Chuyên
gia Pháp: Nền kinh tế Trung Quốc đang có biến động lớn
Phan Minh - RFI
Đăng ngày: 14/08/2023 - 10:38
Nền kinh tế
Trung Quốc đang vấp phải nhiều khó khăn trong thời gian gần đây. Tuần báo Pháp
L’Express hôm 09/08/2023 đăng bài phỏng vấn chuyên gia Philippe Aguignier nhận
định về đường hướng mà Bắc Kinh có thể sẽ áp dụng trong thời gian tới để tìm ra
những biện pháp phục hồi nền kinh tế. RFI xin giới thiệu.
Ảnh minh họa : Quốc kỳ Trung Quốc trong Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc
(Canton Fair) ở Quảng Châu, ngày 16/04/2018. © REUTERS - Tyrone Siu
Từ vài tháng qua, Trung
Quốc liên tục cho thấy những tín hiệu đáng lo ngại. Vào tháng 7, Cục Thống kê Quốc gia (BNS) đã công bố chỉ số giá tiêu
dùng giảm 0,3% trong một năm, trong khi chỉ số giá sản xuất giảm 4,4%. Đối với
chỉ số giá sản xuất, đây là một cải thiện nhỏ so với tháng 6. Điều này cho thấy
những khó khăn mà Trung Quốc đang tích lũy kể từ khi phục hồi vào đầu năm, sau
khi Bắc Kinh chấm dứt chính sách « zero-Covid ». Thông
qua những dữ liệu này, giảng viên kinh tế Trung Quốc tại Viện Ngôn ngữ và Văn
minh Phương Đông (Inalco) và chuyên gia về châu Á tại Viện Montaigne, Philippe
Aguignier cho biết đây là một minh họa mới về những vấn đề mang tính cấu trúc
trong nền kinh tế của Trung Quốc.
.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 giảm làm dấy lên bóng
ma giảm phát tại Trung Quốc. Tình trạng này được giải thích như thế nào ?
Philippe Aguignier : Chỉ số giá tiêu dùng không phải là chỉ số duy nhất bị âm so với
năm ngoái. Chỉ số giá sản xuất cũng vậy. Mặc dù những tín hiệu này rất đáng ngại,
nhưng chúng ta cũng không nên phóng đại mọi chuyện. Không có hiện tượng giảm
phát tổng thể ở Trung Quốc, và không phải là không có khả năng tình hình sẽ dịu
đi một chút trong những tháng tới. Chỉ có lĩnh vực bất động sản, chiếm từ
20-30% nền kinh tế Trung Quốc, dường như đã bước vào vòng xoáy của những « dự
báo tự hoàn thành » với các quyết định mua và đầu tư bị trì hoãn,
sau một thời gian đầu tư quá mức được tài trợ bằng những khoản nợ. Tuy nhiên,
những tín hiệu này cho thế giới thấy có một vấn đề thực sự về mặt cơ cấu trong
nền kinh tế Trung Quốc. Nhiều người muốn tin rằng một khi thoát khỏi cơn ác mộng « zero-Covid »,
Trung Quốc sẽ tăng trưởng trở lại. Nhưng đất nước phải đối mặt với nhiều vấn đề,
bao gồm cả hiện tượng về sự suy giảm nhân khẩu học, vốn chỉ mới ở giai đoạn ban
đầu.
.
.
Vậy hiện tượng kinh tế sụt giảm của Trung Quốc có
tiếp tục kéo dài hay không ?
Philippe Aguignier : Chúng ta có thể khẳng định về một sự sụt giảm kéo dài trong một thời
gian, điều này không có gì đáng ngạc nhiên : không nền kinh tế nào có thể duy
trì tốc độ tăng trưởng 9-10% trong dài hạn. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là một nền
kinh tế đang tăng trưởng. Theo tôi, tốc độ tăng trưởng 5% mà các nhà lãnh đạo
công bố cho năm nay vẫn có thể đạt được, sau một năm 2022 thực sự rất yếu.
.
.
Tuy nhiên, khủng hoảng hiện nay có phải là dấu hiệu
cho thấy mô hình Trung Quốc đã lỗi thời ?
Philippe Aguignier : Mô hình kinh tế của Trung Quốc quả thực đã phát huy tác dụng trong một
thời gian rất dài, nhưng đã dẫn đến những phản ứng thái quá và mất cân đối nhất
định. Đất nước đang phải chịu mức nợ cao và chỉ số tiêu dùng nội địa đang ở mức
thấp. Giờ đây, Bắc Kinh cần tiến hành những cải cách cơ bản.
.
.
Chính quyền phản ứng như thế nào trước tình huống
này ?
