Monday, August 14, 2023

NGA hay ẤN ĐỘ SẼ CHIẾN THẮNG TRONG CUỘC ĐUA LÊN CỰC NAM CỦA MẶT TRĂNG? (BBC News)

 



Nga hay Ấn Độ sẽ chiến thắng trong cuộc đua lên cực nam của Mặt trăng?

BBC News

13 tháng 8 2023, 13:57 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c99x9jzp48wo

 

Hai phi thuyền do Ấn Độ và Nga chế tạo đang trên hành trình rất nhanh đến Mặt trăng và theo những lộ trình rất khác nhau. Nhưng việc quốc gia nào đáp xuống trước có quan trọng hay không?

 

Hiện nay, một cuộc đua không gian quy mô nhỏ đang diễn ra. Hai phi thuyền, một từ phía Nga, và một từ Ấn Độ, đang hướng đến cực nam của Mặt trăng - nơi chưa có con tàu nào đổ bộ thành công trước đây.

 

Các phi thuyền của Nga và Ấn Độ đều trong hành trình cạnh tranh nhau để tìm nước đóng băng và những loại khoáng chất hữu dụng, có thể bị vùi lấp dưới lớp bụi của Mặt trăng.

 

Xét về thời gian khởi hành của hai phi thuyền thì dự kiến chúng sẽ đến nơi vào cùng một ngày. Không ai lên kế hoạch cho màn phân định thắng thua cuối cùng này, đây chỉ đơn giản là một sự xoay chuyển đầy tò mò của số phận - nhưng lại khiến cả thế giới dõi theo và tự hỏi: Ai sẽ đến đáp xuống đó trước?

 

Trong hàng thập kỷ qua, hiểu biết của chúng ta về chuyện gì xảy ra trong vũ trụ không thể tránh khỏi sự định hình từ cuộc chạy đua vào không gian vào những năm 1960 giữa Mỹ và Liên Xô, theo đó hai cường quốc này đều muốn đưa người lên Mặt trăng.

 

Mặc dù Liên Xô trở thành quốc gia đầu tiên phóng vệ tinh vào quỹ đạo Trái Đất, đưa người vào không gian và hạ cánh một phi thuyền không người lái lên Mặt trăng, thì Mỹ lại giành được giải thưởng lớn nhất khi phi thuyền Apollo 11 đã đưa các phi hành gia đáp xuống bề mặt của hành tinh này.

 

Chuyến thám hiểm của họ được phát sóng trên màn hình tivi trên khắp thế giới và được nối tiếp sau đó là các sứ mệnh Apollo trong những năm tiếp theo, và lần gần nhất là vào năm 1972.

 

Hơn 50 năm sau đó, Mỹ vẫn là quốc gia duy nhất có người đổ bộ lên Mặt trăng.

 

Artemis: Nasa sẵn sàng khởi động kỷ nguyên khám phá Mặt trăng mới

 

 

Hình : https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/f993/live/2e784330-39a3-11ee-bde6-7ffba94c56ae.png

Cơ quan vũ trụ của Ấn Độ công bố những hình ảnh đầu tiên về Mặt trăng được chụp bởi tàu vũ trụ Chandrayaan-3, đã đi vào quỹ đạo Mặt Trăng hôm 5/8.

 

Tàu đổ bộ Chandrayaan-3, được phóng từ Trái Đất vào ngày 14/07, có mang theo những thiết bị khoa học cũng như cỗ xe đổ bộ nhỏ, gồm sáu bánh xe để tiến hành thám hiểm bề mặt Mặt trăng.

 

Con tàu này dự kiến sẽ đổ bộ lên bề mặt vào ngày 23/08, sau khi di chuyển lợi dụng trọng lực xung quanh Trái Đất và đi vào quỹ đạo Mặt trăng trong vài tuần trước khi chuẩn bị đáp.

 

Trong khi đó, tàu đổ bộ của Nga, Luna-25, chỉ được phóng khỏi Trái Đất gần đây, sau 2:00 ngày 11/08, giờ Moscow (23:00 GMT ngày 10/08). Con tàu này có hướng di chuyển trực tiếp hơn và nhanh hơn nhiều đến Mặt trăng, và có thể đáp xuống bề mặt Mặt trăng chỉ 10 ngày sau khi phóng, vào ngày 21/08. Giới chức tại Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) không giấu giếm mong muốn của họ về việc sẽ đáp xuống cực nam của Mặt trăng trước Ấn Độ.

 

Thế nhưng hành trình của Luna-25 có thể mất nhiều thời gian hơn thế, có nghĩa cuối cùng thì tàu Chandrayaan-3 có thể đáp xuống Mặt trăng trước. Sự chậm rãi và vững chắc có thể giúp chiến thắng cuộc đua này.

 

Tuy nhiên, hai sứ mệnh này đã phản ánh mối quan tâm mới đối với trong lĩnh vực thám hiểm không gian. Việc phát hiện một lượng lớn nước đóng băng ở hành tinh gần Trái Đất nhất đã khiến các nhà khoa học phấn khích vì hydro trong nước có thể được trích xuất để làm nhiên liệu cho rocket tại một căn cứ tương lai. Thêm nữa, nước có thể uống được sau khi được xử lý.

 

Cuộc chạy đua giữa Luna-25 và Chandrayaan-3 có thể cho thấy một kỷ nguyên mới về thám hiểm Mặt trăng, theo đó những quốc gia như Mỹ, Israel, và Trung Quốc cũng như các công ty tư nhân, đang nhắm đến việc phóng phi thuyền và những sứ mệnh đưa người lên hành tinh này.

 

Đối với nhiều người, đây chỉ là một cuộc cạnh tranh thân thiện. Tuy vậy, một chương mới trong công cuộc thám hiểm của nhân loại đang gặp rủi ro. Những bước đi nhỏ của những tàu đổ bộ và sứ mệnh đưa người lên Mặt trăng có thể tạo nên những bước nhảy vọt khổng lồ trong việc khám phá hệ Mặt Trời trong những thập niên và thế kỷ tiếp theo.

 

Ai đến đó trước có thể thật sự quan trọng.

 

“Điều này trở thành sự trùng hợp hơn bất kỳ điều gì khác,” Wendy Whitman Cobb, Giáo sư ngành An ninh và Chiến lược từ Đại học Air University thuộc Không quân Hoa Kỳ nói về thời điểm phóng hai sứ mệnh tàu Luna-25 và Chandrayaan-3. “Nhưng là một sự trùng hợp rất thú vị.”

 

Vụ phóng tàu Luna-25 đã bị hoãn liên tục – ban đầu được lên kế hoạch vào năm 2021.

Ấn Độ có được “lợi thế”, bà nhận định bởi vì phi thuyền của họ đã đi vào quỹ đạo của Mặt trăng. Mặc dù vậy, theo bà, thì người Nga có thể cảm thấy áp lực phải đáp xuống trước, nếu xét về lộ trình trực tiếp hơn của họ.

 

Tàu Chandrayaan-3 nặng gấp đôi tàu Luna-25 và cũng được phóng sử dụng rocket yếu hơn nhiều, điều này đồng nghĩa, con tàu này cần phải thiết lập tốc độ bằng cách quay xung quanh quỹ đạo hình elip của Trái Đất nhiều hơn trước khi đi vào quỹ đạo của Mặt trăng.

 

Các cơ quan vận hành hai phi thuyền này sẽ phải tự đảm bảo về khả năng của chúng trước khi tiến hành quy trình hạ cánh. Bất kỳ sự hỏng hóc nào cũng có thể khiến toàn bộ nỗ lực thất bại.

 

Thật sự họ không biết chuyện gì sẽ diễn ra cho đến khi con tàu thăm dò đáp xuống Mặt trăng.

 

Lòng tự hào dân tộc sẽ có thể là một nhân tố trong chuyện đẩy nhanh việc tàu hạ cánh.

 

Nga có thể đang hy vọng chứng minh năng lực không gian vẫn không bị tác động bất chấp việc chương trình không gian của họ đã bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt quốc tế theo sau cuộc chiến tranh Ukraine. “Ngành công nghiệp không gian của họ thật sự, thật sự đang phải chật vật chống đỡ,” Giáo sư Whitman Cobb nói.

 

Thế nhưng đây hầu như không phải là một chạy đua lên Mặt trăng đối với Nga, Stefania Paladini, nhà nghiên cứu ngành công nghệ không gian tại Đại học Queen Margaret University ở Anh Quốc nhận định, bởi vì Liên Xô cũ đã thành công trong việc đưa nhiều tàu thăm dò và thậm chí xe tự hành lên Mặt trăng cách đây 50 năm. Xét theo điều này thì Nga đã chiến thắng cuộc đua này từ lâu trước đó, và rõ ràng để thể hiện sự tôn kính với điều này, cái tên Luna-25 là để nhắc đến sứ mệnh Mặt trăng gần nhất của Nga, Luna 24 vào năm 1976.

 

Tàu Luna 1 của Liên Xô được xem là con tàu thăm dò đầu tiên tiếp cận được Mặt trăng (các nhà quan sát kết luận con tàu đã được thiết kế để đáp xuống hành tinh này nhưng chỉ di chuyển qua 5.995 km trên bề mặt vào năm 1959).

 

Vì sao các cường quốc đua nhau thám hiểm Mặt trăng và vũ trụ năm 2023?

 

 

Hình : https://ichef.bbci.co.uk/news/640/cpsprodpb/fe74/live/42e5fd60-39a5-11ee-bde6-7ffba94c56ae.jpg

Tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ sẽ đến Mặt Trăng như thế nào

 

Trái lại, nếu tàu Chandrayaan-3 đáp xuống như kế hoạch, thì “đây sẽ là lần đầu tiên Ấn Độ thật sự thành công” trong việc “hạ cánh mềm” lên Mặt trăng, nhà nghiên cứu Paladini nói, lưu ý thêm về nỗ lực trước đó của quốc gia này, với tàu đổ bộ Chandrayaan-2 đã gặp thất bại khi động cơ bị hỏng khi đáp xuống bề mặt hồi tháng 9/2019.

 

Ấn Độ về mặt kỹ thuật đã phóng một tàu không gian lên cực nam của Mặt trăng trước sứ mệnh Moon Impact Probe, và phi thuyền này đã đâm vào dãy đất gần hố Shackleton hồi tháng 11/2008, nhưng không đạt đến mức độ hạ cánh mềm và con tàu này không được cho đã tồn tại được khi hạ cánh.

 

Điểm mới mẻ ở đây là các địa điểm hạ cánh theo mục tiêu là ở cực nam của Mặt trăng. Không có con tàu nào từng hạ cánh thành công trước đây ở đó. Tất cả các sứ mệnh Apollo đều di chuyển đến các địa điểm ở xa hơn phía bắc, gần xích đạo của Mặt trăng - một số địa điểm hạ cánh thường có đặc điểm là địa hình tương đối bằng phẳng và nhiều ánh sáng Mặt Trời. Trái lại, ở cực nam Mặt trăng, địa hình thì gập ghềnh hơn, đầy những hố, và ánh sáng Mặt Trời lại chiếu xuống theo góc khó khăn hơn.

 

“Mặt Trời rất thấp ở đường chân trời,” Giáo sư Jack Burns, chuyên về vật lý vũ trụ và khoa học hành tinh từ Đại học Colorado Boulder nói. “Phần đổ bóng rất dài, và Mặt Trăng rất đồng bộ, xét về bề mặt màu xám của mình, và chuyện có thể phân biệt giữa các hố và tảng đá sẽ trở nên đầy thách thức.”

 

Mỹ có mục tiêu phóng một sứ mệnh mang theo phi hành gia, Artemis III lên cực nam Mặt trăng sớm nhất là vào năm 2025, vì vậy việc học từ kinh nghiệm những tàu đổ bộ được điều khiển bằng robot trước thời điểm này là điều được cho rất hữu ích.

 

Thế nhưng những chuyến bay vào không gian mang theo phi hành gia sẽ khó khăn hơn là không có người, theo Giáo sư Whitman Cobb. “Tôi thậm chí không thấy điều này chính xác là tương đồng với nhau,” bà cho biết.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/4e76/live/e9e1f1f0-39a5-11ee-bde6-7ffba94c56ae.jpg

Nga phóng tàu thăm dò Luna 25, sứ mệnh thăm dò Mặt trăng sau 47 năm vào ngày 10/08/2023

 

Điều thật sự quan trọng, xét về tương lai, là ai có thể thiết lập một sự hiện diện bền vững và có giá trị trên Mặt trăng, Giáo sư Vishnu Reddy chuyên về khoa học hành tinh, từ Đại học Arizona lập luận. Ông không đồng ý về việc nói về chủng tộc hoặc sự cạnh tranh giữa các quốc gia và những công ty tư nhân. “Chân thành mà nói, tôi nghĩ đây là một sự đánh lạc hướng,” ông nhận định. ‘Sự cạnh tranh chỉ có mang bạn đến lá cờ. Bạn không thể có sự hiện diện lâu dài, bền vững, xét về mặt chính trị hay cố gắng đánh bại quốc gia này hay quốc gia khác.”

 

Các thiết bị khoa học trên mỗi tàu thăm dò đều tương đối nhỏ, ông cho biết. Xe tự hành được kỳ vọng sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về băng đá trên Mặt trăng, khoáng chất, bầu khí quyển hạn chế của Mặt trăng, vốn đóng vai trò quan trọng trong số những yếu tố khác.

 

Có được một bức tranh rõ ràng hơn về cực nam của Mặt trăng sẽ rất hữu ích, cũng như chứng minh được khả năng đáp xuống an toàn tại một địa điểm đầy khó khăn như vậy.

 

Mặc dù vậy, cũng có một cách khác để định hình các cuộc thăm dò hiện tại lên Mặt trăng, Anu Ojha, Giám đốc bộ phận tham gia quốc tế từ Cơ quan Vũ trụ Anh Quốc, người trước đó cùng tham gia với sứ mệnh Luna-25 trước khi cuộc xâm lược Ukraine nổ ra, dẫn đến việc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ châu Âu cắt đứt hoạt động với Nga.

 

Hãy nghĩ điều này như một “cấu trúc” quốc tế để cạnh tranh lẫn nhau, ông nói. Mỹ, Anh, và Ấn Độ năm trong số 27 quốc gia đã ký Hiệp ước Artemis.

 

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đã cùng hợp tác về một căn cứ tương lai trên Mặt trăng của mình, Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (International Lunar Research Station). Việc xây dựng có thể bắt đầu sớm nhất là vào năm 2016. Luna-25 và Chandrayaan-3 về căn bản là những sự thâm nhập sớm từ hai cường quốc không gian.

 

Và câu hỏi ở đường chân trời Mặt trăng là: chuyện gì tiếp theo? Chuyện gì xảy ra nếu chúng ta thiết lập các căn cứ Mặt trăng và bắt đầu trích xuất nguồn tài nguyên từ Mặt trăng để sử dụng cho các sứ mệnh không gian tương lai?

 

Hiệp ước Không gian Vũ trụ (The Outer Space Treaty) được ký kết vào năm 1967, đã thiết lập nên một thực tế là không quốc gia nào có thể sở hữu Mặt trăng.

 

Tuy nhiên, một hiệp ước sau đó, gọi là Thoả thuận Mặt trăng (Moon Agreement) thì bao gồm định nghĩa kỹ lưỡng hơn là không có quốc gia nào có thể sở hữu nguồn lực trên Mặt trăng, thoả thuận này không bao giờ được các quốc gia quan trọng ký kết, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga.

 

“Nhìn về phía trước, điều này có nghĩa là gì, khi bạn khai thác các nguồn lực? Mọi người đều có tuyên bố bình đẳng như nhau? Giáo sư Burns đặt câu hỏi, đặt vấn đề về những câu hỏi đau đầu về mặt chính trị mà các nhà tiên phong trên Mặt trăng có thể sẽ phải đối mặt.

 

“Chúng tôi không muốn có kết cục một dạng tranh chấp lãnh thổ nào đó trên Mặt Trăng, chuyện đã đủ tệ trên Trái Đất này rồi.”

 

Hiện nay, tàu Luna-25 và Chandrayaan-3 đang bay lặng lẽ trong không gian, chỉ một số ít người chơi tham gia vào hành trình khám phá Mặt trăng và mở rộng khả năng của nhân loại nhằm vươn xa hơn trong hệ Mặt trời vô tận.

 

Hai tàu đổ bộ này chỉ là những con cờ nhỏ trên một bàn cờ lớn.

 

Thế nhưng, mỗi kỳ thủ đều biết rằng, mỗi nước cờ đều quan trọng.

 

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future ngày 11/08.

 

Nasa tìm thấy tín hiệu từ tàu thăm dò Voyager 2 cách Trái Đất đã gần 20 tỷ km

 

-------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

·         

Nasa gửi hai tàu Voyager ra ngoài Hệ Mặt trời để làm gì?

2 tháng 8 năm 2023

·         

Vũ trụ tồn tại vĩnh viễn hay sẽ diệt vong?

12 tháng 3 năm 2020

·         

Vì sao các cường quốc đua nhau thám hiểm Mặt trăng và vũ trụ năm 2023?

26 tháng 12 năm 2022

 

 




No comments: