu nói Việt Nam xưa nay vẫn là đồng minh và đối tác chính yếu và tin cậy ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương. Sự hợp tác giữa hai nước có thể được mô tả là toàn diện và chiến lược.

 

Báo Quân Đội Nhân Dân đưa tin Tướng Phan Văn Giang phàn nàn tại diễn đàn kể trên là “Cạnh tranh chiến lược giữa một số quốc gia vẫn tồn tại, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, nhất là trên mặt biển còn phức tạp, chính trị nội bộ một số nước chưa thực sự ổn định…”

 

Việt Nam cũng đem một số trang bị quốc phòng tự sản xuất như tàu cứu hộ cứu nạn, radar, máy bay không người lái đến tham gia cuộc triển lãm. Những thứ này nhiều phần là sản xuất theo các thỏa thuận với nước ngoài.

 

Việt Nam có mua võ khí của Nga trong những ngày sắp tới hay không vẫn còn là dấu hỏi rất lớn. Nhiều nhà phân tích thời sự từng cho rằng Mỹ sẽ không ngồi yên nếu Việt Nam mua võ khí Nga. Thị trường tiêu thụ Mỹ là khách hàng chính yếu của các loại hàng hóa của Việt Nam từ tôm cá, quần áo, giày dép đến đồ điện tử. Việt Nam xuất cảng sang Mỹ hơn $52 tỷ chỉ trong bảy tháng đầu năm 2023.

 

Tháng Tư vừa qua, nhiều công ty quốc phòng hàng đầu nước Mỹ từ Boeing, Lockheed Martin, BAE Systems, Honeywell… tới Hà Nội chào hàng từ máy bay chiến đấu, máy bay không người lái, chiến hạm, hệ thống truyền tin viễn thông. Những công ty đó cũng đã từng tham dự cuộc triển lãm võ khí ở Hà Nội Tháng Mười Hai năm ngoái và cũng đã có các cuộc thảo luận với chức sắc quốc phòng Việt Nam. Nhưng đến nay, vẫn không thấy có tin tức kết quả gì.

 

Năm 2017, dưới thời ông Donald Trump, nước Mỹ ra một đạo luật (Luật CAATSA) trừng phạt các đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt. Theo đó, bất cứ nước nào giao dịch với Nga trong các lãnh vực quốc phòng, tình báo, đều có thể bị Mỹ trừng phạt. Lãnh vực quốc phòng đương nhiên bao gồm cả các thương vụ mua bán võ khí.

 

Ngay từ năm 2014, Nga đã bị Mỹ và các nước Tây phương áp đặt các biện pháp cấm vận về xuất cảng võ khí khi xua quân cướp khu vực bán đảo Crimea và xúi giục người địa phương khu vực Donbass đòi tự trị khỏi Ukraine. Nay xua lực lượng muốn nuốt cả nước này, Nga đang bị cấm vận quyết liệt hơn về mọi mặt, gần như bị cô lập.

 

Nhất là từ cuối Tháng Hai, 2022, Nga bị cấm không cho sử dụng hệ thống thông tin thanh toán tài chính quốc tế SWIFT, phần lớn dịch vụ thanh toán liên ngân hàng giữa Nga với thế giới đều kẹt lại. Báo chí tại Việt Nam dạo đó có đề cập đến những trở ngại giao dịch tài chính giữa Hà Nội với hệ thống ngân hàng Nga khi nước Nga bị đẩy ra khỏi SWIFT.

 

Việt Nam là một trong những khách hàng chính yếu của các loại võ khí xuất cảng mà Nga bán ra nước ngoài. Vốn là một chư hầu của Liên Xô cũ, Việt Nam được huấn luyện và được trang bị các loại võ khí người Nga sản xuất. Khi đế quốc đỏ tan rã thập niên 1990, Hà Nội vẫn giữ mối quan hệ chặt chẽ mọi mặt với Liên Bang Nga.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/08/VN-trien-lam-vokhi-tai-Moscow-Twitter-LeeAnnQuan-081523.jpg

Một số võ khí do Việt Nam sản xuất theo thỏa thuận với nước ngoài, triển lãm tại Nga ngày 14 Tháng Tám. (Hình: Twitter Lee Ann Quann)

 

Sau đó, hầu hết mọi mua sắm trang bị an ninh quốc phòng của Việt Nam đều đến từ các nhà máy của Nga gồm cả súng lớn súng nhỏ, xe tăng, chiến hạm, khu trục… Theo tài liệu của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế ở Thụy Điển (SIPRI), trong giai đoạn từ năm 1995 đến 2021, Việt Nam đã nhập cảng một số lượng võ khí các loại trị giá hơn $9 tỷ. Trong đó, võ khí xuất xứ từ Nga chiếm tới $7.4 tỷ, tức 81.6%.

 

Liệt kê những món võ khí chính yếu gồm sáu tàu ngầm lớp Kilo, 36 máy bay khu trục Sukhoi Su-30 MK2, bốn hộ tống hạm Gepard, hai hệ thống hỏa tiễn phòng vệ bờ biển Bastion. Những tin tức thời gian từ hai năm trở lại đây từ truyền thông Nga hé lộ cho thấy Hà Nội có ý đàm phán mua thêm hai hộ tống hạm lớp Gepard với trang bị mạnh hơn những chiếc đã mua. Đồng thời một vài tin tức lao xao về khu trục đa năng “tàng hình” Sukhoi SU-57 hay SU-35 nhưng không có gì rõ rệt.

 

Những vụ mua sắm sau cùng võ khí Nga của Việt Nam gồm 64 chiến xa T-90 năm 2016 và 12 máy bay huấn luyện khu trục quân sự Yak-130. (TN) [qd]

 





No comments: