Học thuyết của Trung quốc thời
đại Tập Cận Bình – Tập 39
Le
Grand Continent
Phạm Như Hồ
dịch
22.8.23
http://www.phantichkinhte123.com/2023/08/thich-nghi-voi-sieu-han-chien.html#more
Có một
số văn bản cũng nguy hiểm không thua gì vũ khí. Năm 1999, Cuốn sách giáo khoa
nhỏ về chiến lược của Vương Tương Tuệ và Kiều Lương là một bước ngoặt: nhiều
năm sau, Siêu hạn chiến vẫn còn đó. Nhưng phiên bản cập nhật của
nó mở rộng hơn, tham vọng hơn: Trong thời đại thông tin, Trung Quốc phải hạ nước
Mỹ bằng cách nắm quyền kiểm soát một tổ chức “đã thoát khỏi Đế chế” - Internet.
***
Kiều Lương
(1955-)
Kiều Lương/Qiao Liang (乔良, 1955-), là một
nhà lý luận quân sự Trung Quốc và là thiếu tướng đã nghỉ hưu của Lực lượng
Không quân Giải phóng Nhân dân. Ông cũng là Phó Tổng thư ký Hội đồng Nghiên cứu
Chính sách An ninh Quốc gia và là thành viên của Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc.
Vương Tương
Tuệ (1954-)
Kiều
Lương chủ yếu được biết đến qua việc xuất bản vào năm 1999 một cuốn sách quan
trọng để hiểu chiến lược chính trị của Trung Quốc, Siêu Hạn Chiến (超限战), đồng tác giả với Vương Tương Tuệ (Wang Xiangsui). Trong tác phẩm của
mình, hai tác giả đề xuất một tầm nhìn mới về cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung
Quốc hiện vượt ra ngoài lĩnh vực quân sự đơn thuần, bằng cách khẳng định rằng
“chiến trường chiến tranh ngoài giới hạn mới này không giống như trong quá khứ
kể từ khi nó bao gồm tất cả các không gian tự nhiên” và còn là chân trời mới của
cuối thế kỷ 20 được thể hiện bởi “không
gian đang phát triển mạnh mẽ của công nghệ”. Đối với hai tác giả, như
các công trình của họ được xuất bản sau đó chứng nhận, “cuộc chiến tranh ngoài
giới hạn” này vẫn còn mang tính thời sự và, đối với Trung Quốc, có nghĩa là phải
sử dụng các phương tiện phi quân sự - tất cả các không gian tài chính, pháp lý
và công nghệ - để vượt lên trên Hoa Kỳ.
Hình bìa “Ủnestricted
Warfare”
Mười
bảy năm sau cuốn Siêu hạn chiến, trong bối cảnh không gian kỹ thuật số đã mở rộng,
Kiều Lương mở rộng suy nghĩ này trong cuốn sách Đế Quốc Chi Hồ (帝国之弧)/[Arc
of Empire], xuất bản năm 2016. Trong phần cuối của cuốn sách, Kiều Lương
cung cấp một tóm tắt về chiến lược mà Bắc Kinh có thể áp dụng “để tối đa hóa lợi
ích và giảm thiểu các mối đe dọa” trong thế kỷ 21. Kiều Lương giờ đây coi
chiến tranh thông tin - được tượng trưng bởi sự ra đời của Internet - là không
gian mới đang biến đổi bản chất của chiến tranh, đặc biệt bằng cách thúc đẩy,
thông qua các giao dịch tài chính và các thanh toán bằng các loại tiền tệ thay thế, sự tăng cường các chính
sách chống đồng đô la. Đối với cựu tướng Không quân, Internet, sinh ra ở
Hoa Kỳ, “không còn tuân theo đế chế đã khai sinh ra nó” và được mô tả là “một tổ
chức tự trị tự phát triển, thường xuyên tham gia vào cuộc chiến không
giới hạn chống lại thế giới”. Cuối cùng, Kiều Lương bày tỏ sự xác thực về không
gian kỹ thuật số này: bằng cách tham gia, theo cách diễn đạt của tác giả, vào “sự
phi tập trung hóa thế giới”, Internet sẽ góp phần làm sụp đổ quyền bá chủ tài
chính của Hoa Kỳ và của đồng đô la.
Như
vậy, theo Kiều Lương, khi thế giới không đế chế xuất hiện, cơ hội sẽ dành cho
Trung Quốc - vốn không có đế chế bá quyền vào đầu thời đại Internet – “và những
người bạn” để tận dụng sự phân mảnh này nhằm định hình một thế giới đa cực mà Bắc Kinh muốn thấy
nổi lên trong cái khung của thuyết toàn cầu của họ. Lần đầu tiên chúng tôi dịch
phần kết của cuốn sách sang tiếng Pháp. Những bình luận in nghiêng trong bản dịch
là của chúng tôi.
*************************************
Kiều Lương: Một trăm năm trước
đây, Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra ở Châu Âu, Hoa Kỳ và Châu Âu tranh
giành tư bản và sự hủy diệt của chủ nghĩa tư bản tài chính. Một trăm năm sau,
khi các nước phát triển như Hoa Kỳ và Châu Âu bước vào nền kinh tế ảo, tình
hình đã thay đổi. Cây gậy của vận mệnh quốc gia hiện nằm trong tay các quốc gia
mới nổi.
Về
phần mình, Hoa Kỳ và các nước châu Âu đã chơi trò chơi đấu tranh tư bản trên
quy mô lớn và với tốc độ ngày càng nhanh trong bốn mươi năm qua. Nếu như, ở cuối
thế kỷ 20 “hiệu ứng cánh bướm” chỉ là một cách diễn đạt hoa mỹ thì ngày nay,
khi Internet đã thúc đẩy quá trình vỗ cánh của giới tư bản tài chính, mỗi cú vỗ
cánh của loài bướm này có thể tạo nên một cơn bão làm rung chuyển thế giới. Hoa
Kỳ, một con bướm đế quốc gần như phụ thuộc vào vốn để thở và tồn tại, ngày càng
cần vỗ cánh càng nhanh hơn để tiếp tục tồn tại sau khi thế kỷ mới bắt đầu.
Vì vậy,
cuộc đấu tranh giành tư bản của các nước trên với thế giới ngày càng trở nên
gay gắt hơn. Mặc dù nhìn bề ngoài, thế giới vẫn tiếp tục diễn cũng một vở kịch
cũ của thế kỷ 20: hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác và những cuộc khủng hoảng
nối tiếp nhau. Nhưng người quan sát tinh ý sẽ thấy rằng mỗi cuộc chiến tranh kể
từ sau sự kiện 11/9 - Afghanistan, Iraq, Libya - đều có một mục tiêu duy nhất,
ngay cả khi mỗi cuộc chiến mang một cái tên khác nhau; và mỗi cuộc khủng hoảng
– khủng hoảng nợ bất động sản dưới chuẩn, khủng hoảng nợ châu Âu – đều có một mục
tiêu duy nhất; mỗi cuộc khủng hoảng, mặc dù có những cái tên khác nhau, đều có
một động cơ tương tự: tất cả đều chiến đấu cho cùng một điều. Nếu chúng ta
không thấy điều đó, chúng ta không thể hiểu tại sao có những người thúc đẩy các
cuộc “cách mạng màu” ở Trung Đông và Bắc Phi để làm nổ tung các quốc gia đó.
Chúng ta cũng không thể hiểu tại sao Liên Minh Châu Âu để Putin chiếm lại
Crimée trong cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời khiến dòng vốn hàng nghìn tỷ
đô la bị rút khỏi châu Âu? Chúng ta cũng không hiểu tại sao OPEC, do Ả Rập
Saudi dẫn đầu, đang cố gắng hết sức để tăng sản lượng và hạ giá dầu, điều buộc
Nga phải chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo. Chúng ta không thể hiểu làm thế nào
các cuộc tấn công khủng bố ở Paris lại liên quan đến việc tăng lãi suất đồng đô
la, và tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga một cách khó tin
khi Hollande (tổng thống Pháp – ND) lại định chiến đấu bên cạnh Putin. Đằng sau
tất cả những điều này, luôn có một bàn tay vô hình, mà các đầu ngón tay luôn chỉ
về một hướng: tư bản!
Hoa Kỳ, một con bướm đế quốc phụ thuộc vào vốn để thở và tồn tại, ngày
càng cần phải vỗ cánh càng nhanh hơn để tiếp tục tồn tại sau khi thế kỷ mới bắt
đầu.
KIỀU LƯƠNG
Từ
những năm 1970, Hoa Kỳ đã chủ động nâng cuộc đấu tranh giành tài nguyên lên mức
độ tranh giành vốn, và dần tạo thành định kiến “ai kiểm soát tư bản sẽ kiểm
soát thế giới”, đưa thế giới vào chủ nghĩa tư bản tài chính, thời đại quan điểm
“vốn là vua” đã kéo dài gần nửa thế kỷ cho đến nay. Kỷ nguyên “tư bản là vua” đến
nay đã kéo dài gần nửa thế kỷ. Trong phần lớn thời kỳ này, Hoa Kỳ đã sử dụng nền
kinh tế tài chính để biến nền kinh tế thực trở thành nô lệ của chính họ và khiến
cả thế giới phải cúi đầu trước đồng đô la Mỹ, Hoa Kỳ là nước duy nhất dẫn đầu
vũ điệu trong nền kinh tế tài chính. Ngay cả trong Chiến
tranh Lạnh với Liên Xô, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục ca ngợi quyền bá chủ tiền tệ không bị thách thức, điều này giúp quốc
gia này có thể chiếm đoạt vốn toàn cầu và tận hưởng thú vui đổi tiền giấy lấy của
cải vật chất cho đến năm 1999, khi đồng euro xuất hiện. Điều này có nghĩa là
càng nhiều vốn được tạo ra một cách giả tạo hơn đã tham gia vào trò chơi chia sẻ
các tài nguyên và các của cải hạn chế của hành tinh.
Đặc biệt là quyền bá chủ của đồng
đô la được Kiều Lương mô tả ở đây liên quan đến các biện pháp trừng phạt tài
chính, vốn là một yếu tố chính trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và đã kích
động cả đồng minh lẫn đối thủ của mình áp dụng các chính sách chống đồng đô la.
Tuy nhiên, những biện pháp mà các quốc gia này đã thực hiện cho đến nay không
gây ra mối đe dọa đáng kể nào cho sự thống trị toàn cầu của đồng đô la.
Cái
giá phải trả là: càng nhiều quốc gia bị gạt ra bên lề và bị chia thành mảnh,
càng nhiều tài nguyên và năng lượng bị chiếm đoạt cho việc tạo ra tín dụng
không giới hạn, càng nhiều môi trường tự nhiên bị phá hủy hơn và càng nhiều người
tị nạn được tạo ra và tràn ngập, như những con châu chấu, sang các nước phát
triển đã từng đẩy họ vào thảm họa, để những
thủ phạm của những hành vi này phải gánh chịu hậu quả. Thật không may, khi đối
mặt với thực tế tàn khốc này, những người đã tạo ra thảm họa vẫn bị ám ảnh bởi
cuộc đấu tranh giành vốn. Khi sự đổ xô (của người di dân) tăng lên, khủng hoảng
cũng tự nhiên tăng lên. Khoảng cách giữa một làn sóng khủng hoảng và làn sóng
tiếp theo bắt đầu thu hẹp lại, tần suất lớn hơn và khả năng xảy ra xung đột giữa
các đối thủ cũng tăng lên.
Lính
Trung Quốc luyện tập các kỹ thuật cứu hộ trong một vùng tuyết phủ của dãy núi
Thiên Sơn (21/12/2006, Tân Cương, Trung Quốc) © Li Xiang/ChinaFotoPress/Sipa
Press |
Điều
thậm chí còn bi thảm hơn là tất cả mọi người tham gia vào trò chơi không nghĩ rằng
họ đang chơi một trò chơi khác với một trò chơi kim tự tháp Ponzi được khuếch đại.
Tất cả các kim tự tháp Ponzi, bất kể kích thước của chúng, đều kết thúc bằng sự
sụp đổ không thể tránh khỏi của trung tâm khi phạm vi tiếp cận không còn có thể
được mở rộng và không còn lợi ích ngoại vi nào để được dồn về trung tâm. Phố
Wall không tin, Cục dự trữ liên bang không tin, giới cầm quyền Hoa Kỳ cũng
không tin, giống như những hành khách trên con tàu Titanic, vào lúc mà chiếc
tàu đụng vào tảng băng trôi, cũng từng không còn tin nữa.
Kim tự tháp Ponzi là một trò
chơi tài chính gian lận bao hàm việc chi trả các khoản đầu tư của khách hàng chủ
yếu với tiền lấy từ đóng góp của những người mới bắt đầu tham gia. Nếu hành vi
lừa dối không được phát hiện kịp thời, kim tự tháp sẽ sụp đổ khi tiền đóng góp
của những người mới tham gia không còn đủ để trang trải các khoản thanh toán
cho khách hàng.
Nhưng
rốt cuộc, thời điểm này sẽ đến. Kim tự tháp sụp đổ sẽ là sự đảo ngược của điều
xảy ra cách đây một trăm năm trước, khi tất cả các đế chế sụp đổ trong Thế chiến
thứ nhất và khi một thế kỷ của chủ nghĩa tư bản sôi động nổi lên
sau lưng các đế chế này. Lần này, với sự sụp đổ của đế chế cuối cùng, sẽ là
hoàng hôn của chủ nghĩa tư bản. Bởi vì chính Hoa Kỳ, đế chế tài chính đã đẩy chủ
nghĩa tư bản đến tột đỉnh của nó, đã vắt kiệt sức lực của chủ nghĩa tư bản
thông qua trò chơi tư bản. Không ai - kể cả người Mỹ - nhận ra rằng chính sự
tham lam vô độ đối với sự giàu có, sự tiêu thụ vô độ các tài nguyên và sự nhiệt
tình vô bờ bến đối với sự đổi mới sáng tạo của Mỹ đã dẫn đến những thay đổi sâu
sắc trong lịch sử và trong thời đại.
Điều bất ngờ nhất trong những thay đổi này là sự suy tàn của Hoa Kỳ. Lý
do có thể rất phức tạp và rất đơn giản: Người Mỹ đã phát minh ra Internet và
mang nó đến toàn thế giới.
KIỀU
LƯƠNG
Điều
bất ngờ nhất trong những thay đổi này là sự suy tàn của Hoa Kỳ. Lý do có thể rất
phức tạp và rất đơn giản: Người Mỹ đã phát minh ra Internet và mang nó ra toàn
thế giới. Sự lan rộng của Internet đã cơ bản biến đổi thế giới, bao gồm cả Hoa
Kỳ. Tôi đã nói chuyện với các học giả Mỹ và nói với họ: “Các bạn nghĩ rằng
Trung Quốc là đối thủ lớn nhất của Mỹ, nhưng các bạn đã nhầm. Thách thức thực sự
đối với tương lai của Hoa Kỳ, đặc biệt là đối với vị thế toàn cầu của Hoa Kỳ,
chính là Hoa Kỳ, chính là các bạn. Chính sự đổi mới của Mỹ đã
đưa nước này vào con đường suy tàn. Người Mỹ luôn tự hào tuyên bố: “Mỹ là nước
đổi mới hàng đầu thế giới”. Đúng là Mỹ dẫn đầu thế giới về lĩnh vực sáng tạo
khoa học công nghệ, là Mỹ chi phối đời sống kinh tế con người. Nhưng ai có thể
nghĩ rằng sự sáng tạo tuyệt vời nhất trong những sáng tạo tất yếu sẽ dẫn đến sự
suy tàn của Hoa Kỳ? Bởi vì trong tất cả những sự sáng tạo mà Hoa Kỳ tự hào,
quan trọng nhất là Internet.
Theo Kiều Lương, Internet, được
phát minh ở Hoa Kỳ, “không còn tuân theo đế chế đã khai sinh ra nó” và được mô
tả là “một tổ
chức tự trị tự phát triển và thường xuyên tham gia vào một cuộc
chiến không giới hạn chống lại thế giới”. Theo cách nói của tác giả, bằng sự
phi trung tâm hóa thế giới, Internet khiến “đế chế Mỹ” không thể được duy trì,
và cuối cùng sẽ khiến nó “suy tàn và sụp đổ”.
Cho
đến nay, kể từ khi ra đời, Internet đã đóng vai trò là hệ số nhân bội hiệu quả
cho sản xuất công nghiệp, đời sống kinh tế và chuyển đổi quân sự. Nhưng khi
Internet vươn ra toàn cầu, mọi thứ sẽ thay đổi mà không thể đảo ngược. Thật vậy,
Internet sẽ bộc lộ đặc tính thiết yếu quan trọng nhất của nó: tính phi tập
trung. Tại sao “sự phi tập trung” dẫn đến sự suy tàn của Hoa Kỳ? Bởi vì “sự phi
tập trung hóa” sẽ giải cấu trúc quyền lực. Khi Internet trở nên cực kỳ phổ biến,
xu hướng “phi tập trung hóa” và “đa trung tâm” sẽ xuất hiện mà không được ai
mong muốn.
Chính
xu hướng này sẽ tạo ra mô hình đa cực mà tất cả các quốc gia trên thế giới ngày
nay, ngoại trừ Hoa Kỳ, theo đuổi, và do đó cuối cùng sẽ phá vỡ quyền bá chủ của
Hoa Kỳ. Rõ ràng là Hoa Kỳ vẫn chưa nhận thức sâu sắc về điều này, mặc dù họ đã
lo sợ về sự suy tàn sớm hay muộn của chính mình. Dưới ảnh hưởng của nỗi sợ hãi
này, thay vì suy nghĩ một cách hợp lý về cách ứng phó với xu hướng “phi tập
trung hoá” do Internet gây ra và thích ứng một cách hiệu quả, Hoa Kỳ lại có ý định
lặp lại sai lầm của tất cả các đế chế đã sụp đổ trong suốt chiều dài lịch sử: họ
tin rằng bằng cách loại bỏ những kẻ được gọi là những kẻ thách thức, họ có thể
duy trì quyền bá chủ của mình và duy trì thế kỷ 21 như là “thế kỷ của Mỹ”. Rốt
cuộc, một số chính trị gia và phương tiện truyền thông nặng ký của Hoa Kỳ đã lựa
chọn hay chỉ định Trung Quốc như là mục tiêu của sự sai lầm chiến lược nghiêm
trọng này. Đây là một sự chậm trễ khủng khiếp trong sự đăng quang của một kỷ
nguyên vĩ đại. Hậu quả là Hoa Kỳ đang sử dụng sai hướng các nguồn lực chiến lược
ngày càng hạn chế của mình, làm tăng chi phí duy trì quyền bá chủ của chính
mình cho đến khi quyền bá chủ này cạn kiệt.
Đối
với Trung Quốc, đây chắc chắn không phải là điều tốt, nhưng cũng không hẳn là
điều xấu. Như người Trung Quốc hay nói, “không có áp lực nào là quá nhẹ”, và
khi áp lực của Mỹ tạo thành áp lực, nó có thể dẫn đến phản ứng mạnh mẽ của
Trung Quốc, với kết quả là, như các nguyên tắc vật lý cho chúng ta biết, các lực
tác động và phản tác động bằng sẽ nhau. Hãy nghĩ về những gì Alibaba đang mang
đến, một mô hình mới mà người Mỹ có thể nói không phải là riêng của Alibaba,
nhưng đã có từ lâu ở Hoa Kỳ, nhưng tôi có thể nói rằng mô hình này được áp dụng
ở quy mô lớn hơn nhiều ở Trung Quốc. Đây là tương lai, và điều này không còn
lâu nữa sẽ xảy ra. Khi doanh số bán hàng độc quyền của Alibaba nhân dịp lễ
‘11.11’ (ngày đại hạ giá – ND) vượt xa tất cả doanh số bán hàng trực tuyến và của
các cửa hàng của Hoa Kỳ trong Lễ Tạ ơn, câu trả lời cho việc cái gì sẽ làm cho
cán cân nghiêng về phía có lợi cho mình đã rõ ràng. Có thể Alibaba không nhất
thiết phải là công ty cuối cùng sụp đổ, nhưng hiện tại nó đang mở đường cho một
lối sống mới không thể phủ nhận và hy vọng sẽ là một kiểu xã hội mới. Mô hình lợi
nhuận cực kỳ tinh vi mà người Mỹ đã quen thuộc trong các xã hội tư bản chủ
nghĩa dựa vào vốn và đô la để kiếm lợi nhuận, sẽ trở nên lỗi thời.
Ở Trung Quốc, lễ “11.11”, được
tổ chức vào ngày 11 tháng 11, tương đương với ngày Thứ Sáu Đen (Black Friday)
và là ngày thương mại điện tử lớn nhất thế giới.
Trung
Quốc và Hoa Kỳ sẽ quyết định xem ai có thể phá vỡ khuôn mẫu đã có từ hàng nghìn
năm về sự tương đương tiền tệ và ai sẽ là người đầu tiên hiểu được bí mật của
các giao dịch của con người trong tương lai và tạo ra một thang giá trị mới và
một hệ thống tín dụng mới. Thật vậy đó là một khoảnh khắc tuyệt vời. Đối mặt với
thời đại thương mại điện tử trong đó Internet và thương mại điện tử là những đối
tượng đại chúng, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã ở trên cùng một vạch xuất phát, và
trong cuộc đua này, một vấn đề sống còn đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ, bất kể ai
là người lãnh đạo ban đầu, điều quan trọng là ai là người cuối cùng đạt đến
đích.
Tôi khẳng định rằng kẻ thù thực sự của Hoa Kỳ không phải là Trung Quốc,
mà là một mô hình công nghiệp mới và một mô hình thương mại mới sẽ xuất hiện.
KIỀU LƯƠNG
Đây
là lý do tại sao tôi khẳng định rằng kẻ thù thực sự của Hoa Kỳ không phải là Trung
Quốc, mà là một mô hình công nghiệp mới và một mô hình thương mại mới sẽ xuất
hiện. Cả hai mô hình sẽ thay đổi trò chơi tư bản mà người Mỹ đã quen và thậm
chí nghiện. Điều này sẽ vô cùng đau đớn đối với Hoa Kỳ, nhưng hoàn toàn không
phải là gánh nặng đối với Trung Quốc, quốc gia chưa bao giờ nếm trải quyền bá
chủ tiền tệ trên thế giới và chưa hoàn thành quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế
thực sang nền kinh tế tài chính. Thật vậy, nếu chúng ta đi xa hơn và suy đoán,
khi nền kinh tế kỹ thuật số trở nên hoàn toàn phổ biến và các thanh toán điện tử,
sự tiêu dùng bằng thẻ tín dụng và các giao dịch trực tuyến trở thành mô hình
kinh doanh cơ bản của nhân loại, đồng đô la chắc chắn sẽ rút khỏi lĩnh vực trao
đổi và thanh toán và chỉ còn là một thước đo giá trị, một đơn vị đo lường, thậm
chí là một biểu tượng hay một khái niệm, điều đó có nghĩa là người Mỹ sẽ phải từ
bỏ quyền bá chủ của đồng đô la, một cách chủ động hoặc bị động. Vào thời điểm
đó, quyền bá chủ này sẽ không còn tồn tại. Hoa Kỳ còn có thể tiếp tục là một đế
chế khi phải khuất phục trước thế giới không có quyền bá chủ của đồng đô la?
Sự phát triển của nền kinh tế kỹ
thuật số này được Kiều Lương mô tả đặc biệt thông qua sự phát triển trong dài hạn
của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, được thiết kế như một công cụ cạnh tranh với đồng đô la Mỹ. Nền kinh tế kỹ thuật số này thực sự là một dự án
toàn cầu đối với Trung Quốc. Mục tiêu được phô bày của Bắc Kinh là trở thành quốc
gia dẫn đầu trong nền kinh tế kỹ thuật số, về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị
hay nội dung. Lịch trình của kế hoạch này bao gồm việc số hóa Con
đường Tơ lụa Mới.
Chính
trên quan điểm này, theo ý nghĩa này, mà tôi nói: Nước Mỹ sẽ suy tàn. Giống như
cơ hội luôn thuận lợi cho những người có đầu óc được tôi luyện, vận may chỉ thuận
lợi cho những ai có sự chuẩn bị. Sau chu kỳ lịch sử thăng trầm của các cường quốc
đã đi vòng quanh địa cầu từ đông sang tây, có vẻ như đã đến lúc mặt trời lại mọc
ở phương đông. Nhưng sự suy yếu của Hoa Kỳ không nhất thiết có nghĩa là sự trỗi
dậy của Trung Quốc. Bởi vì sự trỗi dậy của một cường quốc theo đúng nghĩa của
thuật ngữ này chắc chắn là sự ra đời của một nền văn minh mới. Không có cường
quốc thế giới nào trong lịch sử không xuất hiện như một mô hình văn minh mới.
Khi nói đến Trung Quốc, bạn có thể ghét Đế quốc Anh, nước mà bạn đã chiến đấu
trong hai cuộc Chiến tranh Nha phiến, và bạn có thể ghét Hoa Kỳ, quốc gia tiếp
tục kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng bạn phải thừa nhận rằng đây thực
sự là những quốc gia đã cung cấp hai mô hình của nền văn minh cho thế giới. Đế
quốc Anh đã cung cấp một nền văn minh thương mại dựa trên Cách mạng Công nghiệp
và người Mỹ đã đi theo con đường của Đế quốc Anh để cuối cùng vượt qua những nước
đã đi trước họ và mang đến cho thế giới một nền văn minh tài chính tích hợp nền
kinh tế toàn cầu. Bạn có thể lập luận rằng những nền văn minh này không chính
nghĩa và tất cả chúng đều có động cơ và xu hướng cướp bóc của cải của các quốc
gia khác. Nhưng dù sao, chúng cũng đã cung cấp cho thế giới một hệ thống hiệu
quả để vận hành trong khuôn khổ nền văn minh của chúng: một hệ thống tín dụng
cho các giao dịch và một hệ thống giá trị để trao đổi. Không cần phải nói, ngày
nay hai hệ thống này đang gặp khó khăn, bằng chứng là cuộc khủng hoảng tài
chính Mỹ và cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, cũng như các cuộc chiến do Mỹ lãnh đạo
ở Afghanistan và Iraq và cuộc chiến do người châu Âu lãnh đạo ở Libya.
Một câu ngạn ngữ cổ của Trung Quốc chỉ dẫn:
“vào mùa đông, hãy tiếp tục hoạt động (tập thể dục) trong thời kỳ lạnh nhất,
vào mùa hè, hãy tiếp tục tập thể dục trong những ngày nóng nhất”. Đây là điều
mà cảnh sát vũ trang của Biệt đội Enshi đã thực hiện bằng cách huấn luyện
trong tuyết. Trung Quốc, tháng 1 năm 2011. © WENN.com |
Tình
hình này đã khiến Trung Quốc, vốn đang ở một bước ngoặt trong lịch sử của mình,
phải tạm dừng và suy nghĩ về tương lai của mình. Hay bạn sẵn sàng cống hiến điều
gì cho thế giới nếu Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc? Theo một nghĩa
nào đó, nếu bạn có thể giải quyết các vấn đề của Trung Quốc, bạn sẽ giải quyết
được các vấn đề của thế giới trong tương lai. Bản chất của tất cả các nền văn
minh, từ thời cổ đại cho đến ngày nay là gì? Hay trung tâm của mỗi nền văn minh
là gì? Đó là sự thiết lập một hệ thống tín dụng do đế chế thống trị trong phạm
vi các biên giới hoặc trong phạm vi ảnh hưởng của đế chế. Nếu chúng ta bỏ qua
thời đại Hy Lạp cổ đại và ảnh hưởng lịch sử của Cơ đốc giáo, nếu chúng ta giới
hạn vào lịch sử hiện đại, chúng ta có thể nói rằng chính Đế quốc Anh đã tạo ra
nền văn minh thương mại. Cụ thể, chính người Anh đã tạo ra hệ thống thương mại
toàn cầu dựa trên nền văn minh công nghiệp. Họ đã thiết lập một bộ luật chơi
cho hệ thống này. Đó là khái niệm đầu tiên về kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và
các giá trị do Adam
Smith xác định.
Ở đây, Kiều Lương đặt nền kinh
tế kỹ thuật số vào trung tâm của nền văn minh. Đối với Đảng, điều này cũng đòi
hỏi phải thiết lập các công cụ kiểm duyệt và kiểm soát diễn ngôn, bao gồm cả Vạn
lý Trường Thành Lửa/Grand Firewall của Trung Quốc, nhưng cũng thông qua các
giao dịch ngân hàng của Alipay hoặc WeChat Pay để có thể lấy được thông tin cá
nhân của người dùng các ứng dụng này.
Hoa
Kỳ, quốc gia đã thừa kế Đế quốc Anh sau khi suy tàn, cũng đã tuân theo cùng một
bộ quy tắc và giá trị do Đế quốc Anh tạo ra. Người Mỹ sau đó đã tiến một bước
dài so với người Anh: họ rời xa nền văn minh thương mại và khởi xướng và đưa thế
giới vào nền văn minh tài chính. Sự khác biệt giữa hai nền văn minh này là
trong khi nền văn minh thương mại đòi hỏi việc sử dụng tiền làm trung gian giữa
hàng hóa và vật thể, thì nền văn minh tài chính tạo ra một phương thức thương mại
mới trong đó tiền giấy thuần túy được trao đổi với hàng hóa vật chất như một loại
hàng hóa đặc biệt. Nền văn minh tài chính này là tín dụng bắt buộc được tạo ra
bởi sức mạnh quốc gia, đặc biệt là sức mạnh quân sự, và tạo thành một hình thức
bá quyền đặc thù của Hoa Kỳ: một hệ thống giá trị tín dụng trong đó đồng đô la
chi phối đời sống kinh tế thế giới.
Văn minh là gì? Đối với cá nhân, văn minh là một lối sống; đối với các
quốc gia, đó là một phương thức sinh tồn. Bằng cách ràng buộc đồng đô la Mỹ với
dầu mỏ, Hoa Kỳ đã thành công trong việc biến quyền in tiền của một quốc gia
thành phương tiện thực tồn cơ bản nhất của quốc gia đó.
KIỀU LƯƠNG
Văn
minh là gì? Đối với cá nhân, văn minh là một lối sống; đối với các quốc gia, đó
là một phương thức sinh tồn. Bằng cách ràng buộc đồng đô la Mỹ với dầu mỏ, Hoa
Kỳ đã thành công trong việc biến quyền in tiền của một quốc gia - tạo ra tín dụng
- phương tiện thực tồn cơ bản nhất của Hoa Kì và đã thu được lợi nhuận từ quyền
đó trong hơn 40 năm. GDP của Hoa Kỳ đạt 7 nghìn tỷ đô la vào khoảng năm 1990 và
chính xác đã tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 20 năm. Ngành công nghiệp thông
tin là nguồn gốc của sự gia tăng này, nhưng đóng góp của nó vào GDP của Mỹ gần
như không quan trọng bằng đóng góp của việc tạo ra đồng đô la. Tác động của đồng
đô la đối với cuộc sống và lịch sử nhân loại vượt xa sự đóng góp của nó vào GDP
của Hoa Kỳ. Tác động này đã làm thay đổi không thể đảo ngược hoạt động đầu tư của
con người, quy mô sản xuất và trao đổi, thậm chí cả cảnh quan thiên nhiên thông
qua việc tạo ra tín dụng gần như không giới hạn, đồng thời cũng làm thay đổi
hoàn toàn quan điểm về sự giàu có, giá trị và thậm chí cả thế giới quan của con
người. Sự thay đổi này sâu sắc, thậm chí đáng sợ đến nỗi ý tưởng khắc phục nó gợi
lên thời tận thế (Armageddon). Nhưng thay đổi là cần thiết, nếu không, nếu
chúng ta cho phép trò chơi tư bản dựa trên việc tạo ra các khoản tín dụng không
giới hạn, tiếp tục diễn ra vô tận và không biên giới, thì một ngày nào đó nhân
loại sẽ phải thực sự đối mặt với ngày tận thế. Mọi thứ chúng ta làm, lao động,
sản xuất, sáng tạo, bất kể bạn ở quốc gia nào hoặc bạn sử dụng thang giá trị
nào, dường như là một loại tiền tệ bá chủ, đều có thể được chuyển đổi thành đô
la Mỹ và được đo lường và định giá theo thang đo cuối cùng của đô la Mỹ. Và việc
đo lường và định giá này là tuyệt vọng, bởi vì việc tạo ra tín dụng bằng đô la,
vốn đã làm quá tải vô cùng niềm tin toàn cầu, sẽ giữ mọi thứ trong chuyển động
vĩnh viễn của sự mất giá liên tục, vô tận. Điều này có nghĩa là những làn sóng
vốn sẽ càng ngày càng dâng cao cho đến khi nhấn chìm cả thế giới. Rõ ràng là
loài người đã đến lúc phải rời bỏ trò chơi vòng tròn này bao gồm việc giết chóc
và tự hủy diệt bản thân bằng tư bản.
Sự thống trị của đồng đô la và
hệ thống tài chính Mỹ là nguồn gốc của sức mạnh của Hoa Kỳ. Hai yếu tố này khiến
những người sử dụng chúng phải phụ thuộc vào áp lực kinh tế từ Hoa Kỳ, nhưng
cũng giải thích sự gia tăng của các chính sách chống đồng đô la mà Kiều Lương
mô tả ở đây.
Điều
này có nghĩa là chúng ta phải tìm và bắt đầu một kiểu cách tồn tại mới. Điều đó
cũng có nghĩa là chúng ta phải tạo ra một nền văn minh mới. Để làm được điều
này, trước tiên chúng ta phải thiết lập một mối quan hệ mới về mặt quốc tế và với
con người, tức là một hệ thống tín dụng mới, trên cơ sở đó có thể phát triển một
thước đo mới về giá trị và tạo ra tín dụng. Về vấn đề này, công nghệ thông tin
không ngừng phát triển, mà Internet là đại diện, cung cấp cho chúng ta những lối
đi và sự hỗ trợ kỹ thuật.
Khi
chúng ta bắt đầu nói về một “thế giới không có ngân hàng”, chẳng phải chúng ta
đang nói về một xã hội trong đó không có tiền, không có tư bản và không có quyền
bá chủ tài chính, không có đế chế tài chính? Tất nhiên, chúng ta còn lâu mới có
thể vẽ ra những đường nét của thế giới ngày mai chỉ bằng cách nghĩ về nó, nhưng
chúng ta phải tưởng tượng ra nó. Không có trí tưởng tượng thì không có tương
lai. Một ngày mai không có trí tưởng tượng sẽ không khác gì ngày hôm qua. Trí
tưởng tượng sẽ cung cấp một thước đo và ngọn hải đăng mới cho sự trỗi dậy của
các quốc gia mới nổi, để chúng ta không còn mù quáng trước thực tế rằng Trung
Quốc có thể đạt được giấc mơ tái sinh nếu chúng ta vượt qua Hoa Kỳ với tất cả
những ưu thế hiện có của nó - GDP, công nghệ, sức mạnh quân sự và quyền lực mềm.
Đây là sự tự mãn không có trí tưởng tượng. Bởi vì ngay cả khi bạn đạt được điều
đó, nó cũng chỉ là một bản sao vô hồn của nước Mỹ ngày nay, chứ không phải là sự
ra đời của một nền văn minh mới. Khi lịch sử cũ đã qua, không thể bắt đầu một lịch
sử mới bằng cách dựng nên một lịch sử giả, nghĩa là Trung Quốc phải chọn con đường
bác bỏ cả các đường lối cũ của mình hiện không còn khả thi và các đường lối cũ
cũng không còn đứng vững nữa của Hoa Kỳ. Nói cách khác, Trung Quốc phải bỏ lại
phía sau mô hình vật chất đã mang lại cho Trung Quốc vinh quang chớp nhoáng
trong ba thập kỷ qua: cổ tức từ sức lao động giá rẻ, “hiệu quả” được tạo ra bởi quyền lực có được từ tô tức của các quan chức và
hiệu ứng giàu ấn tượng do việc sử dụng hệ thống tài chính hiện đại và việc tạo
ra lượng tín dụng khổng lồ. Ngày nay, ba động cơ này, từng hoạt động song song ở
tốc độ cao, đang giảm tốc độ hoặc mất sức, cho thấy đã đến lúc phải thay đổi hướng
đi. Điều này có nghĩa là một hình thức xã hội mới đang xuất hiện, mà chưa từng
có con người nào biết đến trước đây. Đây là cơ hội cho thế giới và cho Trung Quốc.
Trung Quốc phải bỏ lại phía sau mô hình vật chất đã mang lại cho nó
vinh quang chớp nhoáng trong ba mươi năm qua: cổ tức từ sức động giá rẻ, “hiệu
quả” được tạo ra bởi quyền lực có được từ tô tức của các quan chức và hiệu ứng
giàu ấn tượng do việc sử dụng hệ thống tài chính hiện đại và việc tạo ra lượng
tín dụng khổng lồ.
KIỀU
LƯƠNG
Joseph Nye (1937-) |
Ngày
nay, hầu hết các nước lớn đều đang ở trên cùng một vạch xuất phát trước thời đại
xã hội mới đang ló dạng, nhưng chỉ có một nước sẽ là nước đầu tiên rũ bỏ hành
trang lịch sử, thay đổi ý kiến, tìm ra mô hình kinh tế mới và một phương thức
quản trị mới, và trở thành nước lãnh đạo. Nhưng chắc chắn rằng quốc gia này sẽ
không phải là Hoa Kỳ. Vì lá cờ của quốc gia này phải mang dấu ấn của một nền
văn minh mới: chia sẻ quyền lợi và các bên cùng có lợi. Hoa Kỳ, từ lâu đã quen
với trò chơi có tổng bằng không và kẻ thắng thâu tóm tất cả, đã nhận thấy gần
như không thể thay đổi quán tính này. Chẳng phải nước Anh đã mất một thế kỷ để
nhận ra rằng quyền bá chủ không còn hợp thời nữa sao? Hoa Kỳ, quốc gia cũng được
sinh ra từ tâm tính Anglo-Saxon, sẽ không thay đổi nhanh hơn người Anh về vấn đề
này. Hãy nhìn Joseph Nye, nhà tư tưởng vĩ đại nhất của nước Mỹ, luôn cố gắng sử
dụng sức mạnh mềm và sức mạnh thông minh để bảo vệ tổ quốc đang đổ nát của
mình, tin rằng một khu rừng mục nát có thể được hồi sinh thông qua chuyển động
chiến lược và chiến thuật. Đây là một sai lầm đáng kinh ngạc về tính toán và định
hướng chiến lược. Thật vậy, Nye và các đồng nghiệp của ông dường như đã tập
trung hoàn toàn vào mục tiêu sử dụng quyền lực để giữ quyền bá chủ, mà không hiểu
nguồn gốc và sự tiến hóa của quyền lực và sức mạnh. Nói cách khác, Nye và các đồng
nghiệp của ông tập trung quá nhiều vào các chiến lược và chiến thuật sử dụng
quyền lực, trong khi bỏ qua sự cấu tạo và mục đích của chính quyền lực. Không
có quyền lực nào có thể chống lại các nguyên tắc và khuynh hướng cấu thành nó.
Rõ ràng, Nye đã không nhìn thấy bí ẩn của sự phát sinh ra quyền lực - độc quyền
thông tin. Sự ra đời của quyền lực không thể tách rời khỏi sự độc quyền về
thông tin kể từ khi có con người.
Những
người lính nhảy qua những bờ tuyết như một phần của khóa huấn luyện quân sự
mùa đông của họ. Urumqi, Trung Quốc, ngày 7 tháng 12 năm 2006 – © Yang Wanjiang/ChinaFotoPress/Sipa
Press |
Không
có độc quyền thông tin thì không thể tạo ra quyền lực. Điều bí ẩn này đã được Tần
Thủy Hoàng, César, Napoléon và Roosevelt, và thậm chí cả Khổng Tử, hiểu rõ - đó
là lý do tại sao Khổng Tử nói: “Chúng ta có thể làm cho người dân hiểu, chứ
không phải để cho họ biết” - nhưng không phải bởi Nye và các đồng nghiệp của
ông, cũng như không phải bởi các nhà hoạch định chính sách Mỹ ngày nay. Họ
không hiểu làm thế nào mà Internet, thứ mà người Mỹ rất tự hào, lại trở thành sự
kết thúc của độc quyền thông tin và nói rộng ra là sự kết thúc của mọi quyền lực,
kể cả quyền bá chủ. Đây là điều mà người Mỹ hoàn toàn không lường trước được
khi họ phát minh và đưa Internet, các xa lộ thông tin, ra thế giới. Sự độc quyền
hoặc sự tan rã của thông tin quyết định sự bảo tồn hoặc sự chuyển giao quyền lực.
Đây vừa là nguyên tắc, vừa là xu thế. Vì vậy, trong thời đại xã hội có nhiều
thay đổi lớn, việc chuyển giao quyền lực phụ thuộc vào xu hướng chứ không phụ
thuộc vào sự khôn ngoan hay ngu ngốc trong việc sử dụng quyền lực (các chiến lược
và các chiến thuật).
“Nền văn minh nhân loại mới”
này, dựa trên mô hình Trung Quốc mà Kiều Lương gợi lên, là trung tâm của chính
quyền toàn cầu mới mà Trung Quốc ước mong khi đối đầu với Hoa Kỳ, mà Tập muốn
chia sẻ với “các nước chia sẻ những giá trị chung”.
Do
đó, về vấn đề quan trọng là nên theo đuổi một cường quốc thống trị hay một bối
cảnh quốc tế đa cực, Internet, với đặc tính tự nhiên là “sự phi tập trung hóa”,
sẽ kiên quyết đứng về phía thứ hai và thúc đẩy quá trình chuyển giao quyền lực.
Vì quân bài lịch sử đã bị lật, Trung Quốc không nên tranh giành quyền lực với
Hoa Kỳ và cho phép mình vô tình dấn thân vào con đường không thể quay đầu bằng
cách bắt chước các đối thủ của mình. Không, đó không phải là vận mệnh của Trung
Quốc. Trung Quốc xứng đáng có một kết thúc tốt đẹp hơn thế. Trung Quốc nên để
thế giới chia sẻ sự kết thúc tốt đẹp này với mình. Để làm được điều này, trước
tiên Trung Quốc phải thay đổi chính mình. Trên cơ sở đó, Trung Quốc nên thiết lập
mối quan hệ tín dụng và hệ thống tín dụng mà bản thân người Trung Quốc có thể
tôn trọng và thế giới có thể chấp nhận, từ đó tạo ra một siêu lý thuyết và các
siêu giá trị có thể bao trùm tất cả người dân Trung Quốc và thậm chí toàn bộ nền
văn minh nhân loại mới. Đây là một đáp án chân thành đối với xu hướng lịch sử của
xã hội loài người do Internet tạo ra và là sự tán thành xu hướng này. Tất
nhiên, Trung Quốc sẽ không phải là nước duy nhất hướng tới xu hướng này. Nhưng
người chiến thắng cuối cùng phải là người đạt kết quả cao, toàn diện trong loạt
thách thức nói trên, và lời cầu nguyện duy nhất của tôi là ông Trời hãy ưu ái
cho Trung Quốc.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “La guerre hors limites,
un aggionamento”, Le Grand
continent, 3.6.2023
----
Bài có liên quan
·
Sự trỗi dậy về mặt chính
trị của nền Đại Công Nghệ (Big Tech)
Chú thích:
[*] Alexandre Antonio là cộng tác viên của tạp chí Le Grand Continent do
Nhóm Nghiên Cứu Địa chính Trị (Groupe D’Etudes Geopolitiques) xuất bản.
No comments:
Post a Comment