Monday, August 14, 2023

TẠI SAO KINH TẾ TRUNG QUỐC TRÌ TRỆ? (Ngô Nhân Dụng)

 



Tại sao kinh tế Trung Quốc trì trệ?

Ngô Nhân Dụng

12/08/2023

https://www.voatiengviet.com/a/tai-sao-kinh-te-trung-quoc-tri-tre-/7222337.html

 

Tập Cận Bình đã nêu ra những khẩu hiệu chung chung, để không chịu trách nhiệm trước những thất bại; nhưng vẫn can thiệp vào sinh hoạt kinh tế, dù đó là trách nhiệm của vị thủ tướng.

 

https://gdb.voanews.com/10070000-0aff-0242-fc4e-08da5a7be546_w650_r1_s.jpg

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

 

Có một ông khách bên Trung Quốc mua tô mì ăn liền ở xe bán bên đường, nổi giận vì giá đắt quá. “Có thế này mà giá 14 đồng nguyên? Trong đó có cái gì nào?” Người chủ xe nói có một trái trứng và hai lá rau cải. Ông khách hỏi: “Sao bán đắt quá vậy?” Người bán lặng im; nhưng đứa con trai trả lời thay bố: “Không có tiền thì đi chỗ khác!”

 

Ông khách hàng bèn hỏi giá mỗi gói mì bao nhiêu; rồi ông rút tiền trong túi ra mua tất cả những gói mì còn lại, tổng cộng 850 đồng nguyên. Ông vứt những gói mì xuống lề đường, đạp chân cho nát! Câu chuyện xảy ra ở tỉnh Sơn Đông, theo báo South China Morning Post (Nam Hoa Tảo Báo) ở Hồng Kông.

 

Tiêu phí gần $120 đô la Mỹ, chỉ cốt hả cơn tức giận; chắc chắn không phải là một hành động kinh tế. Chắc chắn chỉ thiệt, không có lợi. Các lý thuyết gia nói đây là “kinh tế duy ý chí! Ông khách hàng hỏi: “Tôi có quyền đập nát những thứ của tôi hay không?” Hành động của ông ta là để chứng tỏ mình có quyền.

 

Đọc chuyện này, phải nghĩ đến ông Tập Cận Bình. Ông muốn Đảng Cộng sản nắm quyền chỉ huy mọi sinh hoạt trong xã hội. Đó cũng là lý do khiến kinh tế Trung Quốc đang trì trệ.

 

Số hàng xuất cảng đã xuống liên tiếp trong ba tháng, trong Tháng Bảy chỉ còn $281 tỷ đô la, giảm 14,5 phần trăm so với năm ngoái. Chỉ có hàng bán sang nước Nga là tăng được 70%, vì Nga bị các nước Âu, Mỹ cấm vận. Số xuất cảng sang Mỹ giảm nhiều nhất, mất 23.12%, đã xuống liên tục trong 12 tháng. Khách hàng lớn nhất Trung Quốc là các nước trong khối Đông Nam Á, ASEAN, cũng mua ít hơn 21.43% so với năm ngoái; hàng bán qua Âu châu cũng mất 20.62%.

 

Liên hệ đến tình trạng này là số đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc. Các công ty ngoại quốc lập nhà máy sản xuất ở Trung Quốc để bán ra ngoài đã tiên đoán số xuất cảng còn xuống thấp hơn. Trong quý thứ nhì năm nay, đầu tư ngoại quốc đã giảm 80% so với năm ngoái, chỉ còn $4.9 tỷ đô la, thấp kể từ 25 năm qua.

 

Hàng xuất cảng xuống, vì sau khi bệnh dịch Covid đi qua, dân Âu châu và Mỹ không sợ tới chỗ đông người nữa, họ bớt mua hàng hóa để chi vào các dịch vụ. Ngoài ra, nạn lạm phát khiến mọi người mua sắm ít hơn. Vì vậy ngành xuất cảng của các nước Á Đông đều đi xuống suốt năm qua. Trong tháng Bảy, Nam Hàn mất 16.5%, Đài Loan mất 10.4%, Việt Nam giảm bớt 2.1%.

