Monday, August 28, 2023

NHẬT, MỸ, ÚC và PHILIPPINES CÙNG TẬP TRẬN HẢI QUÂN TẠI BIỂN ĐÔNG (Người Việt)

 



Nhật, Mỹ, Úc và Philippines cùng tập trận hải quân tại Biển Đông

Người Việt

August 27, 2023

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/nhat-my-uc-phi-phoi-hop-tap-tran-hai-quan-tai-bien-dong/

 

MANILA, Philippines (NV) – Bốn quốc gia Nhật, Mỹ, Úc và Philippines phối hợp tập trận hải quân tại Biển Đông tuần qua như một dấu hiệu cảnh cáo tham vọng bá quyền của Bắc Kinh.

 

Bộ Quốc Phòng Nhật Bản ra một bản thông cáo báo chí nói rằng bốn quốc gia gồm Nhật, Mỹ, Úc và Philippines đã phối hợp tập trận hải quân ngày Thứ Năm 24 Tháng Tám tuần qua, ngay sau chuyện tàu Hải Cảnh Trung Quốc cản trở chuyến tiếp tế của Philippines cho đơn vị TQLC trấn giữ tại bãi Cỏ Mây.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/08/VN-tau-My-Nhat-Uc-Phi-taptran-BienDong-JMSDF-082423-1536x1023.jpg

Tàu chiến của Nhật, Úc, Mỹ và Philippines tập trận tại Biển Đông ngày 24 Tháng Tám 2023. (Hình: JMSDF)

 

Bất chấp bị các tàu Hải Cảnh và dân quân biển của Trung Quốc cản trở, đe dọa, chiếc tàu tiếp tế của Philippines vẫn tiếp cận được chiếc hải vận hạm han rỉ được Philippines sử dụng từ nhiều năm nay, đánh dấu sự hiện diện của họ tại Ayungin Shoal, quần đảo Trường Sa, vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển (UNCLOS).

 

Trước đó, ngày 5 Tháng Tám, tàu Hải Cảnh Trung Quốc đã xịt vòi rồng, cản trở một chiếc tàu tiếp tế của Philippines, không cho tiếp cận đơn vị TQLC kể trên. Hình ảnh, video clip các cuộc tiếp tế bị cản trở được chính phủ Philippines công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông nhằm phơi bày tính cách ngang ngược của Bắc Kinh.

 

Tên quốc tế là Second Thomas Shoal, Việt Nam gọi là bãi Cỏ Mây, Philippines gọi là Ayungin Shoal, là một rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa mà cả Philippines, Việt Nam, và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền. Nó nằm ở phía Tây và cách khu vực Palawan của Philippines lối 105 hải lý hay 194 km.

 

Cuộc tập trận hải quân của bốn nước nói trên lần này diễn ra với sự tham dự của các tàu mẫu hạm trực thăng thuộc loại yểm trợ các cuộc tấn công đổ bộ bằng đường biển. Trong đó, Nhật đưa tới mẫu hạm trực thăng JS Izumo, khu trục hạm JS Samidare trong khi Úc đưa tới mẫu hạm trực thăng Canberra, khinh hạm Anzac. Philippines chỉ khiêm tốn góp mặt với chiếc tàu đổ bộ Davao Del Sur.

 

Bộ Quốc phòng Nhật nói rằng mục đích của cuộc tập trận là “tăng cường sự hợp tác tiến đến hiện thực hóa một khu vực Ấn độ-Thái Bình dương tự do và rộng mở.” Lời tuyên bố này nhấn mạnh lại những lời tuyên bố trước đây của các giới chức Mỹ cũng như Nhật Bản chống lại các tham vọng bá quyền bành trướng của Trung Quốc ở khu vực.

 

Tháng trước, sau khi có tin về cuộc tập trận bốn bên, Philippines đã vội vàng cải chính là họ không tham dự như vẻ không muốn chọc tức Bắc Kinh. Nhưng khi cuộc tập trận diễn ra thì Philippines đưa tới một tàu, một cách bày tỏ thái độ trước áp lực ngày càng bị Bắc Kinh áp lực tại các khu vực tranh chấp chủ quyền. Tháng Hai năm nay, tàu Hải Cảnh Trung Quốc đã bắn tia laser vào tàu tuần của Philippines ở bãi Cỏ Mây.

 

Theo Bộ Quốc Phòng Nhật, ban đầu Mỹ dự tính đưa tàu mẫu hạm trực thăng USS America tới tham dự tập trận nhưng sau đó lại chỉ đưa tàu tác chiến cận duyên USS Mobile. Khi tàu tiếp tế của Philippines bị nhóm tàu Trung Quốc cản trở, video clip trên một số trang Twitter cho thấy máy bay tuần tra biển P-8A Poseidon của Mỹ bay lượn theo dõi từ trên không.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/08/VN-Uc-My-Phi-taptran-chiem-dao-TedAljibe-AFP-082523-1536x1024.jpg

Lính Úc, Philippines và Mỹ tập trận tái chiếm đảo ngày 25 Tháng Tám 2023 tại một vùng gần Biển Đông.(Hình: Ted Aljibe/AFP/Getty Images)

 

Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Phi Gilberto Teodoro nói rằng máy bay Mỹ “bay tuần tra tự do phi hành hải hành không có sự phối hợp với lực lượng Philippines” được hiểu như hoạt động thường lệ của Hải Quân Mỹ. Tuy nhiên, ông ta lại nói rằng có thể, sự có mặt của máy bay Mỹ có sự phối hợp từ cấp dưới của ông.

 

Một ngày sau cuộc tập trận hải quân bốn bên trên biển, Thủy Quân Lục Chiến Úc và Philippines, với sự hậu thuẫn của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đã “thực tập tái chiếm đảo” sau khi bị lực lượng địch lấn chiếm.

 

Cuộc tập trận này diễn ra tại một khu vực Tây Bắc nước Philippines diện với vùng biển tranh chấp trước sự chứng kiến của Tổng Thống Marcos Jr., và Bộ Trưởng Quốc Phòng Úc Richard Marles. (TN) [kn]

 





No comments: