Sau
Biden, liệu tổng thống Nga có đến thăm Việt Nam ?
Minh Anh - RFI
Đăng ngày: 14/08/2023 - 14:13
Tổng thống
Mỹ Joe Biden đã cho biết sẽ đến thăm Hà Nội trong tháng Chín tới đây. Tổng thống
Nga Vladimir Putin rất có thể sẽ là người kế tiếp. Tuy nhiên, trên trang mạng
Fullcrum ngày 14/08/2023, chuyên gia Ian Storey (*) tại Singapore đã đánh cược
rằng ý định ông Putin đến thăm Việt Nam lại là điều Hà Nội không mong muốn, chí
ít là vào lúc này.
Ảnh tư liệu : Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) và đồng nhiệm Nga Vladimir
Putin gặp nhau tại 'Villa la Grange', Genève, Thụy Sỹ, ngày 16/06/2021. AP
- Patrick Semansky
Nếu như tin đồn ở Hà Nội là chính xác, thì tổng
thống Nga Vladimir Putin cũng bày tỏ mong muốn đến thăm Việt Nam vào cuối năm
nay. Một mặt, các chuyến thăm của hai ông Biden và Putin sẽ là dịp để Hà Nội thể
hiện chính sách đối ngoại cân bằng trước các cường quốc lớn. Nhưng mặt khác,
vào lúc cuộc chiến giữa Nga và Ukraina đang diễn ra ác liệt, Việt Nam sẽ phải
xem xét mục tiêu mà chuyến thăm của ông Putin muốn đưa ra cho phần còn lại của
thế giới, đặc biệt là phương Tây.
Theo suy luận của Ian Storey, nếu nguyên thủ
Nga có đến thăm Việt Nam, thì có nhiều khả năng ông Putin sẽ thực hiện chuyến
đi sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Vành đai và Con đường (BRI) tại Trung
Quốc vào tháng Mười tới đây. Điều này sẽ có một ý nghĩa lớn cho Nga vì hai lý
do.
Thứ nhất, Nga có thể nói rằng phương Tây đã thất
bại trong nỗ lực cô lập Nga trên trường quốc tế. Thứ hai, Matxcơva vẫn có thể
khẳng định là chính sách « xoay trục sang phía Đông » của
điện Kremlin, công bố hồi năm 2011 vẫn đi đúng hướng. Điều quan trọng là chính
sách này không chỉ hướng về Trung Quốc mà cả vùng Đông Nam Á.
Quan trọng hơn là cả Việt Nam và Trung Quốc đều
không phải là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), định chế đã ban hành
lệnh bắt giữ nhắm vào nguyên thủ Nga với cáo buộc ông đã phạm tội ác chiến
tranh.
Liệu giới lãnh đạo Việt Nam có sẽ hoan nghênh
chuyến thăm của ông Putin vào thời điểm gia tăng căng thẳng giữa Nga và phương
Tây hay không ? Đối với chuyên gia Storey, đây thật sự là một bài toán hóc
búa cho các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Hà Nội.
Nga – đồng minh thân thiết nhưng « vướng
víu »
Người ta không thể quên vai trò quyết định của
Liên Xô trong cuộc chiến chống Mỹ của Việt Nam, giành thắng lợi năm 1975. Liên
Xô cũng là một trong số ít bạn bè quốc tế của Việt Nam trong 10 năm chiếm đóng
Cam Bốt trong những năm 1980. Người Việt Nam cũng chưa quên món nợ danh dự mà họ
nợ Matxcơva.
Bản thân ông Putin cũng rất nổi tiếng ở Việt
Nam : Trong một thăm dò của Viện Gallup năm 2017, 89% số người Việt được hỏi
cho biết có thiện cảm với chủ nhân điện Kremlin, cao hơn 10 điểm so với ở Nga.
Một phần vì lý do hình ảnh « strongman » của ông
Putin. Nhưng trên thực tế, tổng thống Nga là vị lãnh đạo được cho là đã làm hồi
sinh quan hệ Việt – Nga từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2000.
Giờ đây, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và
phương Tây vì cuộc chiến Ukraina, các nhà lãnh đạo Việt Nam buộc phải có những
cân nhắc trong mối quan hệ Nga – Việt. Dù vẫn biết ơn sự hỗ trợ của Nga, từ khi
chiến tranh bùng nổ, Việt Nam vẫn giữ thế trung lập như bỏ phiếu trắng trong
các cuộc bỏ phiếu có liên quan đến Ukraina tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
Theo đánh giá của Ian Storey, Việt Nam sẽ
không hy sinh lợi ích quốc gia của mình cho Nga. Tỷ trọng trao đổi thương mại
giữa Nga và Việt Nam là rất nhỏ, trong khi thị trường xuất khẩu quan trọng nhất
của Việt Nam là Hoa Kỳ và châu Âu. Hà Nội có nhiều rủi ro đánh mất thiện cảm với
Washington hay Bruxelles nếu trải thảm đỏ đón ông Putin.
Thế khó xử này của Hà Nội còn được thấy rõ qua
việc ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đột ngột hủy chuyến thăm Hà Nội sau chuyến
công du Việt Nam của người đồng cấp Nga Serguei Lavrov tháng 07/2022. Và nhất
là truyền thông Việt Nam chỉ loan báo chuyến thăm Hà Nội của cựu tổng thống Nga
Dmitry Medvedev tháng 05/2023 sau khi ông đã về nước.
Nhà nghiên cứu Storey kết luận : Tổng thống
Mỹ có thể sẽ không đồng ý đến thăm Việt Nam nếu chuyến đi của ông Putin diễn ra
sau đó.
------------
Ghi chú : (*) Ian Storey là chuyên gia về an ninh Đông Nam Á, chuyên
nghiên cứu về các tranh chấp Biển Đông, Viện ISEAS – Yusof Ishak Institute, trụ
sở tại Singapore.
No comments:
Post a Comment