 

Không chỉ có số xuất cảng mà hàng nhập cảng vào Trung Quốc cũng giảm trong 5 tháng liền, mất 12.3% trong tháng Bảy, vì các xí nghiệp bớt mua nguyên liệu về để sản xuất và dân chúng bớt tiêu thụ.

 

Kinh tế Trung Quốc trì trệ không phải chỉ vì các lý do nhất thời như trên mà còn do những nguyên nhân sâu xa hơn. Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia bán giá rẻ hơn, vì lương công nhân vẫn thấp hơn. Sau kinh nghiệm Covid, các nước Âu, Mỹ đi tìm các nguồn cung cấp hàng hóa khác để tránh lệ thuộc vào một nước Trung Hoa. Các công ty Mỹ chuyển cơ xưởng sản xuất về Mexico và các nước châu Mỹ La tinh sẽ bớt phí tổn vì ở gần hơn.

 

Chướng ngại lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc là chính trị. Adam Posen, chủ tịch Peterson Institute, mới viết rằng kinh tế Trung Quốc trì trệ là do chủ trương chỉ huy của đảng Cộng sản, chứ không phải vì bệnh dịch. Trong một bài đăng trên tạp chí Foreign Affairs, Posen nhận xét rằng dưới các chế độ độc tài, nền kinh tế theo một quá trình phát triển quen thuộc, có thể đoán trước được.

 

Lúc đầu, nhờ chính phủ nâng đỡ, các xí nghiệp phát đạt. Sau đó, chính quyền bắt đầu can thiệp, càng ngày càng muốn kiểm soát chặt chẽ hơn. Một hậu quả là tâm lý bất an, vì người dân không thể đoán trước được chính sách của nhà nước sẽ còn thay đổi thế nào. Các xí nghiệp không dám đầu tư nhiều; người tiêu thụ cũng phải lo tiết kiệm, vì ai cũng sợ rủi ro. Tốc độ phát triển sẽ khựng lại. Posen nêu ra các thí dụ ở Nga, Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác.

 

Tại Trung Quốc, chính sách đối phó trước bệnh dịch Covid cực kỳ nghiêm ngặt làm kinh tế ngưng đọng, đồng thời khiến dân chúng nghĩ chính quyền sẽ ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn. Ba mươi năm trước, Đặng Tiểu Bình đã nới lỏng, giúp cho kinh tế phát triển nhanh. Từ khi Tập Cận Bình nắm quyền, hệ thống chỉ huy được phục hồi, lật ngược các chính sách đã thí nghiệm.

 

Giáo sư Barry Naughton, Đại học California ở San Diego, đã xuất bản một cuốn sách về kinh tế Trung Quốc, từ 1978 đến 2020. Ông thấy trong giai đoạn đầu, trước năm 2005, “các kế hoạch và chính sách công nghiệp được đưa ra nhưng đều bị bỏ qua vì thiếu thực tế, không thể thi hành.” Từ năm 2006, đảng Cộng sản giành lại quyền kiểm soát, can thiệp mạnh hơn. Tập Cận Bình muốn ra lệnh rất nhiều dù trong thực tế không đủ sức. Những mục tiêu được ông cổ động, như khuyến khích sinh sản, giảm bớt khí thải công nghiệp, đề ra rồi cũng không thực hiện được.

 

Một thí dụ Naughton nêu ra là khẩu hiệu “Thịnh vượng công cộng” của Tập Cận Bình, nhắm phân bố tài sản đồng đều. Ở các nước tư bản, người ta giảm bớt chênh lệch giàu nghèo bằng hệ thống an sinh xã hội và thuế lũy tiến, người lợi tức càng cao thì đánh thuế càng nặng. Ở Trung Quốc, thuế lợi tức rất thấp, không đụng tới lợi tức vì đầu tư của cá nhân. Năm 2014 đảng Cộng sản nói sẽ cải tổ nhưng vẫn chưa thấy gì.