Philippe Aguignier : Cho đến nay, chính phủ dường như muốn tránh dùng đến « các
biện pháp mặc định » được áp dụng từ trước, bao gồm các kế hoạch
đầu tư lớn – điều này chỉ làm « trì hoãn » các vấn đề.
Các nhà lãnh đạo dường như sẵn sàng chấp nhận rằng nền kinh tế đang có biến động,
và không phải là biến động nhỏ. Họ dường như nhận thức được những vấn đề về bất
động sản, về mức nợ của lĩnh vực này, cũng như mức nợ của các chính quyền địa
phương. Vẫn còn phải xem chính sách này sẽ kéo dài bao lâu và phản ứng dài hạn
sẽ ra sao.
.
.
Liệu gánh nặng nợ có thể trở nên quá tải đối với
Trung Quốc ?
Philippe Aguignier : Tính cả chính phủ trung ương, các tập đoàn và các cá nhân, nợ ở Trung
Quốc tương đương khoảng 300% GDP. Từ quan điểm kinh tế vĩ mô, đất nước vẫn còn
khả năng hành động. Vấn đề nằm ở thành phần và sự phân bổ của những khoản nợ
này : nó tập trung vào những người có ít khả năng trả nợ nhất. Do đó, một phần
doanh nghiệp nhà nước được duy trì hoạt động một cách giả tạo, mặc dù chúng
không mang lại lợi nhuận. Đối với cấp chính quyền địa phương, những khó khăn
đang gia tăng ở một số vùng, đặc biệt là vùng Đông Bắc, một vùng có lịch sử thịnh
vượng, nhưng đang trên đà trở thành một trong những vùng nghèo nhất đất nước.
.
.
Các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc đã chiếm lĩnh
nhiều thị trường, đặc biệt ở châu Âu. Sự sụp đổ của nhu cầu nội địa có khả năng
đẩy nhanh các kế hoạch triển khai ra nước ngoài của các công ty địa phương
không ?
Philippe Aguignier : Vì không có đủ nhu cầu nội địa để hấp thụ nguồn cung, ngành công nghiệp
Trung Quốc sẽ tràn ra thế giới bên ngoài một cách ồ ạt. Hiện tượng này đã được quan
sát thấy trong trường hợp các tấm pin mặt trời. Trung Quốc hiện đang ở trong
tình trạng gần như độc quyền : đã có những « cuộc tắm máu » ở
châu Âu và Hoa Kỳ, nhưng cũng ở Trung Quốc, nơi nhiều công ty đã phá sản. Ngành
công nghiệp xe hơi hoàn toàn có lý do để lo lắng. Châu Âu và ở mức độ thấp hơn
là Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng do nhu cầu từ Trung Quốc giảm và do sự cạnh tranh
ngày càng cao từ các nhà sản xuất Trung Quốc trong một số phân khúc nhất định.
Trong trung hạn, hàng hóa Trung Quốc có thể sẽ tràn ngập thế giới với năng lực
sản xuất chất bán dẫn sử dụng các công nghệ phát triển.
‘
‘
Điều này sẽ mang lại những hậu quả gì đối với phần
còn lại của thế giới ?
Philippe Aguignier : Đối với các nước sản xuất hàng hóa mà Trung Quốc hiển nhiên là một
trong những khách hàng lớn, họ sẽ nhận được ít đơn đặt hàng hơn, nhưng điều đó
không nhất thiết sẽ dẫn đến một sự sụp đổ. Ít đơn đặt hàng chắc chắn sẽ đi kèm
với giá cả bị giảm và các dự án đầu tư có khả năng sẽ bị bỏ dở, mặc dù hiện tượng
này vẫn chưa được kiểm chứng.
.
.
Trung Quốc là nước phát thải khí carbon nhiều nhất
thế giới. Liệu nền kinh tế sụt giảm có ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi sinh
thái của họ hay không ?
Philippe Aguignier : Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo nhận thức được một thực tế là đất nước
đang phải đối mặt với vấn đề hâm nóng toàn cầu. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc thực sự
muốn giảm lượng khí thải carbon, mặc dù tình hình hiện tại có những nghịch lý
nhất định : Bắc Kinh đang đầu tư vào năng lượng tái tạo trong khi tiếp tục tài
trợ cho các nhà máy nhiệt điện than. Nhân chuyến đi của John Kerry tới Bắc Kinh
cách đây vài tuần, chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh với đặc phái viên về khí
hậu Hoa Kỳ rằng không ai có quyền kiểm soát tiến độ trung hòa carbon của Trung
Quốc.
----------------------------
Các nội dung liên quan
Kinh
tế Trung Quốc suy yếu, một mối đe dọa về ngoại giao và địa chính trị ?
No comments:
Post a Comment