Sách
trắng Quốc phòng Nhật Bản và Nikkei nói về bên “quân sự hoá” Biển Đông
RFA
2023.08.24
Một số quan chức cấp cao và học giả
Philippines như Tiến sĩ Jay Batongbacal, giáo sư về an ninh biển và là người đứng
đầu Viện Nghiên cứu Vấn đề Hàng hải và Luật biển tại Đại học Philippines, ông
Antonio Carpio, nguyên Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines và Tiến sĩ Renato
De Castro, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học De La Salle, vào ngày 18/8
cho tờ Inquirer biết rằng vào tháng 7 năm 2023, họ đã bị một số cá nhân không
thể xác minh danh tính tiếp cận qua email và tin nhắn, hứa trả tiền để họ viết
về việc “quân sự hóa Biển Đông” của Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng
Nhật Bản Hamada Yasukazu công bố Sách trắng Quốc phòng 2023 (ảnh minh họa) - Reuters
Tờ Inquirer cũng cho biết hai phóng viên của
báo này, một phóng viên báo địa phương khác và một đài truyền hình cũng đã nhận
được riêng email từ ba cá nhân tuyên bố có quyền “truy cập” vào một văn bản được
cho là “tuyệt mật” của Việt Nam về kế hoạch xây dựng đảo ở Trường Sa.
Tờ Inquirer đã không thực hiện theo đề nghị của
những người đó. Tuy nhiên, trong tháng 7, 2023, ở Philippines, tờ Manila Times
đã đăng liên tiếp hai bài phê phán Việt Nam mới là bên “quân sự hóa” Biển Đông.
Bài báo của họ cũng trích dẫn “văn bản” “tuyệt mật” mà họ cho là của Tư lệnh Hải
quân Việt Nam Trần Thanh Nghiêm. Như RFA đã phối kiểm tính xác thực của văn bản,
tài liệu này có một số dấu hiệu đáng ngờ.
Chỉ sau một ngày khi Inquirer ở Philippines
đăng bài nêu rõ các quan chức, học giả và giới truyền thông Philippines bị ai
đó tiếp cận đề nghị trả tiền để nói Việt Nam mới là bên quân sự hóa và gây bất ổn
trên Biển Đông, một tờ báo Nhật Bản là Nikkei đã
đăng một bài trích dẫn thông tin, lập luận và tài liệu của Manila Times hồi
tháng 7, nói Việt Nam là bên quân sự hoá Biển Đông và gây bất ổn an ninh khu vực.
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở
Trường Đại học Luật Tp. HCM nhận xét rằng việc Nikkei tham gia đưa lại tin của
Manila Times có liên quan đến chiến lược “dư luận chiến” của Trung Quốc. Bài
báo của Nikkei trích dẫn và lặp lại các lập luận có tính “dư luận chiến” kiểu
Trung Quốc mà nhà nghiên cứu Hoàng Việt đã phân tích trong một bài trả lời phỏng vấn RFA hôm
8/8/2023.
Cuối tháng 7, vào dịp tờ Manila Times ở
Philippines đang nói về việc Việt Nam là bên quân sự hoá Biển Đông, ngày
28/7/2023, Nhật Bản đã công bố Sách trắng Quốc phòng 2023, trong đó coi việc Trung
Quốc quân sự hóa Biển Đông, Nga xâm lược Ukraine và Bắc Triều Tiên phóng tên lửa
là ba mối nguy cho an ninh thế giới.
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng Trung Quốc
có lẽ đã biết trước tinh thần của Sách trắng Quốc phòng 2023 của Nhật Bản, nghị
quyết của Thượng viện Philippines ngày 1 tháng 8 phê phán Trung Quốc về những
hành xử của họ trên Biển Đông cũng như kế hoạch tiếp tế cho lực lượng đồn trú
trên Bãi Cỏ Mây, nên họ đã chuẩn bị trước một chiến dịch “dư luận chiến” để cố
gắng đánh lạc hướng công luận quốc tế. Phương pháp của Trung Quốc là kết hợp
thông tin thật và giả để đánh lạc hướng công chúng.
Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản 2023 nói gì?
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Hamada Yasukazu
trong lời nói đầu của Sách
trắng Quốc phòng nước này năm 2023 đã viết:
“Thế giới đang ở ngã ba đường của lịch sử. Cộng đồng
quốc tế đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến
thứ Hai và đang bước vào thời kỳ khủng hoảng mới. Việc Nga xâm chiếm Ukraine là
tình huống chưa từng có, khi mà một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an
Liên hợp quốc phớt lờ luật pháp quốc tế, xâm chiếm một quốc gia có chủ quyền và
lặp lại những lời nói và hành động đe dọa vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, Trung Quốc
đang nhanh chóng gia tăng chất lượng và số lượng năng lực quân sự của mình, bao
gồm cả lực lượng hạt nhân và tên lửa, đồng thời đang tiếp tục và tăng cường các
nỗ lực nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở Biển Hoa Đông và Biển
Đông. Triều Tiên đang đạt được tiến bộ nhanh chóng trong việc phát triển hạt
nhân và tên lửa, bao gồm cả việc phóng tên lửa liên tục.”
Như vậy, Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản đã nêu
đích danh Trung Quốc là bên gây căng thẳng ở Biển Đông với các hoạt động quân sự
hoá Trường Sa ở mức độ lớn. Ngược lại, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc
Tan Kefei phản
bác Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản, cho rằng Nhật Bản "cố tình
phóng đại cái gọi là mối đe dọa quân sự của Trung Quốc và bôi nhọ các hoạt động
quốc phòng và quân sự hợp pháp của Trung Quốc." Ông Tan cho rằng Trung Quốc
mới là bên "kiên quyết bảo vệ và xây dựng trật tự hàng hải quốc tế dựa
trên pháp quyền và duy trì lập trường nhất quán và rõ ràng về các vấn đề trên
biển."
Sách trắng Quốc phòng Nhật 2023 đã dành một phần
đáng kể để nói về quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Nhật Bản. Sách
trắng cho biết Nhật Bản đã gửi tàu ghé thăm sau khi Việt Nam khai
trương một cảng quốc tế vào tháng 3 năm 2016 tại Vịnh Cam Ranh. Vào tháng 6 năm
2022, Nhật Bản và Việt Nam đã đồng ý tăng cường đáng kể phạm vi và quy mô hợp
tác quốc phòng hiện có, đồng thời ký một bản ghi nhớ về hỗ trợ hậu cần lẫn
nhau. Tháng 5/2023, Thủ tướng Fumio Kishida đã tổ chức cuộc gặp cấp cao với Thủ
tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thượng đỉnh G7 Hiroshima, hai bên khẳng định
hợp tác về tình hình Biển Đông. Đặc biệt, Nhật Bản và ASEAN tổ chức cơ chế
“Nhóm làm việc của các chuyên gia (EWG)”, bao gồm bảy lĩnh vực là chống khủng bố,
viện trợ nhân đạo/cứu trợ thiên tai, an ninh hàng hải, y tế quốc phòng, PKO
("Peacekeeping Operations," tức "hoạt động gìn giữ hòa
bình",) rà phá bom mìn, mạng internet. Mỗi EWG chia sẻ thông tin, tổ chức
hội thảo và đào tạo chung, và đưa ra các khuyến nghị và nộp báo cáo. Nhật Bản
và Việt Nam là đồng chủ trì Hội nghị chuyên gia PKO lần thứ 4, nhiệm kỳ từ 2021
đến 2024.
Đặc biệt, Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản cũng
nói về việc Việt Nam cải tạo và quân sự hóa một số thực thể ở Trường Sa. Nhưng
tài liệu này nhấn mạnh đó là nơi “Việt Nam có tranh chấp lãnh thổ với
Trung Quốc,” và Việt Nam tiến hành những hoạt động này “trên
những vùng lãnh thổ gần như nằm trong tầm kiểm soát của mình,” và nhấn
mạnh “quy mô cải tạo không lớn như Trung Quốc đã làm trong quá khứ.” Nhận
định này của Bộ Quốc phòng Nhật Bản trái ngược với bài viết của báo Nikkei hôm
18/8/2023.
Về khả năng quan hệ quốc phòng Nhật Bản - Việt
Nam, tháng 7 năm 2020, Reuters đưa
tin Nhật Bản cho Việt Nam vay 348 triệu USD để đóng mới 6 tàu tuần tra biển.
RFA đặt câu hỏi với Giáo sư Sato Yoichiro ở Đại học Ritsumeikan Asia Pacific,
Nhật Bản, rằng vì sao ở Đông Nam Á, Thái Lan là đồng minh chính thức của Hoa Kỳ
nhưng mua tàu ngầm Trung Quốc, còn Việt Nam là nước có cùng ý thức hệ Cộng sản
với Trung Quốc nhưng lại tăng cường mua vũ khí Nhật Bản, Hoa Kỳ và các bên
khác. Ông Sato cho biết ở Thái Lan cũng có khái niệm “ngoại giao cây tre”, cùng
một cách diễn đạt với Việt Nam. Các nước Đông Nam Á trong đó có Thái Lan và Việt
Nam đều cố gắng không trở thành kẻ thù của ai. Nhưng điều làm nên sự khác nhau
giữa cách lựa chọn của Việt Nam và Thái Lan là ở Việt Nam, thái độ đề phòng
Trung Quốc của công chúng rất mạnh. Việt Nam rất lo ngại các động thái quân sự
của Trung Quốc, do đó họ đa dạng hoá các nguồn cung vũ khí từ phương Tây. Còn
việc Thái Lan mua tàu ngầm của Trung Quốc cho thấy dường như họ không lo ngại
Trung Quốc lắm. Đối với Nhật Bản, ông nói nước này đã phát triển những hệ thống
vũ khí mới của mình, trong đó có những hệ thống quan trọng như rada, máy bay
không người lái, hệ thống trinh sát. Tuy nhiên, Nhật Bản ngần ngại chuyển giao
chúng cho nước ngoài vì công chúng Nhật Bản nhìn chung không thích điều
đó.
No comments:
Post a Comment