 

Sau khi Mao Trạch Đông chết, Đặng Tiểu Bình đã thay đổi hệ thống cầm quyền để nội bộ đảng có thể tự kiềm chế: Giới hạn tuổi các lãnh tụ, đặt lệ chức vụ tổng bí thư hay chủ tịch đảng chỉ có hai nhiệm kỳ. Tập Cận Bình đã xóa bỏ cả hai thứ hạn chế đó, sẽ nắm quyền mãi mãi cho đến chết. Ông đã thanh toán các đối thủ trong đảng để một mình nắm toàn quyền, đồng thời củng cố quyền lực của đảng Cộng sản trên toàn thể xã hội; đóng vai một hoàng đế.

 

Tập Cận Bình đã nêu ra những khẩu hiệu chung chung, để không chịu trách nhiệm trước những thất bại; nhưng vẫn can thiệp vào sinh hoạt kinh tế, dù đó là trách nhiệm của vị thủ tướng. Đường lối can thiệp gián tiếp và mơ hồ này khiến cho cả guồng máy nhà nước phải dè dặt hơn, không ai dám tự quyết định. Thủ tướng Lý Cường không có kinh nghiệm nào về kinh tế trước khi được giao cho chức vụ, cho nên càng dè dặt hơn để bảo vệ địa vị của mình.

 

Trong hoàn cảnh đó, dân chúng và giới kinh doanh bắt đầu tập lại thói quen “sùng bái lãnh tụ!” Bắc Kinh mới đưa ra Bản Hướng Dẫn Kinh tế gồm 31 điểm, phần lớn mọi người đã biết rồi; trong đó kêu gọi các doanh nhân phải “yêu nước,” theo đúng đường lối của Đảng, đề cao mục tiêu nâng cao số đảng viên trong các xí nghiệp.

 

Nhưng các nhà đại tư bản trong nước đã đua nhau ca ngợi. Pony Ma, chủ tịch công ty Tencent viết: “Trung ương Đảng rất coi trọng lãnh vực tư và các công ty tư và ‘coi chúng tôi như một phần của Đảng’,” lập lại lời Tập Cận Bình. Ông hứa sẽ “chấp nhận vai trò của mình như là một ‘sợi dây nối,’ một ‘dụng cụ’ một ‘phụ tá’ của Đảng.”

 

Li Shufu, người sáng lập công ty Geely, một công ty xe hơi lớn ngang hàng với General Motor, trụ sở tại Triết Giang, tuyên bố, “Với tư cách doanh nhân, chúng ta phải củng cố niềm tin và thi hành các chính sách” của Đảng. Ông lập lại tên các chính sách như “Chiến lược Bát Bát,” Tinh thần Tứ Thiên,” vân vân, đều do Tập Cận Bình nêu lên khi cầm đầu tỉnh Triết Giang.

 

Lai Meisong, chủ tịch công ty ZTO được ghi danh trên thị trường chứng khoán New York, nói, “cảm thấy hưng phấn và ấm áp” khi đọc 31 điều hướng dẫn. Một luật sư ở Hồng Kông ví những lời tán tụng trên như lời đồng thanh tung hô, “Quần áo của hoàng đế đẹp tuyệt vời!”

 

Tất cả cho thấy cả nền kinh tế Trung Quốc tùy thuộc một cá nhân; trước những sự kiện khách quan không ai chối cãi được: Dân số và lực lượng lao động của nước Trung Quốc đã bắt đầu giảm; chi phí lương bổng lên cao hơn nhiều nước Á châu khác; tỷ lệ phát triển đang giảm dần; giới tiêu thụ và các xí nghiệp đang lo giữ tiền mặt thay vì chi tiêu hoặc đầu tư.

 

Uy quyền của Tập Cận Bình càng lên cao thì sức phát triển kinh tế càng xuống, Adam Posen nhận xét chỉ có một cách chữa để thoát ra khỏi tình trạng hao mòn này là “bảo đảm cho người dân Trung Hoa bình thường và các xí nghiệp biết rằng chính quyền sẽ tự hạn chế, bớt can thiệp vào đời sống kinh tế.” Nhưng ông cũng thấy điều này Tập Cận Bình không bao giờ làm.

 





No comments: